Nguồn cung dồi dào, không có biến động tăng giá

Báo cáo nhanh về tình hình cung ứng và giá cả hàng hóa trong ngày 14/7 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, tại TP. Hồ Chí Minh, nguồn cung hàng hóa dồi dào, không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng hóa.

Trước đó, ngày 12/7, người dân TP đổ xô đến siêu thị, cửa hàng mua nhiều loại thực phẩm tươi sống, dẫn đến tình trạng quá tải. Nhiều siêu thị phải phát phiếu hẹn cho người dân đến mua hàng.

Tuy nhiên, sáng nay (14/7) có rất đông người dân đến để nhận phiếu hẹn mua hàng hoặc để xếp hàng chờ vào siêu thị (đối với siêu thị không phát phiếu hẹn).

Trong ngày, Sở Công Thương TP cho phép một số chợ truyền thống đang bị phong toả bán lại các hàng rau, củ, quả, thịt. Ghi nhận của lực lượng QLTT cho biết, trên địa bàn TP đang xảy ra hiện tượng mua hàng số lượng nhiều, nhất là trứng từ siêu thị rồi đưa ra ngoài bán lại.

thị trường hàng hóa tại TPHCm
Ghi nhận của lực lượng QLTT cho biết, trong ngày 14/7, thị trường hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam ổn định, nguồn cung dồi dào, không có biến động tăng giá

Tại TP Cần Thơ, sau khi xảy ra việc mua vét hàng vào tối ngày 11/7 (trước ngày giãn cách xã hội), từ ngày 12/7 đến nay thị trường Cần Thơ ổn định hàng thực phẩm tại các siêu thị đầy đủ, giá không tăng. Tuy nhiên, các siêu thị gặp khó khăn chung trong khâu vận chuyển hàng từ TP Hồ Chí Minh về.

Tại tỉnh Đồng Tháp và Bà Rịa - Vũng Tàu, trước ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg thị trường ổn định hàng thực phẩm tại các siêu thị và chợ đầy đủ, giá không tăng giá.

Tại tỉnh Đồng Nai, theo thống kê sơ bộ, lượng khách mua sắm tại siêu thị ngày hôm nay đã giảm so với các ngày trước. Tuy nhiên, đơn hàng đặt online vẫn tăng nhiều, nhóm hàng rau củ, quả, thịt cá vẫn trong tình trạng nhu cầu cao, sức tiêu thụ rất nhanh. Các siêu thị đảm bảo nguồn hàng phục vụ người dân, chỉ có siêu thị Lotte Mart Chiều tối ngày 13/7/2021, các mặt hàng: trứng các loại, mì gói tạm hết nhưng sáng nay được bổ sung đầy đủ;  Thịt các loại (gà, heo, hải sản…) có lúc hết hàng, nhân viên siêu sị liên tục bổ sung hàng.

Các mặt hàng phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19 như khẩu trang y tế, nước rửa tay… sức mua tăng cao so với bình thường, lượng hàng hóa cung ứng đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, giá cả không thay đổi.

Tại tỉnh Long An, người dân đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích mua hàng thực phẩm tăng mạnh, dẫn đến tình trạng hết hàng thường xuyên các mặt hàng rau, củ, quả, thịt, cá, trứng, thực phẩm đóng hộp, mì ăn liền. Giá tăng khoảng 50% so với ngày 1/7/2021.

Tại các tỉnh, thành phố khác, do tâm lý lo sợ dịch bệnh người dân mua hàng thực phẩm rất nhiều, các nhà bán lẻ, siêu thị đều tăng hàng cung ứng, dự trữ nên đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, giá ổn định. Tại các chợ truyền thống lượng mua cũng tăng nhưng hàng hoá dồi giàu. Giá trứng, các loại thịt, rau, củ, quả tăng nhẹ, tuy nhiên cũng có vài địa phương như Ninh Thuận, Bình Phước tăng từ 5%-40%.

Xử lý nhiều vụ vi phạm

Bên cạnh nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 lây lan, lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố phía Nam cũng không quên nhiệm vụ chuyên môn, khi vừa tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật trong thương mại, vừa tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống đầu cơ, găm hàng tăng giá.

Điển hình, tại Cục QLTT tỉnh Đồng Nai, từ 8/7 đến nay, Cục đã kiểm tra, xử lý 12 vụ, số tiền xử phạt là 9 triệu đồng về hành vi không thực hiện niêm yết giá bán. Cụ thể, ngày 13/7, Đội QLTT số 2 tham gia Đoàn Kiểm tra phòng chống Covid-19 của UBND TP.Biên Hòa, phối hợp kiểm tra 8 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở vi phạm không chấp hành chỉ thị, tụ tập đông người; nhắc nhở 4 cơ sở, siêu thị về việc chấp hành giữ khoảng cách, thực hiện 5K khi mua hàng.

thị trường hàng hóa tại TPHCm
Lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật trong thương mại, và tăng cường kiểm tra, kiểm soát chống đầu cơ, găm hàng tăng giá

Tương tự, Đội QLTT số 1 - Cục QLTT tỉnh Long An đã phối hợp với lực lượng chức năng lập biên 1 cơ sở kinh doanh tụ tập đông người, xử phạt 10 triệu đông. Ngày 13/7, Cục QLTT Long An cũng kiểm tra, xử phạt 3 vụ vi phạm không niêm yết giá, số tiền hơn 2 triệu đồng.

Tại Cục QLTT tỉnh Tiền Giang, từ ngày 1/6/2021 đến nay Cục QLTT tỉnh Tiền Giang kiểm tra đột xuất 41 vụ, vi phạm 41 vụ, xử lý 43 vụ (02 vụ cũ), thu phạt 33.000.000 đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm thiết yếu, thuốc tân dược, khẩu trang y tế, găng tay y tế và nước rửa tay sát khuẩn không niêm yết giá hàng hóa tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật.

QLTT TP. Hồ Chí Minh kiên quyết chồng đầu cơ, găm hàng

Trước đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức phạp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Cục QLTT đã có công văn hỏa tốc về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch.

Công văn nêu rõ, trong những ngày qua tình hình thị trường có phát sinh tình trạng một số cá nhân mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi hoặc mua hàng nông sản của thương lái các tỉnh, mua lại tiểu thương của chợ đầu mối sau đó bán tại lề đường, đầu hẻm, tuyến phố gần chợ truyền thống, khu dân cư với giá cao làm ảnh hưởng đến tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn Thành phố, gây bức xúc trong nhân dân và vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch.

thị trường hàng hóa tại TPHCm
Mới đây, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã có công văn hỏa tốc về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại và vi phạm quy định về áp dụng biện pháp chống dịch

Đặc biệt các hành vi vi phạm không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh; không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng được quy định xử phạt tại Khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thuộc thẩm quyền xử phạt của lực lượng Quản lý thị trường;

Để ngăn chặn các hành vi trên và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các Đội QLTT chủ động và phối hợp lực lượng chức năng ngăn chặn và xử lý các hành vi nêu trên.

Các Đội QLTT phải thông tin, niêm yết số điện thoại đường dây nóng của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh (số đường dây nóng: 1900888655) tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống và một số điểm công cộng để kịp thời tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định.

Cùng với đó, Cục QLTT TP yêu cầu, các Đội chủ động phối hợp ngay với cấp ủy, chính quyền và các lực lượng chức năng để tuyên truyền, vận động người dân không hoang mang, không mua hàng tích trữ; vận động doanh nghiệp và người buôn bán không tăng giá bất hợp lý; kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm vi phạm quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch nêu trên.