Thị trường hàng hóa phía Nam: Nguồn cung dồi dào, sức mua ổn định

Tính đến ngày hôm nay (26/7), thị trường hàng hóa tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã ổn định trở lại. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Báo cáo về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa tại các tỉnh, thành phố phía Nam của Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, đến nay, sau chỉ đạo thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia và rút kinh nghiệm trong sự phối hợp giữa các bộ, ngành, tình hình cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh thành phố phía Nam đã được cải thiện. Cơ bản không còn hiện tượng thiếu hàng, người dân đi mua hàng tích trữ, giá cả giữ ổn định, tuy vẫn còn hiện tượng tăng giá ở một số mặt hàng như rau quả.

Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi TP thực hiện một số biện pháp tăng cường trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, từ 26/7/2021, hàng ngày người dân không được đi ra đường từ 18 giờ đến 06 giờ hôm sau (trừ trường hợp cấp cứu và điều phối chống dịch bệnh) và từ ngày 27/7/2021 người dân được phát phiếu đi mua hàng thiết yếu mỗi tuần 2 lần theo giờ quy định... trước những thông tin này, ngay sáng nay (26/7), người đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua hàng rất đông.

Nhiều siêu thị phải phát phiếu hẹn giờ cho khách hàng vào siêu thị và nhiều khách hàng phải chờ trên 04 tiếng từ lúc nhận phiếu mới đến giờ hẹn. Một số siêu thị không phát giấy hẹn, khách đến xếp hàng rất đông.

Theo ghi nhận của lực lượng Quản lý thị trường (QLTT), hàng thực phẩm tươi sống tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các điểm bán bên ngoài dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu người tiêu dùng. Giá các loại rau, củ, quả không thay đổi so với ngày hôm qua.

thị trường hàng hóa tại TP HCM
 Thị trường hàng hóa tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã ổn định trở lại. Nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân

Tương tự, tại tỉnh Bình Thuận, trong ngày (tính từ 12h trưa 25/7 đến 12h trưa 26/7), giá một số mặt hàng thiết yếu giảm so với ngày 25/7, cụ thể, thịt bò giảm 20.000 đ/kg; cá lóc, cá điêu hồng giảm 5.000-10.000 đ/kg; trứng gà ta, trứng vịt giảm 5.000 đ/chục trứng...

Tại tỉnh Đồng Nai, sáng nay (26/7), tại các Siêu thị (Coop mart, Lotte, Mega Market), Trung tâm thương mại Vincom, Bách Hóa Xanh hàng hóa dồi dào, đầy đủ, giá cả ổn định. Sức mua nhìn chung giảm so với những ngày trước. Không xảy ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng.

Các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay sức mua tăng cao so với bình thường, lượng hàng hóa cung ứng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giá cả không thay đổi. Tuy nhiên, các mặt hàng như thuốc giảm sốt, thuốc huyết áp trên địa bàn bị thiếu hụt do nguồn cung từ nhà sản xuất bị hạn chế.

Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang: ghi nhận của lực lượng chức năng cũng cho thấy, nguồn hàng háo dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giá cả ổn định, không thay đổi so với ngày 25/7. Tính đến thời điểm này chưa phát hiện hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Tại thành phố Cần Thơ, các loại hàng hóa thiết yếu có tăng giá so với ngày 1/7, nhìn chung đến thời điểm hiện tại hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng. Từ sáng nay (26/7), người dân không còn đỗ xô đi mua các mặt hàng thiết yếu như những ngày trước khi thực hiện giãn cách xã hội.

Tại các tỉnh, thành phố khác, người dân hiện nay mua sắm chủ yếu là hàng thực phẩm thiết yếu, sức mua ổn định hoặc giảm nhẹ so với những ngày trước đó không có tình trạng nhiều người tập trung tại chợ và siêu thị để mua hàng. Hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch có nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định, đảm bảo đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.

Bên cạnh nhiệm vụ giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá để trục lợi, Cục QLTT các tỉnh phía Nam còn thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức ký cam kết không đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, không kinh doanh hàng giả, vi phạm pháp luật khác và cử công chức phối hợp với lực lượng chức năng khác chống dịch.

Trong ngày, sau quá trình kiểm tra kiểm soát, giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, lực lượng QLTT các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã phát hiện, xử phạt một cơ sở kinh doanh tại mỗi tỉnh về hành vi không niêm yết giá.

Thị trường hàng hóa các tỉnh, thành phố phía Nam
Lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố phía Nam tăng cường kiểm tra, giám sát việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu về giá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng

Trước đó, để bình ổn thị trường hàng hóa của các tỉnh, thành phố phía Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, Tổng cục QLTT phải tăng cường lực lượng cho miền Nam, phải kiểm tra, xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi vi phạm. Phải cam kết với người dân, với địa phương không để xảy ra hành vi nâng giá, găm hàng, trục lợi, hàng giả, hàng gian, hàng kém chất lượng…

Bộ trưởng nhấn mạnh, lực lượng QLTT của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải đóng vai trò chủ công, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương kịp thời, thường xuyên xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá, dứt khoát không để xảy ra hiện tượng, hành vi trục lợi từ đại dịch Covid-19.

Dự báo dịch có thể còn tiếp tục bùng phát kéo dài, gây khó khăn cho chuỗi sản xuất, cung ứng và phân phối, lưu thông hàng hóa thiết yếu và đứt gãy cả nguồn cung cấp lao động, Bộ Công Thương đề nghị ngành nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhất là tươi sống, rau củ, quả.

Bộ Công Thương mong muốn các ngành Giao thông, Công an, Y tế, chính quyền địa phương, nhất là những địa phương trong vùng dịch, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không đặt ra những điều kiện khác và áp dụng máy móc các quy định mà Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cũng như Bộ Y tế đưa ra.

Mặt khác, các địa phương trong vùng dịch cần tiếp tục rà soát và khẩn trương hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối hàng thiết yếu để có thể dự trữ ít nhất từ 10-15 ngày tương ứng với thời gian giãn cách, đồng thời chấn chỉnh khâu phân phối thông qua siêu thị, chợ truyền thống, chợ dân sinh và các chợ đầu mối.

Hạ An