hoi thao

Hội thảo đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp cùng Viện Konrad Andenauer Stiftung Việt Nam tổ chức sáng 10/8 thu hút sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, lãnh đạo một số doanh nghiệp tư nhân trong nhóm VPE500. 

Báo cáo phân tích về phân bố, hoạt động của nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất (VPE500) trên cơ sở so sánh với nhóm còn lại; đánh giá vai trò, hoạt động và sự liên kết của nhóm VPE500 với các doanh nghiệp khác, từ đó để xuất chính sách phát triển VPE500 trong một tông thể chính sách kinh tế đồng bộ và tăng tỉnh lan tỏa của nhóm doanh nghiệp này, góp phần đưa kinh tế tư nhân “thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”.

Quy mô nhỏ, tích lũy ít

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia nhận định: Thực tế phát triển trong thời gian qua cho thấy, mặc dù đã được khẳng định là một khu vực kinh tế quan trọng, các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, tích lũy ít, nền tảng năng suất, khoa học công nghệ cũng như môi trường kinh doanh chưa hoàn thiện. Số lượng doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhanh, nhưng tổng quy mô tăng không tương ứng.

Ngay trong nội bộ khu vực doanh nghiệp tư nhân, thị phần tập trung vào một số doanh nghiệp quy mô lớn, còn lại hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

"Chính vì vậy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong thời gian tới không chỉ là tăng nhanh số lượng doanh nghiệp, mà phải xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp tư nhân lớn, hùng mạnh, đủ năng lực cạnh tranh để vươn ra bên ngoài", TS.Khôi nhấn mạnh. 

Đại diện Nhóm chuyên gia thực hiện Báo cáo, TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo Kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia cho biết: Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) được lựa chọn dựa trên việc xếp hạng theo giá trị trung bình thứ hạng của 3 tiêu chí lao động; tổng tài sản; doanh thu. Đây là điểm mới, khác biệt đối với cách xếp hạng hiện nay của các bảng xếp hạng như VNR500 hay Fortune500.

Tổng quan một số chính sách hiện hành cho thấy từ định hướng, chủ trương đến các cơ chế, chính sách, Việt Nam không có sự phân biệt đối xử, hoặc chính sách riêng đặc thù cho doanh nghiệp lớn, thậm chí có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, doanh nghiệp lớn vẫn có lợi thế trong việc tiếp cận các nguồn lực như đất đai, cơ hội về đầu tư, thị trường, tài chính, và cơ hội cung ứng hàng hoá, dịch vụ… thông qua các ưu đãi thu hút đầu tư, hoặc quy định về điều kiện tham gia đấu thầu, cũng như tiềm lực với các khách hàng xuất khẩu. Những lợi thế này sẽ tạo tiền đề để doanh nghiệp lớn phát triển mạnh hơn.

VPE500 tập trung nhiều nhất ở công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo kết quả nghiên cứu, mặc dù hiện diện ở 57/63 tỉnh thành phố, VPE500 tập trung ở hai trung tâm kinh tế lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Nội (chiếm gần 50% tổng số) và một số địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương, Đồng Nai, Hưng Yên và Ninh Bình.

Nhìn chung, VPE500 đang được hình thành dựa trên các lợi thế hạ tầng, nguồn lực và thị trường của các địa phương. VPE500 phân bố ở hầu hết các ngành kinh tế (18/21 ngành cấp 1). Trong đó, tập trung nhiều nhất ở ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT), thương mại (bán buôn và bán lẻ) và xây dựng.

bieu 2
Đóng góp của VPE500 trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
của khối doanh nghiệp tư nhân

Trong giai đoạn 2016-2020, có tổng cộng 823 doanh nghiệp vào/ra danh mục nhóm 500 doanh nghiệp được lựa chọn hàng năm. Con số này khá lớn khi so với nhóm chỉ số S&P500 với khoảng 800 doanh nghiệp vào/ra trong 30 năm.

Trong đó, 237 doanh nghiệp giữ vị trí ổn định suốt 5 năm, chiếm 47,4% tổng số doanh nghiệp. Khoảng 18-20% số doanh nghiệp có mặt trong VPE500 của năm trước không có mặt trong năm sau đó. Tỷ lệ này tại nhóm Fortune 500 giai đoạn 1955-2014 thấp hơn (12,2%).

Xét theo từng ngành lĩnh vực, nhóm ngành dịch vụ có mức biến động lớn hơn so với nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ lệ rút khỏi danh mục VPE500 của ngành dịch vụ là 38,4%, còn tỷ lệ này tại ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là khoảng 32,8%. Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu chỉ ra là bởi tính ổn định của thị trường hoặc chu kỳ đầu tư dài hơn của lĩnh vực sản xuất so với dịch vụ.

