Thực trạng phát triển bền vững lĩnh vực y tế ở vùng Tây Nam Bộ

THS. LƯƠNG THÙY DƯƠNG (Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Vùng, - Viện Hàn lâm Khoa học - xã hội Việt Nam)

TÓM TẮT:

Bài viết vận dụng nhóm chỉ tiêu về y tế trong bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững vùng Tây Nam, thuộc Đề tài cấp Nhà nước: “Xây dựng cơ sở dữ liệu phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” (Mã số KHCN-TNB.ĐT/14-19/X16), đề xuất áp dụng cho vùng Tây Nam Bộ. Dữ liệu đầu vào áp dụng được thu thập từ số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và của 13 Cục Thống kê tỉnh vùng Tây Nam Bộ. Thông qua việc đánh giá, phân tích dữ liệu, bài viết đưa ra một số đề xuất về tính khả thi của chỉ tiêu được đề xuất.

Từ khóa: y tế, phát triển bền vững, Tây Nam Bộ.

1. Đặt vấn đề

Tích cực hưởng ứng Chương trình Nghị sự 21 về Phát triển bền vững (Agenda 21) của Liên Hợp quốc, Việt Nam đã ban bành Chương trình Nghị sự 21 Việt Nam và Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Quan điểm phát triển bền vững (PTBV) đã được lồng ghép vào trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Để lập kế hoạch và giám sát thực hiện Chiến lược PTBV, các cơ quan ở nước ta đã nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ tiêu PTBV cấp quốc gia, với sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành. Bộ chỉ tiêu PTBV quốc gia bao trùm mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực Y tế. Chăm sóc sức khỏe là một trong những dịch vụ xã hội cơ bản của xã hội. Vì thế, trong hệ thống các chỉ tiêu phát triển bền vững, những chỉ tiêu phát triển bền vững về y tế (PTBVYT) có vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng dân số và sự phát triển xã hội ở cấp địa phương, vùng, quốc gia. Tuy nhiên, việc áp dụng Bộ chỉ tiêu PTBV nói chung và từng nhóm lĩnh vực nói riêng vào khu vực cụ thể cần được điều chỉnh để phù hợp với đặc trưng của vùng. Bài viết này áp dụng Bộ chỉ tiêu PTBV đánh giá ở lĩnh vực Y tế, thuộc đề tài cấp Nhà nước: “Xây dựng cơ sở dữ liệu phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”, từ đó đề xuất, đánh giá thực trạng lĩnh vực Y tế ở vùng Tây Nam Bộ.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bộ chỉ tiêu PTBV trong lĩnh vực Y tế thuộc Đề tài cấp Nhà nước: “Xây dựng cơ sở dữ liệu PTBV vùng Tây Nam bộ”, đề xuất cho vùng Tây Nam Bộ (TNB) gồm 13 chỉ tiêu, với các nhóm chỉ tiêu về: Chăm sóc trẻ em (6), Các bệnh dịch (3), Chăm sóc phụ nữ (2) và Nhân lực, cơ sở vật chất ngành Y tế (2). Riêng chỉ tiêu tỷ lệ ca sinh được nhân viên y tế có kỹ năng đỡ vừa là chỉ tiêu chăm sóc trẻ em, vừa là chỉ tiêu chăm sóc phụ nữ. (Xem Bảng dưới)

Bảng. Các chỉ tiêu đánh giá phát triển bền vững lĩnh vực Y tế

Chỉ tiêu

Nguồn số liệu

Nhóm chỉ tiêu về chăm sóc trẻ em

 

- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi

NGTK

- CT2: Tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi

NGTK

- CT3: Tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo chiều cao

NGTK

- CT4: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi

NGTK

- CT5: Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi

NGTK

- CT6: Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin đầy đủ

NGTK

Nhóm chỉ tiêu về các bệnh dịch

 

- CT7: Số ca mắc mới HIV hàng năm/103

NGTK

- CT8: Số ca mắc mới lao hàng năm/105

NGTK

- CT9: Số ca mắc mới sốt rét hàng năm/105

NGTK

Nhóm chỉ tiêu về chăm sóc phụ nữ

NGTK

CT10: Tỷ lệ ca sinh được nhân viên y tế có kỹ năng đỡ

 

CT11: Tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

 

Nhóm chỉ tiêu về nhân lực, cơ sở vật chất ngành y tế

 

- CT12: Số nhân viên y tế

 

- CT13: Số cơ sở y tế trực thuộc sở y tế tỉnh

NGTK

3. Kết quả

3.1. Nhóm chỉ tiêu về chăm sóc trẻ em

- CT1: Tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi (thể nhẹ cân)

Năm 2018, chỉ tiêu này ở Long An và Trà Vinh thấp nhất vùng (7,9 &8,0) và chỉ bằng khoảng 60% chỉ số tương ứng ở tỉnh cao nhất Đồng Tháp. Trà Vinh có thành tích nổi bật khi hạ chỉ tiêu này trong 9 năm xuống còn 41% (từ 19,3% (2010) xuống 8,0% (2018).

