Thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra các vụ án cố ý gây thương tích

THS. LÝ BÍCH HƯỜNG - LÊ THỊ MINH ANH  (Khoa Luật, Trường Đại học Mở Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong giai đoạn điều tra, chủ thể trực tiếp tiến hành các hoạt động điều tra là Cơ quan điều tra (CQĐT). Tuy nhiên, để góp phần tạo nên kết quả của hoạt động điều tra, không thể thiếu vai trò quan trọng của Viện Kiểm sát (VKS). Trong giai đoạn này, VKS thực hiện 2 chức năng cơ bản là Thực hành quyền công tố (THQCT) và Kiểm sát điều tra. Nếu như trước đây, ranh giới giữa 2 chức năng này khá mờ nhạt thì cho tới Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS) đã có sự phân định rõ nét. Đối với từng loại vụ án, THQCT trong giai đoạn điều tra sẽ có những điểm đặc thù. Bài viết tập trung phân tích một số bất cập khi THQCT trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự (VAHS) về tội Cố ý gây thương tích (CYGTT).

Từ khóa: viện kiểm sát, thực hành quyền công tố, giai đoạn điều tra, cố ý gây thương tích.

1. Khái niệm THQCT trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự về tội cố ý gây thương tích

Khoản 1 Điều 3 Luật Tổ chức VKS nhân dân năm 2014 định nghĩa về THQCT như sau: “THQCT là hoạt động của VKSND trong tố tụng hình sự (TTHS) để thực hiện việc buộc tội của nhà nước đối với người phạm tội”. Như vậy, THQCT là những hoạt động trong việc xác định tội phạm, truy cứu trách nhiệm hình sự và buộc tội tại phiên tòa. Do đó, THQCT có trong tất cả các giai đoạn của TTHS từ khi khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử VAHS cho đến khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và không còn bị kháng cáo, kháng nghị.

Điều tra VAHS là giai đoạn tố tụng độc lập, trong đó cơ quan có thẩm quyền điều tra áp dụng mọi biện pháp do luật định để tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội và các tình tiết khác làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án[1]. Đây là giai đoạn thứ hai trong quá trình giải quyết VAHS, bắt đầu kể từ khi có Quyết định khởi tố VAHS cho đến khi kết thúc điều tra. Thực tế cho thấy, các VAHS oan sai phần lớn đều do các sai lầm trong giai đoạn điều tra. Do đó, để hướng tới mọi hành vi phạm tội đều bị phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội thì THQCT trong giai đoạn điều tra cần phải được thực hiện một cách cẩn trọng, chính xác và nghiêm túc.

Về khái niệm cố ý gây thương tích, cả BLHS năm1985, BLHS năm 1999 và BLHS năm 2015, sửa đổi năm 2017 đều không đưa ra định nghĩa cụ thể về tội Cố ý gây thương tích. Theo Từ điển Luật học: “Cố ý gây thương tích là hành vi cố ý xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dưới dạng thương tích[2]. Điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 gồm 2 tội: “gây thương tích cho người khác” và “gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Có thể hiểu rằng, tội Cố ý gây thương tích có dấu hiệu bắt buộc là phải có thương tích, có vết thương để lại trên cơ thể con người, biểu hiện dưới một số hành vi như đấm, đá, đâm, chém, bắn, tạt axit, cho súc vật tấn công,... có trường hợp cưỡng bức bị hại tự gây thương tích cho chính mình[3]. Hành vi phạm tội là sự tác động đến thân thể người khác một cách trái pháp luật. Những hành vi này có khả năng gây ra những thương tích nhất định, làm tổn hại đến sức khỏe của con người. Vì vậy, Tội Cố ý gây thương tích là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, do người có NLTNHS thực hiện một cách cố ý nhằm gây tổn hại cho sức khỏe của người khác dưới dạng thương tích. Từ những phân tích trên đây, theo quan điểm của chúng tôi, THQCT trong giai đoạn điều tra đối với tội Cố ý gây thương tích của VKSND là việc VKS sử dụng tổng hợp các quyền năng pháp lý thuộc nội dung của quyền công tố để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện  hành vi phạm tội xâm hại đến sức khỏe của người khác theo quy định về tội cố ý gây thương tích của Bộ luật Hình sự kể từ khi có Quyết định khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.

