Theo Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương, để kịp thời triển khai Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân trong mọi tình huống và phòng chống dịch Covid-19 trong hệ thống phân phối, đặc biệt đang vào dịp cao điểm mua sắm hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Công Thương đã có Công điện khẩn số 526/CĐ-BCT ngày 28 tháng 01 năm 2020 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương để ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19 gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các chuỗi siêu thị phân phối lớn trong cả nước.

sieu thị Big C Hạ Long
Dự báo, trong dịp Tết Tân Sửu sẽ không có tình trạng khan hàng – sốt giá vì nguyên nhân mất cân đối cung – cầu hàng hóa

Hiện nay, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình giá cả, thị trường hàng hóa tại các địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Tại các địa phương, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp được triển khai thực hiện theo các phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu của địa phương tương ứng với các kịch bản cấp độ của dịch bệnh đã được xây dựng trước đây theo chỉ đạo của Bộ Công Thương.

 Đồng thời, các địa phương vẫn luôn chú trọng đến nguồn cung các hàng hóa phòng, chóng dịch bệnh Covid-19 như khẩu trang, nước sát khuẩn để phục vụ thị trường địa phương. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, về cơ bản nguồn cung hàng hóa thiết yếu của các địa phương bảo đảm phục vụ đủ nhu cầu của người dân, giá cả hàng hóa không có biến động bất thường.

Bộ Công Thương (Vụ thị trường trong nước) đã chủ động trao đổi với Sở Công Thương các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương về việc phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lưu thông hàng hóa nhu yếu phẩm.  

Giá cả hàng hóa tại Hải Dương trong những ngày qua cơ bản ổn định. Riêng mặt hàng thịt lợn, trong nửa đầu tháng 01/2021 giá lợn hơi tăng nhẹ (mức tăng khoảng 3.000-5.000 đ/kg), đã tác động nhỏ đến giá bán lẻ thịt lợn trên địa bàn. Nguyên nhân chủ yếu do lượng cầu thịt lợn trong dịp Tết tăng dần, bên cạnh đó xuất hiện tình trạng xuất lậu lợn hơi qua đường mòn, lối mở với các nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Dự báo, trong dịp Tết Tân Sửu sẽ không có tình trạng khan hàng – sốt giá vì nguyên nhân mất cân đối cung – cầu hàng hóa. Riêng đối với nhóm hàng rau, củ, quả tươi.v.v. do tính chất tươi sống, khó vận chuyển, bảo quản nên những ngày cận Tết khả năng mức giá sẽ tăng nhẹ, trong ngắn hạn, với phạm vi hẹp.

Theo báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương ngày 29 tháng 01 năm 2021, giá cả các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh ổn định so với ngày 28 tháng 01 năm 2021.

Tại tỉnh Quảng Ninh, để thuận tiện cho công tác lưu thông, vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu yếu phẩm của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, theo chỉ đạo của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, siêu thị Big C &Go đã có văn bản gửi các Sở: Công Thương, Giao thông vân tải và Công An tỉnh Quảng Ninh cung cấp danh sách các xe của nhà cung cấp hàng cần đi qua các chốt kiểm dịch để được  hỗ trợ cho các xe đi qua giao hàng cho Siêu thị.  

Nhìn chung, cơ bản các địa phương, đơn vị đã có văn bản triển khai hoặc kế hoạch đảm bảo công tác bình ổn thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn; các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời cam kết, sẽ đảm bảo đủ hàng hóa cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để tình trạng khan hiếm hàng hay tăng giá trái quy định.

siêu thị Big C
 Siêu thị Go! (Big C Hạ Long) dự trữ khoảng gần 130 tỷ đồng hàng hóa cho thị trường Quảng Ninh dịp Tết Nguyên đán

Nguồn hàng hóa phong phú, đa dạng, giá cả cơ bản ổn định và các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức nhiều chương trình kích cầu (giảm giá, bán hàng kèm tặng quà...); Nhu cầu tiêu dùng thị trường đã có xu hướng tăng từ 15-30% so với cùng kỳ tháng trước (tháng 12/2020). Dự kiến nhu cầu thị trường có thể tăng cao nhất trên 80% từ 04/02/2021 - 11/02/2021; công tác kiểm tra  chống buôn lậu, hàng giả... thường xuyên được tăng cường tại các cửa khẩu, đường món, lối mở, biên giới và các tuyến đường giao thông nhằm hạn chế các vi phạm về buôn lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng.

 Tình hình thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng; giá cả ổn định; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đến thời điểm hiện nay, nguồn hàng trên thị trường trong tỉnh Quảng Ninh cơ bản vẫn ổn định, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng; trên thị trường hàng hóa trong nước chiếm khoảng 80% ( trong đó, hàng hóa trong tỉnh chiếm khoảng 30 - 45%, tỉnh Hải dương chiếm khoảng 22 - 28% chủ yếu là các mặt hàng rau, củ, quả, bánh kẹo, còn lại là của các tỉnh Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định...); còn gần 20% là hàng nhập khẩu từ nước ngoài chủ yếu nhập từ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…

Qua khảo sát, nắm tình hình các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị hàng hoá phục vụ tết trị giá gần 2.000 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo các loại, thực phẩm tươi sống;  thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu bia, đồ uống giải khát, hàng may mặc, hàng trang trí nội thất và một số hàng tiêu dùng khác. Theo báo cáo một số đơn vị dự trữ nguồn hàng tương đối lớn để phục vụ Tết như Siêu thị MM Mega Market dự trữ khoảng gần 150 tỷ đồng tổng giá trị hàng hóa, Siêu thị Go! (Big C Hạ Long) dự trữ khoảng gần 130 tỷ đồng, hệ thống Siêu thị Vinmart dự trữ khoảng gần 100 tỷ đồng, siêu thị Aloha dữ trữ trên 80 tỷ đồng, siêu thị TTP dự trữ trên 15 tỷ đồng...