Thực trạng khai thác du lịch vùng biên tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

THS. BÙI THU THỦY (Khoa Du lịch - Trường Đại học Hạ Long)

mong cai

TÓM TẮT:

Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, Thành phố Móng Cái đã có những cách làm sáng tạo và chủ động trong việc phát triển sản phẩm du lịch vùng biên. Sự đa dạng loại hình du lịch, sản phẩm du lịch và dịch vụ du lịch cửa khẩu biên mậu kết hợp với sản phẩm du lịch nông thôn và sinh thái cộng đồng đã tạo nên tính đa dạng và phong phú, đáp ứng lượng du khách du lịch nội địa và quốc tế đến với Móng Cái ngày một tăng trong những năm gần đây. Bài viết đã giới thiệu về thành phố Móng Cái, đồng thời nêu rõ thực trạng khai thác du lịch vùng biên tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Từ khóa: du lịch, du lịch vùng biên, thành phố Móng Cái.

1. Một số khái niệm cơ bản về du lịch

Theo Luật Du lịch Việt Nam, (2017): Sản phẩm du lịch là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. [5, tr.7].

Theo Luật Du lịch Việt Nam, (2017): Khu du lịch là khu vực có ưu thế về tài nguyên du lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia. [5, tr.7].

Theo Luật Du lịch Việt Nam, (2017): Điểm du lịch là nơi có tài nguyên du lịch được đầu tư, khai thác phục vụ khách du lịch. [5, tr.7].

Theo Luật Du lịch Việt Nam, (2017): Chương trình du lịch là văn bản thể hiện lịch trình, dịch vụ và giá bán được định trước cho chuyến đi của khách du lịch từ điểm xuất phát đến điểm kết thúc chuyến đi. [5, tr.7].

Theo Luật Du lịch Việt Nam, (2017): Khách du lịch là người đi du lịch hoặc kết hợp đi du lịch, trừ trường hợp đi học, đi làm nhận thu nhập từ nơi đến. [5, tr.7].

Du lịch biên mậu là các hoạt động mua, bán trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới với nước láng giềng, bao gồm mua bán hàng hóa chính ngạch, mua bán hàng hóa tiểu ngạch, mua bán ở chợ biên giới, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới cùng các hoạt động văn hóa khác được hình thành và tương tác trong các hoạt động đó.[11].

mui sa vi
Mũi Sa Vĩ, điểm đến yêu thích của du khách khi đến với TP Móng Cái

2. Thực trạng phát triển sản phẩm du lịch vùng biên tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh

2.1. Giới thiệu đôi nét về thành phố Móng Cái

Móng Cái là thành phố biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, bên bờ sông Ka Long, cách thành phố Hạ Long 178 km. Móng Cái giáp với Trung Quốc, có đường biên giới trên biển và đất liền dài hơn 70 km. Phía Đông - Đông Nam tiếp giáp với Biển Đông; Phía Tây Bắc giáp huyện Hải Hà (Quảng Ninh). Móng Cái là vùng đất có diện tích đất tự nhiên là khoảng 516,55 km2, chiếm 8,49% diện tích tỉnh Quảng Ninh.

Móng Cái có khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, là một trong những khu kinh tế lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh được đặt mục tiêu làm bàn đạp để phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh Quảng Ninh. Với tiềm năng và thế mạnh đó, thành phố Móng Cái được đánh giá là địa phương có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị, chiến lược và đối ngoại đặc biệt quan trọng, nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế Việt - Trung”, “Một vành đai, một con đường”. Nhờ đó, lượng du khách đến với thành phố ngày một tăng, trong đó có khách du lịch nội địa. Phát triển sản phẩm du lịch vùng biên là một trong những đặc trưng của  thành phố Móng Cái.

2.2. Đánh giá thực trạng du lịch tại thành phố Móng Cái

2.2.1. Thị trường

Những năm qua, thành phố Móng Cái đã đón lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế đến từ các tỉnh, thành trong cả nước và lượng khách quốc tế từ Trung Quốc sang. Ngoài tham quan danh lam thắng cảnh, văn hóa, trải nghiệm các dịch vụ, vui chơi và nghỉ dưỡng tại bãi biển Trà Cổ, du khách còn có mục đích là mua hàng hóa từ chợ cửa khẩu đầu mối Móng Cái và chợ vùng biên giữa Việt Nam và Trung Quốc.

tra co
Bãi biển Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) là một trong các bãi biển dài nhất Việt Nam với khoảng 17km đường bờ biển uốn hình cánh cung

Móng Cái trở thành điểm đến hấp dẫn, ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư và nhiều thị trường khách du lịch, trong đó có khách du lịch nội địa. Móng Cái đã tổ chức hàng loạt các hoạt động xúc tiến thương mại và du lịch qua biên giới như Hội chợ Thương mại - Du lịch quốc tế Việt - Trung được tổ chức luân phiên tại thành phố Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) và thành phố Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam).

