Thay đổi để thích ứng với “bình thường mới”

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm. Dù vậy, các doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm vẫn nỗ lực sản xuất, nắm bắt cơ hội phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu…

Lương thực, thực phẩm là một trong bốn ngành trọng điểm của thành phố, chiếm 13,78% giá trị sản xuất và đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín của Việt Nam đều tập trung chủ yếu ở thành phố và có mức tăng trưởng khá nhanh, bình quân tăng 13,7%/năm trong 5 năm qua.

Trong đó, lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, có thêm nhiều sản phẩm chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Nhiều sản phẩm đã được sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát, diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm đã bị ảnh hưởng nặng nề dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu bị đứt gãy khiến nhiều doanh nghiệp khan hiếm nguyên liệu đầu vào, thiếu hụt lao động để duy trì, vận hành hệ thống dây chuyền sản xuất.

Phó Chủ tịch Hội Lương thực, Thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Đặng Hiến cho biết, kể từ đầu tháng 10, hoạt động của doanh nghiệp trong ngành khởi sắc hơn khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng; sản xuất, kinh doanh từng bước được phục hồi khá tốt trong trạng thái “bình thường mới”. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến thực phẩm tháng 11 tăng 10,7% so với cùng kỳ 2020, dự báo sẽ tăng trưởng khả quan hơn trong thời gian tới.

Hiện, hầu hết doanh nghiệp trong ngành đã và đang nỗ lực chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất dịp cuối năm. Các doanh nghiệp đã sớm dự báo tình hình và chủ động sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu nhằm bảo đảm đủ hàng cho người dân giai đoạn mua sắm cuối năm, kể cả nếu thị trường có những biến động đột biến thì các doanh nghiệp vẫn đáp ứng kịp thời.

Để khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra, giúp doanh nghiệp đổi mới, tái sản xuất trong trạng thái “bình thường mới”, Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, cho biết đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự dịch chuyển từ việc mua hàng trực tiếp sang trực tuyến, góp phần làm cho thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các kênh bán hàng trực tuyến đối với ngành hàng tiêu dùng có mức tăng trưởng lên tới 91% trong năm 2021. Sự dịch chuyển này trong xu hướng tiêu dùng cũng đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 60,6%.

Dịch Covid-19 cũng tác động sâu rộng lên chuỗi cung ứng, khiến các mô hình chuỗi cung ứng truyền thống hiện hữu gặp phải rủi ro, phát sinh nhu cầu phải tính toán thiết kế lại chuỗi. Từ đó, xu hướng về chuỗi cung ứng đa dạng, linh hoạt đang được mở ra để thích nghi với điều kiện mới. Trong bối cảnh này, việc tổ chức sản xuất cũng cần được đổi mới để vừa bảo đảm an toàn phòng dịch, vừa phát triển kinh tế.

Từ những xu hướng trên, doanh nghiệp lương thực, thực phẩm cần chú trọng nghiên cứu sản xuất, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiện lợi với phương thức bán hàng mới, dễ vận chuyển, tối ưu hóa giá trị sử dụng. Đồng thời, chủ động và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, kiểm soát chất lượng từ xa... Tuyển chọn và xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó ưu tiên nhân lực có trình độ, kỹ năng phù hợp thời đại kinh tế số.

Doanh nghiệp cần định hình lại cách đánh giá hiệu quả tài chính dự án đổi mới, lựa chọn chiến lược và triết lý kinh doanh phù hợp với môi trường vĩ mô chung quanh doanh nghiệp và môi trường vi mô nội tại doanh nghiệp, xem đây là chìa khóa giúp doanh nghiệp dễ dàng thích ứng với tình hình mới. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng hệ thống quản lý rủi ro thông minh, dễ hiểu, dễ tiếp cận để có thể dễ dàng ứng phó với các tình huống phát sinh, tránh bị động…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những cơ hội giúp doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh mới hiện nay đến từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), từ sự hỗ trợ của Chính phủ và sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp.

Trong đó, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư và phát triển công nghệ thông minh tối ưu; bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng cả về số lượng và chất lượng; xây dựng doanh nghiệp theo tiêu chuẩn mỗi doanh nghiệp là một tế bào kinh tế thông minh, trách nhiệm, hiệu quả và linh hoạt, đồng thời thiết lập chuỗi, khu vực sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm bền vững...

Đây được xem là các yếu tố quan trọng và động lực để doanh nghiệp lương thực, thực phẩm phục hồi nhanh phát triển sản xuất, kinh doanh trong trạng thái “bình thường mới”...