2. Nội dung thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra VAHS về tội cố ý gây thương tích

Nội dung THQCT trong giai đoạn điều tra các vụ án Cố ý gây thương tích là việc VKS sử dụng các quyền năng và tiến hành các hoạt động cụ thể tại Điều 14 Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Điều 165, 179, 180, 182, 183, 189,… BLTTHS năm 2015, Quy chế công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát khởi tố, điều tra, truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 bao gồm:

Một là, THQCT trong hoạt động áp dụng các biện pháp ngăn chặn:

Phê chuẩn, không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, việc tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, khám xét, thu giữ, tạm giữ đồ vật, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; phê chuẩn, không phê chuẩn các quyết định tố tụng khác không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này; hủy bỏ các quyết định tố tụng không có căn cứ và trái pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Trường hợp không phê chuẩn hoặc hủy bỏ thì trong quyết định không phê chuẩn hoặc hủy bỏ phải nêu rõ lý do; Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế theo quy định của Bộ luật này.

Hai là, THQCT trong việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can:

Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố VAHS, khởi tố bị can; Phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can không có căn cứ và trái pháp luật; Khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố VAHS, khởi tố bị can trong các trường hợp do Bộ luật này quy định;

Ba là, THQCT trong việc đề ra yêu cầu điều tra và tiến hành các hoạt động điều tra:

Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội, yêu cầu CQĐT truy nã bị can, áp dụng các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của cơ quan có thẩm quyền điều tra hoặc trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà VKS đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục hoặc trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi quyết định việc truy tố.

3. Một số trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà VKS đã điều tra

Một là, đối với quy định của BLHS:

Cần hướng dẫn một số quy định của Điều 134 BLHS cụ thể như: về quy định “Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm” tại điểm b khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015. Việc quy định tình tiết này là rất cần thiết trong để đấu tranh phòng chống tội phạm Cố ý gây thương tích. Đặc điểm của việc sử dụng axit hoặc hóa chất nguy hiểm không những gây thương tích, gây tổn hại sức khỏe mà còn làm biến dạng cơ thể, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Tuy nhiên, quy định a-xít “nguy hiểm” hoặc hóa chất “nguy hiểm” sẽ gây khó khăn trong việc áp dụng khi không có quy định thế nào là a- xít nguy hiểm, nếu không thu được a-xít để giám định hàm lượng thì xử lý như thế nào,…

Về quy định “người già yếu” tại điểm c khoản 1 Điều 134 BLHS. Người như thế nào là người già yếu? Theo hướng dẫn tại tiểu mục 2.4 Mục 2 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì “Người già” là người tử 70 tuổi trở lên, còn theo hướng dẫn tại điểm a, tiểu mục 4.1 Mục 4 Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao thì “Người quá già yếu” là người từ 70 tuổi trở lên hoặc người từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên đau ốm. Khái niệm “Người già yếu” đến nay vẫn chưa cụ thể nên cần sớm ban hành hướng dẫn.

Hai là, đối với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự:

Thứ nhất, về Điều 165 BLTTHS, khoản 1 Điều 165 quy định khi THQCT trong giai đoạn điều tra, VKS có quyền: “1. Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can”. Theo quan điểm của chúng tôi, quy định này chưa phù hợp ở chỗ, việc VKS yêu cầu CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án không thể được xác định là nhiệm vụ quyền hạn của VKS trong giai đoạn điều tra. Bởi lẽ, thời điểm quyết định khởi tố vụ án hình sự là thời điểm bắt đầu giai đoạn điều tra, khi chưa khởi tố vụ án hình sự thì vụ án chưa bước vào giai đoạn điều tra. Hơn nữa, thẩm quyền này đã được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 161. Vì vậy, không nên quy định thêm tại Điều 165.

