Thực hiện lời Bác Hồ dạy, Công ty Apatit Việt Nam - Phấn đấu giành danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới

Tôi ngược Lào Cai, đến với Công ty Apatít Việt Nam vào những ngày cuối tháng 6 nắng nóng như đổ lửa xuống vùng mỏ được mệnh danh “vàng nâu” này. Đây cũng là dịp Công ty vừa tổng kết hoạt động sản xuất

Nhớ lại ngày đầu anh Bùi Văn Việt mới lên đây nhậm chức trong điều kiện Công ty bộn bề khó khăn: Hơn 3.500 con người trong tình trạng “dư người, thiếu việc”; Các khai trường trong tình trạng “khánh kiệt” sau nhiều chục năm khai thác nên tỷ lệ bóc đất đá nhiều; Nhà máy tuyển Tằng Loỏng chỉ hoạt động 1 dây chuyền, cố lắm chỉ đạt 350.000 tấn/năm; Xuất khẩu quặng rất khó khăn, thị trường bị biến động thất thường; Mất an toàn lao động, lòng người xáo trộn, bất an... Trong khi đó dự án DAP Đình Vũ (Hải Phòng) đã triển khai, nhu cầu quặng cho các nhà máy sản xuất phân bón trong nước tăng vọt. Lúc đó tôi hỏi anh Việt là Công ty phải khai thác bao nhiêu tấn quặng là đủ? Anh Việt trả lời: “1,2 triệu tấn/năm. Vài năm nữa mời anh trở lại kiểm chứng lời tôi nói với anh”.

Hôm nay tôi trở lại gặp anh. Vẫn tính cách một con người sâu sát thực tế, nói vừa đủ và khá hài hước theo  kiểu cánh địa chất, anh Bùi Văn Việt phấn khởi thông báo:“Mục tiêu 1,2 triệu tấn quặng/năm, không những chúng tôi đã đạt mà còn vượt 600.000 tấn/năm. Năm 2003, Công ty chuyển sang mô hình Công ty TNHHNN MTV. Năm 2004 – năm khởi đầu của kế hoạch đổi mới toàn diện để phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó có mục tiêu 1,2 triệu tấn quặng, cố gắng lắm mới đạt 902.000 tấn. Sang năm 2005 đạt 1.022.000 tấn, tạo đà cho năm 2006 đạt 1.232.000 tấn – ghi dấu son hoàn thành mục tiêu đề ra. Năm 2007 là năm thắng lợi vượt bậc, sản luợng quặng đạt 1.520.000 tấn. Sang năm 2008, chỉ mới 6 tháng đầu năm đã đạt 984.000 tấn, với đà này thì năm nay sẽ đạt 1.800.000 tấn, vuợt 200.000 tấn so với kế hoạch của Tổng công ty Hoá chất Việt Nam giao”.

Anh Việt nhấn mạnh: “Trong khi số lao động của Công ty lại giảm, từ 3.419 người xuống còn 2.939 người mà sản lượng lại tăng gấp đôi, từ 902.000 tấn lên 1.800.000 tấn. Thu nhập bình quân gấp 2,5 lần, từ 1.750.000đ lên 3.700.000đ. Nộp ngân sách tăng gấp đôi, từ 8,4 tỷ đồng lên 17 tỷ đồng. Doanh thu tăng gấp 2 lần, từ 336 tỷ lên 641 tỷ. Chỉ 6 tháng đầu năm nay đã đạt 650 tỷ. Với đà này thì năm 2008 chúng tôi sẽ đạt 1.000 tỷ, vượt chỉ tiêu kế hoạch 335 tỷ – trở thành doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh Lào Cai tham gia “Câu lạc bộ ngàn tỷ”. Anh xoè bàn tay một cách tự tin: “Chỉ có 5 năm mà đạt được chỉ tiêu sản lượng tăng 2,5 lần”. Cạn chén trà, tôi cùng anh Việt lên chiếc xe ra công trường để tận mắt chứng kiến những điều mà anh vừa nói.

