Đẩy mạnh quảng bá đặc sản vùng miền

Theo dự báo của Bộ Công Thương, sức mua thị trường Tết Nguyên đán năm 2021 sẽ tăng từ 15 - 20% và chắc chắn sẽ không có biến động lớn về giá cả, kể cả đối với các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2021, Bộ Công Thương nhận định sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20%, trong đó tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Theo tính toán, nhu cầu tiêu dùng của người dân về hàng hóa thiết yếu sẽ bắt đầu tăng cao từ cuối tháng 1/2021 và tăng cho đến ngày 6, 7/2/2021 (tức là khoảng ngày 25, 26 tháng Chạp năm Canh Tý).

Hiện các địa phương đang đẩy mạnh tổ chức các Chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại các địa bàn dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa. 

thị trường hàng hóa Tết
Hiện các địa phương đang đẩy mạnh tổ chức các Chương trình kết nối cung cầu nhằm giới thiệu các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước tại các địa bàn dân cư, nhất là vùng sâu, vùng xa. 

Đơn cử tại Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội vừa cho biết, dịp Tết Tân Sửu 2021 sẽ tổ chức 300 chuyến bán hàng lưu động nhằm phục vụ người dân tại các khu nông thôn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, các xã miền núi.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng hóa đầy đủ với mức giá cả hợp lý cho người dân đón Tết thì mục tiêu quan trọng là có thể quảng bá, đưa hàng Việt chất lượng cao phục vụ cho nhân dân vùng nông thôn, vùng sâu xa và công nhân các khu công nghiệp. Thông qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thông tin thêm với phóng viên, bà Trần Thị Phương Lan cũng cho biết, dự kiến các doanh nghiệp bán lẻ sẽ tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 455 chợ và 11.382 trang thông tin điện tử, sàn thương mại điện tử và hàng nghìn cửa hàng tiện lợi, chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, tại hầu hết các địa phương, Sở Công Thương nhiều tỉnh, thành cũng ký hợp tác với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị để đưa hàng về nông thôn, vùng sâu xa. Điển hình như Sở Công Thương Đà Nẵng ký hợp đồng với siêu thị Co.opMart đưa nhiều mặt hàng Việt ưu đãi về vùng sâu, vùng xa phục vụ cho đồng bào miền núi với giá thành thấp nhất…

Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ hàng hóa 

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết, ngành Công Thương đã và đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa có cơ hội kết nối với thị trường, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Việt, mở rộng thị trường tiêu thụ, thông qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Trong đó, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình bình ổn mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo...

“Thông qua các chương trình cụ thể, các chính sách miễn giảm chi phí tuyên truyền quảng bá, chi phí thuê gian hàng, chi phí vận chuyển hàng hóa đến địa điểm tổ chức các gian hàng, phiên chợ…, chúng ta đang nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối, quảng bá giới thiệu và đưa hàng Việt về các vùng có sức tiêu thụ cao như vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa… để phục vụ bà con nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán”, Vụ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng từng chia sẻ, ngay từ đầu Quý III/2020, Hà Nội đã có chỉ đạo các địa phương tạo điều kiện về mặt bằng, chính sách, an ninh trật tự… để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình đưa hàng Việt về quảng bá, giới thiệu.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng liên kết chặt chẽ với các tỉnh, thành phố lân cận để hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối tăng cường giao thương. Thông qua đó, vừa có thể khai thác nguồn hàng đa dạng nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân Thủ đô, vừa đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu và tạo chuỗi cung ứng, hướng đến sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp.

Đồng thời, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cũng khuyến cáo doanh nghiệp thực hiện đúng theo cam kết về bình ổn thị trường cũng như các chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng dịp Tết.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Bộ Công Thương đề nghị các chuỗi siêu thị lớn có kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống; phối hợp với các địa phương điều phối, cung ứng hàng hóa liên tỉnh để kịp thời cung cấp hàng hóa cho các địa phương thiếu hàng.

Ngoài ra, phải đẩy mạnh việc đàm phán với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch bệnh lây lan (như khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn…) để đáp ứng nhu cầu của người dân với giá hợp lý.

Kiểm soát chặt thị trường, ngăn chặn hàng lậu, giả

Về công tác kiểm soát thị trường hàng hóa, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh cho biết, từ nay đến Tết sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, thực phẩm bẩn. Trong đó, chú trọng công tác kiểm soát về an toàn thực phẩm và các mặt hàng phòng chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó sẽ xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá góp phần giúp người dân đón Tết an toàn.