Thực phẩm Sao Ta (FMC): Chủ động ứng phó các khó khăn, doanh số tiêu thụ 9 tháng tăng 18%

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho biết đã đạt 79% kế hoạch doanh thu cả năm sau 9 tháng và sẽ đảm bảo hoàn thành các mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cả năm nay.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Thực phẩm Sao Ta
Để ứng phó với các khó khăn trên thị trường tôm xuất khẩu, Thực phẩm Sao Ta chủ động chuyển hướng, tập trung khai thác các khách hàng gần, ưa thích sản phẩm tôm tinh chế như Nhật Bản. 

Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã chứng khoán: FMC – sàn HoSE) vừa công bố tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm nay với doanh số tiêu thụ chung đạt 181,7 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, công ty hiện đạt 79% kế hoạch doanh thu cả năm.  

Trong 9 tháng vừa qua, lượng tôm thành phẩm và nông sản được tiêu thụ của công ty lần lượt tăng 7,8% và 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Thực phẩm Sao Ta cũng cho biết doanh số tiêu thụ trong tháng 9 vừa qua kém hơn so với tháng 8 và cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn ghi nhận mức lợi nhuận tốt do công ty chủ yếu sử dụng tôm tự nuôi vốn có giá thành thấp.

Tại các khu vực nuôi tôm, Thực phẩm Sao Ta đang thực hiện việc thu tỉa để thúc đẩy sinh trưởng của tôm chưa đạt kích cỡ, kết hợp thu hoạch để tạo nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến.

Công ty cho biết nhìn chung tôm hiện phát triển kém thuận lợi hơn so với mùa thuận nhưng so với mặt bằng chung thì vẫn ở mức cao hơn đáng kể và vẫn đem lại lợi nhuận. Hoạt động nuôi tôm của các hộ nông dân lẫn doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây đang gặp nhiều khó khăn do nước ngọt thượng nguồn sông Cửu Long đổ về sớm làm mất độ mặn nhiều vùng nuôi tôm nội đồng, khiến quy mô thả giống giảm xuống.

Đặc biệt, mưa lớn từ cơn bão Noru được nhận định sẽ khiến lũ nội đồng tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng trong thời gian tới và biến đổi mạnh theo thuỷ triều, gây khó khăn cho việc kiểm soát môi trường nuôi tôm.

Cùng với đó, tình hình dịch bệnh trên tôm diễn ra trên diện rộng khiến năng suất và sản lượng tôm giảm đáng kể. Điều này đã khiến giá tôm nguyên liệu trên thị trường neo ở mức cao suốt thời gian qua, gia tăng bất lợi cho các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu.

Trong khi đó, nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ tôm chủ lực của Việt Nam đều được dự báo sẽ suy yếu khi tình hình kinh tế có nhiều biến động, lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và lượng hàng tồn kho tại các thị trường này cũng đang ở mức cao sau những tháng đầu năm nhập khẩu mạnh. Tôm được coi là loại protein cao cấp nên sức tiêu thụ có phần chững lại khi người tiêu dùng tại nhiều nơi trên thế giới hạn chế chi tiêu để đối phó với tình trạng lạm phát cao kỷ lục.

Bên cạnh đó, việc đồng nội tệ của Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc liên tục trượt giá sâu so với đồng USD kể từ đầu năm đến nay cũng làm giảm thấp sức mua tại các thị trường trọng điểm này. Tại Hoa Kỳ - thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam, mặc dù đồng USD tăng giá có tác động tích cực đến việc nhập khẩu tôm nhưng các sản phẩm Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ tôm giá rẻ của Ấn Độ, Indonesia và Ecuador.

giá cổ phiếu FMC của Thực Phẩm Sao Ta
Diễn biến giá cổ phiếu FMC của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2022 đến hết ngày 3/10/2022 (Nguồn: FireAnt)

Để khắc phục những khó khăn trên, lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết công ty đã và đang tập trung khai thác các thị trường gần để giữ giá bán ở mức cạnh tranh, tránh việc bị đội giá quá cao bởi chi phí thuê tàu vận chuyển và nhanh chóng thu hồi tiền hàng; đồng thời, tập trung vào các khách hàng tiêu thụ sản phẩm tinh chế vốn là thế mạnh của công ty.

Trong giai đoạn vừa qua, công ty cũng đẩy mạnh việc nuôi tôm mùa nghịch nhằm tăng sự chủ động nguyên liệu, góp phần giảm giá thành sản phẩm chế biến cũng như tăng sức thuyết phục các khách hàng về khả năng kiểm soát hoạt động sản xuất.

Hiện công ty đang tiến hành cải tạo vùng nuôi mới với diện tích 203 ha tại Sóc Trăng với tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng để chuẩn bị thả nuôi tôm trong quý 2/2023. Dự kiến khi vùng nuôi này đi vào vận hành sẽ giúp nâng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu của công ty lên mức 30-40% so với mức 20-25% hiện nay. Công ty đặt mục tiêu có 500 ha nuôi tôm nguyên liệu vào năm 2025 so với 302 ha khai thác hiện tại.

Thực phẩm Sao Ta cũng cho biết mặc dù doanh số tiêu thụ những tháng cuối năm nay sẽ không ở mức cao như các năm trước nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành kế hoạch cả năm về doanh số và lợi nhuận. Trong năm 2021, Thực phẩm Sao Ta là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam, ước tính chiếm gần 5,3% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/10, cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta đạt 42.800 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang