Thái Nguyên: Đảm bảo cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường đón Tết Nguyên Đán 2022

Để chủ động nguồn lương thực, thực phẩm phục vụ tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn tỉnh dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động các giải pháp bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường.

Nhằm bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm, khai thác nguồn hàng của tỉnh và các địa phương lân cận; triển khai phương án dự trữ hàng hóa bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ Tết, ưu tiên các hàng hóa Việt Nam; tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

 Đơn cử mới đây, Sở Công Thương Thái Nguyên tổ chức chương trình “Kích cầu tiêu dùng nội địa gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong tình hình mới” diễn ra xuyên suốt cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2021.

Chương trình được tổ chức với mục đích thúc đẩy và kích cầu tiêu dùng nội địa, giới thiệu các sản phẩm OCOP của doanh nghiệp địa phương; cung ứng sản phẩm tiêu dùng cho người dân chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán 2022; bên cạnh đó còn góp phần gắn kết giữa hoạt động xúc tiến thương mại với hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ trên địa bàn tỉnh. 

thai nguyen
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Nguyên Phát động chương trình tại điểm cầu xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên 

Bên cạnh đó, thực hiện tốt Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính Phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển hàng hóa, Sở Công Thương Thái Nguyên đã hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn sản xuất; hướng dẫn quy trình vận chuyển, giao nhận hàng hóa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Công Thương Thái Nguyên tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh năm 2021 và chương trình dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai; chủ động xây dựng các phương án hoặc kịp thời đề xuất các giải pháp vận chuyển, điều phối hàng hóa phục vụ nhân dân; bám sát diễn biến thực tế cung - cầu, giá cả hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là các mặt hàng có thể bị mất cân đối cung - cầu do nhu cầu đột biến từ dịch bệnh để kịp thời tham mưu UBND tỉnh, Sở Công Thương có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong bối cảnh dịch bệnh, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, gắn kết thương mại điện tử với loại hình thương mại truyền thống; tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận và sử dụng các hình thức bán hàng trực tuyến để mở rộng thị thường tiêu thụ cho các sản phẩm.

[Quảng cáo]

PV