Ngày nay, với nền sản xuất dần dần được cơ khí hóa và tự động hóa, các sản phẩm công nghiệp ngày càng phong phú và đa dạng, tuy ở các mức độ khác nhau, các sản phẩm công nghiệp thường là các sản phẩm kỹ thuật chuyên ngành hoặc đa ngành kỹ thuật  phức hợp cơ khí – điện - điện tử - tin học - quang học - hóa - sinh vật học….

Khi xã hội phát triển lên, người ta phải tạo ra các sản phẩm phù hợp quy định ngặt nghèo của luật pháp trong nước và quốc tế, trong đó có quy định chất lượng hàng hóa và sản phẩm công nghiệp, để được phép bán và xuất khẩu được.

Chất lượng tổng hợp của sản phẩm (CLTHSP) và hàng hóa công nghiệp bao gồm các tính chất tạo ra giá trị sử dụng, nói lên mức độ mà sản phẩm công nghiệp thỏa mãn nhu cầu nhất định nào đó trong những điều kiện xác định của sản xuất, sử dụng và tiêu dùng CLTHSP và hàng hóa công nghiệp thể hiện thông qua các chỉ tiêu sau đây với độ tin cậy của chúng:

1) Chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật chuyên ngành và phức hợp cùng năng lượng sử dụng;

2) Chỉ tiêu chất lượng ergonomie (quan hệ sản phẩm và con người, môi trường);

3) Chỉ tiêu chất lượng thẩm mỹ công nghiệp;

4) Chỉ tiêu chất lượng thuộc phạm vi công nghệ và năng lượng chế tạo;

5) Chỉ tiêu chất lượng thuộc phạm vi các vật liệu tạo ra sản phẩm;

6) Chỉ tiêu chất lượng kinh tế;

7) Chỉ tiêu chất lượng thuộc phạm vi tính chất xã hội, của sản phẩm.

Đối với một sản phẩm cụ thể, các chỉ tiêu kỹ thuật, ergonemie, mỹ thuật công nghiệp, vật liệu là các yếu tố trực tiếp tạo thành tính công dụng của sản phẩm.

Những yêu cầu của chỉ tiêu chất lượng công thái học (ergonomie)

Chỉ tiêu chất lượng công thái học (ergonomie) yêu cầu các sản phẩm được chế tạo ra phải phù hợp với người sử dụng. Họ phải được bảo vệ an toàn trong quan hệ với sản phẩm. Sản phẩm phải phù hợp và thỏa mãn các yêu cầu về cơ thể, tâm sinh lí, thuận tiện khi sử dụng, bảo dưỡng sửa chữa cũng như quy trình tiêu hủy sau khi bỏ đi...

Bên cạnh đó sản phẩm không được làm tổn hại cho con người và sinh vật ở nơi có sản phẩm, không làm ô nhiễm môi trường và các phương diện vật lí, hóa học, sinh vật học, phải chú ý quan hệ giữa sản phẩm và tính ổn định cân bằng động của môi trường sống mà trong đó có sản phẩm ấy.

Sản phẩm không được ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng và người trong môi trường vật phẩm hiện diện và môi trường sinh thái. Thí dụ, các tấm chắn nhiệt ở ống xả xe máy được làm quá sắc nhọn làm đứt chân người chạm phải, ống xả xe máy phun thẳng khói xả vào mặt người đi sau… đó là lỗi thiết kế và công nghệ chế tạo của người vô trách nhiệm và thiếu đạo đức nghề nghiệp.

Một nghịch lý là xe điện chạy rất êm không gây tiếng ồn cho môi trường nhưng người lái xe lại cảm giác thiếu âm thanh nền vì thói quen dùng động cơ nổ có độ rung và tiếng ồn, vậy các nhà sản xuất xe điện lại phải tạo âm thanh tiếng máy nổ khi người lái xe muốn có.

Một trong các nguyên tắc của ergonomie là tất cả các tác động của sản phẩm đối với con người trong quan hệ con người - sản phẩm phải nằm dưới ngưỡng cao của cảm giác và cao hơn ngưỡng thấp của cảm giác của con người sử dụng và con người trong môi trường vật phẩm. Nêu vượt ra ngoài hai ngưỡng thì khả năng làm việc của con người bị suy sụp nhanh chóng. Tuy nhiên, các sản phẩm phục vụ sự an ninh, vũ khí thì phải áp dụng ngược lại (như các vũ khí, vật lí, hóa học, sinh vật học...), tăng hiệu quả chiến đấu của người sử dụng, giảm sức mạnh của đối phương.

Tổ chức Y tế thế giới WHO đưa ra các con số 5%, 50%, 95% tỷ lệ kích thước trong hằng số sinh học của dân làm cơ sở kích thước con người cho việc thiết kế ergonomie. Ví dụ, ở bảng điều khiển trung tâm, độ cao của nút bấm cao nhất có kích thước sao cho 95% số người lao động trong xã hội (có sử dụng sản phẩm) có khả năng với tay cao hơn kích thước thiết kế, các bộ phận chỉ thị, thông báo, báo gọi, điều khiển, chỉ huy... cho các sản phẩm máy, thiết bị thì cần đặc biệt chú ý đến chỉ tiêu này, cũng như đối với các sản phẩm có quan hệ với sinh vật (dùng trong y tế, trong chăn nuôi, thí nghiệm sinh vật dược phẩm...). Ví dụ, các thiết bị điện tử dùng trong bệnh viện cần có bộ nạp điện tự động từ nguồn ắc qui để phòng khi điện thành phố bị mất thì người bệnh không bị nguy hiểm, không dùng mầu đen trên sản phẩm thiết bị dụng cụ y tế,…

Mối quan hệ giữa chỉ tiêu ergonomie với các chỉ tiêu khác

Chỉ tiêu ergonomie có quan hệ chặt chẽ với các chỉ tiêu khác, nhất là với chất lượng thẩm mỹ công nghiệp, ví dụ khi xử lý màu sắc, tỷ lệ, kích thước... trong việc sử dụng vật liệu cũng vậy, ví dụ không được sử dụng các vật liệu có thể gây độc hại để sản xuất các sản phẩm dùng trong công nghiệp thực phẩm, đồ chơi cho trẻ em. Các robot được chế tạo ra phải có phần mềm bảo đảm không tự động tấn công làm hại con người và phá hủy môi trường...

Một trong các yêu cầu của ergonomie là sản phẩm được chế tạo gây ra được cảm giác dễ chịu, thoải mái khi sử dụng chống mệt mỏi, nhầm lẫn... Các ngưỡng cảm giác dễ chịu tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có giới tính, lứa tuổi, loại công việc v.v...

Cần tránh thiết kế tùy tiện, cảm tính, ví dụ, khi thiết kế bảng điều khiển, bảng chỉ dẫn cần có kiểu chữ và số, biểu tượng rõ ràng, đủ to ở khoảng cách cần thiết để dễ đọc, dễ nhận dạng, tránh các kiểu chữ, số khó đọc, màu sắc gây đọc nhầm lẫn hoặc lóa mắt (như chữ đỏ trên nền xanh thẫm). Như vậy còn hạn chế các tai nạn lao động.

Ngay trong thiết kế các trang web, danh thiếp công việc... cũng còn nhiều hạn chế như: chữ nhỏ trong khi diện tích nền thì thừa rộng, chữ nhạt trên nền sáng, chữ mầu thẫm trên nền tối rất khó đọc, thông tin cần thì không nổi bật, chữ viết thường và in hoa tùy tiện trong một từ….

Do yêu cầu khách quan như vậy, chất lượng ergonomie cần được coi trọng. Nó không những là trách nhiệm của chúng ta mà còn thể hiện đạo đức của người thiết kế, công nghệ nữa, thể hiện coi trọng con người, tôn trọng người sử dụng, cùng sự tồn tại chung của sinh vật trong môi trường sinh thái. Pháp luật cũng đã quy định như vậy. Vấn đề là người thiết kế, công nghệ, người duyệt, người mua có khả năng thực hiện trách nhiệm của mình không.

Đây là vấn đề cần lưu ý bởi hiện nay các hãng sản xuất hàng hóa cũng rất quyết liệt nâng cao chất lượng công thái học này trong cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu.