chuyển đổi số

Những doanh nghiệp tiên phong

Chuyển đổi số có mặt khá phổ biến ở những doanh nghiệp lớn nước ta. Cuối năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Công nghệ CMC xây dựng lộ trình chuyển đổi số toàn diện, gồm ba giai đoạn: xây dựng nền tảng công nghệ và quản trị; khai thác số hoá hiệu quả cho vận hành; quản trị toàn diện bằng dữ liệu.

Việc chuyển đổi số trong vận hành cho phép tạo ra các kênh tương tác mới giữa đại lý và Hoà Phát để tự động hóa quá trình đặt hàng, theo dõi giao nhận hàng hóa tăng trải nghiệm khách hàng.

Với tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Đảng bộ Tập đoàn đã ban hành Chương trình thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến hết năm nay, 100% đơn vị thuộc tập đoàn ứng dụng công nghệ số trong quản trị, thực hiện số hóa 80% cơ sở dữ liệu, các quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất kinh doanh. Đến năm 2025, 70% các nghiệp vụ liên quan đến khách hàng thực hiện trên môi trường số, 100% đơn vị thuộc Tập đoàn ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh.

Đến nay, nhiều đơn vị thuộc Tập đoàn đi đầu trong chuyển đổi số, như Công ty CP Cao su Đà Nẵng. Trong năm qua, Công ty vừa tập trung duy trì các sản phẩm thế mạnh như dòng lốp xe tải, vừa thực hiện từng bước chuyển đổi số ở các khâu quản lý sản phẩm, sau đó hoàn thiện xây dựng văn phòng số, dự kiến đến năm 2025, sẽ số hóa đồng bộ các quy trình quản trị và sản xuất toàn Công ty.

Mới đây, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền - Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, đã bắt tay cùng MISA thực hiện dự án tự động hóa toàn bộ quy trình từ khâu tìm kiếm, tiếp cận đến chăm sóc sau bán; và phục vụ, hỗ trợ kịp thời tất cả khách hàng từ nhà phân phối, đại lý, người nông dân đến các khách vãng lai do marketing mang lại.

Tân Cảng Sài Gòn, doanh nghiệp đứng trong 20 cụm cảng container lớn nhất thế giới, có sản lượng thông qua chiếm 55% thị phần xuất nhập khẩu toàn quốc. Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn khẳng định, một trong những thế mạnh để Tân Cảng Sài Gòn duy trì được vị trí 20 toàn cầu là phát triển mô hình cảng thông minh, kết nối số theo thời gian thực, như điện tử hóa các chứng từ, thanh quyết toán, các thủ tục kết nối với các bên liên quan trong chuỗi cung ứng và tiến tới xây dựng từng phần cảng tự động và kết nối, chia sẻ thông tin với các cảng thành viên trong Hiệp hội cảng biển Đông Nam Á, thành viên trong Mạng lưới các cảng biển châu Á - Thái Bình Dương.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Có thể thấy, những bài toán về công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, sản xuất thông minh phần lớn do các doanh nghiệp lớn đi tiên phong. Còn phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất khó khăn trong chuyển đổi số. Theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, 60,1% doanh nghiệp khó khăn về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ số; 52,3% khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh cũng như thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số; 45,4% thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ số; 40,4% thiếu thông tin về công nghệ số; 38,5% khó khăn trong tích hợp các giải pháp công nghệ số; trên 32% thiếu sự cam kết, hiểu biết của ban lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp...

Chính vì vậy, trong giai đoạn tới, để nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và sản phẩm công nghiệp chủ lực, ngành Công Thương sẽ triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ tập trung theo hướng hỗ trợ, thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất và công nghệ quản trị hiện đại gắn với quá trình chuyển đổi số và phát triển sản xuất thông minh.

Nhằm đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Đề án Hệ sinh thái chuyển đổi số Công Thương, với mục tiêu tạo ra cộng đồng doanh nghiệp; góp phần thay đổi tư duy, nhận thức quản trị của doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số, hướng tới phát triển doanh nghiệp bền vững trên nền tảng số.

Hệ sinh thái chuyển đổi số Công Thương sẽ là kênh kết nối hiệu quả giữa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, giải pháp uy tín về chuyển đổi số với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa ngành Công Thương. Kết nối các nguồn lực xây dựng, đưa vào vận hành thử Hệ sinh thái trong Quý I-II/2023 (dự kiến Hệ sinh thái Chuyển đổi số Công Thương sẽ chính thức ra mắt vào Quý II/2023).