Để thực hiện việc xây dựng Phòng Truyền thống ngành Công Thương, Tạp chí Công Thương - đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ đã khẩn trương thực hiện nhiều nội dung công việc, trong đó có nội dung quan trọng là sưu tầm hiện vật. 

Nhóm phóng viên hơn 10 người đã được phiên chế vào Đội sưu tầm hiện vật. Vừa tác nghiệp tin, bài hàng ngày, vừa tổ chức các hoạt động sưu tầm, vì vậy, việc làm thêm ngoài giờ, hay ngày nghỉ là chuyện bình thường.

Sưu tầm hiện vật - nghe nói thì đơn giản, nhưng bao gồm nhiều công việc, đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, bởi lẽ lên được đề cương trưng bày hiện vật đã khó, tìm địa chỉ và thuyết phục các đơn vị hiến tặng hiện vật cho Phòng Truyền thống còn khó hơn.

Nhiều hiện vật - khi doanh nghiệp hiến tặng cho Phòng Truyền thống của Ngành đã phải họp Ban Lãnh đạo để  quyết định. Có lãnh đạo doanh nghiệp đã cho biết: “Vì là đồ gia bảo, nên tôi không dám tự quyết, có hiện vật phải xin ý kiến của các bác Lão thành”. Nhưng khi chúng tôi trình bày rõ mục đính, ý nghĩa của Phòng Truyền thống ngành Công Thương, cùng Thư phát động hiến tặng hiện vật của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thì các đơn vị đều nhiệt tình hưởng ứng.

Cảm động nhất là có doanh nghiệp ở rất xa, đã mang cả xe ô tô chở hiện vật về Hà Nội. Sở dĩ phải là xe ô tô, bởi hiện vật là phôi luyện thép - nặng tới vài tạ.

Ngoài việc huy động hiến tặng hiện vật từ các tổ chức, cá nhân trong Ngành, nhiều hiện vật của Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã được mua từ các nhà sưu tầm cá nhân. Cụ thể như: để tìm mua những hiện vật thời bao cấp như tem phiếu, sổ mua lương thực, thực phẩm, phiếu mua vải, mua chất đốt,... những phóng viên của Tạp chí Công Thương bỗng biến thành những “chuyên gia” đi tìm cổ vật. Trong hành trình ấy, họ cũng gặp những câu chuyện dở khóc, dở cười, như bị người bán cho leo cây, bị lật kèo ở phút chót,… Nhưng cuối cùng, họ vẫn may mắn gặp được những nhà hảo tâm, như nhà sưu tầm hiện vật danh tiếng thời bao cấp - anh Trần Văn Thập.

Anh Thập là nhà kinh doanh và sưu tầm cổ vật lâu năm ở Vĩnh Phúc. Mỗi tầng nhà anh là một khu trưng bày riêng, theo từng chủ đề, trong đó, anh để riêng tầng 3 trưng bày những hiện vật thời bao cấp. Khi phóng viên của Tạp chí Công Thương đến thăm quan và ngỏ ý đặt mua những hiện vật về trưng bày ở Phòng Truyền thống của ngành Công Thương, anh Thập đã quyết định hiến tặng một số hiện vật quý, với mong muốn những hiện vật này sẽ kể lại những câu chuyện thời ông bà, bố mẹ chúng ta đã sống.

Có thể nói, với hàng trăm tư liệu, hiện vật, Phòng Truyền thống ngành Công Thương đã kể lại câu chuyện về Lịch sử phát triển của Ngành một cách sống động. Mỗi tư liệu, hiện vật đều mang trong mình một câu chuyện lịch sử, với nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Đồng thời cũng chứa đựng nhiều tâm huyết của những người con ngành Công Thương trong hành trình thắp sáng ngọn lửa truyền thống vẻ vang.  

Một số hiện vật trưng bày tại Phòng Truyền thống ngành Công Thương:

so mua hang
Sổ mua hàng hóa của Sở Mậu dịch Nam bộ năm 1954
tem phieu
Bộ tem, phiếu
bien lai
Biên lai Xây dựng Nhà máy Dệt 8/3
bia truc bach
Nhãn Bia Trúc Bạch của Nhà máy Bia Hà Nội năm 1958
coc luyen kim
Cốc luyện kim
giay bai bang
Thiết kế mặt bằng và sản phẩm bột giấy, lõi giấy của Nhà máy Giấy Bãi Bằng
bien ban
Biên bản bàn giao tài sản của Hãng B.G.I cho Công ty Rượu Bia và Giải khát Miền Nam năm 1977

 

cot dien
Mô hình trụ tháp sắt số 729
bach ho
Mẫu dầu thô và mẫu lõi khoan đá granit từ mỏ Bạch Hổ

[Quảng cáo]