Ở chỉ tiêu tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo tuổi, vùng TNB có các chỉ số thấp hơn đáng kể so với trung bình toàn quốc, nhưng vẫn kém hơn so với đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) trong suốt những năm 2010-2018. Việc hạ thấp chỉ tiêu này ở TNB có tính liên tục, năm 2018 chỉ số này chỉ bằng 72,0% so với năm 2010.

Quyết định số 681/QĐ-TTg (2019), Nghị quyết số 20- NQ/TW không có mục tiêu cụ thể cho thể suy dinh dưỡng nhẹ cân. Vì thế không nên đưa chỉ tiêu thể suy dinh dưỡng nhẹ cân vào Bộ chỉ tiêu phát triển bền vững về y tế vùng, do không thể đánh giá so với mục tiêu.

- CT2: Tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi (thể thấp còi)

Chỉ tiêu này phản ánh khả năng cải tạo nòi giống lâu dài về sức khỏe thể chất/cải thiện tầm vóc người Việt.

Hậu Giang có chỉ tiêu này cao nhất trong thời gian 2010-2018, tuy có mức giảm tương đương toàn vùng. Trong khi đó, Bạc Liêu là tỉnh có tỷ lệ thấp nhất, giảm mạnh từ năm 2016 đến năm 2018, còn những năm trước đó không chênh lệch nhiều với các tỉnh khác và tỷ lệ năm 2018 chỉ bằng 0,45 năm 2010, nhưng năm 2019 lại tăng lên. Trà Vinh có chỉ tiêu này giảm mạnh trong 3 năm gần đây (2017-2019). Tỷ lệ này ở Hậu Giang gần gấp 2 lần so với Bạc Liêu trong những năm 2016-2018.

Mục tiêu PTBV năm 2020 và 2025 của Vùng là tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi là 21,5% và 20%, mục tiêu năm 2030 là dưới 15%.

So với mục tiêu PTBV năm 2020, vào những năm 2010-2019, 7 tỉnh Long An, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cần Thơ, Kiên Giang, Bến Tre, Sóc Trăng đã đạt được. Sáu tỉnh còn lại chưa đạt được mục tiêu năm 2020 và do đó ảnh hưởng đến kết quả toàn vùng.

TNB chưa đạt mục tiêu vào 2020. Tỉnh Long An đạt mục tiêu 2025 từ những năm 2014-2018, khá vững chắc. Riêng tỉnh Trà Vinh và Bạc Liêu hạ thấp tỷ lệ này đáng ngạc nhiên từ 2017-2019 và Trà Vinh đạt mục tiêu năm 2030. Các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi cao nhất vùng.

Đây là vấn đề chung của cả nước và vùng TNB (có tỷ lệ cao, trên một phần năm trẻ em dưới 5 tuổi gặp vấn đề này), dù đã duy trì đà giảm, nhưng giảm chậm từ năm 2015 đến nay. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi ở TNB cao hơn so với ĐBSH trong suốt những năm 2010-2018, nhưng thấp hơn đáng kể tỷ lệ trung bình toàn quốc. Tỷ lệ này toàn quốc 2018 bằng 0,83 so với 2010, trong khi ở TNB tương ứng là 0,82, còn ĐBSH là 0,84.

- CT3: Tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi suy dinh dưỡng cân nặng theo chiều cao (thể gày còm)

So với mục tiêu PTBV năm 2020 và 2025, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể gày còm dưới 5%, tỷ lệ này ở 6/13 tỉnh TNB vượt mục tiêu từ các năm 2016-2018 (Long An, Cần Thơ, Kiên Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Đồng Tháp). Bảy tỉnh còn lại (Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Hậu Giang, Tiền Giang, An Giang)  đến năm 2018 chưa đạt mục tiêu năm 2020 và ảnh hưởng đến kết quả toàn vùng. Hai tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể gày còm tăng cao đột xuất trong 3 năm 2016-2018 và cao nhất trong vùng. Trà Vinh và Sóc Trăng là 2 tỉnh tập trung đông đảo đồng bào Khơ me đều có tỷ lệ này cao thứ 2 và 3 trong vùng. 

Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể gày còm của TNB cao hơn ĐBSH những năm 2010-2015, nhưng thấp hơn vào năm 2018, còn 2 năm 2016 và 2017 không có số liệu. Tỷ lệ này của TNB cao hơn hay bằng trung bình toàn quốc các năm 2010-2014, nhưng thấp hơn đáng kể năm 2015 và 2018.

Tóm lại, chỉ tiêu tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể gày còm và thấp còi toàn vùng TNB chưa đạt mục tiêu 2020, dựa trên dữ liệu 2010-2018.

Bốn tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ đã đạt mục tiêu 2020 ở cả 2 chỉ tiêu này. Trà Vinh, Bạc Liêu đạt mục tiêu về tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2020, còn Vĩnh Long, Đồng Tháp đạt mục tiêu 2020 tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể gày còm.

- CT4: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi

Đây là chỉ tiêu đặc biệt quan trọng trong phân tích về tỷ lệ chết của dân số, vì là chỉ tiêu nhạy cảm nhất, đánh giá mức độ ảnh hưởng của y tế, bảo vệ sức khoẻ trong dân cư. Mức độ này có ảnh hưởng to lớn tới mức độ chết chung, đến tuổi thọ bình quân và có tác động qua lại với mức sinh.

TNB có thành tựu về chỉ tiêu này thấp hơn nhiều chỉ số trung bình toàn quốc, mà còn thấp hơn đáng kể ĐBSH - vùng được đánh giá có hệ thống y tế phát triển hơn trong những năm 2010-2018. Chỉ tiêu này của TNB cũng giảm mạnh, với chỉ số năm 2018 chỉ bằng 86,5% so với 2010. Tiền Giang và Cần Thơ có chỉ tiêu thấp nhất, trong khi An giang có chỉ tiêu cao nhất vùng nhiều năm. Năm 2018, chỉ tiêu này của Tiền Giang chỉ bằng 63,8% chỉ tiêu tương ứng của An Giang. Sóc Trăng và Trà Vinh là 2 tỉnh tập trung đồng bào Khơ me, có tỷ suất này cao thứ hai và ba trong vùng TNB. 

TNB đã vượt chỉ tiêu Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi từ năm 2010, so với mục tiêu PTBV năm 2020 & 2025. Đến năm 2019, An Giang đạt mục tiêu PTBV này năm 2020 - tiến bộ vượt bậc (5,9 so với 13,5), còn Sóc Trăng đã đạt chỉ tiêu năm 2025 (12,4 so với 12,5).

- CT5: Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi

Chỉ tiêu phản ánh tình trạng tổng quát chăm sóc sức khỏe trẻ em, tình trạng dinh dưỡng và phòng, chữa bệnh cho trẻ. Chỉ tiêu có số liệu toàn quốc, vùng và tỉnh.

Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi của TNB luôn thấp thứ 2 trên cả nước, chỉ sau ĐNB và trên ĐBSH và thấp hơn nhiều mức trung bình toàn quốc.

Tỷ suất này ở TNB giảm dần đều đặn từ năm 2010 đến năm 2019 (từ 18,9 xuống 15,4 phần ngàn). Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi năm 2019 chỉ bằng 0,81 so với năm 2010 tại TNB. Có sự khác biệt khá lớn giữa các tỉnh trong vùng về tỷ suất này. Tiền Giang, Cần Thơ và Long An duy trì tỷ suất thấp nhất ở TNB trong suốt những năm 2010-2019. An Giang có tỷ suất cao nhất vùng, nhưng suy giảm đột biến trong năm 2019, trở thành thấp nhất vùng 10,8‰. Sóc Trăng và Trà Vinh là 2 tỉnh tập trung đồng bào Khơ me, có tỷ suất này cao thứ hai và thứ tư trong vùng TNB. 

TNB đã vượt chỉ tiêu Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi từ năm 2012, so với mục tiêu PTBV năm 2020 & 2025 (20‰ và 18,5‰).

Riêng An Giang năm 2019, tiến bộ vượt bậc, đạt mục tiêu này của năm 2020 (10,8‰ so với 20,0‰).

