Thị trường lao động phục hồi cơ bản

Các hoạt động chăm lo Tết chu đáo cho người lao động của các cấp công đoàn, chính quyền đã góp phần động viên người lao động trở lại làm việc đông đủ sau kỳ nghỉ Tết. Nhu cầu tuyển dụng dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, sau kỳ nghỉ Tết sẽ thiếu khoảng 10 đến 15% so với những năm trước.

Nhiều nơi lao động về làm việc đạt gần 100%

Theo Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Thành phố Hà Nội, ngày 7/2, có 90,24% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 96,13% số công nhân trở lại làm việc, tập trung ở các doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp (KCN) và chế xuất, ngành dệt may, doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn.

Còn theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, trong ngày 7/2,, đã có 339.000 công nhân làm việc trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh quay trở lại làm việc. "Số lượng này chiếm trên 90% công nhân lao động trong các KCN trên địa bàn tỉnh", đại diện Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết. Số liệu trên chưa bao gồm các công nhân do một số công việc gia đình và một số lao động xa quê, công nhân mắc F0 chưa thể trở lại làm việc.

Trong ngày 8/2, theo đánh giá của các cấp công đoàn cơ sở, tỷ lệ quay trở lại làm việc sẽ tiếp tục cao hơn và sẽ đạt gần 100%. Nhiều doanh nghiệp chủ động bố trí xe đón công nhân trở lại làm việc, đồng thời có nhiều hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng thêm. Đề cập đến vấn đề khả năng thiếu lao động sau Tết Nguyên đán, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho rằng: Hằng năm, trước Tết Nguyên đán, cả nước thường thiếu khoảng 10% lực lượng lao động, sau Tết thiếu 20%; nhưng năm nay trong hoàn cảnh này tỉ lệ sẽ thấp hơn. Bởi vì những người lao động khi đã về quê một thời gian và trở lại công ty làm việc thì sẽ ít khi về nhà dịp Tết. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp (DN) đều có phương án giữ chân người lao động như nâng lương, chế độ Tết, chế độ thưởng và các chính sách an sinh.

“Thời gian qua, các địa phương đều có những biện pháp phục hồi lao động. Đến giờ này, theo báo cáo từ các tập đoàn lớn, những tổng công ty, DN nước ngoài thì lực lượng lao động Tết, chúng tôi dự báo chỉ thiếu khoảng 10 đến 15%. Và nếu thiếu 10 đến 15% lao động so với những năm trước đây thì không phải là cao”, ông Đào Ngọc Dung cho biết thêm.

Dự báo thiếu nhân lực chất lượng cao

Đánh giá việc phục hồi thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Thị trường lao động trong nước đã và đang trong phục hồi và đảm bảo cơ bản. Có những DN phục hồi 100%, có đơn vị 90% nhưng có công ty chỉ 60% nhưng bình quân chung là 85%, đây là mức độ không thiếu lao động trầm trọng.

Theo Bộ LĐTBXH, vấn đề thiếu hiện nay là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi vì thời gian vừa qua do tác động của đại dịch COVID-19 nên lượng lao động chuyển dịch từ nhà máy này sang nhà máy khác, từ DN này sang DN khác. Do đó các DN buộc vừa phải tiếp nhận nhưng vừa phải bồi dưỡng. Những ngành nghề công nghệ thấp, không cần lao động chất lượng cao thì có được ngay nguồn lao động. Nhưng những ngành nghề công nghệ cao, kỹ thuật cao thì đòi hỏi có thời gian phục hồi và lực lượng lao động chất lượng cao. Do đó, các DN này đang phối hợp rất chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm hướng nghiệp để thực thi nhiệm vụ này.

"Vì thế, trong khoảng cuối quý I, đầu quý II/2022, chúng ta cơ bản sẽ cơ bản đảm bảo được lực lượng lao động chất lượng cao như mong muốn. Khi xảy ra đợt bùng dịch COVID-19 lần thứ 4 từ giữa năm 2021, Bộ LĐTBXH cũng đã có dự báo việc đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất thì xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Bộ LĐTBXH luôn nêu vấn đề này và tham mưu với Chính phủ có những chính sách khắc phục và thực tế từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường lao động phục hồi rất nhanh”, ông Đào Ngọc Dung cho biết

Theo khảo sát của Bộ LĐTBXH, khoảng 95% lực lượng lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, trung tâm lao động đã hoạt động trở lại. Những vấn đề bảo đảm duy trì cho người lao động cũng được các doanh nghiệp, địa phương sớm triển khai thực hiện liên quan đến vấn đề tiền lương, bảo hiểm xã hội. Các địa phương còn có hỗ trợ thêm để bảo đảm sàn an sinh cho người lao động...

Từ góc độ địa phương, theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Tình trạng “nhảy việc” như trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19 hiện nay gần như không xảy ra. Điều này phản ánh qua việc người lao động đến làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 giảm hơn so với các năm trước gần 20.000 lượt. Bên cạnh đó, từ việc tư vấn việc làm cho thấy, khi tìm việc làm, người lao động cân nhắc lựa chọn công việc giữa yếu tố tiền lường và chế độ đãi ngộ, yếu tố phòng dịch và đảm bảo quyền lợi chăm sóc sức khỏe lao động.

“Các công ty sau Tết cũng quan tâm tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch COVID-19 trong bối cảnh bình thường mới. Theo quy luật hàng năm, thường nhu cầu tuyển dụng vào đầu năm sẽ tăng hơn so với các thời điểm khác trong năm. Hiện Trung tâm cũng đang rà soát cụ thể để đánh giá rõ hơn về xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Vũ Quang Thành cho biết thêm.

 

Theo TTXVN