Giá ngô
 Diễn biến giá ngô giao tháng 12/2021 trên sàn CBOT trong 3 tháng gần đây (Đồ hoạ: barchart.com)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá ngô giao tháng 12/2021 trên Sàn giao dịch hàng hoá Chicago (CBOT) tăng nhẹ 7,50 cents lên mức 5,17 USD/giạ (25,4 kg/giạ ngô).

Giá đậu tương giao tháng 11/2021 bật tăng mạnh 16 cents lên 12,86 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương). Trong khi đó, giá lúa mì giao tháng 12/2021 giảm 3,75 cents xuống mức 6,88 USD/giạ (27,2 kg/giạ đậu tương).

Tính chung cả tuần này, giá ngô tiếp tục giảm 1,71%; giá đậu tương tăng nhẹ 0,7% và giá lúa mì giảm tới 4,3%. Giao dịch trên thị trường trong tuần này tương đối trầm lắng và giới đầu tư tập trung quan sát các dữ liệu từ Báo cáo Ước tính cung – cầu nông sản thế giới (WASDE) tháng 9/2021 được Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) công bố vào ngày 10/9 vừa qua (theo giờ địa phương).

Công ty Cổ phần Saigon Futures, đơn vị tư vấn phái sinh hàng hoá tại Việt Nam, cho biết báo cáo WASDE tháng 9/2021 đã không đem đến quá nhiều bất ngờ lớn. Giá đậu tương đã bật tăng mạnh khi dữ liệu mới cho thấy USDA ước tính sản lượng thấp hơn so với các dự báo của thị trường. Với mặt thàng ngô, xét về dài hạn, giá các hợp đồng tương lai ngô được dự báo có xu hướng giảm do sản lượng cao hơn mức kỳ vọng của thị trường. Bên cạnh đó, nhiều quỹ đầu tư đã bán các vị thế mua của mình xuyên suốt vài tuần qua. Đối với mặt hàng lúa mì, xu hướng giá vẫn chưa được thể hiện rõ.

Đối với mặt hàng ngô, dữ liệu của USDA cho thấy chất lượng cây trồng tại Hoa Kỳ trong tuần kết thúc vào ngày 5/9 tiếp tục giảm nhẹ, chỉ có 59% diện tích canh tác ngô được đánh giá có chất lượng tốt đến tuyệt vời so với mức 60% ghi nhận trong tuần trước. Diện tích canh tác ngô đến độ trưởng thành nhìn chung còn khá chậm so với cùng kỳ năm ngoái những vẫn đạt mức tốt so với mức trung bình 5 năm.

Sản lượng ngô
Dự báo sản lượng ngô và đậu tương của Hoa Kỳ theo báo cáo WASDE tháng 9/2021 (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

USDA dự báo sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của nước này sẽ đạt 14,99 tỷ giạ, tăng 1,67% so với dự báo trong tháng 8/2021; lượng tồn kho ngô vào cuối vụ được dự báo lên tới 1,408 tỷ giạ, tăng 13,37% so với mức dự báo hồi tháng 8/2021.

Tại Brazil, Cơ quan giám sát nguồn cung nông sản Brazil (CONAB) ước tính sản lượng ngô niên vụ 2021/2022 của nước này đạt 85,7 triệu tấn, giảm mạnh 16,4% so với niên vụ trước. Thời tiết cực đoan đã tác động xấu đến 27% diện tích canh tác ngô vụ Safrinha (vụ thứ hai) của Brazil.

Về phía nhu cầu, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã hạ dự báo nhu cầu sử dụng ngô của nước này trong niên vụ 2021/2022 do nhu cầu sử dụng ngô cho sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc và hoạt động công nghiệp đều giảm. Nhập khẩu ngô của nước này trong niên vụ 2021/2022 được dự báo đạt 20 triệu tấn. Thị trường ngô Trung Quốc sẽ chuyển sang tình trạng dư cung thay vì thiếu hụt nguồn cung như các dự báo trước đây.

Xem chi tiết báo cáo phân tích diễn biến thị trường nông sản thế giới tuần qua của Công ty Cổ phần Saigon Futures tại đây.