- CT6: Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin đầy đủ

Tiêm chủng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của y tế dự phòng. Tiêm chủng cứu sống hàng triệu người và được công nhận rộng rãi là một trong những can thiệp về sức khoẻ thành công nhất và hiệu quả nhất trên thế giới. Chỉ tiêu này càng quan trọng bởi bối cảnh nhiều bệnh dịch ngày càng bùng phát trên toàn cầu, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Sự bùng phát vừa qua của bệnh bạch hầu ở Tây Nguyên là một cảnh báo đối với việc thực hiện tiêm chủng mở rộng chưa tốt. Chỉ tiêu này phụ thuộc nhiều vào việc cung ứng thuốc từ chương trình tiêm chủng mở rộng, cũng như hiệu quả của hệ thống y tế dự phòng. Mặt khác, những phản ứng thuốc gây tử vong trong quá trình tiêm vắc xin có thể dẫn tới cha mẹ không cho con cái đi tiêm chủng trong những thời điểm nhất định. Năm 2013, tỷ lệ trẻ em đi tiêm thấp hay sự suy giảm nhẹ tỷ lệ này từ 2016 trên toàn quốc, các vùng ĐBSH hay TNB.

Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin đầy đủ của TNB tương đương toàn  quốc, nhưng thấp hơn ĐBSH

Nếu mục tiêu kế hoạch năm 2020 và VSDG (các mục tiêu SDG của Việt Nam - đó là các mục tiêu phát triển bền vững), chỉ là trên 90% thì các năm qua toàn quốc và TNB đã đạt mục tiêu kế hoạch và VSDG, trừ tỉnh Kiên Giang 2018: 86,4%. Vấn đề là duy trì tính ổn định của chương trình tiêm chủng mở rộng giữa các địa phương và giữa các năm.

Theo Nghị quyết số 20/NQ-TW-2017, đến năm 2025, mục tiêu tỉ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắc xin, chỉ tiêu này hoàn toàn có thể đạt được ở TNB và các tỉnh trong vùng.

Tóm lại, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi ở TNB cao hơn so với ĐBSH trong suốt những năm 2010-2018, nhưng thấp hơn đáng kể tỷ lệ trung bình toàn quốc. Tỷ lệ trẻ SDD thể gầy còm TNB thấp hơn ĐBSH và thấp hơn nhiều tỷ lệ này toàn quốc. Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin đầy đủ của TNB tương đương toàn quốc, nhưng thấp hơn ĐBSH. Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi của TNB luôn thấp thứ 2 trên cả nước, trên ĐBSH và thấp hơn nhiều mức trung bình toàn quốc.

Với các dữ liệu 2010-2019, TNB vượt 3 mục tiêu PTBV 2020 về tỷ lệ trẻ em <1 T được tiêm chủng đầy đủ,  tỷ lệ chết trẻ em <1 T, <5 T năm 2020, nhưng chưa đạt mục tiêu về phòng chống SDD các thể gày còm và thấp còi.

Tồn tại sự chênh lệch đáng kể giữa các tỉnh trong vùng trong việc thực hiện các mục tiêu chăm sóc trẻ em.

3.2. Nhóm chỉ tiêu về các bệnh dịch

- CT7: Số ca mắc mới HIV hàng năm/105

Chỉ tiêu này tăng đột ngột từ 0,07 (2011) lên 0,16 (2012), sau đó có xu hướng giảm và ổn định ở mức 0,11 từ 2015-2018.

Chỉ tiêu này của vùng TNB có xu hướng tăng đột ngột từ 0,08 (2011) lên 0,15 trong 2012-2014, giảm xuống 0,11 năm 2015 và tăng lại lên 0,15 năm 2018.

TNB giữ vị trí thứ 2 chỉ sau ĐNB về số ca mắc mới HIV, cao hơn mức trung bình toàn quốc và cao hơn nhiều ĐBSH.

Cần Thơ vọt lên mức cao từ 0,07 (2011) lên 0,35 (2012), giảm xuống 0,27 (2014), giữ ổn định quanh 0,17 trong 3 năm 2015-2017 và lại tăng lên 0,23 (2018). Đáng lưu ý, Cần Thơ giữ vị trí dẫn đầu TNB về số ca mắc mới HIV từ năm 2012 đến năm 2018. Vĩnh Long, Sóc Trăng có số ca mắc mới thấp nhất vùng.

Đối với mục tiêu PTBV 2020 giảm 20% số ca mắc mới so với năm 2015, thì TNB vào năm 2018 đã tăng 25% so với năm 2015. Chỉ có tỉnh Sóc Trăng đạt mức giảm 19% năm  2018 so với năm 2015, An Giang có mức giảm tương ứng 13%. Hậu Giang, Vĩnh Long không đổi số ca giữa 2 mốc thời gian. Cà Mau tăng số ca mắc mới 40% trong khoảng 2015-2018, cao nhất vùng, hơn Cần Thơ - 35,3% đứng thứ hai.

- CT8: Số ca mắc mới lao hàng năm/105

Đáng lưu ý là trong thời gian từ 2012-2016 các vùng kém phát triển như Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có tỷ lệ mắc mới lao thấp (khoảng 52-70 ca/105), trong khi những vùng kinh tế phát triển mạnh như Đông Nam Bộ lại có tỷ lệ mắc cao nhất (trên dưới 170 ca/105), sau đó là TNB và ĐBSH (tương ứng lần lượt khoảng trên dưới 145 ca/105 và khoảng trên 100 ca/105). TNB có số người di cư lớn nhất đến Đông Nam Bộ, nên có thể bị ảnh hưởng phần nào sự lây lan căn bệnh này. Số ca mắc mới ở TNB biến động nhỏ dưới 149 ca mỗi năm, nhưng có xu hướng tăng nhẹ trong 3 năm 2014-2016. Ba tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Cần Thơ có số ca mắc mới cao nhất TNB, trong những năm này. Cần Thơ là trung tâm kinh tế vùng, còn 2 tỉnh kia giáp giới Cămpuchia. Không rõ nguyên nhân của vấn đề này.

Nếu mục tiêu SDG 3.3 năm 2020 là 85 ca/105 thì chỉ có vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên đạt được, còn chỉ tiêu này ở cấp toàn quốc hay TNB còn xa mới đạt được.

- CT9: Số ca mắc mới sốt rét hàng năm/105

Chỉ tiêu này chỉ thu thập được số liệu của các năm 2010-2016.

TNB có số ca mắc mới sốt rét trên một trăm ngàn dân giảm dần từ 8,77 xuống 0,33 trong những năm 2010-2016 và thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc, hay so với ĐBSH. Số liệu của năm 2010-2016, so với mục tiêu PTBV năm 2020 và 2025 chỉ tiêu này dưới 0,19 và 0,08 thì TNB còn phải phấn đấu tiếp dù đã đạt nhiều tiến bộ. Riêng 4 tỉnh An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Cần Thơ đã sớm đạt mục tiêu năm 2025 từ năm 2016 và cần duy trì để sớm loại bỏ loại bệnh sốt rét như mục tiêu vào năm 2030. Vĩnh Long cũng đạt mục tiêu năm 2020. Cà Mau có tỷ lệ này cao nhất vùng, dù tiến bộ vượt bậc với tỷ lệ năm 2010 gấp 34,4 lần so với 2016. Sóc Trăng cũng có thành tích tốt khi tỷ lệ năm 2010 gấp 55 lần năm 2016. Cần tiếp tục thúc đẩy quá trình phòng chống bệnh sốt rét tại 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng và Đồng Tháp.

3.3. Nhóm chỉ tiêu về chăm sóc phụ nữ

- CT10: Tỷ lệ ca sinh được nhân viên y tế có kỹ năng đỡ

Những ca sinh được nhân viên y tế có kỹ năng đỡ là một trong các giải pháp quan trọng hạn chế tai biến sản khoa, giảm tử vong cho bà mẹ và trẻ em, tử vong mẹ, tử vong trẻ em. Với mục tiêu PTBV 2020, 2025, 2030, tỷ lệ ca sinh được nhân viên y tế có kỹ năng đỡ là 98%, TNB và tất cả các tỉnh trong vùng đều vượt chỉ tiêu này.

- CT 11: Tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại

Các biện pháp tránh thai hiện đại giúp thực hiện việc ngăn ngừa có thai ngoài ý muốn, tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, duy trì đời sống tình dục an toàn của các gia đình, giảm tình trạng phá thai,... Mục tiêu PTBV về tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại vào các năm 2020, 2025, 2030 là >70%, song với các số liệu thống kê đã có của các năm 2010-2017, TNB chưa đạt chỉ tiêu này. Tuy nhiên, đến năm 2017, 5 tỉnh đã đạt chỉ tiêu này là Long An, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Tiền Giang, Hậu Giang trong nhiều năm. Hai tỉnh Trà Vinh và Bến Tre có tỷ lệ thấp nhất vùng. 