Biến động của VPE500 là khá lớn trong danh mục giữa các năm, theo nhóm nghiên cứu, thời gian và tích lũy là hai yếu tố khá quan trọng trong định hình VPE500. Cùng đó, mức độ tập trung của khu vực VPE500 cao, đóng góp doanh thu, tài sản đặc biệt cao ở một số ngành thâm dụng vốn.

Tỷ lệ nhỏ, đóng góp lớn

bieu 1
Đóng góp của VPE500 qua các năm (%)

Nhóm VPE500 hoạt động vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung trên khía cạnh quy mô và kết quả kinh doanh bình quân cũng như tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và liên kết doanh nghiệp. Trung bình giai đoạn 2016-2019, quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của một doanh nghiệp thuộc VPE500 cao gấp hơn 83 lần và hơn 132 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung, doanh thu thuần gấp khoảng 123 lần. Tỷ lệ doanh nghiệp có xuất khẩu lên tới 58,0% so với 7,73% của các doanh nghiệp tư nhân còn lại.

Nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội nên VPE500 chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng doanh nghiệp nhưng đóng góp lớn vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bình quân giai đoạn 2016-2019, VPE500 chỉ chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp nhưng tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13,0% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.

Theo đó, VPE500 có thể coi như lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường; kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này có thể coi như hàn thử biểu của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy, năng suất lao động (NSLĐ) của VPE500 không tăng nhanh như quy mô, cho thấy nhóm doanh nghiệp lớn đang phát triển dựa trên mở rộng sản xuất hơn là theo chiều sâu. NSLĐ của VPE500 chỉ tăng khoảng 5,3%/năm, không quá vượt trội so với mức 4,6%năm của doanh nghiệp tư nhân trong nước khác và thấp hơn tốc độ tăng trưởng NSLĐ của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp nhà nước.

Về hiệu quả tài chính, VPE500 có khả năng sinh lời và hiệu quả sử dụng vốn tốt hơn doanh nghiệp niêm yết nói chung. Tuy nhiên, ROA, ROE của VPE500 có xu hướng giảm trong 3 năm trở lại đây, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn và khả năng sinh lời của nhóm VPE500 niêm yết trên thị trường chứng khoán giảm. Đây cũng là xu thế chung của doanh nghiệp niêm yết và có thể do tác động của đại dịch COVID-19.

Về khả năng chống chịu với dịch COVID-19, nhóm VPE500 nhìn chung không có sức chống chịu tốt hơn VPEs.

Về tình hình sử dụng công nghệ, máy móc, VPE500 có mức độ công nghệ tương đối hiện đại hơn các VPEs, thể hiện qua tuổi đời của máy móc thiết bị trẻ hơn và tỷ lệ máy móc tự động vượt trội. Tuy nhiên, hoạt động tự phát triển công nghệ và máy móc thiết bị của VPE500 và VPEs thông qua đầu tư R&D rất thấp. VPE500 có cơ hội về số hóa, về khả năng tiếp cận máy móc và hưởng lợi từ FDI lớn hơn nhiều so với các VPEs.

"Mặc dù doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, nhóm VPE500 của Việt Nam chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đạt được tầm cỡ thế giới. Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã xuất hiện nhưng số lượng chưa nhiều và các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp nhiều trở ngại (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình phát triển", Báo cáo chỉ ra.

Một số khuyến nghị chính sách

Tại phiên thảo luận của Hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý, nhóm nghiên cứu cùng các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã thảo luận, trao đổi về những vấn đề đang được khu vực doanh nghiệp tư nhân quan tâm như: Cần những thay đổi gì về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh hiện nay và trong tương lai để doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển lớn mạnh; kinh nghiệm của các doanh nghiệp tư nhân trong nước và quốc tế để tăng trưởng, lớn mạnh về quy mô….

thao luan

Nhóm nghiên cứu và các chuyên gia cho rằng, trong thời gian tới cần có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài và góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế.

Các chính sách với doanh nghiệp tư nhân cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp "sống sót" và tăng trưởng; đặc biệt cần khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư để cải tạo năng suất, chuyển dần sang tăng trưởng theo chiều sâu.

Bên cạnh đó, cần có chính sách kinh tế thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, đồng thời nâng cao năng lực doanh nghiệp tham gia mạng lưới sản xuất chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu.

Cần khuyến khích và tạo phong trào để từng địa phương xây dựng được các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu của mình dựa trên những lợi thế địa phương và vươn tầm hoạt động trên phạm vi cả nước.