Ấn tượng đầu tiên, đó là sự thành công của Nhà máy Tuyển Cam Đường, công suất 120.000 tấn/năm. Nhà máy này nguyên là Nhà máy tuyển quặng Pyrít ở Giáp Lai (Phú Thọ) đang có nguy cơ phải bán sắt vụn, vì nguồn quặng Pyrít cạn kiệt. Bằng ý tưởng táo bạo, Công ty Apatít Việt Nam đã phối hợp với Công ty Mỏ Incodemix và Công ty Thiết kế công nghiệp hoá chất Ceco xây dựng đề án đưa toàn bộ Nhà máy từ Giáp Lai lên Cam Đường khác gì sự tích “Ngu Công dời núi” ngày xưa. Được sự đồng ý và chỉ đạo của Tổng công ty Hoá chất Việt Nam, các anh đã di dời và lắp đặt thành công, đưa vào vận hành sản xuất giữa năm 2006. Nhà máy được gắn biển “Công trình chào mừng Đại hội Đảng lần thứ X”. Cái được lớn ở công trình này là: Các anh đã chủ động thiết kế, tổ chức thi công, chạy thử, hiệu chỉnh, đưa Nhà máy vào sản xuất đạt công suất thiết kế 120.000 tấn/năm, làm cơ sở cho Nhà máy tuyển Bắc Nhạc Sơn công suất 350.000 tấn/năm sẽ khởi công xây dựng vào cuối năm 2008. Các anh đã khẳng định cán bộ và công nhân Apatit Việt Nam làm chủ được công nghệ tuyển quặng apatit loại 3. Với con mắt nhìn xa, các anh đã chọn địa thế bậc thang để đặt Nhà máy, lợi dụng địa hình tự chảy nên giảm chi phí điện năng xuống còn 90kWh/tấn sản phẩm.

Ấn tượng thứ hai, cuối năm 2007 dây chuyền tuyển quặng số 2 của Nhà máy tuyển Tằng Loỏng được đưa vào sản xuất, nâng công suất từ 350.000 tấn/năm lên 650.000 tấn/năm. Dự kiến cuối năm 2008 dây chuyền tuyển quặng số 3 đi vào sản xuất, sẽ nâng công suất Nhà máy lên 900.000 tấn/năm. Chỉ trong vòng 2 năm (2007 - 2008) bằng sự nỗ lực vượt bậc, Công ty đã đưa 2 dây chuyền tuyển quặng vào sản xuất, chấm dứt sự chờ đợi mòn mỏi suốt 14 năm (1994 - 2008) mới đạt công suất thiết kế  900.000 tấn/năm.

Ấn tượng thứ ba, khi sản lượng quặng đã đạt trên triệu tấn thì khâu vận tải quặng trở thành vấn đề bức xúc. Vì vậy, lần đầu tiên Công ty đã tiếp quản và khai thác hiệu quả hệ thống vận tải đường sắt chiều dài trên 70 km với 6 ga và 1 bãi xếp hàng mà trước đây phải thuê ngành đường sắt quốc gia quản lý, khai thác. Vượt lên một bước khá táo bạo là Công ty đã thi công tuyến đường sắt đôi Pom Hán – Làng Vàng 11,6km và tuyến đường sắt đơn Làng Dạ - Mỏ Cóc 4,5km để phục vụ cho vận tải quặng. Hai tuyến đường sắt này đều do Công ty tự thi công, tiết kiệm được 3,9 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây là các anh đã giảm nhân lực một cách thuyết phục. Lấy ví dụ, trước đây thuê ngành đường sắt thì định biên 852 người, nay chỉ còn 476 người, nhưng năng suất tăng gần 2,5 lần, từ 120 xe/ngày (3.000tấn) lên 200 xe/ngày (7.000tấn), giảm định mức từ 120 lít dầu mazút/1vạn tấn/km xuống còn 90 lít/1vạn tấn/km.

