Mía đường Ấn Độ
 Ấn Độ được nhận định sẽ hưởng lợi lớn khi nguồn cung đường từ Brazil suy giảm trong thời gian tới đây (Ảnh: Bloomberg)

Ông Paulo Roberto de Souza, Giám đốc điều hành hãng kinh doanh đường lớn nhất thế giới Alvean Sugar SL (Thuỵ Sĩ), vừa cho biết thị trường đường toàn cầu trong niên vụ 2021/2022 (tháng 10/2021 – tháng 9/2022) sẽ bị thiếu hụt tới 6 triệu tấn đường, tăng gấp đôi so với các dự báo trước đây.

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu sử dụng đường toàn cầu được dự báo sẽ tăng 1,2% trong niên vụ tới, tăng vọt so với mức dự báo tăng 0,7% trong niên vụ 2020/2021 do nhiều nền kinh tế đang đẩy mạnh tái mở cửa trở lại, giúp hoạt động tiêu thụ đường phục hồi mạnh.

Giá đường
 Diễn biến giá đường giao tháng 3/2022 trên sàn giao dịch ICE trong 1 năm trở lại đây (Đồ hoạ: theice.com)

Hiện giá đường thế giới đang tiệm cận mức cao nhất kể từ năm 2017 đến nay do sản lượng đường của Brazil giảm tới 5% dưới tác động của hạn hán và sương giá bất thường trong niên vụ vừa qua. Brazil hiện là quốc gia xuất khẩu đường lớn nhất thế giới. Giá đường No.11 giao tháng 3/2022 trên Sàn giao dịch hàng hoá ICE (New York) đã tăng 51% trong 1 năm trở lại đây, đạt 20,29 cents/pound (0,454 kg) trong ngày 8/10. Giá đường No.11 được xem là mức giá tham khảo cho các giao dịch đường thô trên toàn cầu.

Bên cạnh đó, các tắc nghẽn trong hoạt động vận tải đường biển trên toàn cầu, thiếu hụt container rỗng và tàu chuyên chở cũng khiến chi phí vận chuyển tăng vọt, góp phần đẩy giá đường trên toàn cầu tăng lên.

Ông Paulo Roberto de Souza cảnh báo tình trạng thời tiết La Nina trong niên vụ 2021/2022 sẽ khiến một số vùng canh tác mía đường lớn của Brazil đối mặt tình trạng khô hạn, khiến sản lượng đường của nước này sẽ tiếp tục ở mức thấp. Theo đó, Ấn Độ - quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ ba thế giới có thể hưởng lợi lớn trong thời gian tới. Nguồn cung từ Ấn Độ sẽ giúp thị trường chống đỡ với tình trạng thiếu hụt đường trong giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 3 hoặc tháng 4/2022, ông Paulo Roberto de Souza nhận định.

Thông thường, các quốc gia tiêu thụ đường lớn sẽ dựa vào lượng đường dự trữ vốn được tích trữ xuyên suốt cả năm nhằm tránh tình trạng thiếu hụt hoặc phải mua đường với giá cao khi các nước xuất khẩu lớn chưa bước vào vụ ép mía đường chính. Tuy nhiên, mức dự trữ đường tại nhiều nước hiện đang ở mức rất thấp do suy giảm nguồn cung và các khó khăn trong hoạt động vận chuyển khiến việc tái bổ sung kho dự trữ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) nhận định việc giá nhiên liệu sinh học ethanol tăng cao đang thúc đẩy nhiều nhà máy sản xuất đường lớn trên thế giới chuyển từ sản xuất đường sang sản xuất ethanol, khiến lượng đường tồn kho suy giảm. Giá ethanol hiện đã tăng 55% so với hồi đầu năm nay.

Dữ liệu của ISO cho thấy, sản lượng dự trữ đường trên toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 chỉ đạt 45,8 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức cao kỷ lục 53,1 triệu tấn trong niên vụ 2018/2019 và dự kiến mức dự trữ này có thể sẽ tiếp tục giảm nữa.