Cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ

Mỗi nước sẽ thông báo danh sách tên, địa chỉ, mẫu chữ ký và con dấu chính thức của các cơ quan thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ cho tất cả các nước thành viên khác thông qua Ban thư ký ASEAN. Bất cứ  thay đổi nào trong danh sách nêu trên của các nước thành viên sẽ phải được thông báo ngay cho tất cả các nước khác.

Bất kỳ Giấy chứng nhận xuất xứ nào được cấp mà người ký không có tên trong danh sách trên sẽ không được cơ quan Hải quan chấp nhận.

Để xác định rõ xuất xứ, các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ có quyền yêu cầu xuất trình thêm tài liệu, chứng từ hoặc tiến hành kiểm tra nếu xét thấy cần thiết phù hợp với quy định và pháp luật quốc gia của một nước thành viên.

Cấp giấy chứng nhận xuất xứ

Nhà sản xuất và/hoặc người xuất khẩu hàng hóa hoặc người được uỷ quyền sẽ nộp đơn cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ đề nghị kiểm tra xuất xứ hàng hóa trước khi xuất khẩu theo quy định, pháp luật quốc gia của nước thành viên. Kết quả kiểm tra sẽ được xem xét lại định kỳ hoặc khi xét thấy cần thiết và được chấp nhận là bằng chứng hỗ trợ để xác định xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu sau này. Việc kiểm tra hàng hóa trước khi xuất khẩu có thể không áp dụng đối với hàng hóa mà do bản chất của chúng, xuất xứ hàng hóa có thể dễ dàng xác định được.

Nhà sản xuất và/hoặc người xuất khẩu hoặc người được uỷ quyền sẽ nộp đơn kèm theo chứng từ cần thiết chứng minh rằng hàng hóa xuất khẩu đáp ứng tiêu chuẩn để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ phù hợp với các quy định, luật pháp của nước thành viên.

Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, theo thẩm quyền và khả năng, phù hợp với các quy định pháp luật nước mình, sẽ tiến hành kiểm tra từng truờng hợp xin cấp chứng nhận xuất xứ  để bảo đảm rằng:

(a) Giấy chứng nhận xuất xứ đã được khai đầy đủ và được ký bởi người có thẩm quyền;

(b) Xuất xứ của hàng hóa phù hợp với quy tắc xuất xứ nêu tại bộ Quy tắc xuất xứ

(c) Các nội dung khác khai trên Giấy chứng nhận xuất xứ phù hợp với chứng từ được nộp; và

(d) Mô tả số lượng và trọng lượng hàng hóa, ký mã hiệu và số lượng kiện hàng, loại bao bì kê khai phù hợp với hàng hóa  được xuất khẩu.

Nhiều mặt hàng có thể được khai trên cùng một Giấy chứng nhận xuất xứ, với điều kiện từng mặt hàng phải đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ quy định đối với mặt hàng đó.

Giấy chứng nhận xuất xứ phải làm trên khổ giấy A4, phù hợp với mẫu đính kèm và được gọi là mẫu AK. Mẫu AK sẽ được làm bằng tiếng Anh.

Một bộ Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ bao gồm một bản gốc và hai (02) bản sao carbon. Màu sắc của bản gốc và bản sao carbon của một bộ Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ được các nước thành viên thống nhất thỏa thuận.

Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ mang số tham chiếu riêng của mỗi địa phương hoặc cơ quan cấp.

Bản gốc sẽ do nhà sản xuất và/hoặc người xuất khẩu gửi cho người nhập khẩu để nộp cho Hải quan nước nhập khẩu. Bản thứ hai do cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ của nước xuất khẩu lưu. Bản thứ ba sẽ do nhà sản xuất và/hoặc người xuất khẩu lưu.

Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xuất xứ sẽ định kỳ cung cấp cho Hải quan nước nhập khẩu các chi tiết của Giấy chứng nhận xuất xứ được cấp, bao gồm số phát hành và ngày cấp, nhà sản xuất và/hoặc người xuất khẩu và mô tả hàng hóa .

Trong những trường hợp C/O mẫu AK bị Hải quan nước nhập khẩu từ chối, mẫu AK sẽ được đánh dấu vào ô số 4 và bản gốc C/O mẫu AK sẽ được gửi lại cho cơ quan cấp trong thời hạn hợp lý nhưng không quá hai (02) tháng. Cơ quan cấp sẽ được thông báo về lý do từ chối cho hưởng ưu đãi đối với mẫu C/O này.

Trường hợp C/O mẫu AK bị từ chối như đã nêu tại Điều 6 thì Hải quan nước nhập khẩu, nếu xét thấy phù hợp, sẽ chấp nhận giải thích của cơ quan cấp C/O và tiếp tục cho hưởng thuế suất ưu đãi . Việc giải thích  của cơ quan cấp C/O phải đủ chi tiết và hoàn toàn thấu đáo giải toả được lý do mà nước nhập khẩu đã từ chối cho hưởng ưu đãi.

Không được phép tẩy xóa hoặc viết thêm lên C/O. Mọi thay đổi phải được đánh dấu và chỉ rõ chỗ có lỗi. Tất cả những thay đổi này phải được chấp thuận bởi người có thẩm quyền ký C/O và được cơ quan có thẩm quyền cấp xác nhận. Các phần còn trống sẽ được gạch chéo để tránh điền thêm.

Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) được cấp vào thời điểm xuất khẩu hoặc một thời gian ngắn sau đó, nếu theo các quy tắc xuất xứ quy định tại bộ Quy tắc xuất xứ, hàng hóa xuất khẩu được xác định là có xuất xứ tại lãnh thổ của nước xuất khẩu.

Cơ quan có thẩm quyền cấp C/O của nước trung gian là thành viên có thể cấp Giấy chứng nhận xuất xứ giáp lưng (back to back C/O) nếu đơn xin cấp C/O giáp lưng được người xuất khẩu nộp vào thời điểm hàng hóa đang được vận chuyển qua nước trung gian, với điều kiện:

(a) Xuất trình Giấy chứng nhận xuất xứ bản gốc có giá trị hiệu lực;

(b) Người nhập khẩu của nước trung gian và người xuất khẩu nộp đơn xin cấp C/O giáp lưng tại nước trung gian đều là một người; và

(c) Thủ tục thẩm tra quy định tại Quy tắc 14 sẽ được áp dụng.

Theo yêu cầu của một nước thành viên, các nước sẽ xem xét lại quy định và việc thực hiện quy tắc này và sẽ sửa đổi nếu được sự chấp thuận của tất cả các bên.

Trong trường hợp ngoại lệ khi C/O không được cấp vào thời điểm xuất khẩu hoặc một thời gian ngắn sau đó do vô ý sai sót hoặc có lý do xác đáng, C/O có thể được cấp sau nhưng không quá một năm kể từ ngày giao hàng và phải ghi rõ "cấp sau và có hiệu lực từ khi giao hàng" bằng tiếng Anh  “ISSUED RETROACTIVELY”.

Trong trường hợp C/O bị mất cắp, thất lạc hoặc hư hỏng, nhà sản xuất/người xuất khẩu có thể nộp đơn gửi cơ quan cấp C/O để xin cấp C/O bản sao chứng thực từ bản gốc trên cơ sở chứng từ xuất khẩu được lưu tại cơ quan cấp và phải ghi rõ "sao y bản chính" bằng tiếng Anh “CERTIFIED TRUE COPY” vào ô số 12 của C/O mẫu AK. Bản sao này sẽ mang ngày cấp của bản gốc. Bản sao chứng thực sẽ được cấp trong thời gian không quá một năm kể từ ngày cấp C/O bản gốc.

Nộp C/O

Để được hưởng ưu đãi thuế quan, tại thời điểm làm thủ tục nhập khẩu, người nhập khẩu phải nộp cho cơ quan Hải quan nước nhập khẩu bản C/O kèm  các chứng từ hỗ trợ (ví dụ. hóa đơn thương mại, và khi được yêu cầu, sẽ bao gồm  cả vận tải đơn chở suốt được cấp tại nước xuất khẩu) và các tài liệu khác phù hợp với quy định của pháp luật nước nhập khẩu.

Giấy chứng nhận xuất xứ phải được nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu trong vòng sáu (06) tháng kể từ ngày được cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp hoặc của nước xuất khẩu trung gian trong trường hợp C/O giáp lưng.

Trường hợp giấy chứng nhận xuất xứ được nộp cho cơ quan hải quan của nước nhập khẩu sau khi hết thời hạn hiệu lực quy định tại Điều 1 trên, giấy chứng nhận xuất xứ vẫn được chấp nhận nếu việc không tuân thủ thời hạn hiệu lực nêu trên là do lí do bất khả kháng hoặc nguyên nhân khác ngoài sự  kiểm soát của nhà sản xuất và/hoặc người xuất khẩu.

Trong mọi trường hợp, cơ quan hải quan của nước nhập khẩu có thể chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ với điều kiện hàng hóa đã được nhập khẩu trước khi hết thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận xuất xứ nói trên 

Không yêu cầu nộp giấy chứng nhận xuất xứ trong trường hợp sau:

(a) Hàng hóa có xuất xứ từ một nước thành viên có trị giá không quá 200 đô la Mỹ tính theo giá FOB; hoặc

(b) Hàng hóa gửi qua đường bưu điện có trị giá không quá 200 đô la Mỹ  giá FOB với điều kiện hàng hóa đó không phải là một phần của một hay nhiều lô hàng nhập khẩu mà nước nhập khẩu có lý do để cho rằng đây là sự sắp đặt nhằm trốn tránh việc nộp giấy chứng nhận xuất xứ.

Trường hợp không có nghi ngờ xuất xứ của hàng hoá thì việc phát hiện những khác biệt nhỏ giữa giấy chứng nhận xuất xứ và các chứng từ nộp cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu để làm thủ tục nhập khẩu sẽ không làm mất hiệu lực của giấy chứng nhận xuất xứ, nếu những khác biệt này vẫn phù hợp với thực tế hàng hóa nhập khẩu.

Trong trường hợp một giấy chứng nhận xuất xứ có nhiều mặt hàng thì  việc có vướng mắc đối với một mặt hàng sẽ không làm ảnh hưởng hoặc chậm trễ áp dụng thuế suất ưu đãi và thông quan hàng hóa đối với các mặt hàng còn lại trên C/O. Khoản(c), Điều 1 của Quy tắc 14 sẽ được áp dụng đối với các mặt hàng có vướng mắc về xuất xứ.