Trung tâm Dự báo Nhiệt đới Hoa Kỳ (CPC) hiện cảnh báo sẽ có xác suất từ 70% - 80% hiện tượng thời tiết La Nina sẽ xuất hiện ở khu vực Bắc Bán cầu trong mùa đông năm nay. Tuy nhiên, các dự báo hiện tại cho thấy hiện tượng La Nina sẽ không gây ảnh hưởng nặng nề như năm trước. Các cơn mưa được dự báo sẽ diễn ra với cường độ thấp hơn tại khu vực phía Nam Brazil; đồng thời, tình trạng khô hạn tại Argentina sẽ giảm xuống. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động canh tác tại khu vực Nam Bán cầu.

Nhập khẩu đậu tương
Lượng đậu tương được Trung Quốc nhập khẩu hàng tháng (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với mặt hàng đậu tương, USDA dự báo Trung Quốc có thể gia tăng nhập khẩu đậu tương trong niên vụ 2021/2022 lên mức 101 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với dự báo trước đó. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu sử dụng khô đậu tương làm thức ăn chăn nuôi gia súc thay cho ngô tăng lên; cùng với đó là sản lượng nội địa của nước này giảm xuống.

Dữ liệu của Công ty Cổ phần Saigon Futures cho thấy Trung Quốc tiếp tục thu mua các lô đậu tương lớn của niên vụ 2021/2022 từ Hoa Kỳ trong tuần vừa qua. Nhu cầu về đậu tương trên thị trường nội địa Trung Quốc đang ở mức tốt, toàn bộ lượng đậu tương được Cơ quan dự trữ ngũ cốc quốc gia Trung Quốc (Sinograin) đấu giá bán ra trong ngày 8/9 vừa qua đều được tiêu thụ hết. Nhu cầu sử dụng dầu ăn tại nước này cũng được dự báo tăng, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng nghiền đậu tương lấy dầu trong thời gian tới.

Xuất khẩu đậu tương
 Trung Quốc tiếp tục thu gom mua các lô đậu tương niên vụ mới với quy mô lớn từ Hoa Kỳ (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Sản lượng đậu tương niên vụ 2021/2022 của Hoa Kỳ hiện được USDA dự báo ở mức 4,374 tỷ giạ, tăng 0,81% so với dự báo hồi tháng 8 vừa qua. Trong khi đó, lượng tồn trữ đậu tương vào cuối niên vụ 2021/2022 của nước này được dự báo đạt 185 triệu giạ, tăng tới 19,35% so với dự báo trong tháng 8 trước đó.

Tại Brazil, CONAB dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2021/2022 của nước này sẽ đạt mức cao nhất lịch sử, 135,9 triệu tấn, tăng 9% so với niên vụ trước nhờ năng suất cây trồng được cải thiện và diện tích canh tác tăng.

Xem thêm các phân tích thị trường nông sản tại đây.

Thuế xuất khẩu lúa mì
 Mức thuế xuất khẩu đối với mặt hàng lúa mì của Nga trong các tuần gần đây (Đồ hoạ: Công ty Cổ phần Saigon Futures)

Đối với mặt hàng lúa mì, dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Nga cho thấy tốc độ thu hoạch lúa mì tại nước này đang diễn ra khá ổn định. Đáng chú ý, Nga tiếp tục nâng mức thuế đánh vào lúa mì xuất khẩu trong tuần từ 15/9 – 21/9 ở mức 52,5 USD/tấn, tăng 6 USD/tấn so với tuần trước đó. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp, Nga tăng mức thuế xuất khẩu lúa mì trong bối cảnh sản lượng lúa mì của nước này được dự báo sẽ giảm mạnh so với niên vụ trước do khô hạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến năng suất caay trồng.

Dữ liệu của Công ty Cổ phần Saigon Futures cho thấy giá lúa mì Nga trên thị trường quốc tế đang có xu hướng dần ổn định trong những phiên giao dịch gần đây sau khi liên tục tăng mạnh.

Công ty Cổ phần Saigon Futures (https://saigonfutures.com) là thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) – Sở giao dịch hàng hoá được cấp phép chính thức bởi Bộ Công Thương. Năm 2020, Saigon Futures vinh dự nhận giải thưởng “Thành viên kinh doanh xuất sắc của MXV”. Saigon Futures cung cấp báo cáo ngành độc quyền định kỳ, giảm phí phần mềm và hoàn phí dữ liệu cho khách hàng đủ điều kiện giao dịch.