Ấn tượng thứ tư, đời sống vật chất được nâng cao đi đôi với đời sống văn hoá tinh thần. Công trình Nhà thi đấu công nhân và Trụ sở làm việc được xây dựng khang trang cùng với nhà nghỉ của CBCNV đạt tiêu chuẩn 3 sao mang tên Biển Mây tại Sa Pa đưa vào sử dụng đầu năm 2008, phục vụ nhu cầu vui chơi nghỉ dưỡng những ngày cuối tuần của CBCNV Công ty. Lãnh đạo Công ty ý thức đầy đủ công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nên các anh đã cho xây dựng Tượng đài công nhân Apatit cao gần 13 mét bằng đá cẩm thạch ngay bên cạnh sân Nhà văn hoá công nhân, dự kiến cuối năm 2008 sẽ khánh thành. Cái nôi cách mạng ở đất Lào Cai được hình thành trong lòng công nhân Mỏ Apatit từ những năm 1930 -1940 của thế kỷ XX nên thế hệ trẻ của thời kỳ đổi mới đất nước hôm nay cần trân trọng và phát huy.

Ấn tượng thứ năm, đó là sự sôi động của Công trường Bắc Nhạc Sơn được khởi công năm 2007 với hai hạng mục chính: Nhà máy tuyển công suất 350.000 tấn/năm; Khai trường 20 - 22 và đường ô tô trục chính. Chiếc xe 2 cầu như con ngựa chiến đưa chúng tôi vượt đường mới mở vào tới Khai trường 20 - 22 vừa đúng 5 km. Con đường vòng vèo quanh núi phơi màu đất đỏ ối, bụi bốc mù mịt sau bánh xe lăn. Anh Việt chỉ tay sang thung núi bên phải nói với tôi: “Thung núi này sẽ là hồ thải đuôi của Nhà máy tuyển. Còn núi bên trái là vị trí đặt Nhà máy tuyển trong nay mai. anh thấy máy xúc đang gấp rút san ủi là để cuối năm nay có mặt bằng khởi công xây dựng Nhà máy, phải nhanh thì mới kịp thời gian cuối 2010 Nhà máy tuyển đi vào sản xuất.” Xe đang tuột dốc thì gặp mấy chiếc xe tải Benla đang đổ đất hàn khẩu đoạn đường nối hai thung núi. Từ địa điểm này vào tới Khai trường 20 và 22 khoảng 2 cây số nữa. Anh tài xế không thể cho xe vượt khúc đường hàn khẩu vì sợ xe lăn xuống vực nên anh phải quay đầu xe lần theo con đường đá gồ ghề xuyên qua một xóm núi để leo ngược lên sườn núi Bắc Nhạc Sơn đang phơi mình trong nắng hè chói chang. Anh Việt giải thích thêm: “Xóm núi này sẽ tái định cư chỗ khác, nơi đây sẽ ngập  trong lòng hồ thải của Nhà máy”. 

Sau một thôi leo dốc, xe tròng trành, lắc lư, cuối cùng thì chúng tôi lên đến khai trường. Tại ngôi nhà dân đã được đền bù di dời tới khu định cư mới, nay trở thành “bản doanh” dã ngoại của Xí nghiệp xây dựng do anh Hoàng Thanh Hựu làm Giám đốc. Hàng chục xe tải, máy ủi, máy xúc đã được đưa lên đây để tổ chức thi công 3 ca liên tục không có khái niệm chủ nhật. Anh Hoàng Văn Vần là Quản đốc công trường phấn khởi thông báo với Tổng Giám đốc Bùi Văn Việt: “Bình quân mỗi ca bốc xúc được 2.300 m3, mỗi ngày khoảng 7.500 m3. Tranh thủ những ngày nắng làm cấp tập để đảm bảo được kế hoach bóc 1.800.000 m3 (tương đương với một quả núi) kịp giao mặt bằng Nhà máy tuyển và khai trường 20 - 22 đi vào khai thác. Phần nhiều anh em xong ca thì ngủ lại trên núi mà không về nhà. Riêng quý 2/2008 chúng tôi đã bóc được 700.000 m3 đất đá”. Từ độ cao hơn 300 mét của dẫy núi Nhạc Sơn, nơi ngày đêm ầm ì tiếng máy đào, máy xúc, nhìn sang bên kia là thành phố Hà Khẩu của Trung quốc với những dẫy nhà bê tông bạc trắng, tựa lưng vào núi, ngoảnh mặt sang phía Nam – nơi con sông Hồng từ đất Trung chảy vào đất Việt. Tôi ước luợng đường chim bay chỉ vài ba cây số. Anh Bùi Văn Việt nói với tôi: “Các khai trường khu trung tâm đã khai thác hơn ba chục năm, tận thu gần như hết. Nay chúng tôi tiến quân “mở đất” Bắc Nhạc Sơn là để tính chuyện khai thác ít nhất cũng bằng ngần ấy năm nữa, lập kế hoạch  lâu dài cho thế hệ sau”. Anh kể tôi nghe chuyện lo xa của Công ty là vừa phải dự trữ hàng vạn tấn quặng tại kho, nhưng cũng phải tìm thị trường xuất khẩu quặng để tái đầu tư. Năm 2007, Công ty đã thu về hơn 5 triệu USD qua xuất khẩu quặng. Hai trạm đập sàng quặng loại 2 là một sự sáng tạo. Trước đây, quặng loại 2 nguyên khai được 2 Nhà máy Phân lân nung chảy Văn Điển và Phân lân nung chảy Ninh Bình mua về sản xuất đều “kêu ca” về bột quặng làm tắc lò. Nay các anh đã sàng phân loại ngay tại trạm đập sàng thành 3 loại: Cỡ hạt lớn cung cấp cho Nhà máy sản xuất phân lân nung chảy, cỡ hạt trung thì cung cấp cho Nhà máy sản xuất Phốt pho vàng, còn bột quặng (tác nhân gây tắc lò) thì được xuất khẩu sang ấn Độ, Úc, Malaixia, Nhật Bản, vì họ không sản xuất theo công nghệ nung chảy như mình, nên khi gặp bột quặng là họ mua ngay, “nhất cử lưỡng tiện”.

