Thực hiện Công điện số 5712/CĐ-PCTT ngày 24 tháng 9 năm 2022 của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn – Bộ Công Thương về việc chủ động ứng phó với bão Noru, Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Công điện số 08/CĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 4 và Công điện số 04/CĐ-PCTT hồi 9giờ 30' ngày 24 tháng 9 năm 2022 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở Công Thương Thừa Thiên Huế lên phương án yêu cầu các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách.

Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản lĩnh vực công thương, doanh nghiệp hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, các doanh nghiệp thi công các công trình, tổ chức rà phá bom mìn có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, doanh nghiệp nổ mìn dịch vụ trên địa bàn tỉnh rà soát, triển khai các nội dung theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn – Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế tại các văn bản nêu trên.

Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến mưa lũ, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng (Hue-S, Facebook, Website của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh) để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; rà soát, cập nhật kế hoạch ứng cứu sự cố khẩn cấp, phương án phòng chống thiên tai, bổ sung trang thiết bị nhân vật lực để có biện pháp xử lý, sẵn sàng ứng phó khi gặp sự cố về thời tiết, cản trở khác.

Ngoài ra, các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản rà soát, cập nhật phương án phòng chống thiên tai để có các biện pháp xử lý, đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản; tổ chức kiểm tra, rà soát kỹ các sườn dốc, xung quanh và phía sau các công trình đang xây dựng, kho, nhà xưởng, văn phòng nhà điều hành, công trình gần sườn dốc, các mỏ và các bãi thải…để phát hiện nguy cơ dễ gây sạc lỡ đất, không đảm bảo an toàn và có biện pháp xử lý kịp thời.

Kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng tham gia ứng phó với mưa lớn kéo dài, ngập úng; tập trung mọi nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố do thiên tại gây ra trong thời gian nhanh nhất.  

Sở Công Thương Thừa Thiên Huế thông báo đến các doanh nghiệp được biết để chủ động rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể tại đơn vị mình; kịp thời báo cáo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan về các tình huống, sự cố bất thường (nếu có).