Thực thi pháp luật về kiểm soát môi trường trong khu công nghệ cao quốc gia: Thực trạng và hướng giải quyết các vướng mắc

LÊ BÍCH LOAN - CHÂU THỊ KHÁNH VÂN( Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) - LÂM NGUYỄN HẢI LONG (Công viên phần mềm Quang Trung, TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Khu công nghệ cao (CNC) đã tồn tại tại Việt Nam trong thời gian khá dài, tuy nhiên kết quả hoạt động còn chưa đạt được kì vọng ban đầu đưa ra. Một trong số các nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của khu CNC là những bất cập trong vấn đề thực thi quy định về kiểm soát môi trường của Ban quản lý các Khu CNC này. Trên cơ sở phân tích thực trạng quản lý, nội dung bất cập trong quy định của pháp luật, bài viết đưa ra đề xuất cụ thể để giải quyết vấn đề trên.

Từ khóa: Khu công nghệ cao, quy chế pháp lý, môi trường.

1. Đặt vấn đề

Từ khi thành lập Khu CNC Hòa Lạc vào năm 1998, các khu CNC khác như Khu CNC TP. Hồ Chí Minh và Khu CNC Đà Nẵng đã tiếp bước trở thành mũi nhọn và phát triển, là “vùng đất hứa” cho doanh nghiệp khoa học công nghệ tại Việt Nam. Để tạo điều kiện cho những khu vực đặc thù này được hoạt động một cách hiệu quả nhất, cần có những quy chế hoạt động đặc biệt nhất định. Trong số các thảo luận pháp lý liên quan tới quy chế hoạt động và quy định của khu CNC, có hai vấn đề nổi bật thu hút nhiều tranh luận của các nhà quản lý và làm chính sách đó là: (i) vấn đề không nhất quán giữa pháp luật đất đai và quy chế hoạt động của Khu CNC quốc gia trong việc quyền sử dụng và chuyển nhượng đất; và (ii) vấn đề thực thi các quy định về quản lý và kiểm soát môi trường trong khu CNC quốc gia. Trong hai vấn đề này, các vấn đề về đất đai đã được quy định tại Luật Đất đai và các quy định liên quan [1 - 3] và đã được thảo luận tại một bài viết khác [4]. Bài viết này tập trung vào thảo luận vấn đề thứ hai và đưa ra một số hướng xử lý để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc đó.

2. Quy chế pháp lý về quản lý và kiểm soát môi trường trong Khu CNC

2.1. Thực trạng và bất cập

Vấn đề nan giải trong quản lý và kiểm soát môi trường trong Khu CNC là nhân lực. Thực tiễn hoạt động của các khu công nghệ cao quốc gia cho thấy, môi trường và quản lý môi trường là vấn đề mang tính kỹ thuật và khá phức tạp. Tuy nhiên, quy định của pháp luật hiện nay chưa đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý vững chắc cho sự thể hiện vai trò của các Ban quản lý Khu CNC, đơn vị gần với các doanh nghiệp hoạt động trong khu nhất.

Lấy thực tiễn tại Khu CNC TP. Hồ Chí Minh là điển hình phân tích. Theo quy định và quy chế hoạt động hiện nay, Ban quản lý khu có chức năng:

(1) Thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các dự án đầu tư tại Khu CNC theo quy định của pháp luật hoặc theo ủy quyền.

(2) Hướng dẫn các nhà đầu tư và các đối tượng hoạt động trong Khu CNC thực hiện các thủ tục quản lý và bảo vệ môi trường.

(3) Tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong Khu CNC theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu tại Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

(4) Thực hiện các quy định pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp 1uật về bảo vệ môi trường cho các đối tượng đang hoạt động trong Khu CNC.

(5) Phối hợp với các cơ quan quản lý môi trường thực hiện việc kiểm tra, thanh tra và xử 1ý vi phạm về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động của chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu CNC và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong Khu CNC.

(6) Xây dựng kế hoạch, kinh phí bảo vệ môi trường hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện quan trắc môi trường chung của Khu CNC theo quy định pháp luật; Báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

(7) Giải quyết các tranh chấp, kiến nghị về môi trường giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong Khu CNC; phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết các tranh chấp về môi trường giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong Khu CNC với bên ngoài; giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo về môi trường trong Khu CNC.

(8) Lập biên bản vi phạm hành chính khi phát hiện các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Khu CNC.

(9) Kiểm tra, giám sát hoạt động của nhà máy xử lý nước thải tập trung của Khu CNC, chỉ đạo giải quyết các sự cố phát sinh.

