Thông tin kinh tế tích cực tại Châu Âu và Hoa Kỳ nâng đỡ giá dầu thô vượt 66 USD/thùng

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô quốc tế đã tăng trở lại ngưỡng 66 USD/thùng nhờ các thông tin kinh tế tích cực tại khu vực Eurozone và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu thô vẫn giảm khoảng 1% khi đại dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng tại Ấn Độ và Nhật Bản.
Diễn biến giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI từ ngày 29/3 đến 25/4/2021 (Ảnh: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 77 cents tương ứng 1,1% lên 66,11 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai cũng tăng 71 cents tương ứng 1,2% lên 62,14 USD/thùng.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô vẫn giảm khoảng 1% do thị trường lo ngại nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ khó phục hồi tốt như kỳ vọng khi đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số nền kinh tế lớn trên thế giới.

Hồi giữa tháng 3, giá dầu thô đã có chạm mức trên 66 USD/thùng – mức cao nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát hồi năm ngoái trong bối cảnh thị trường lạc quan về việc Hoa Kỳ và một số nền kinh tế khác đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.

Nhưng trong những phiên giao dịch gần đây, giá dầu thô chịu sự giằng co giữa nhiều thông tin tích cực và tiêu cực xen lẫn nhau, đặc biệt là những lo ngại về diễn biến đại dịch Covid-19 tại Ấn Độ và Nhật Bản, hai quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba và thứ tư thế giới.

Trong phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô đã được nâng đỡ nhờ một loạt dữ liệu kinh tế tích cực. Cụ thể, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tổng hợp của khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) trong tháng 4/2021 đã đạt 53,7 điểm – mức cao nhất trong 9 tháng trở lại đây và cao hơn mức 53,3 điểm hồi tháng 3 trước đó. Con số này cao hơn mức dự báo 52,8 điểm của giới phân tích đưa ra trước đó.

Chỉ số này đạt trên 50 điểm cho thấy các hoạt động kinh tế, sản xuất chế tạo tại khu vực Eurozone trong tháng 4 vừa qua đã được mở rộng mặc dù một số nền kinh tế trong khu vực như Đức và Pháp đang phải áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-91 nghiêm ngặt.

Các dữ liệu mới cũng cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 13 tháng trở lại đây; cho thấy, đà phục hồi của nền kinh tế Hoa Kỳ đang được củng cố mạnh mẽ hơn với việc thị trường lao động gia tăng tuyển dụng trở lại.

Bên cạnh đó, hãng lọc hoá dầu Valero (Hoa Kỳ) công bố báo cáo cho biết nhu cầu sử dụng dầu diesel tại Hoa Kỳ hiện đã phục hồi hoàn toàn và nhu cầu sử dụng xăng hiện cũng đã đạt 93% so với mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại nước này.

Hiện thị trường tiếp tục quan sát diễn biến đại dịch Covid-19 trên thế giới, đặc biệt là tại Ấn Độ và Nhật Bản. Trong ngày 24/4, Ấn Độ đã ghi nhận tới 332.730 ca nhiễm Covid-19 mới, lập kỷ lục toàn cầu về số ca nhiễm mới kể từ khi đại dịch xuất hiện. Đây cũng là ngày thứ hai liên tiếp, số ca nhiễm mới tại nước này phá kỷ lục trên 300.000 ca nhiễm/ngày.

Mặc dù tình hình dịch lây lan rộng, Chính phủ Ấn Độ hiện vẫn bác bỏ kế hoạch phong toả toàn quốc lần 2 sau khi đợt phong tỏa toàn quốc lần đầu từ cuối tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế. Hiện nay, nhiều bang của Ấn Độ đang tăng cường các biện pháp phòng dịch ở những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm biện pháp phong tỏa một phần.

Tại Nhật Bản, ngày 23/4, Thủ tướng Yoshihide Suga đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực thủ đô Tokyo và ba tỉnh khác và cho biết rằng đây là biện pháp cần thiết khi số ca nhiễm biến chủng mới Covid-19 tại nước này liên tục gia tăng. Thời gian áp tình trạng khẩn lần này trùng với kỳ nghỉ "tuần lễ vàng" ở Nhật Bản, khoảng thời gian người dân du lịch nhiều nhất trong năm.

Quang Đặng