Thị trường dầu thô vẫn chưa có phản ứng rõ ràng về việc Iran bị cấm vận xuất khẩu

Các quan sát trên thị trường dầu thô thế giới cho thấy thị trường vẫn chưa có phản ứng rõ ràng về việc Chính phủ Hoa Kỳ tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Iran.

Cụ thể, từ ngày 4/11/2018, Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên chính quyền Iran, bao gồm cả lệnh cấm xuất khẩu dầu thô của Iran nhằm buộc nước này tham gia các thỏa thuận về hạn chế vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo do Hoa Kỳ khởi xướng. Iran hiện là nước sản xuất dầu thô lớn thứ ba trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Một số chuyên gia nhận định các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ khó cấm toàn bộ hoạt động xuất khẩu dầu của Iran nhưng các dự báo về mức cung ứng dầu thô ra thị trường mất đi là bao nhiêu và tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu thì vẫn chưa rõ ràng. Hiện các nhận định rõ ràng nhất là Iran sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm người mua dầu của nước này và phần nhiều dầu thô của nước này đang xuất đi sẽ tạm thời được lưu kho. 

Các thông tin mới nhất cho biết 2 hãng lọc dầu lớn nhất của Trung Quốc là SINOPEC và Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) đã quyết định không nhận bất cứ lô dầu nào của Iran trong tháng 11/2018. Sinopec và CNPC hiện cũng không đặt hàng thêm trong tháng 11/2018 do hai tập đoàn này không rõ liệu có được Chính quyền Hoa Kỳ miễn trừ khỏi lệnh cấm vận hay không.

Hành động ngừng tiếp nhận dầu của SINOPEC và CNPC được nhận định là đòn đánh nghiêm trọng vào chính quyền Iran do Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua dầu thô của Iran và phần lớn đứng về phía nước này trong các đợt cấm vận trước đây.  Theo số liệu quan sát của hãng Refinitiv, trong 9 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 650.000 thùng dầu thô/ngày từ Iran. Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran trong những tháng gần đây đạt 2 triệu thùng/ngày. Do đó, các chuyên gia đánh giá việc Trung Quốc có tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Iran hay không sẽ là tác nhân chính lên giá dầu thô thế giới khi các lệnh cấm vận của Hoa Kỳ đối với Iran có hiệu lực.

Các chuyên gia cho biết các tàu chở dầu của Iran thường xuyên tắt bộ thu phát theo dõi, có thể để che giấu thông tin quốc gia nhập khẩu dầu thô; điều này khiến thị trường khó xác định được tình hình xuất khẩu dầu thô thực tế của Iran và đâu là các đối tác chính nhập khẩu dầu thô của nước này. Bên cạnh Trung Quốc, thì hãng Refinitiv cho biết Ấn Độ là đối tác lớn thứ hai về nhập khẩu dầu thô của Iran. Ấn Độ đã nhập khoảng 568.000 thùng dầu thô/ngày từ Iran trong 9 tháng đầu năm nay, theo số liệu của Refinitiv.

Tuy nhiên, thị trường dầu thô thế giới đang điều chỉnh tương đối tốt đối với những thông tin tiêu cực về việc cấm vận Iran xuất khẩu dầu thô. Các kế hoạch bù lại sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran bị mất đi khi lệnh cấm vận có hiệu lực đã được chuẩn bị. Đồng thời, dầu thô dự trữ tại một số kho trên toàn cầu sẽ được cung ứng ra thị trường để đáp ứng nhu cầu thị trường.