Giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tháng 12/2021 trên sàn CBOT trong vòng 3 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Barchart.com)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) giảm nhẹ 3,5 cents xuống mức 5,30 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô).

Giá đậu tương giao tháng 11/2021 cũng giảm 4,25 cents xuống còn 12,54 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương). Giá lúa mì giao tháng 12/2021 cũng giảm 7,25 cents xuống mức 7,34 USD/giạ (27,2 kg/giạ lúa mì).

Tính chung cả tuần này, giá ngô đã giảm 1,85%, giá lúa mì giảm tới 2,9% nhưng giá đậu tương tăng 1,53%.

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn giao dịch hàng hoá phái sinh tại Việt Nam, cho biết thị trường nông sản thế giới vừa trải qua tuần giao dịch tương đối ảm đạm do thiếu lực mua từ Trung Quốc khi nước này có đợt nghỉ lễ kéo dài 7 ngày từ đầu tháng 10 đến nay. Nhóm hàng ngô và đậu tương tiếp tục chịu sức ép từ dữ liệu của Báo cáo Tồn kho ngũ cốc của Cơ quan Thông tin Dịch vụ Thống kê Nông nghiệp Quốc gia Hoa Kỳ (NASS) công bố trong tuần trước và nguồn cung đang tăng lên khi tiến độ thu hoạch tại Hoa Kỳ được đẩy nhanh.

Đối với mặt hàng ngô, dữ liệu hiện cho thấy tiến độ thu hoạch ngô niên vụ 2021/2022 tại Hoa Kỳ tính đến tuần kết thúc vào ngày 3/10 đã đạt 29%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ niên vụ trước và mức trung bình 5 năm gần đây. Đồng thời, có đến 59% diện tích canh tác ngô được khảo sát cho đánh giá chất lượng cây trồng từ tốt đến tuyệt vời. Những dữ liệu này là chỉ báo sớm cho thấy nguồn cung ngô trên thị trường sẽ gia tăng đáng kể trong những ngày tới đây. Điều này đã tạo áp lực lên giá ngô hiện nay.

Xem chi tiết báo cáo phân tích thị trường nông sản thế giới của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Trong khi đó, NASS dự báo nhu cầu nhập khẩu ngô của Trung Quốc trong niên vụ 2021/2022 sẽ giảm mạnh xuống còn 20 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức ước tính 30 triệu tấn trong niên vụ vừa qua. Nguyên nhân chủ yếu do tăng trưởng nhu cầu thức ăn chăn nuôi gia súc tại Trung Quốc ở mức yếu và các doanh nghiệp chăn nuôi tại nước này vẫn đẩy mạnh việc sử dụng các loại ngũ cốc khác có chi phí cạnh tranh hơn ngô.

Nhập khẩu ngô
Lượng nhập khẩu ngô của Việt Nam qua các năm (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Tuy nhiên, Hoa Kỳ hiện đang kỳ vọng nhu cầu nhập khẩu ngô đang tăng mạnh của Việt Nam sẽ bù đắp phần nào khoảng trống thị trường của Trung Quốc. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia nhập khẩu ngô lớn thứ 5 thế giới trong niên vụ 2021/2022. Hiện Việt Nam đang xem xét giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thông thường (MFN) của ngô từ 5% xuống còn 2% hằm hạ nhiệt giá nguyên vật liệu đầu vào ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước phát triển.

Tiến độ cây trồng
 Tiến độ sinh trưởng và thu hoạch của ngô, đậu tương và lúa mì tại Hoa Kỳ (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với mặt hàng đậu tương, tiến độ thu hoạch đậu tương tại Hoa Kỳ hiện tương đương cùng kỳ năm ngoái và cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm gần nhất. Giá đậu tương chịu áp lực giảm mạnh sau khi Báo cáo Tồn kho ngũ cốc của NASS công bố ngày 30/9 cho thấy lượng tồn kho đậu tương vào cuối niên vụ 2020/2021 tại Hoa Kỳ cao hơn tới 47% so với kỳ vọng thị trường. Điều này giúp gia tăng mạnh nguồn cung trong niên vụ mới 2021/2022 và kích hoạt làn sóng bán tháo các hợp đồng giao dịch đậu tương của giới đầu tư.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Saigon Futures cho biết việc New Orleans, khu cảng xuất khẩu nông sản lớn nhất Hoa Kỳ, khôi phục hoạt động hoàn toàn đã giúp giải toả các tắc nghẽn nguồn cung trên thị trường thế giới.

Xuất khẩu ngô
 Lượng xuất khẩu ngô và đậu tương của Brazil qua các tháng (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Giá đậu tương còn chịu tác động khi Tổ chức xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo xuất khẩu đậu tương của nước này trong tháng 10/2021 sẽ đạt 2,6 triệu tấn, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 9 vừa qua, xuất khẩu đậu tương của Brazil cũng tăng mạnh 20,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Nguồn cung đậu tương của Brazil ra thị trường thế giới có thể sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới sau khi nước này giảm tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học từ mức 13% xuống còn 10% khiến nhu cầu nghiền ép đậu tương trong nội địa giảm xuống.

Xem thêm các phân tích thị trường nông sản tại đây.

Đối với mặt hàng lúa mì, Công ty Cổ phần Saigon Futures nhận định mặt hàng lúa mì vẫn đang có nhiều lực nâng đỡ trong dài hạn khi nguồn cung suy giảm. Trong tuần vừa qua, Bộ Nông nghiệp Nga đã giảm mạnh dự báo xuất khẩu lúa mì của nước này trong niên vụ 2021/2022 xuống còn 31,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 38,5 triệu tấn của niên vụ trước.

Dự kiến Nga sẽ áp dụng hạn ngạch xuất khẩu lúa mì mới vào ngày 15/2/2022. Điều này sẽ kích thích nhiều hãng xuất khẩu đẩy mạng thu gom hàng và bán ra thị trường bất chấp mức thuế suất thuế xuất khẩu lúa mì của Nga hiện ở mức cao kỷ lục.

Giá lương thực
 Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 9/2021 cho thấy giá các loại ngũ cốc đã tăng tới hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Dữ liệu mới nhất của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho thấy giá lúa mì trên toàn cầu trong tháng 9 vừa qua đã tăng thêm 4% so với hồi tháng 8 và tăng tới 41% so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung suy yếu.

Công ty Cổ phần Saigon Futures - tư vấn giao dịch hàng hóa phái sinh, bảo hiểm & phòng vệ rủi ro hàng hóa.

Trụ sở chính: 560 Nguyễn Đình Chiểu, P.4, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.

Văn phòng giao dịch: Lầu 1, Master Building, 41-43 Trần Cao Vân, P.6, Q.3, TP.Hồ Chí Minh.

Chi nhánh Hà Nội: Tầng 9, tháp A, tòa nhà Sky City Tower, 88 Láng Hạ, Q.Đống Đa, Hà Nội.

Website: https://saigonfutures.com

Hotline: 0903.352.961