Tóm lại, đối với 2 chỉ tiêu PTBV về chăm sóc phụ nữ, tính đến năm 2018, TNB vượt mức mục tiêu năm 2030 ở chỉ tiêu: Tỷ lệ ca sinh được nhân viên y tế có kỹ năng đỡ và không đạt mục tiêu năm 2020 ở chỉ tiêu về tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.

3.4. Nhóm chỉ tiêu về nhân lực, cơ sở vật chất ngành Y tế

- CT12: Số nhân viên y tế (người)

Chỉ tiêu này phản ánh một khía cạnh quan trọng hàng đầu về năng lực hệ thống y tế quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện những đại dịch như Covid-19.

Mục tiêu PTBV y tế toàn quốc là đạt 9,0 bác sĩ/104 vào năm 2020 và 11,0 vào năm 2030 (Nghị quyết số 20/NQ-TƯ, 2017).

Đến năm 2019, tỷ lệ bác sĩ/104 vùng TNB đạt 9,1, vượt mục tiêu năm 2020 là 9,0, với xu thế gia tăng tỷ lệ khá vững chắc trong nhiều năm liên tiếp, tuy không đều giữa các tỉnh.

- CT13: Số cơ sở y tế trực thuộc sở Y tế tỉnh

Chỉ tiêu này không thực sự có ý nghĩa và rất ít thay đổi qua các năm, cũng như không phản ánh tình trạng cơ sở vật chất ngành Y tế của vùng hay các tỉnh. Chỉ tiêu số giường bệnh trên một vạn dân có ý nghĩa hơn về cơ sở y tế đáp ứng điều kiện vật chất và nhân lực nhất định.

Bên cạnh đó, các chỉ tiêu tổng hợp hơn như là đầu vào của chăm sóc sức khỏe như tỷ lệ chi tiêu y tế trong tổng chỉ tiêu gia đình hay là hệ quả của chăm sóc y tế và chất lượng sống là chỉ tiêu tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh cũng có thể đưa vào hệ chỉ tiêu PTBV y tế.

4. Kết luận

Nhóm chỉ tiêu đạt được mục tiêu: Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao, Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân, Tỷ lệ ca sinh được nhân viên y tế có kỹ năng đỡ.

Nhóm chỉ tiêu chưa đạt được mức chung của cả nước: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, tỷ lệ trẻ SDD thể gày còm và thấp còi, Tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin đầy đủ, số ca mắc lao mới hàng năm, tỷ lệ phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng đang sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, số ca mắc mới sốt rét trên một trăm ngàn dân, số ca mắc mới HIV hàng năm.

Nhóm chỉ tiêu cần cân nhắc điều chỉnh: Không nên đưa chỉ tiêu thể suy dinh dưỡng nhẹ cân vào bộ chỉ tiêu phát triển bền vững về y tế vùng, do không thể đánh giá so với mục tiêu bởi vì Quyết định số 681/QĐ-TTg (2019), Nghị quyết số 20- NQ/TW không có mục tiêu cụ thể cho thể chỉ tiêu này. Ngoài ra, chỉ tiêu “Số cơ sở y tế trực thuộc sở y tế tỉnh” không thực sự có ý nghĩa và rất ít thay đổi qua các năm, cũng như không phản ánh chất lượng cơ sở y tế.

Đây là sản phẩm thuộc Đề tài cấp Nhà nước: “Xây dựng cơ sở dữ liệu phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ” (Mã số KHCN-TNB.ĐT/14-19/X16); thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ (Mã số KHCN-TNB/14-19).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê (2011-2020). Niên giám thống kê các năm 2010-2019.
  2. Niên giám thống kê 13 tỉnh vùng Tây Nam Bộ các năm từ 2011-2019.

The current sustainable development of the healthcare system in the Southwest region of Vietnam

Master. Luong Thuy Duong

Institute of Regional Sustainable Development

Vietnam Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

To assess the current sustainable development of the healthcare system in the Southwest region of Vietnam, this study uses a group of health indicators which are set in the state-level project named “Building a database for sustainable development in the Southwest region of Vietnam" (Code: No. KHCN-TNB.DT/14-19/X16). This group of health indicators is proposed to implement in the Southwest region of Vietnam. The study’s input data is collected from the statistics of the General Statistics Office of Vietnam and 13 Statistics Departments in the Southwest region of Vietnam. Based on the study’s findings, some recommendations are made to effectively implement this proposed group of health indicators in the Southwest region of Vietnam

Keywords: health, sustainable development, Southwest region.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2021]