(10) Ban hành các quy định, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, quy chế phối hợp và các văn bản khác áp dụng trong Khu CNC liên quan đến lĩnh vực môi trường theo thẩm quyền hoặc được ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, chính các quy định chưa rõ ràng và chi tiết này đã tạo nên những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể:

Thứ nhất, về vấn đề ủy quyền thẩm định đầu tư mới. Theo quy định, Ban quản lý Khu CNC TP. Hồ Chí Minh được giao ủy quyền thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư thực hiện tại Khu CNC theo Quyết định số 4712/QĐ-UBND ngày 20/10/2018 của UBND TP. Hồ Chí Minh về ủy quyền cho các Sở, ngành, UBND các quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của UBND Thành phố [5]. Theo yêu cầu của Quyết định này, cụ thể là quy định về điều kiện ủy quyền của Bên nhận ủy quyền tại Khoản 2 Điều 5 thì: “Việc thực hiện các công việc được ủy quyền phải tuân thủ quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực ủy quyền và phù hợp với quy định tại văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND Thành phố ban hành...” Tuy nhiên, để có thể đảm đương việc đó, Ban quản lý Khu CNC cần “chuẩn bị các nguồn lực để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được ủy quyền”. Đây chính là vấn đề vướng mắc hiện nay.

Theo quy định pháp luật chuyên ngành về ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được căn cứ theo Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên & Môi trường [6] quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ [7] quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường thì xác định: “UBND cấp tỉnh được ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường khi Ban quản lý các khu công nghiệp đã thành lập Phòng Quản lý môi trường và có đủ biên chế từ 5 người trở lên có chuyên môn về bảo vệ môi trường” (khoản 1 điều 11).

Trên thực tế, với Bộ máy hiện tại, Ban quản lý Khu CNC chưa thành lập Phòng Quản lý môi trường, đương nhiên chưa có đủ 5 nhân lực đảm bảo yếu tố chuyên môn nghiệp vụ thực thi vấn đề này. Điều này đưa đến quyết định, Ban quản lý trả ngược vấn đề về cơ quan quản lý chuyên môn là Sở Tài nguyên và Môi trường, nhận ủy quyền kiểm soát. Lúc đó, một vấn đề khác lại nảy sinh.

Thứ hai, vấn đề giải quyết tình trạng các dự án trong Khu CNC hiện đang hoạt động nhưng chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục bảo vệ môi trường. Thực tiễn rà soát hoạt động của các doanh nghiệp tại Khu CNC TP. Hồ Chí Minh cho thấy, một số doanh nghiệp trong Khu CNC hoạt động nhưng chưa thực hiện hoặc chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục bảo vệ môi trường mặc dù Ban quản lý đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện.

Để giải quyết, Ban quản lý chọn phương án báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường và cả UBND Quận 9. Kết quả, các đơn vị có thẩm quyền trên thực tế chưa thể tổ chức kiểm tra và kiểm soát vấn đề môi trường đối với các doanh nghiệp có trong danh sách báo cáo. Điều đó phản ánh một nghịch lý, Ban quản lý trực tiếp quản lý nhưng để các doanh nghiệp đang vi phạm về môi trường vẫn tồn tại hoạt động.

Thứ ba, quy định về lắp đặt quan trắc tự động chất lượng nước thải tại các doanh nghiệp trong Khu CNC. Chính sự xuất hiện các sự cố môi trường ở các dự án, doanh nghiệp hoạt động ở những khu vực và địa bàn khác trong cả nước đã phản ánh tầm quan trọng của hoạt động này. Đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động trong Khu có lưu lượng xả thải lớn, việc lắp đặt hệ thống quan trắc tự động càng trở nên cần thiếp, cấp bách và ý nghĩa.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý, Ban quản lý Khu CNC luôn có văn bản yêu cầu các đơn vị triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải sau xử lý tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khu CNC. Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống quan trắc dựa trên nguồn vốn đầu tư lắp đặt thiết bị của doanh nghiệp và là công việc của doanh nghiệp, sau đó Ban quản lý Khu CNC truyền nhận dữ liệu quan trắc tự động về Ban quản lý để theo dõi.

Một lần nữa, vấn đề này cần đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn để đọc dữ liệu quan trắc. Đặc biệt, khi hoạt động đó có ảnh hưởng đến việc xem xét hồ sơ về thiết bị quan trắc của doanh nghiệp, từ đó có ý kiến kiểm soát việc vận hành các thiết bị quan trắc nhằm đảm bảo số liệu quan trắc của doanh nghiệp truyền về Ban quản lý mang tính khách quan, chính xác.

2.2. Hướng xử lý

Từ kết quả khảo sát và phân tích nên trên, người viết cho rằng giải pháp hữu hiệu cần được áp dụng trong thời gian tới là:

Một là, tăng cường đội ngũ nhân lực có chuyên môn kỹ thuật về môi trường cho các Khu CNC. Lý do không lựa chọn việc chuyển giao trở lại hoạt động kiểm soát môi trường cơ quan môi trường cấp Sở nơi Khu CNC tọa lạc là vì khả năng và mức độ theo dõi, giám sát của đơn vị đó không sâu sát và thường xuyên bằng chính các đơn vị tại Khu CNC. Thực tế cũng đã chứng minh, khi có yêu cầu của Ban quản lý Khu CNC TP. Hồ Chí Minh hoạt động kiểm tra và kiểm soát đối với một số nguồn ô nhiễm môi trường trong Khu đã không diễn ra kịp thời. Đặc biệt, lựa chọn phương án bổ sung nhân sự cho Khu CNC sẽ tạo tiền đề tương thích cho việc hình thành các đơn vị quản lý chuyên ngành tọa lạc và trực thuộc các khu CNC và hoạt động theo một quy chế đặc thù trong tương lai.

