Thu từ dầu thô đạt tính theo dự toán năm đạt mức cao nhất

Trong quý 1, thu từ dầu thô tính theo dự toán năm đạt mức cao nhất so với 2 khoản thu còn lại là thu nội địa và thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 3 ước đạt gần 111,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu quý I đạt 403,7 nghìn tỷ đồng, bằng 30,1% dự toán, tăng 0,3% so cùng kỳ năm 2020 (thu NSTW ước đạt 204 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6% dự toán; thu NSĐP ước đạt 199,7 nghìn tỷ đồng, bằng 33% dự toán). Trong đó:

Thu nội địa: Thực hiện tháng 3 ước đạt 88,5 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu quý I đạt 340,2 nghìn tỷ đồng, bằng 30% dự toán, tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2020. Ước tính cả nước có 57/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 25%), trong đó 42 địa phương thu đạt trên 28% dự toán; 40/63 địa phương thu cao hơn so cùng kỳ.

Thu từ dầu thô: Thực hiện tháng 3 ước đạt 2,9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu quý I đạt 8 nghìn tỷ đồng, bằng 34,6% dự toán.

Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: Thực hiện tháng 3 ước đạt gần 20,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế thu quý I đạt 54,9 nghìn tỷ đồng, bằng 30,8% dự toán, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2020, trên cơ sở: tổng số thu thuế ước đạt 86 nghìn tỷ đồng, bằng 27,3% dự toán; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 31,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,8% dự toán.

Như vậy, trong quý 1, thu từ dầu thô tính theo dự toán năm đạt mức cao nhất so với 2 khoản thu còn lại là thu nội địa và thu từ cân đối hoạt động xuất nhập khẩu.

Tổng chi cân đối NSNN tháng 3 ước đạt 124,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi quý I đạt 341,9 nghìn tỷ đồng, bằng 20,3% dự toán, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó: chi đầu tư phát triển đạt gần 60,8 nghìn tỷ đồng, bằng 12,7% dự toán, giảm 1,4%; chi trả nợ lãi đạt 31 nghìn tỷ đồng, bằng 28,2% dự toán, giảm 5,2%; chi thường xuyên đạt 249,9 nghìn tỷ đồng, bằng 24,1% dự toán, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN vui đón Tết cổ truyền.

Đồng thời, bố trí nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đảm bảo cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới, biển đảo dịp tết Nguyên đán.

Sử dụng dự phòng Trung ương 1.065 tỷ đồng để bổ sung kinh phí cho Bộ Y tế mua sắm các vật tư, hóa chất, sinh phẩm và trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 (503 tỷ đồng) và hỗ trợ địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh (210 tỷ đồng), xử lý cấp bách đê xung yếu, cống dưới đê bị sự cố và kè bảo vệ khu vực sạt lở, sụt lún trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc (298,2 tỷ đồng),...

Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2021 Thủ tướng Chính phủ giao là 461,3 nghìn tỷ đồng, bằng 96,64% dự toán Quốc hội quyết định; cùng với các nguồn lực khác (tăng thu, kết dư ngân sách,...), các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng gần 47 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Vụ Bản