Với lượng lớn khách đến tham quan và hoạt động thương mại ngày một nhiều, Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) đã trở thành những trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế với tuyến du lịch biên giới đặc sắc có khả năng cạnh tranh trong khu vực. Trong các nước ASEAN, Việt Nam là điểm đến lớn thứ 2 của khách du lịch Trung Quốc, sau Thái Lan. Trung Quốc cũng là điểm du lịch được Việt Nam cũng như người dân Quảng Ninh ưu tiên lựa chọn khi đi du lịch.

2.2.2. Đánh giá thực trạng khách du lịch nội địa đến thành phố Móng Cái

Khách du lịch nội địa đến thành phố Móng Cái thường chia thành 2 loại hình:

Thứ nhất, đối với khách du lịch nội địa đến tham quan thành phố Móng Cái, chủ yếu là những người tham quan các điểm du lịch nằm trong thành phố và vùng lân cận trong chương trình du lịch thành phố Hạ Long kết hợp mua sắm cửa khẩu vùng biên. Theo số liệu thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Móng Cái năm 2019, khách du lịch nội địa tăng đáng kể, khoảng 282.704 lượt khách; năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng khách nội địa khoảng 89.273 lượt khách, trong 5 tháng đầu năm 2021, ước đạt 42.924 lượt khách. Điều này cho thấy, thành phố Móng Cái là thành phố Mậu biên thu hút lượng lớn khách nội địa đến tham quan và mua sắm.

Thứ hai, thành phố Móng Cái cũng là điểm trung chuyển một số lượng lớn khách nội địa đi du lịch Outbound sang Trung Quốc với cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng và một lượng lớn khách du lịch Inbound từ Trung Quốc sang Việt Nam qua cửa khẩu Đông Hưng - Móng Cái, vừa tham quan du lịch, vừa kết hợp thương mại với tần suất trung bình mỗi ngày khoảng 1.000 lượt khách Việt Nam qua lại cửa khẩu. Năm 2016, số lượng khách Việt Nam đến Trung Quốc khoảng 2,2 triệu lượt khách. Từ năm 2019, tổng lượt khách đến Thành phố Móng Cái đạt 3.013.383 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 2.730.679 lượt. Năm 2020, tổng lượt khách đến Thành phố đạt: 257.690 lượt, trong đó khách quốc tế đạt 168.417 lượt (tháng 1/2020 cửa khẩu quốc tế Móng Cái vẫn hoạt động).

vinh trung
Du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng trên đảo Vĩnh Trung đang ngày càng thu hút du khách
2.2.3. Đánh giá thực trạng sản phẩm du lịch của thành phố Móng Cái

Du lịch mậu biên tại thành phố Móng Cái được xác định là một trong những thế mạnh của địa phương, đồng thời để thu hút và mở rộng được nguồn khách du lịch nội địa cũng như giữ chân du khách ở lại lâu hơn, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Ngoài việc nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh du lịch, tăng cường công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và an ninh, an toàn cho du khách thì cần xây dựng thêm các tour, tuyến, sản phẩm du lịch mới độc đáo, mang đặc trưng riêng có của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch gắn với tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, bước đầu mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm, cảm nhận ấn tượng về thành phố biên giới cửa khẩu.

Quyết định số 1417/QĐ-UBND và Quyết định số 2831/QĐ-UBND năm 2016 của UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận thành phố Móng Cái có 4 tuyến và 15 điểm du lịch. Bên cạnh đó, ngày 24/4/2019, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 1501/QĐ-BVHTTDL công nhận Khu du lịch Trà Cổ, Móng Cái là Khu du lịch quốc gia. Việc công nhận Khu du lịch quốc gia Trà Cổ, Móng Cái nhằm cụ thể hóa Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trà Cổ là khu du lịch quốc gia đầu tiên của Quảng Ninh và là một trong 4 khu du lịch quốc gia trong toàn quốc, góp phần khẳng định ngành du lịch Móng Cái được nâng cao vị thế mới, thương hiệu mới, cơ hội mới trong việc thúc đẩy thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực du lịch; đồng thời giới thiệu quảng bá các tài nguyên, sản phẩm du lịch biên giới đặc sắc, khác biệt, hình ảnh đất nước, con người Quảng Ninh, Việt Nam nói chung, thành phố Móng Cái nói riêng tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước. 