Thứ hai, đặc điểm của việc xử lý các hành vi Cố ý gây thương tích hầu hết chỉ được cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết khi có kết quả giám định tỷ lệ tổn thương cơ thể của người bị hại. Vì vậy, trên thực tế, việc giải quyết đối với loại tội phạm này thường bị kéo dài, các biện pháp ngăn chặn chưa được áp dụng. Do vậy, các đối tượng gây án có nhiều thời cơ để bỏ trốn hoặc đã thống nhất lời khai, dễ dàng thông cung, phản ánh không khách quan nội dung vụ việc. Vì vậy, THQCT trong giai đoạn điều tra đối với các vụ án này VKS cần phải phối hợp với CQĐT để kịp thời áp dụng các biện pháp điều tra thích hợp để thu thập, kiểm tra chứng cứ.

Thứ ba, về phê chuẩn quyết định khởi tố bị can: Điều 179 BLTTHS 2015 quy định: Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can, VKS phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can hoặc yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn và gửi ngay cho Cơ quan điều tra. Trường hợp VKS yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu bổ sung, VKS phải ra quyết định phê chuẩn hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố bị can. Thực tiễn, trong trường hợp chưa đủ căn cứ để phê chuẩn hoặc không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can mà bị can bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, VKS có yêu cầu điều tra hoặc công văn đề nghị CQĐT tăng cường tài liệu để xem xét phê chuẩn. Song, trong trường hợp bị can bị tạm giữ hình sự thì việc giải quyết hiện vẫn là vướng mắc. Cách giải quyết thường được lựa chọn trong tình huống này là VKS yêu cầu CQĐT hủy bỏ quyết định tạm giữ và tiếp tục thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ về việc phạm tội. Lúc này, CQĐT ra quyết định khởi tố bị can và có thể xem xét ra lệnh bắt bị can để tạm giam theo quy định của pháp luật. Do vậy, cần bổ sung tình huống và việc giải quyết của VKS như đã nêu trên vào quy định của Điều 179 BLTTHS 2015 để áp dụng trong thời gian tới.

Thứ tư, đối với việc giám định: Kết luận giám định là nguồn chứng cứ quan trọng trong vụ án cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, sau khi sự việc xảy ra, người bị hại đang phải lo tập trung điều trị, phục hồi sức khỏe nên không thể tiến hành ngay việc giám định. Nhưng nếu không giám định sớm, để vết thương đã ổn định, thậm chí hình thành sẹo thì rất khó khăn trong việc xác định cơ chế hình thành vết thương. Hơn nữa, kết luận giám định ban đầu chỉ kết luận được tỷ lệ thương tật tạm thời. Vì vậy, đối với vụ án cố ý gây thương tích, cần phải giám định bổ sung sau khi vết thương đã ổn định để xác định tỷ lệ thương tật vĩnh viễn, có tật và mức độ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mới có thể đánh giá được tính chất, mức độ của hậu quả. Tuy nhiên với nhiều vụ việc, nạn nhân từ chối giám định từ đầu hoặc ban đầu đồng ý giám định nhưng sau đó từ chối giám định gây rất nhiều khó khăn cho CQĐT và VKS trong quá trình điều tra vụ án. Mặc dù BLTTHS đã có quy định về dẫn giải đối với bị hại từ chối giám định nhưng áp dụng như thế nào để không xâm phạm đến quyền con người của bị hại thì lại là câu hỏi chưa có lời giải đáp và có lẽ chỉ có thể giải quyết bằng các biện pháp giáo dục, tuyên truyền, thuyết phục để nâng cao ý thức pháp luật của các bên.

Thứ năm, đối với các vụ án Cố ý gây thương tích khởi tố theo yêu cầu của bị hại (khoản 1 Điều 134 BLHS), BLTTHS năm 2015 đã có quy định tại Điều 155: “trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ…”. Trên thực tế cũng có rất nhiều vụ án cố ý gây thương tích được đình chỉ điều tra do người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu khởi tố. Tuy nhiên, việc rút yêu cầu khởi tố của bị hại/người đại diện của bị hại có trái với ý muốn của họ hay không thì CQĐT và VKS rất khó có thể xác định và không thể loại trừ khả năng bị hại bị cưỡng bức, ép buộc. Vì vậy, nếu không có biện pháp để bảo vệ nạn nhân, biện pháp tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật thì sẽ dễ dẫn tới bỏ lọt tội phạm.

Cũng trong trường hợp vụ án khởi tố theo yêu cầu bị hại, hiện nay, Điều 155 BLTTHS quy định đối với trường hợp bị hại là người dưới 18 tuổi thì bị hại và người đại diện của bị hại đều có quyền yêu cầu khởi tố và quyền yêu cầu này là hoàn toàn độc lập với nhau. Có nghĩa là khi bị hại đã yêu cầu khởi tố và rút yêu cầu khởi tố, vụ án đã được đình chỉ điều tra, sau đó người đại diện của bị hại lại tiếp tục có quyền yêu cầu khởi tố thì vụ án sẽ lại được phục hồi. Nhưng, khi bị hại đã tự nguyện rút yêu cầu khởi tố rồi thì liệu vụ án được phục hồi điều tra, bị hại có hợp tác với cơ quan chức năng hay không cũng là vấn đề cần được đặt ra. Quy định như vậy một mặt bảo vệ lợi ích của bị hại là người chưa thành niên nhưng mặt khác cũng làm cho quá trình giải quyết vụ án bị cồng kềnh, kéo dài. Vậy, theo tác giả, nên chăng ban hành hướng dẫn cụ thể trong trường hợp này: cần hỏi ý kiến của bị hại/người đại diện (trong trường hợp một trong số họ rút yêu cầu khởi tố), nếu họ cũng tự nguyện và đồng tình với việc rút yêu cầu khởi tố thì sẽ không có quyền yêu cầu lại nữa.

Tóm lại, mặc dù Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật hiện hành đã quy định khá cụ thể về THQCT trong giai đoạn điều tra, nhưng để quá trình thực hiện chức năng này trong các vụ án cố ý gây thương tích được hiệu quả đòi hỏi phải khắc phục những vướng mắc trong quy định pháp luật như đã nêu trên đây. Và quan trọng hơn cả là sự chuyển biến trong nhận thức của VKS về vị thế, vai trò, trách nhiệm quan trọng và to lớn của mình để tổ chức thực hiện trên thực tế được hiệu quả, góp phần đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015), Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam số 101/2015/QH13 ngày 27/11/2015.
  2. Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017.
  3. Quốc hội (2014), Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13 ngày 24/11/2014.
  4. Viện Kiểm sát tối cao (2020), Quy chế công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát khởi tố, điều tra, truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020.
  5. Nguyễn Ngọc Anh (2019). Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Nxb Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội.
  6. Nguyễn Mai Bộ (2018). Bình luận khoa học Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội.
  7. Học viện An ninh nhân dân (2018), Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam, Hà Nội
  8. Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý (2006), Từ điển Luật học, Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  9. Trần Văn Luyện (2017). Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội
  10. Nguyễn Thế Thành (2020), Thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra tội cố ý gây thương tích từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh, Luận văn Thạc sĩ ngành hình sự và tố tụng hình sự, Hà Nội. 

Exercise the prosecution power in the stage of investigating cases of intentional injury

Master of law, Ly Bich Huong - Le Thi Minh Anh

Faculty of Law, Hanoi Open University

ABSTRACT:

During the investigation stage, the subject directly conducting investigation activities is the Investigating Agency. However, to contribute to the results of investigation activities, the vital role of the Procuracy cannot be ignored. During this period, the Procuracy performs two primary functions: to exercise the right to prosecute and supervise the investigation. Previously, the boundary between these two functions was quite blurred, but there was a clear delineation until the Criminal Procedure Code 2015. For each type of case, the exercise of the right to prosecute in the investigation stage will have specific features. The article focuses on analyzing several inadequacies when exercising the right to prosecute during the investigation of criminal cases on the crime of intentional injury.

Keywords: procuracy, prosecution exercise, investigation stage, intentionally causing injury.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 1, tháng 1 năm 2022]