Việt Nam là nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Tuy nhiên, thị phần chè của Việt Nam chiếm tỷ lệ thấp so với đối thủ cạnh tranh. Nguyên nhân chính là do sản phẩm chè của Việt Nam còn chưa cạnh tranh được về chủng loại, chất lượng, mẫu mã. Các sản phẩm chè của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu dưới dạng nguyên liệu, thương hiệu còn hạn chế.

Nhằm góp phần cùng các doanh nghiệp ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chè, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo sản xuất chè bền vững, hiệu quả, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đã được Bộ Công Thương giao thực hiện dự án “Hoàn thiện quy trình công nghệ kiểm soát hoạt tính sinh học của hệ enzym trong quá trình lên men chè đen và thử nghiệm ứng dụng kiểm soát tự động quá trình lên men trên quy mô sản xuất bán công nghiệp”. Dự án được thực hiện từ 1/1/2018 đến 31/12/2019 do ThS. Phạm Thanh Bình làm chủ nhiệm, thuộc Đề án Phát triển và Ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020.

Ngày 12/12/2019, đoàn công tác của Bộ Công Thương đã thực hiện kiểm tra định kỳ dự án do Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện.

chè đen otc
Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra định kỳ tại Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc

 

Báo cáo trước đoàn công tác, Th.S Phạm Thanh Bình – Chủ nhiệm dự án cho biết, loại chè dùng xuất khẩu chủ yếu là chè đen. Hai phương pháp chủ yếu để sản xuất chè đen bao gồm chè đen OTD (truyền thống) và chè đen CTC. Điểm khác nhau cơ bản giữa hai phương pháp là giai đoạn phá vỡ tế bào và tạo hình.

Trên thế giới, lên men liên tục trên băng tải để sản xuất chè đen OTD đã được nghiên cứu và áp dụng. Tuy nhiên phương pháp này chưa được áp dụng tại Việt Nam. Các nhà máy trong nước chủ yếu áp dụng phương pháp héo chè bằng phương pháp thủ công, lên men gián đoạn dưới nhiều hình thức khác nhau. Phương pháp này chi phí đầu tư thấp nhưng chi phí nhân công cao, chất lượng chè không cao, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Dự án ‘Hoàn thiện quy trình công nghệ kiểm soát hoạt tính sinh học của hệ enzym trong quá trình lên men chè đen và thử nghiệm ứng dụng kiểm soát tự động quá trình lên men trên quy mô sản xuất bán công nghiệp’ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản xuất, tăng năng suất lao động góp phần công nghiệp hóa-hiện đại hóa công nghệ sản xuất chè đen OTD. Dựa trên cơ sở phân tích các phương pháp lên men đã được áp dụng trên thế giới và trong nước, chúng tôi chọn phương pháp lên men liên tục kiểu băng tải tích hợp hệ thống tự động giám sát điều khiển”, Th.S Phạm Thanh Bình cho biết.

dây chuyền sản xuất chè đen otc
Dây chuyền sản xuất chè đen OTD của Công ty cổ phần Chè Sông Lô

 

Nhóm thực hiện dự án đã hoàn thiện và xác định mối quan hệ giưa xnguyene liệu, thông số kỹ thuật với hoạt tính enzyme trong chè. Sau đó, nhóm tiến hành xây dựng bộ dữ liệu ảnh của màu sắc chè lên men đến khả năng phát hiện của các khí cụ đo, từ đó thiết lập lưu đồ thuật toán, lựa chọn cơ cấu chấp hành và lập trình cho hệ thống thiết bị lên men tự động.

Cuối cùng, nhóm thực hiện xây dựng mô hình thiết bị giám sát điều khiển quá trình lên men tự động chè đen OTD. Theo khảo sát của dự án, tất cả 81 nhà máy chè đen hiện nay chưa có nhà máy nào được trang bị thiết bị lên men tích hợp hệ thống tự động giám sát điều khiển.

“Dây chuyền thiết bị có thiết bị lên men tích hợp hệ thống tự động giám sát điều khiển lên men chè OTD sẽ góp phần giải quyết khó khăn của các nhà máy chè đen hiện nay. Chúng tôi tự tin công nghệ chắc chắn sẽ được các nhà máy chấp nhận ứng dụng nhằm nâng cao và ổn định chất lượng chè đen OTD của Việt Nam”, Th.S Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.

sản phẩm chè đen
Sản phẩm chè đen

 

Dựa trên quy trình công nghệ mà dự án xây dựng và hoàn thiện, nhóm thực hiện đã phối hợp với Công ty CP Chè Sông Lô (xã Kim Phú, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) sản xuất thử sản phẩm chè đen OTD ở quy mô bán công nghiệp. Kết quả, 4 nghìn tấn sản phẩm đã được sản xuất, vượt xa số lượng sản phẩm đăng ký (20 tấn sản phẩm).

Sản phẩm chè đen OTD được doanh nghiệp đánh giá rất cao, chất lượng tốt, hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm tương tự trên thị trường.
Kết luận tại buổi kiểm tra, đoàn công tác Bộ Công Thương đánh giá dự án đã triển khai đầy đủ các nội dung, đảm bảo khối lượng, chất lượng và tiến độ theo thuyết minh và hợp đồng đã ký. Đoàn công tác đề nghị tổ chức chủ trì và nhóm thực hiện dự án hoàn thiện hồ sơ, báo cáo, bổ sung các minh chứng, chứng từ…theo góp ý của các chuyên gia trước khi tiến hành kiểm tra thẩm định và nghiệm thu cấp quốc gia theo đúng quy định.