Trước hết, nói đến du lịch thành phố Móng Cái có thể nhắc ngay đến sản phẩm du lịch xuất ngoại gắn với đô thị; Du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng; Du lịch văn hóa tâm linh. Tuy nhiên, trong bài viết này, tác giả đề cập tới một số loại hình du lịch đặc trưng nữa đó là Du lịch mua sắm, ẩm thực. Du lịch nông nghiệp, sinh thái; Tất cả những sản phẩm du lịch trên đều gắn kết chặt chẽ với du lịch vùng biên giới.

ẩm thực

Một là, sản phẩm du lịch mua sắm, ẩm thực 

Đây là một trong những chương trình hấp dẫn, không chỉ phù hợp với tâm lý và nhu cầu của khách du lịch mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương. Với lợi thế cửa khẩu quốc tế Móng Cái nằm gần trung tâm thành phố, hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ tại Móng Cái càng ngày càng được đầu tư xây dựng. Điểm du lịch thương mại nằm ở khu trung tâm của thành phố thuộc phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, bao gồm hệ thống các chợ trung tâm, chợ 2, chợ 3, chợ Togi và các trung tâm thương mại (Plaza, Vinh Cơ, Đông Thăng), chợ đêm, phố đi bộ,...

Chợ Trung tâm Móng Cái (hay còn gọi là Chợ 1) được xem là hệ thống trung tâm thương mại lớn của thành phố, là một trong số các khu chợ cửa khẩu nổi tiếng nhất tại miền Bắc. Với tổng diện tích sàn là 20.244m2, gồm 4 tầng nhà, gần 1.000 gian hàng kinh doanh, các mặt hàng được nhập khẩu, là địa điểm thu hút du khách nội địa đến mua sắm tại chợ vùng biên với đa dạng hàng hóa phù hợp với mọi lứa tuổi, sở thích cá nhân. Thời gian họp chợ từ 6h30 - 12h30 hàng ngày; Các tiểu thương kinh doanh tại chợ bao gồm cả người Việt Nam và người Trung Quốc sang kinh doanh buôn bán. Giá cả các mặt hàng phù hợp với chất lượng và dễ dàng trao đổi, có thể mặc cả bằng tiếng Việt Nam với người bán là người Trung Quốc. Điểm đặc biệt, du khách có thể thanh toán bằng tiền Việt Nam đồng hoặc bằng tiền Nhân dân tệ Trung Quốc.

Không gian bày trí và phân khu của chợ Móng Cái được chỉ dẫn bằng sơ đồ rõ ràng để du khách dễ dàng tham quan, mua sắm. Các mặt hàng ở đây được đánh giá cao, bởi kiểu dáng, chủng loại phong phú đi cùng với đó là giá thành rẻ.

Chợ số 2 và 3 nằm ở phường Hoà Lạc, cách cửa khẩu Bắc Luân 1 km. Chợ số 2 vừa bán buôn, vừa bán lẻ. Những mặt hàng chính ở đây là vải vóc, quần áo may sẵn, đồ chơi trẻ em, đồ gia dụng. Khu vực bán đồ gia dụng ở đây thu hút lượng lớn khách du lịch. Chợ 3 chủ yếu cung cấp các loại lương thực, đồ ăn. Thành phố Móng Cái đã xây dựng khu chợ đêm nhằm phục vụ du khách khi lưu trú tại đây, thời gian hoạt động từ 18h - 22h hàng đêm. Ngoài các mặt hàng đồ lưu niệm, điện tử, du khách sẽ trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực vùng biên với các món ăn vừa mang hương vị của Việt Nam, vừa có chút hương vị màu sắc của Trung Hoa, như: bún cù kì, ghẹ Trà Cổ, sam biển Trà Cổ, ốc hương xào me; các món nướng, bánh Đúc lai,...

