Theo đó, Thông tư áp dụng cho các dự án điện gió hoặc điện mặt trời nối lưới có công suất lắp đặt lớn hơn 30 MW (riêng với nhà máy điện mặt trời, tỷ lệ quy đổi là 01 MWp bằng 0,8 MW), đã có trong quy hoạch phát triển điện lực.

Các dự án này cần cam kết mốc thời gian đưa toàn bộ dự án nhà máy điện vào vận hành thương mại và tham gia thị trường điện không lớn hơn 270 ngày làm việc (tính từ ngày được công bố lựa chọn tham gia thí điểm DPPA); ngoài ra cần có văn bản của các tổ chức tài chính, tín dụng về việc hỗ trợ tài chính cho dự án.

Còn với bên mua điện, các tổ chức, cá nhân cần đảm bảo điện mua phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp tại cấp điện áp từ 22 kV trở lên; có cam kết mục tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo và cam kết tỷ lệ sản lượng điện so với tổng điện năng tiêu thụ  trong 3 năm đầu tham gia thí điểm đạt từ 80% trở lên.

Các bên cần hoàn thành đàm phán, ký kết hợp đồng, xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành thương mại trong 270 ngày kể từ khi danh sách các đơn vị phát điện và khách hàng tham gia thí điểm DPPA được công bố. Thời hạn của Hợp đồng mua bán điện sẽ do hai bên tự thỏa thuận trong khoảng từ 10 năm đến 20 năm.

Giá và sản lượng điện năng lượng tái tạo cam kết trong Hợp đồng kỳ hạn cho các chu kỳ giao dịch trong tương lai do hai bên thỏa thuận, thống nhất, việc thanh toán thực hiện theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

Lưu ý, giá điện năng được xác định có tính tới tổn thất lưới điện phân phối, cộng với chi phí dịch vụ mua bán điện trực tiếp tính cho một đơn vị điện năng (gồm chi phí truyền tải điện, phân phối điện, điều độ vận hành hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, dịch vụ phụ trợ).

Dự kiến, các tổ chức, cá nhân sẽ có 45 ngày làm việc để đăng ký tham gia thí điểm DPPA, kể từ ngày Bộ Công Thương mở cổng đăng ký trên Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp. 

Bộ Công Thương sẽ triển khai thí điểm cơ chế DPPA trên toàn quốc với tổng công suất các dự án điện mặt trời, điện gió được lựa chọn tham gia không quá 1.000 MW. Trường hợp con số này vượt mốc 1.000 MW, các bên đăng ký sớm hơn sẽ được ưu tiên lựa chọn. 

Căn cứ kết quả vận hành thí điểm DPPA trong 1 năm từ khi các nhà máy điện được đưa vào vận hành, Bộ Công Thương (Cục Điều tiết điện lực) sẽ đánh giá các khía cạnh về thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý, đề xuất các nội dung hoàn thiện cơ chế DPPA để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc áp dụng chính thức cơ chế này.

Theo Bộ Công Thương, khi có hiệu lực, cơ chế DPPA mới sẽ cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam đấu thầu mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.