Tháng 6, triệt phá 5.479 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại

Thông tin trên được Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết tại Báo cáo tình hình công tác tháng 6 năm 2020 của Ban Chỉ đạo 389/TP.

Theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng 6, triển khai nhiệm vụ tháng 7/2020 của Ban Chỉ đạo 389 (BCĐ 389) TP. Hà Nội, vẫn xảy ra tình hình buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, trong tháng 6, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã trủ trì, phối hợp, kiểm tra 685 vụ, xử lý 479 vụ. Phạt hành chính: 4 tỷ 087 triệu đồng, tịch thu, hàng buộc tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng 5 tỷ 710 triệu đồng.

Liên quan tới công tác chống buôn lậu, BCĐ 389 cũng chỉ đạo các phòng ban nghiệp vụ, Công an các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, xác lập ban chuyên án đấu tranh, nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng, nhằm triệt phá các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Đặc biệt, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát môi trường và các phòng nghiệp vụ có liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã trái phép nhằm góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tính riêng trong tháng 6, Công an Thành phố đã khám phá, phát hiện 512 vụ, xử lý: 410 vụ, phạt hành chính: 2 tỷ 830 triệu đồng; truy thu thuế: 100 tỷ 315 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm: 15 tỷ 121 triệu đồng. Khởi tố 09 vụ với 08 đối tượng.

Cùng với đó Cục Hải quan thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, kiểm soát buôn lậu, vận chuyển trái phép các loài động vật hoang dã, sản phẩm từ động vật hoang dã, mặt hàng gỗ quý hiếm, hàng kinh doanh tạm nhập – tái xuất, các mặt hàng thịt đông lạnh, thuốc lá, dược liệu… phát hiện, bắt giữ, xử lý 121 vụ, phạt hành chính: 29 tỷ 225 triệu đồng; truy thu thuế 1 tỷ 37 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm 21 tỷ 292 triệu đồng.

BCĐ 389

Bên cạnh đó, việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, phối hợp giữa các lực lượng, trong tháng 6/2020, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố đã tổ chức thanh kiểm tra 5.479 vụ; xử lý 4.859 vụ. Khởi tố 9 vụ đối với 8 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 347 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 49 vụ; gian lận thương mại 4.463 vụ.

Trong những tháng tiếp theo, BCĐ 389 TP. Hà Nội sẽ ban hành các văn bản, kế hoạch chỉ đạo các sở, ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đặc biệt chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện nghiêm các văn bản của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, UBND Thành phố trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, và Kế hoạch số 35/KH-BCĐ 389/TP ngày 18/02/2020 của BCĐ 389/TP về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đơn vị sẽ tiếp tục làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm bắt tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu, các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), ga đường sắt Yên Viên, ga Gia Lâm, sân bay quốc tế Nội Bài,…các mặt hàng trọng điểm như rượu, bia, thuốc lá, xăng dầu, thuốc tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm tươi sống,…

Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các lực lượng chức năng thuộc Hà Nội, Trung ương và các địa phương khác, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai… thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn kịp thời các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới, cửa khẩu về Hà Nội nhằm tiêu thụ. 

Ngoài ra, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức. Mặt khác, thông qua các vụ việc xử lý để cảnh báo cho người dân biết các phương thức làm ăn phi pháp, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của nhân dân, gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

 

Thúy Phương