du lich

Hai là, sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái cộng đồng

Đây cũng là một trong những loại hình du lịch mới của Móng Cái. Một địa chỉ mà ít người biết đến của loại hình du lịch mới này đó chính là trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng ở xã Hải Sơn, một xã vùng cao, biên giới, có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong đó, dân tộc Dao chiếm 42,8%, dân tộc Sán Chay chiếm 18,8%, dân tộc Kinh chiếm 38%. Ngành nghề chủ yếu là sản xuất nông nghiệp kết hợp với phát triển trồng rừng. Đến với nơi đây du khách sẽ được khám phá trải nghiệm cảnh quan hùng vĩ của núi Mã Thầu Sán (cao 660m so với mực nước biển), núi Pa Nai (Cao trên 700m so với mực nước biển), sông Ka Long, Thác 72 gian,... Hay du khách có thể nghỉ dưỡng trên núi cao, thưởng ngoạn khí hậu ôn đới trong lòng nhiệt đới: nghỉ dưỡng tại các căn hộ homestay - Pò Hèn, Hải Sơn. Ngắm cảnh đẹp thiên nhiên vùng núi theo mùa nông nghiệp (các mùa hoa, ruộng bậc thang): ngắm hoa sim, đào, trà hoa vàng, ruộng lúa bậc thang,… (Pò Hèn, Lục Chắn, Hải Sơn). Đi bộ, trải nghiệm, thử thách bản thân, chinh phục các cung đường, leo núi chinh phục đỉnh Pa Nai, Pò Hèn, Hải Sơn.

po hen
Làng dân tộc thiểu số Pò Hèn

Ngoài ra, du khách còn có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng dân tộc thiểu số như: Tham quan làng bản dân tộc thiểu số Thôn Pò Hèn (Làng bích họa xóm Họ Đặng) và các vùng lân cận; ngủ lại nhà dân, tìm hiểu và tham gia cùng các hoạt động của đồng bào, mua sắm tại các phiên chợ, lễ hội vùng cao,  điển hình là lễ hội Cấp sắc của người Dao nghe hát Soóng Cọ, xem biểu diễn nhạc cụ dân tộc, thưởng thức ẩm thực.

Ngoài ra, du khách cũng có thể tìm hiểu, trải nghiệm các quy trình sản xuất nông nghiệp tại các trang trại chè, trang trại hoa, trang trại dược liệu,…

3. Kết luận

Thành phố Móng Cái được đánh giá là địa phương có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị, chiến lược và đối ngoại đặc biệt quan trọng, có khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái được xác định là 1 trong 4 trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh. Với tiềm năng và thế mạnh đó, thành phố Móng Cái đã có những cách làm sáng tạo và chủ động trong việc phát triển sản phẩm du lịch vùng biên là một trong những đặc trưng của mảnh đất nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “... xây dựng Móng Cái trở thành trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, cảng biển trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh”. Thành phố Móng Cái có nhiều chương trình du lịch tiêu biểu và hấp dẫn với sự đa dạng sản phẩm du lịch vùng biên là một trong những mục tiêu giúp Móng Cái trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thúc đẩy thị trường khách du lịch, giúp du khách có nhiều sự lựa chọn và cơ hội để khám phá vùng đất cửa khẩu này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Móng Cái (2019, 2020) Báo cáo thống kê số lượng khách năm 2019, 2020, TP. Móng Cái.
  2. Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Móng Cái (2019), Đề án Du lịch sinh thái cộng đồng xóm Họ Đặng, xã Hải Sơn, Móng Cái, Quảng Ninh, thành phố Móng Cái.
  3. Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Móng Cái (2021), Báo cáo thống kê số lượng khách 5 tháng đầu năm 2021, Thành phố Móng Cái.
  4. Quốc hội, (2017), Luật Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia.
  5. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh (2013), Báo cáo Tổng hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
  6. Ban Quản lý Khu du lịch Trà Cổ (2021), https://www.mongcai.gov.vn/vi-vn/tin/ban-quan-ly-khu-du-lich-tra-co/98210-57246-759294
  7. Ban Quản lý Chợ Móng Cái (2021), https://www.mongcai.gov.vn/vi-vn/tin/ban-quan-ly-cho-mong-cai/98210-74831-717370
  8. Ban quản lý Cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (2021), https://www.mongcai.gov.vn/vi-vn/tin/bql-cua-khau-quoc-te-mong-cai/98210-19082-26071
  9. Điều kiện tự nhiên - xã hội Thành phố Móng Cái, https://www.mongcai.gov.vn/vi-vn/tin/gioi-thieu-chung-ve-thanh-pho-mong-cai/98210-446520-313101
  10. Nguyễn Lê Ngân (2018), Du lịch biên mậu tại Lào Cai: cơ hội và thách thức, Laocai.tnu.edu.vn/index.php/vi/cac-don-vi/khoa-kinh-te-du-lich/chuyên-môn,-nghiệp-vụ/936-du-lịch-biên-mậu-tại-lào-cai-cơ-hội-và-thách-thức.html, Khoa Kinh tế - Du lịch, Đại học Thái Nguyên.