Thành phố Hồ Chí Minh đi đầu trong công cuộc điện khí hóa nông thôn

Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh (EVN HCMC) là đơn vị đi đầu trong công cuộc điện khí hóa nông thôn.

Cần Giờ - Huyện cuối cùng của Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) có điện

Trước năm 1975, lưới điện ngoại thành Thành phố vẫn còn nhỏ bé, chưa được phủ rộng, chỉ tập trung chủ yếu xung quanh các khu vực thị trấn và vùng ven  trung tâm, trong đó, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi hoàn toàn không có điện lưới quốc gia. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngành Điện tiếp quản lưới điện Sài Gòn trong bối cảnh đất nước vừa trải qua chiến tranh nên hệ thống nguồn và lưới điện không được chú trọng đầu tư, lưới điện rệu rã, xuống cấp, khu vực ngoại thành thì chưa có điện dẫn đến hàng chục ngàn hộ gia đình ở nông thôn không có điện. Toàn vùng ngoại thành mới chỉ có trên 10% số hộ được dùng điện lưới.

Công nhân ngành Điện TP.HCM thi công công trình đưa điện lưới quốc gia về huyện Cần Giờ -Ảnh tư liệu EVN HCMC

Tuy còn nhiều  khó khăn, nhưng tập thể lãnh đạo và công nhân Sở Điện lực (nay là Tổng công ty Điện lực TP.HCM) đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, không quản ngày đêm để duy trì nguồn điện phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của Thành phố và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, ngành Điện thành phố còn gánh vác nhiệm vụ nặng nề là tiếp tục phát triển lưới điện, trong đó trọng điểm hướng về nông thôn.

Chỉ trong thời gian ngắn, lưới điện đã được mở rộng và phát triển ra ngoại thành nhưng bước đầu còn hạn chế, chỉ mới phục vụ chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp và đáp ứng một phần nhỏ cho nhu cầu sinh hoạt của bà con nông dân. Cũng trong giai đoạn này, với  nỗ lực vượt qua khó khăn, ngành Điện đã có cố gắng tăng cường nguồn điện cho ngoại thành bằng việc tập trung xây dựng và đưa vào vận hành một số trạm trung gian mới như: Trạm Phú Hòa Đông (10 MVA), Hóc Môn (40 MVA), An Nghĩa (2MVA), Bình Triệu (40MVA) và đặc biệt kéo lưới điện quốc gia về cho Cần Giờ, huyện cuối cùng của Thành phố có điện. Theo đó, gần 40% số hộ nông dân được sử dụng điện lưới quốc gia. Giai đoạn này, năng lực phục vụ của lưới điện tăng gấp 3 lần so với thời kỳ 1975.

Công trình thí điểm điện khí hóa xã Trung Lập Thượng, huyện Củ chi -  một trong năm công trình điện khí hóa đầu tiên của cả nước giai đoạn 1990 -1994

Công trình thí điểm điện khí hóa xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi là một bước ngoặt, mở ra một chương mới cho chương trình cải tạo và phát triển lưới điện của TP.HCM và là một bước đột phá thành công của Sở Điện lực TP.HCM. Điện đã góp phần làm thay đổi diện mạo một xã nông thôn vùng sâu, vùng xa của Trung Lập Thượng, từ một xã nghèo, thu nhập đầu người vào loại thấp, chỉ sau 03 năm được điện khí hóa, thu nhập đầu người đã tăng lên, năng lực sản xuất tăng nhiều lần. Bên cạnh đó, người dân đã được sử dụng điện với giá định mức Nhà nước và được sử dụng các tiện nghi sinh hoạt như ở nội thành.

Điện lưới quốc gia đã thay đổi hoàn toàn diện mạo huyện Củ Chi - Ảnh minh họa

Với thành công ngoài mong đợi, Sở Điện lực TP.HCM đã đặt ra cho mình nhiệm vụ cấp thiết đó là phải nhân rộng điện khí hóa nông thôn ra khắp các vùng ngoại thành. Tuy nhiên, bài toán khó lại được đặt ra đó là nguồn vốn. Trước khó khăn này, Sở Điện lực TP.HCM đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng Nhân dân và UBND TP.HCM chủ trương phụ thu tiền điện, dùng nguồn vốn của nhân dân đóng góp cải tạo lưới điện và tái đầu tư lưới điện, kết hợp với nguồn vốn của ngành Điện phủ kín lưới điện cho các xã ngoại thành để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống và dân trí người dân vùng nông thôn ngoại thành. Phương án này đã nhận được sự ủng hộ của các đoàn thể, cơ quan, công luận và các tầng lớp nhân dân Thành phố.

Kết quả, chỉ trong 02 năm 1993-1994, Sở Điện lực Thành phố đã thực hiện thêm 07 công trình điện khí hóa trên địa bàn 06 quận huyện ngoại thành Thành phố với tổng vốn đầu tư đạt 21 tỷ đồng từ nguồn vốn phụ thu tiền điện. Bên cạnh đó, Chương trình hoàn chỉnh lưới điện ngoại thành cũng đã thực hiện được trên 12 xã với tổng kinh phí là 94,8 tỷ đồng. Tính chung đến cuối năm 1994, ngành Điện Thành phố đã hoàn thiện lưới điện 20 xã, với tổng vốn đầu tư là 117,8 tỷ đồng. Qua việc này, Sở Điện lực TP.HCM đã thể hiện ý thức trách nhiệm và vai trò của mình đó là quyết tâm đoàn kết một lòng cùng chung vai gánh vác thực hiện cải tạo và phát triển lưới điện Thành phố.

Xóa điện kế tổng, hoàn thành chương trình điện khí hóa nông thôn TP HCM vào năm 2002

Với những thành công đạt được trong giai đoạn thí điểm điện khí hóa (1990-1994), trong các năm từ 1995 -1997, UBND TP đã tin tưởng tiếp tục giao nhiệm vụ cho ngành Điện Thành phố thực hiện tiếp 60 công trình điện khí hóa và hoàn thiện lưới điện cấp xã với tổng kinh phí đầu tư 325,49 tỷ đồng. Đến năm 2001, toàn Thành phố chỉ còn 818 điện kế tổng với sản lượng chỉ chiếm khoảng 1% so với tổng sản lượng toàn TP.

Quyết tâm đẩy nhanh xóa bán tổng và đưa quản lý bán điện về một phương thức duy nhất là bán điện trực tiếp đến từng hộ dân tiêu thụ, ngành Điện Thành phố đã hoàn tất việc xóa điện kế tổng trong toàn Thành phố vào cuối năm 2002 để thực hiện bán điện trực tiếp đến 18.653 khách hàng. Với kết quả này, Tổng công ty Điện lực TP.HCM là đơn vị hoàn thành sớm nhất chương trình điện khí hóa nông thôn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.