Hai là, trên cơ sở quy chế pháp lý đặc thù, pháp luật chấm dứt cơ chế ủy quyền. Thay vào đó, cần trao quyền trực tiếp cho Khu CNC. Thông qua đội ngũ chuyên môn được bổ sung như trên, tiến hành các hoạt động quản lý và kiểm soát môi trường trong phạm vi phân quyền của cơ chế đặc thù. Đây là giải pháp vừa phát huy tính chủ động và sâu sát của hoạt động kiểm soát tại chỗ, vừa gia tăng trách nhiệm của Ban quản lý Khu CNC trong bảo toàn môi trường của toàn khu.

Ba là, đó lưu ý về mặt kỹ thuật pháp lý. Theo đó, các nội dung này cần được thể hiện rõ trong quy chế đặc thù đối với hoạt động của Khu CNC. Có nghĩa, quy chế theo đó được xây dựng theo nguyên tắc quy định rõ nội dung hoạt động được phân cấp và được triển khai theo cơ chế riêng. Các nội dung hoạt động còn lại, do không được phân cấp, sẽ được tiến hành theo quy định tác các văn bản pháp luật có liên quan. Phương thức này tránh việc lặp lại không cần thiết, đôi khi sai sót kiểu “tam sao thất bản”. Nhưng quan trọng hơn, khi một văn bản pháp luật có liên quan được dẫn chiếu thì nội dung quy định của quy chế cũng không bị ảnh hưởng và không cần phải điều chỉnh như thực tế xảy ra đối với một số văn bản lập pháp, lập quy thời gian qua. Chắc chắn, đây cũng là nội dung cần được lưu ý đối với cả việc giải quyết vấn đề quản lý nhà nước về đất đai nêu trên.

3. Kết luận

Kiểm soát các vấn đề môi trường trong khu CNC là một vấn đề cực kì cấp thiết trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng và các doanh nghiệp hoạt động trong khu CNC đều cần xả ra một lượng chất thải lớn. Qua các phân tích trên, nhân lực và cải thiện hành lang pháp lý là hai yếu tố tiên quyết để giải quyết vấn đề thực thi kiểm soát môi trường tại khu CNC. BQL các khu CNC cần thành lập bộ phận chuyên trách quản lý môi trường với nhiều nhân sự có chuyên môn cao để có thể kiểm soát sâu sát các doanh nghiệp và phản ứng nhanh khi phát hiện nguồn ô nhiễm môi trường. Về mặt hành lang pháp lý, cần nhanh chóng xây dựng cơ chế ủy quyền cho BQL trong việc quản lý môi trường tại khu CNC. Điều này sẽ tạo điều kiện cho việc chủ động giám sát và can thiệp tại chỗ đối với doanh nghiệp vi phạm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội, Khoản 2 điều 91, “Luật Đất đai năm 2003”.
  2. Quốc hội, Khoản 2 điều 150, “Luật Đất đai 2013”.
  3. Quốc hội, Điều 105 Quốc hội.
  4. Chính phủ, Khoản 3 điều 12 “Nghị định số 35/2017/NĐ-CP Thu tiền sử dụng đất thu tiền thuê đất thuê mặt nước khu kinh tế công nghệ cao”.
  5. Lê Bích Loan, Châu Thị Khánh Vân (2019). “Thực tiễn áp dụng pháp luật về trao quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư trong khu công nghệ cao quốc gia”. Tạp chí Công Thương. Số 22, tháng 12/2019.
  6. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2015), “Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT về Đánh giá môi trường chiến lược, Đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường”.
  7. Chính phủ (2015), “Nghị định số 18/2015/NĐ-CP về Quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường”.

THE ENFORCEMENT OF THE ENVIRONMENTAL

CONTROL REGULATIONS AT NATIONAL HI-TECH PARKS:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

• LE BICH LOAN

• CHAU THI KHANH VAN

University of Economics and Law,

Vietnam National University - Ho Chi Minh City

• LAM NGUYEN HAI LONG

Quang Trung Software Park, Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Although Vietnamese hi-tech parks have been established for a long time, these parks’ results are not commensurate with their potential. One of the reasons hindering the development of these hi-tech parks is the inadequacies in the enforcement of the environmental control regulations of the management board of these hi-tech parks. This study is to analyze the current management of these hi-tech parks and the inadequacies of related laws, thereby proposing recommendations to solve arising issues.

Keywords: Hi-tech park, legal framework, environment.