Thu hút vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Bình Định

PGS. TS. HÀ THANH VIỆT - THS. NGUYỄN ĐÌNH MINH NHẬT (Trường Cán bộ quản lý giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích, đánh giá thực trạng thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Bình Định, từ đó đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới.

Từ khóa: thu hút đầu tư, nông nghiệp sạch, tỉnh Bình Định.

1. Đặt vấn đề

Thu hút vốn đầu tư đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế tỉnh Bình Định nói riêng và cả nước nói chung. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh và bổ sung một số chính sách ưu đãi để khuyến khích nhà đầu tư, cải cách thủ tục hành chính thông qua cơ chế “một cửa liên thông”, cũng như tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Do vậy, kết quả thu hút đầu tư của Tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp sạch, việc thu hút đầu tư còn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của Tỉnh. Do vậy, cần phải nghiên cứu thực trạng để tìm ra các giải pháp, nhằm tăng cường thu hút các dự án với quy mô vốn lớn và công nghệ hiện đại để phát triển nông nghiệp sạch, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định trong thời gian tới.

2. Thực trạng thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp sạch tại tỉnh Bình Định

2.1. Đầu tư trong nước

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Định đã thu hút tổng số 387 dự án đầu tư, trong đó có 18 dự án đầu tư nông nghiệp, chiếm 4,7% (Bảng 1). Các dự án nông nghiệp sạch của Tỉnh chủ yếu là chăn nuôi gia cầm, gia súc, rau sạch, cây dược liệu.

Bảng 1. Số dự án đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp sạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020

Chỉ tiêu

ĐVT

2016

2017

2018

2019

2020

Tốc độ phát triển bình quân (%)

Tổng số dự án đầu tư

Dự án

77

150

211

279

387

151,6

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sạch

 

 

 

 

 

 

 

Số lượng

Dự án

1

4

6

10

18

224,2

Tỷ trọng

%

1,3

2,7

2,8

3,6

4,7

 

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định

Các dự án đầu tư mới trong ngành nông nghiệp sạch của Bình Định có xu hướng tăng nhanh hơn tốc độ tăng bình quân với các dự án đầu tư ở các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ (Bảng 2).

Bảng 2. Thu hút đầu tư mới vào lĩnh vực nông nghiệp sạch ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020

Chỉ tiêu

ĐVT

2016

2017

2018

2019

2020

Tốc độ phát triển bình quân (%)

Tổng số dự án đầu tư

Dự án

77

73

61

68

108

112,2

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sạch

 

 

 

 

 

 

 

Số lượng

Dự án

1

3

2

4

8

191,7

Tỷ trọng

%

1,3

4,1

3,3

5,9

7,4

 

Lĩnh vực khác

 

 

 

 

 

 

 

Số lượng

Dự án

76

70

59

64

100

110,3

Tỷ trọng

%

98,7

98,6

96,7

94,1

92,6

 

Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định

Hiện nay, quy mô vốn đầu tư nông nghiệp sạch của tỉnh Bình Định còn thấp. Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô đầu tư còn nhỏ lẻ. Việc tiêu thụ chủ yếu là thị trường nội tỉnh và các tỉnh lân cận, nên mức đầu tư vốn chưa cao.

2.2. Đầu tư nước ngoài

Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã cấp phép cho 15 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp sạch, chiếm 15,2% tổng số dự án FDI đầu tư vào Bình Định. Các dự án FDI đầu tư vào ngành nông nghiệp sạch của Tỉnh tập trung vào chăn nuôi gia súc và rau sạch (Bảng 3).

Bảng 3. Số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020

Chỉ tiêu

ĐVT

2016

2017

2018

2019

2020

Tốc độ phát triển bình quân (%)

Tổng số dự án đầu tư

Dự án

9

17

24

30

33

141,3

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sạch:

 

 

 

 

 

 

 

Số lượng

Dự án

1

3

3

4

4

158,3

Tỷ trọng

%

11,1

17,6

12,5

13,3

12,1

 

(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định)

Giai đoạn 2016-2020, các dự án FDI đầu tư mới của Tỉnh đều giảm, trong đó FDI ngành nông nghiệp sạch có xu hướng giảm nhanh nhất, tốc độ giảm bình quân 50%/năm. Số dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch không có nhiều biến động và chiếm tỷ trọng thấp nhất trong các lĩnh vực (Bảng 4).

Bảng 4. Thu hút đầu tư mới vào lĩnh vực nông nghiệp sạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2020

Chỉ tiêu

ĐVT

2016

2017

2018

2019

2020

Tốc độ phát triển bình quân (%)

Tổng số dự án đầu tư

Dự án

9

8

7

6

3

78,1

Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sạch

 

 

 

 

 

 

 

Số lượng

Dự án

1

2

0

1

0

50,0

Tỷ trọng

%

11,1

25

0

16,7

0

 

Lĩnh vực khác:

 

 

 

 

 

 

 

Số lượng

Dự án

7

6

7

5

3

83,5

Tỷ trọng

%

88,9

75

100

83,3

100

 

(Nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định)

3. Đánh giá chung

3.1. Đầu tư trong nước

Về ưu điểm: Trong thời gian qua, chính quyền địa phương quan tâm nhiều đến công tác đầu tư, tuyên truyền quảng bá hình ảnh của Tỉnh để các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp sạch. Thực tế, tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp sạch, với các lĩnh vực có thế mạnh, như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, rau quả, dược liệu.

Nhiều thể chế, chính sách tài chính đã được Tỉnh ban hành để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn của Tỉnh cũng liên tục được mở rộng, năm sau cao hơn năm trước.

Hạn chế và nguyên nhân: Số dự án đầu tư mới vào lĩnh vực nông nghiệp sạch chiếm tỷ trọng còn thấp, không có nhiều biến động. Nguyên nhân chính là do các dự án liên quan đến nông nghiệp sạch khó khăn trong tích tụ đất, khó khăn trong tìm kiếm quỹ đất sạch để giao cho nhà đầu tư. Ngoài ra, tỉnh Bình Định vẫn chưa có định hướng và chiến lược cụ thể, rõ ràng trong thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Hiện nay, Tỉnh vẫn đang thu hút đầu tư đa lĩnh vực, nên thiếu tính tập trung và chưa thật sự hiệu quả cao.

3.2. Đầu tư nước ngoài

Ưu điểm: FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch ở Bình Định thời gian gần đây đã đạt được những thành tựu nhất định và đã có những đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, đóng góp vào ngân sách nhà nước.

FDI góp phần tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân Bình Định, cải thiện đời sống kinh tế - xã hội của vùng nông nghiệp và nông thôn, cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp xóa đói giảm nghèo. Đến nay, các dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp sạch ở Tỉnh  đã thu hút được nhiều lao động trực tiếp, chưa kể số lượng lớn lao động thời vụ và lao động khác trong khu vực chăn nuôi, trồng trọt để cung cấp sản phẩm cho ngành chế biến thực phẩm (tiêu thụ trong nước và xuất khẩu).

Các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp sạch của Bình Định tuy vốn đầu tư không lớn, nhưng đã tạo ra việc làm cho lực lượng lao động đông đảo và đang thiếu việc làm ở nông thôn. Thực tế cho thấy, các dự án FDI trong lĩnh vực này không chỉ tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho số lượng lớn lao động trực tiếp làm việc tại các nhà máy, mà còn cho nhiều hộ nông dân và trực tiếp tham gia tạo nguồn nguyên liệu thường xuyên cho dự án hoặc theo mùa vụ.

FDI có xu hướng tập trung vào khai thác tiềm năng, nguồn lực sẵn có về đất đai, lao động, tập trung vào dự án tạo giống cây, giống con mới và nuôi, trồng, chế biến các loại rau, củ, quả có hàm lượng công nghệ cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Bình Định.

Hạn chế và nguyên nhân: Nguồn vốn FDI vào ngành nông nghiệp sạch tăng trưởng không ổn định. Năm 2016, cả Tỉnh mới có 1 dự án, năm 2017 tăng lên thêm 2 dự án, đến năm 2018 không có dự án nào, năm 2019 có 1 dự án và năm 2020 cũng không có dự án nào. Điều này cho thấy, ngành nông nghiệp sạch chưa có sức hấp dẫn nguồn vốn FDI.

Tỷ trọng số dự án và số vốn FDI vào nông nghiệp còn rất thấp và thiếu ổn định. Qua đó thấy rằng, nguồn vốn FDI chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh phát triển nông nghiệp của Bình Định mặc dù trong tổng thể chính sách thu hút FDI vào nông nghiệp sạch luôn được coi là lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh.

Mặt khác, so với hoạt động FDI ở các lĩnh vực khác, hiệu quả thực hiện các dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất thấp, hạn chế, thiếu ổn định và có xu hướng giảm. Đồng thời, lĩnh vực nông nghiệp sạch luôn tiềm ẩn những rủi ro từ điều kiện tự nhiên, thị trường, thời gian thu hồi vốn chậm, lãi suất thấp,…

Nguyên nhân là do Tỉnh chưa có chiến lược, kế hoạch chung trong thu hút vốn FDI vào ngành nông nghiệp sạch; chủ trương thu hút FDI chưa nhất quán ưu tiên vào lĩnh vực nông nghiệp sạch.

Kế hoạch, quy hoạch còn chưa rõ ràng, thiếu chế tài hữu hiệu quản lý các vùng sản xuất tập trung, nên đã tạo ra sự phát triển tự do, cạnh tranh không lành mạnh, làm cho thị trường nguyên liệu nông sản trong vùng tăng, giảm thất thường, dẫn đến không tạo được vùng nguyên liệu phát triển ổn định, chưa có sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước về nguồn gốc, chất lượng nông sản.

Hệ thống pháp luật, chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp sạch chưa rõ ràng; các văn bản pháp luật chưa đảm bảo tính thống nhất và ổn định, còn chồng chéo nhau, gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài; chính sách ưu đãi cụ thể đối với các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành nông nghiệp nói chung, nông nghiệp sạch nói riêng đang được cào bằng với các ngành khác, khiến dòng vốn FDI không chảy nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp và thiếu ổn định.

Chính sách đất đai ở Tỉnh còn bất cập, dẫn đến việc tiếp cận đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài còn khó khăn, như nhiều quy định hạn chế về quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, diện tích đất cho mỗi hộ gia đình, chuyển mục đích sử dụng đất,… Nhà đầu tư nước ngoài không được cấp sổ đỏ và chỉ có thể thuê lại đất từ Chính phủ mà không được thuê trực tiếp từ cá nhân hay thuê lại từ doanh nghiệp… Điều này nhằm đảm bảo bình đẳng về tiếp cận đất đai, nhưng lại dẫn đến hạn chế khả năng tích tụ đất đai và gây khó khăn cho đầu tư dài hạn, sản xuất quy mô lớn.

Người lao động có xu hướng chuyển sang các ngành nghề khác ổn định hơn, nhất là vào các khu công nghiệp mới hình thành tại các địa phương vì thu nhập cao hơn. Do đặc tính của sản xuất nông nghiệp mang tính thời vụ, nên nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp không ổn định, lúc nhàn rỗi, lúc khẩn trương đã làm cho các lao động không yên tâm làm việc trong doanh nghiệp nông nghiệp sạch.

Ngoài ra, công tác quảng bá và tuyên truyền chưa phong phú. Việc đưa tin trên các website chưa phản ánh kịp thời diễn biến và tình hình đầu tư của Tỉnh. Chưa quảng bá được bằng nhiều thứ tiếng (chỉ mới có tiếng Anh) và chưa đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình và báo chí nước ngoài.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư vào phát triển nông nghiệp sạch tại tỉnh Bình Định

Một là, UBND tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất nông nghiệp và các lĩnh vực phát triển nông nghiệp sạch... nhằm tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực, cụ thể:

Xây dựng “Quỹ Kiều hối” nhằm mục đích đầu tư. Lượng kiều hối gửi về chủ yếu theo con đường gửi về phụ giúp cho gia đình sinh sống hoặc để đầu tư, để mua bất động sản,… Tuy nhiên, cần thúc đẩy luồng kiều hối về nhanh hơn. Phần kiều hối gửi cho gia đình chỉ chiếm rất nhỏ, còn nhìn chung kiều bào ở nước ngoài có nhu cầu gửi tiền về để đầu tư. Song hiện họ đang gặp khó khăn do chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào để có lợi nhuận cao. Thông qua Quỹ Kiều hối để đầu tư, có cơ chế, bộ máy rõ ràng sẽ giúp kiều bào tìm ra lĩnh vực, dự án đầu tư phù hợp.

Hệ thống các ngân hàng, các tổ chức tài chính tín dụng, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần liên kết để quản lý, thu hút các dòng kiều hối đầu tư vào những doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, vào các chương trình phát triển các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp sạch tại Tỉnh.

Hai là, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, đầu tư, nâng cấp huy động nhiều nguồn vốn thông qua xã hội hóa để phát triển về cơ sở hạ tầng nông thôn, như: giao thông, điện nước, viễn thông, thủy lợi,…

Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu tối đa các thủ tục không cần thiết để rút ngắn thời gian cấp phép. Các cơ quan chức năng của Tỉnh cần nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án để giúp các doanh nghiệp triển khai dự án nhanh chóng. Đồng thời, nâng cao ý thức tinh thần, trách nhiệm và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng ngày càng cao sự hài lòng của doanh nghiệp đối với các cơ quan công quyền và dịch vụ công.

Ba là, Tỉnh cần có những chính sách ưu đãi đặc thù, tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Trong đó, cần lưu ý sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Đơn giản hóa thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển đổi cây, con từ năng suất, chất lượng thấp sang cao; nghiên cứu sửa đổi quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, hướng dẫn chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp, trong đó bao gồm tài sản hình thành trên đất của các dự án nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Trong quá trình triển khai tích tụ, tập trung đất đai, chính quyền tỉnh Bình Định cần nỗ lực, tích cực phát huy vai trò của mình để vận động người nông dân thấy được hiệu quả, chủ động hợp tác. Đồng thời, tỉnh Bình Định đóng vai trò là cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong quá trình tích tụ, tập trung đất đai.

Bốn là, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Việt Nam trong việc thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn và kinh nghiệm về lĩnh vực nông nghiệp sạch nhằm bổ sung vào nguồn nhân lực quản lý, vận hành các dự án thu hút đầu tư. Mặt khác, các cơ sở đào tạo cần nâng cao chất lượng đào tạo, như: đổi mới chương trình đào tạo, chủ động mời các chuyên gia có kinh nghiệm giảng dạy và trao đổi chuyên môn, liên kết với các doanh nghiệp để tăng cơ hội thực hành, thực tập cho sinh viên tiếp cận thực tế.

Năm là, đổi mới công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả tuyên truyền về Bình Định (chính sách, môi trường đầu tư, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nhân lực nông nghiệp,… bằng nhiều hình thức phù hợp, như: các kênh phát thanh, truyền hình phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài, phát thanh, truyền hình đối ngoại, truyền hình giao thức internet (IPTV) hoặc hệ thống truyền hình của quốc gia sở tại). Phát huy ưu thế các phương tiện truyền thông của cộng đồng nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho người Việt Nam ở nước ngoài về tình hình chính sách cởi mở, ưu tiên của địa phương để khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất - kinh doanh...

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Đình Hiền (2012), Giải pháp liên kết vùng Duyên hải miền Trung trong hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ở tỉnh Bình Định, Kỷ yếu Hội thảo khoa học tháng 8/2012.
  2. Lê Mộng Huyền (2017). Thực trạng và giải pháp thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Bình Định, Tạp chí Công Thương, Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 6, tháng 5/2017.
  3. Phạm Đăng Khoa (2014). Đầu tư phát triển nông nghiệp Bình Định, Luận văn thạc sỹ kinh tế, Trường Đại học Đà Nẵng.
  4. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Định (2016-2020). Báo cáo tình hình thu hút đầu tư các năm từ năm 2016 đến năm 2020.
  5. Minh Trang (2020). Bình Định: Tập trung thu hút đầu tư vào những lĩnh vực thế mạnh, truy cập tại http://baochinhphu.vn/Hoat-dong-dia-phuong/Binh-Dinh-Tap-trung-thu-hut-dau-tu-vao-nhung-linh-vuc-the-manh/400126.vgp.

Attracting investment in the clean agriculture sector of Binh Dinh Province

Assoc.Prof. Ph.D Ha Thanh Viet

Master. Nguyen Dinh Minh Nhat

Institute for Educational Management Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This paper assesses the current investment attraction of Binh Dinh Province’s clean agriculture sector. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to attract more investmnt in the clean agriculture sector of Binh Dinh Province in the coming time.

Keywords: investment attraction, clean agriculture, Binh Dinh Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]