thu tuong lam viec bo cong thuong

Cùng tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng; Lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan; các tham tán, tùy viên thương mại tại 61 Thương vụ/Chi nhánh thương vụ phụ trách 176 thị trường nước ngoài.

Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả triển khai và bàn giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023-2025, củng cố phát triển các thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, các chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên trong bối cảnh tình hình hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian và sự quan tâm tham dự, chủ trì Hội nghị để trực tiếp lắng nghe những đề xuất, trao đổi về các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục củng cố, khai thác các thị trường truyền thống và quyết liệt phát triển các thị trường mới, nhiều tiềm năng và dư địa phát triển, nhất là thị trường các nước là thành viên trong các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. 

Bo truong Dien
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị

 

Đóng góp quan trọng của ngành Công Thương và hệ thống thương vụ ở nước ngoài

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan tổ chức Hội nghị nhằm trao đổi giải pháp phát triển thị trường trong bối cảnh thế giới, khu vực đang có nhiều biến động phức tạp.

thu tuong Chinh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao đóng góp quan trọng của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành Công Thương với hệ thống thương vụ ở nước ngoài

Thủ tướng đánh giá, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu, cũng như từng quốc gia, nhất là đại dịch COVID-19. Xung đột Nga-Ukraine ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực trên toàn thế giới, dẫn đến chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất đứt gãy cục bộ, giá cả năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào và nông sản ở mức cao, lạm phát ở nhiều nước tăng cao. An ninh năng lượng, an ninh lương thực bị ảnh hưởng, an ninh phi truyền thống, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia, trong đó có những đối tác lớn của ta thay đổi chính sách theo hướng tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, tài khóa...

Với nền kinh tế quy mô còn khiêm tốn, nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu có hạn, Việt Nam chịu tác động lớn bởi các yếu tố nêu trên, chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, thời gian qua, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục phục hồi, phát triển.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá tiếp tục tăng trưởng cao, kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ và dự báo cả năm 2022 đạt khoảng 800 tỷ USD. An sinh xã hội được quan tâm; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh.

"Trong các thành tích nổi bật đó có sự đóng góp quan trọng của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là của ngành Công Thương với hệ thống thương vụ ở nước ngoài", Thủ tướng Chính phủ ghi nhận.

Tuy nhiên, dự báo tình hình thế giới, khu vực thời gian tới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, có thể dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh tế trong nước do chúng ta có độ mở lớn (trên 200%). Các thị trường lớn của Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động của lạm phát, đồng tiền mất giá, thị trường xuất nhập khẩu thu hẹp…

Do vậy, Thủ tướng đề nghị các đồng chí Tham tán, Tùy viên Thương mại tập trung trao đổi, phân tích tình hình, chính sách của nước sở tại, đánh giá tác động, khuyến nghị các biện pháp cụ thể giúp các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội để phát triển, đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Cùng với đó là nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ, trong công tác phối hợp với nước sở tại, với các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước; đề xuất giải pháp cụ thể tháo để gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho hệ thống thương vụ tại nước ngoài hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Xuất nhập khẩu tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế và thương mại toàn cầu, xuất nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm của Việt Nam đạt được những kết quả tích cực.

thu truong hai
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu và công tác phát triển thị trường nước ngoài

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với hơn 433,6 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 217,3 tỷ USD, tăng 16,6% (cùng kỳ tăng 30,9%); kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 216,3 tỷ USD, tăng 14% và cơ bản được kiểm soát tốt.

"Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu với con số trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,3 tỷ USD), góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Đáng chú ý, xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, trong đó: Nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng cao nhất (48,7%); Nhóm nông sản, thủy sản tăng 14,6% và công nghiệp chế biến chế tạo tăng 16,7%, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: dệt may, da giày, thủy sản... và nhóm các mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón...

Về các khu vực thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực thị trường châu Á - châu Phi đạt 289,4 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu đạt 103,5 tỷ USD, tăng 13,5%, nhập khẩu đạt 185,9 tỷ USD, tăng 16,5%.

Xuất khẩu sang khu vực châu Đại Dương đạt 3,8 tỷ USD, tăng 34,6%. Trong đó, sang Australia đạt 3,4 tỷ USD, tăng 38,7%; sang New Zealand đạt 408 triệu USD, tăng 8,1%.

Xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á đạt 20,5 tỷ USD, tăng 26,5%. Kim ngạch xuất khẩu sang đa số các thị trường chính trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận tăng trưởng ở mức hai con số trong nửa đầu năm 2022.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 30 tỷ USD, tăng 5,1%; sang Hàn Quốc đạt 14,2 tỷ USD, tăng 16,8%; sang Nhật Bản đạt 13,4 tỷ USD, tăng 13,4%; sang Ả rập Xê-út đạt 380 triệu USD, tăng 69%.

Xuất khẩu sang khu vực châu Phi đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 2%. Hầu hết các thị trường khu vực châu Phi ghi nhận tăng trưởng, trừ Ghana. Cụ thể, Nam Phi (549 triệu USD, tăng 4,5%); Ai Cập (294 triệu USD, tăng 6,1%); Bờ Biển Ngà (213 triệu USD, tăng 36,4%); Ghana (164,6 triệu USD, giảm 42,3%).

Đối với khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2022 khu vực thị trường châu Âu - châu Mỹ đạt 136,7 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 110,1 tỷ USD, xuất siêu 83,5 tỷ USD. 

Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực thị trường châu Âu đạt 44 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021 (bao gồm xuất khẩu đạt 32,5 tỷ USD, tăng 13,9%; nhập khẩu đạt 11,5 tỷ USD, giảm 4,6%). Trong đó, xuất nhập khẩu với EU đạt 36,85 tỷ USD, tăng 13,4% (gồm: Xuất khẩu đạt 27,77 tỷ USD, tăng 21,5%; nhập khẩu đạt 9,08 tỷ USD, giảm 5,7%).

Kim ngạch xuất nhập khẩu với khu vực thị trường châu Mỹ đạt 92,8 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ (bao gồm: xuất khẩu đạt 77,6 tỷ USD, tăng 23,1%; nhập khẩu đạt 15,1 tỷ USD, tăng 3,6%). Trong đó, xuất nhập khẩu với Hoa Kỳ đạt 75,7 tỷ USD, tăng 20,2% (gồm: Xuất khẩu đạt 67 tỷ USD, tăng 24,2%; nhập khẩu đạt 8,7 tỷ USD, giảm 3,8%).

Dư địa thị trường đan xen thách thức

Thời gian tới, dự báo cơ hội cho xuất khẩu sẽ đến khi dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trên phạm vi toàn cầu, tạo thuận lợi cho thúc đẩy phục hồi kinh tế, gia tăng xuất nhập khẩu.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Theo lộ trình tại các FTA, thuế nhập khẩu của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm; thị phần hàng Việt Nam trong dung lượng nhập khẩu của các nước đối tác còn thấp, do vậy còn nhiều dư địa cho xuất khẩu của Việt Nam.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng, tạo cơ sở để tăng nguồn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 2022-2023 với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, là động lực để phát triển sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của nước ta trong năm 2023.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ rõ, công tác xuất khẩu những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Đó là kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, làm giảm sức cầu hàng hóa. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được IMF hạ dự báo từ 3,6% đưa ra tháng 4/2022 xuống còn 2,9%. Xung đột tại Ukraina và việc Trung Quốc quyết liệt theo đuổi chiến lược “không Covid” khiến chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, đặt ra nhiều rủi ro về nguồn cung nguyên vật liệu, đảm bảo an ninh năng lượng.

Bên cạnh đó, lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia (khu vực Eurozone là 8,6% hay tại Hoa Kỳ là 9,1%) và dự kiến sẽ còn ở mức cao làm tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu chịu ảnh hưởng, gây sụt giảm nhu cầu hàng hoá nhập khẩu từ các nước.

Giá một số nguyên liệu đầu vào tăng, giá cước vận tải mặc dù có dấu hiệu giảm nhưng vẫn ở mức cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo ra những khó khăn cho kinh tế và thương mại toàn cầu nói chung, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

thuong vu truc tuyen
Các tham tán, tùy viên thương mại tại 61 Thương vụ/Chi nhánh thương vụ phụ trách 176 thị trường nước ngoài tham dự Hội nghị theo hình thức trực tuyến

05 nhóm giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu thời gian tới

Trong bối cảnh khó khăn và thách thức đan xen, Bộ Công Thương đưa ra 5  giải pháp cho hoạt động xuất nhập khẩu những tháng cuối năm, cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022.

Hiện nay, Bộ đang khẩn trương tổng hợp ý kiến góp ý các Bộ, ngành, địa phương và các Hiệp hội ngành hàng để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bộ Công Thương cũng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy xuất khẩu chuyển từ hình thức tiểu ngạch sang hình thức chính ngạch.

Thứ hai, đẩy mạnh tận dụng các FTA. Cụ thể, sẽ theo dõi, bám sát việc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các Kế hoạch thực thi FTA đã được ban hành theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về cơ hội và cách thức tận dụng các cơ hội từ cắt giảm thuế quan trong các FTA; đổi mới phương thức phổ biến theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển thị trường, xúc tiến thương mại. Trong đó, sẽ tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan.

Đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về nhu cầu, các đối tác và các quy định liên quan của các thị trường; không chỉ tập trung xúc tiến xuất khẩu mà còn xúc tiến nhập khẩu. Định hướng các hiệp hội ngành hàng, địa phương xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh triển khai hoạt động xúc tiến thương mại nhằm khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng, tận dụng các cơ hội từ các FTA mang lại, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu.

Thứ tư, tăng cường cơ chế cảnh báo sớm về các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện. Tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống gian lận thương mại, gian lận quy tắc xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu trước rủi ro của các vụ kiện "chống lẩn tránh" biện pháp phòng vệ thương mại.

Thứ năm, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm thông tin đến doanh nghiệp về các Hiệp định FTA, các thị trường xuất khẩu. Phối hợp với các Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông sản.

Tại Hội nghị, đại diện các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ tại các thị trường nước ngoài đã báo cáo tình hình thị trường phụ trách cũng như thông tin về những cơ hội mới cho doanh nghiệp, hàng hóa Việt Nam.

Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị.