Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số qua các hoạt động văn hoá - du lịch

Trong thời gian vừa qua, một số địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số qua các hoạt động văn hoá – du lịch, góp phần cải thiện đáng kể sinh kế của đồng bào cũng như quảng bá hiệu quả thương hiệu các sản phẩm đến người tiêu dùng trên cả nước.

Nhiều nỗ lực hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tiêu thụ sản phẩm  

Những năm gần đây, việc thực hiện các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng hóa trên các địa bàn này, thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, bền vững. Nhiều sản phẩm của đồng bào dân tộc miền núi đã mở được đường vào hệ thống phân phối có uy tín trên cả nước và bước đầu xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong vòng 10 năm (2010 – 2020), Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động để lồng ghép vào các Chương trình và Đề án phát triển kinh tế - xã hội, kết nối hàng hóa sản xuất trong nước, thúc đẩy để tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu sổ.

Trong đó, Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia với những hoạt động về hội chợ, về các chuyến hàng quảng bá sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước hoặc đào tạo, tập huấn liên quan đến xúc tiến thương mại cho hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tại thị trường trong nước cũng như là xuất khẩu. Hay là đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, giai đoạn từ năm 2014 - 2020 và nay là giai đoạn 2021 - 2025.

“Qua các Chương trình, Đề án và chính sách này, thiết lập được trên toàn quốc các quy mô điểm bán hàng Việt, triển khai đến 21 điểm bán hàng OCOP làm mẫu cho các địa phương và lan toả đến toàn quốc. Nhiều địa phương đã tự làm và nhân rộng lên hàng trăm điểm, và đặc biệt đã triển khai được mô hình gắn kết giữa du lịch với thương mại” - Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Gắn tiêu thụ sản phẩm với phát triển các hoạt động văn hoá – du lịch địa phương

Lễ hội Tuyên Quang
Thông qua các hoạt động văn hoá - du lịch đặc sắc như Lễ hội Thành Tuyên, các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Tuyên Quang đã được quảng bá hiệu quả đến người tiêu dùng trên cả nước, góp phần mở rộng các kênh tiêu thụ hàng hoá.

Chia sẻ về kinh nghiệm gắn kết giữa du lịch với việc tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng vùng miền, sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, ông Lộc Kim Liễn - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang – cho biết các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa phương đang được tiêu thụ trên nhiều kênh phân phối đa dạng như qua siêu thị, trung tâm thương mại lớn, các cửa hàng, cửa hiệu có thương hiệu; và qua các kênh truyền thống như các chợ, các thương lái. Đặc biệt là trong năm vừa qua, một lượng lớn sản phẩm đặc trưng vùng miền đã được tiêu thụ thông qua các hoạt động văn hoá, du lịch đặc sắc được tổ chức trên địa bàn tỉnh như Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội Lồng Tông (dân tộc Tày), Lễ hội Nhảy lửa dân tộc Pà Thèng… vốn thu hút lượng lớn khách du lịch tham dự. Khi đến Tuyên Quang,  khách du lịch cũng muốn mua những sản phẩm của địa phương đó, có thể mua để sử dụng hoặc đem về làm quà tặng.

“Vì vậy, du khách thông qua các hoạt động văn hoá du lịch, đặc biệt du lịch ở những nơi vùng sâu vùng xa, vùng núi, muốn có những trải nghiệm, muốn mua sản phẩm của bà con nhân dân ở khu vực này trực tiếp sản xuất, trực tiếp chế biến để mang về làm quà cũng như tiêu dùng trực tiếp. Qua đó cũng thúc đẩy hoạt động du lịch, hoạt động văn hóa phát triển hơn, đồng thời tăng cường việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con nông dân ở các xã vùng sâu vùng xa” – ông Lộc Kim Liễn nói, đồng thời khẳng định, phương thức tiêu thụ thông qua hoạt động văn hoá - du lịch là một kênh tiêu thụ hữu ích, giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa tại tỉnh Tuyên Quang có thể bán cũng như giới thiệu được sản phẩm của mình đến với thị trường và được bà con nhân dân khắp cả nước biết đến. Thông qua các hoạt động văn hoá – du lịch, các đặc sản địa phương như cam sành Hàm Yên, măng khô Tuyên Quang, thịt trâu gác bếp hay rượu ngô Na Hang… đã được người tiêu dùng trên toàn quốc biết đến và tin dùng.

Cũng theo ông Lộc Kim Liễn, Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang đã định hướng một số nội dung cần phải làm để giúp bà con bán hàng tốt hơn. Giữa hoạt động thương mại với hoạt động du lịch có sự gắn kết rất chặt chẽ và Tuyên Quang trong nhiệm kỳ này chú trọng phát triển du lịch là khâu đột phá, lấy kinh tế du lịch là kinh tế trọng tâm. Vì vậy, tỉnh tập trung phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch lịch sử, homestay, du lịch vào rừng nguyên sinh, du lịch nghỉ dưỡng, tắm bùn ở suối khoáng,…

Cùng với đó, Sở Công Thương đã có định hướng xây dựng điểm bán hàng tại những vùng phát triển du lịch tốt, xây dựng điểm bán hàng đặc biệt OCOP; phát triển kinh tế đêm kèm bán sản phẩm nông sản để du khách vừa đến chơi, vừa có thể thưởng thức ẩm thực, mua bán sản phẩm dịch vụ và sản phẩm lưu niệm.

Chia sẻ về kinh nghiệm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua du lịch, ông Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết sự kết hợp giữa giữa nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa đó trong thời gian gần đây đang có sự gắn kết khá rõ rệt.

Du lịch văn hóa có một khía cạnh rất đặc biệt, lối sống đồng bào cũng lại là một sự hấp dẫn về văn hóa đối với khách du lịch. Nói cách khác là nhiều khi khách du lịch họ đến, không phải vì địa phương ứng dụng phương thức sản xuất tiên tiến, có sản phẩm đảm bảo là yêu cầu chất lượng rất là cao… mà họ chỉ muốn xem cuộc sống người dân như thế nào, sinh hoạt trồng cây ra sao. Thậm chí là tính chất thô mộc cũng là một nét đẹp, một sự quyến rũ, hấp dẫn trong phát triển du lịch, ông Nguyễn Minh Phong cho biết. 

Chuyên gia Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần thiết phải xây dựng thương hiệu cho địa phương, sản phẩm và thổi hồn văn hóa vào cho các sản phẩm để tăng sức hấp dẫn, thậm chí giá trị đạt được trong bán hàng cũng sẽ cao hơn

Để hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất cũng như kết nối tiêu thụ sản phẩm của vùng dân tộc thiểu số và miền núi, theo bà Lê Việt Nga, Bộ Công Thương được giao 2 nhiệm vụ. Cụ thể là xây dựng hệ thống chợ của đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và giúp cho cuộc sống của đồng bào đủ đầy với những sản phẩm thiết yếu tiêu dùng hàng ngày.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai đồng loạt hoạt động kích cầu kinh tế qua việc tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa trong nước và sản phẩm hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp nâng cao năng lực sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tiếp tục kết nối đưa hàng hóa là lợi thế của các khu vực này vào kênh phân phối trên thị trường trong nước và ngoài nước.

Đồng thời, có chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Minh Trang