Nhìn sang Thành phố Hà Khẩu, anh Việt nói với tôi: “Bên này sông là đất Việt, bên kia bờ sông là đất bạn. Cái thứ “vàng nâu” này lại tập trung và nằm gọn trong lãnh thổ nước mình, đúng là trời phú, nên phải biết giữ và sử dụng hợp lý, hiệu quả.” Trong tiếng máy đào đất âm vang sườn núi khai trường Bắc Nhạc Sơn, anh Việt xúc động hồi tưởng: “Đúng 50 năm trước, ngày 23/9/1958, Bác Hồ lên thăm công nhân và cán bộ Mỏ Apatit Lào Cai. Người ra tận Mỏ Cóc bằng chiếc xe tải Tatra. Trong buổi nói chuyện với hơn 1.000 công nhân Mỏ, Người khen ngợi cán bộ công nhân Mỏ đã khắc phục khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định đời sống. Người căn dặn: cán bộ và công nhân Mỏ cần đẩy mạnh phong trào thi đua, làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ để làm giàu cho Tổ quốc. Ba tháng sau, tháng 1/1959 Bác Hồ đã gửi thư khen công nhân và cán bộ Mỏ Apatit Lào Cai đã thi đua vượt mức kế hoạch 10% và gửi tặng 5 huy hiệu của Người cho những công nhân đạt thành tích cao nhất. Đã 50 năm trôi qua, lời dạy của Bác đã thấm sâu vào tư tưởng và tình cảm của các thế hệ công nhân Mỏ chúng tôi. Nhìn lại 5 năm chuyển đổi mô hình Công ty TNHHNN MTV (2003 -2008) và ngược thời gian thêm 5 năm trước đó (1998) tạm gọi là 10 năm, Công ty đã có được những phát triển toàn diện, bền vững mà tôi vừa trao đổi với anh cũng như anh đã tận mắt chứng kiến, đó là kết quả thi đua yêu nước thiết thực nhất của Công ty dâng lên Bác Hồ kính yêu.

Còn tôi, trong chặng đường làm báo đã có những chuyến đi với nhiều đơn vị trong ngành công nghiệp có cảm tưởng rằng, ngành khai khoáng là ngành gian khổ nhất. Đứng trên khai trường Bắc Nhạc Sơn nhìn xuống dưới kia là Thành phố Lào Cai, nhìn sang bên kia là Thành phố Hà Khẩu. Một con gà gáy ở đây là hai nước có thể nghe. Cái chất  anh hùng thật là bình dị ở những con người đã dám gắn trọn đời với khu mỏ địa đầu của Tổ quốc.

  • Tags: