TÓM TẮT:

Huyện Vạn Ninh được xác định có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh với tư cách là một trong ba trung tâm kinh tế của tỉnh và cũng là huyện có một trong ba vịnh đẹp tầm cỡ quốc tế - vịnh Vân Phong. Bài viết đánh giá thực trạng phát triển du lịch gắn với hoạt động sinh kế cộng đồng, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao năng lực quản lý, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đề xuất một số mô hình du lịch gắn với hoạt động sinh kế của cộng đồng địa phương theo hướng bền vững.

Từ khóa: phát triển du lịch, sinh kế cộng đồng, bền vững, du lịch, huyện Vạn Ninh.

1. Đặt vấn đề

Tỉnh Khánh Hòa đã đẩy mạnh phát triển du lịch làm kinh tế trọng điểm của vùng. Theo đó, chiến lược phát triển du lịch tại huyện Vạn Ninh sẽ góp phần giảm tải sức chứa, hạn chế sự khai thác quá mức đối với những tài nguyên du lịch tại thành phố Nha Trang; đồng thời làm đa dạng sự lựa chọn cho du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, sự phát triển du lịch hiện nay ở huyện Vạn Ninh đang đứng trước nhiều vấn đề. Cụ thể, vùng rạn san hô ven biển huyện Vạn Ninh một phần do khai thác du lịch chưa đúng cách và một phần do khai thác sinh kế tận diệt từ cộng đồng địa phương nên đã bị tàn phá nặng nề; các loài sinh vật biển không còn nơi trú ngụ, hệ sinh thái biển không có điều kiện tái sinh.

Mặc khác, du lịch ở đây chủ yếu mang tính tự phát, cộng đồng chưa có kiến thức và kỹ năng làm du lịch, mức độ tham gia của cộng đồng vẫn chỉ ở mức cung cấp một phần các dịch vụ; chưa tự tổ chức, tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, hấp dẫn khách du lịch. Một điều quan trọng hơn hết là hoạt động phát triển du lịch nơi đây còn mới, nên những tác động của du lịch đến sinh kế của địa phương không rõ ràng. Vì thế, cộng đồng địa phương phần lớn vẫn chưa xem du lịch là ngành kinh tế chính mà nghề nông, nuôi trồng thủy sản và khai thác nguồn lợi từ biển vẫn là những hoạt động sinh kế chính, mặc dù đóng góp chưa cao vào thu nhập chung của hộ gia đình. Trong khi người dân chỉ được hưởng số lợi nhỏ từ du lịch thì nhiều doanh nghiệp đã khai thác, phát triển du lịch và hưởng lợi trên chính tài nguyên của họ. Chính vì thế, việc phân tích, đánh giá thực trạng và tìm ra giải pháp để đưa du lịch đến với cộng đồng, cùng chia sẻ các nguồn lợi kinh tế từ việc phát triển du lịch đó là điều rất cần thiết ở huyện Vạn Ninh.

2. Cơ sở lý luận

Du lịch dựa vào cộng đồng là phương thức phát triển du lịch trong đó cộng đồng dân cư tổ chức cung cấp các dịch vụ để phát triển du lịch, đồng thời tham gia bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và môi trường, đồng thời cộng đồng được hưởng quyền lợi về vật chất và tinh thần từ phát triển du lịch và bảo tồn tự nhiên (Võ Quế, 2006). Du lịch dựa vào cộng đồng được xem là loại hình du lịch bền vững, trong đó những người sử dụng du lịch như một phương thức tạo sinh kế và góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Sinh kế bao gồm khả năng, nguồn lực và các hoạt động cần thiết làm phương tiện sống của con người (Chambers & Conway, 1992). Mặc khác, sinh kế của hộ hay của một cộng đồng là một tập hợp của các nguồn lực và khả năng của con người kết hợp với những quyết định và những hoạt động mà họ sẽ thực hiện để không những kiếm sống, mà còn đạt đến mục tiêu đa dạng hơn (Bùi Đình Toái, 2004).

Phát triển du lịch sẽ góp phần giải quyết vấn đề sinh kế của cộng đồng. Các hoạt động du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Đối với khu vực nông thôn, sự tăng trưởng về du lịch khiến thu nhập của các hộ tăng lên và đóng góp cho phát triển kinh tế nông thôn (Karin Mahony & Jurgens Van Zyl, 2002).

3. Phương pháp nghiên cứu

Thu thập, xử lý thông tin: thu thập những tài liệu có liên quan từ điểm du lịch, Ủy ban nhân dân các xã và trang thông tin điện tử của huyện Vạn Ninh.

Phỏng vấn sâu: đối tượng tham gia là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, chính quyền địa phương, ngư dân đánh bắt và nuôi thủy sản cùng những người trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch tại địa phương. Mục đích để lấy thông tin về các hoạt động sinh kế chính, đặc biệt là các phương thức sinh kế đang sử dụng cho hoạt động kinh tế tại địa phương, nhằm làm rõ thực trạng hoạt động du lịch tại huyện Vạn Ninh với những tác động tích cực và tiêu cực trong hoạt động du lịch gắn với sinh kế địa phương theo hướng bền vững.

Quan sát tham dự: Tham gia vào cuộc sống và hoạt động của cộng đồng địa phương nhằm tìm ra những loại hình sinh kế mới và biết được những mong muốn của cộng đồng trong phát triển du lịch gắn với sinh kế của họ.

4. Thực trạng phát triển du lịch gắn với sinh kế địa phương theo hướng bền vững tại huyện Vạn Ninh

4.1. Tác động của phát triển du lịch ảnh hưởng đến sinh kế cộng đồng địa phương

-  Về khía cạnh tác động tích cực của phát triển du lịch:

Du lịch tạo ra nguồn sinh kế trực tiếp cho cộng đồng bao gồm: hưởng lương từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Cụ thể, các doanh nghiệp đang hoạt động du lịch tại Điệp Sơn, Sơn Đừng, đảo Hòn Ông đều có sử dụng lao động là người dân địa phương tại các vị trí lễ tân, bảo vệ, phục vụ nhà hàng,… Ngoài ra, một số hộ còn cho thuê tàu thuyền, ca nô, dịch vụ giữ xe, ăn uống và lưu trú tại nhà dân.

Bên cạnh đó, còn có thêm những phương thức sinh kế tuy không tham gia trực tiếp vào du lịch nhưng vẫn cải thiện được kinh tế của người dân, như: chế biến thủy hải sản thành đặc sản địa phương cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Hải sản được đánh bắt và nuôi trồng ngoài bán cho thương lái người dân còn bán cho các nhà hàng, quán ăn phục vụ khách du lịch.

Nhiều thôn đảo trước kia không có điện lưới, nước sạch, đi lại rất khó khăn. Từ khi có đề án thành lập Đặc khu hành chính kinh tế Vân Phong, cùng với sự phát triển du lịch, đường xá ngày càng được mở rộng khang trang, sạch đẹp. Các công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống điện lưới cũng được khởi công và đưa vào sử dụng.

- Về khía cạnh tác động tiêu cực của du lịch lên sinh kế của cộng đồng địa phương:

Thực trạng thứ nhất, diện tích đất canh tác bị thu hẹp do nhiều dự án cở sở hạ tầng mọc lên, dẫn đến sự biến đổi sinh kế của cộng đồng.

Tại thôn Tuần Lễ, xã Vạn Thọ và thôn Đầm Môn, Vĩnh Yên thuộc xã Vạn Thạnh, việc quy hoạch đặc khu kinh tế đã làm nguồn lực đất đai, đặc biệt là không gian sản xuất, đất canh tác và nuôi trồng thủy hải sản bị thu hẹp do nhà nước thu hồi để thực hiện các dự án mới.

Từ đây, hình thành 2 nhóm cộng đồng có 2 hướng sinh kế khác nhau. Một nhóm cộng động vẫn duy trì hoạt động sinh kế truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản trên biển. Nhóm sinh kế này chưa thật sự tin tưởng vào hoạt động du lịch, với tư duy nhà nông ngại thay đổi và đã quen với phương thức sinh kế truyền thống. Lực lượng sinh kế truyền thống này khá đông, tự do khai thác vô tội vạ và dựng lồng bè nuôi tôm, cá tràn lan mà không có quy hoạch hợp lý, đã làm ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.

Nhóm cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch, tìm kiếm sinh kế mới lại chưa thật sự thu hút số lượng lớn người dân tham gia mặc dù đây là nghề có nhiều tiềm năng đem lại sinh kế ổn định. Do hoạt động tự lực, tự phát, tham gia theo hình thức nhỏ lẻ nên chưa đạt hiệu quả cao, chủ yếu là phục vụ ăn uống, lưu trú. Cơ sở phục vụ của người dân với quy mô nhỏ, tiện ích chỉ nằm ở mức cơ bản; phục vụ ăn uống tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an toàn vệ sinh; đối tượng khách tiếp cận được chỉ là nhóm khách nhỏ lẻ.  

Thực trạng thứ hai, chính sách phát triển du lịch của Nhà nước và chính quyền địa phương chưa chú trọng đến sự tham gia của cộng đồng địa phương.

Phát triển du lịch ở huyện Vạn Ninh có nhiều mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và một bộ phận dân cư hoạt động du lịch. Chính quyền địa phương tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển du lịch, nhưng hiện tại chưa có chính sách nào quan tâm đến những nhóm cộng đồng đang hoạt động du lịch cũng như chưa có lớp đào tạo chuyên sâu nào về du lịch. Trong khi du lịch đem lại lợi ích, nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp thì nhu cầu và lợi ích của cộng đồng địa phương càng bị hạn chế.

Đã xuất hiện mâu thuẫn bộc lộ qua các hoạt động sinh kế hàng ngày của người dân tại các thôn đảo. Các doanh nghiệp bên ngoài thuê đất và độc quyền khai thác, không gian neo đậu tàu thuyền của ngư dân bị thu hẹp, ngăn cấm người dân tiếp cận buôn bán, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản ở khu vực đó, thậm chí không được quyền vận chuyển khách du lịch qua đảo.

Đối với cơ quan quản lý có thực hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng chưa quyết liệt và chưa xử lý triệt để. Khả năng trao quyền kinh tế cho bên thứ ba rất nhanh, nhưng việc giải quyết quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong phát triển du lịch lại rất chậm.

Thực trạng thứ ba, nhiều người dân tự hoán cải tàu đánh cá thành tàu đưa đón khách mà không lường trước được rủi ro.

Ngoài những tàu thuyền đủ điều kiện cho phép vận chuyển khách, thời gian qua xuất hiện tình trạng người dân sử dụng những phương tiện tàu thuyền tự hoán cải từ tàu đánh bắt thủy sản sang chở người. Các phương tiện này đều chưa được đăng ký, đăng kiểm theo đúng chức năng vận chuyển, nhưng hàng ngày vẫn chở khách du lịch tham quan các đảo. Điều đó có nghĩa rằng, sự biến đổi sinh kế của người dân chưa được sự hướng dẫn, đào tạo bài bản về phương cách, nên nhận thức chưa đúng đắn, dẫn đến nhiều nguy cơ về an toàn giao thông đường thủy.

Thực trạng thứ tư, tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn lực tự nhiên, nguyên nhân bởi tác động của nhiều yếu tố.

Dọc đoạn đường từ ngã ba hướng về thôn Đầm Môn và Sơn Đừng dễ dàng nhìn thấy hàng trăm lồng bè cá, tôm giăng đầy trên mặt biển chỉ cách bãi tắm và khu du lịch Điệp Sơn vài kilomet gây ảnh hưởng đến hoạt động lặn và tắm biển của khách du lịch, bởi nguồn nước ô nhiễm với lượng thức ăn và rác thải sinh hoạt từ những lồng bè thải ra, làm mất mỹ quan, nguy cơ phá vỡ kế hoạch phát triển du lịch bền vững trong tương lai.

Ngoài ra, môi trường sinh thái cũng đang chịu những tác động trực tiếp từ du lịch thông qua các hoạt động neo tàu, bơi lặn giải trí của khách du lịch đã ít nhiều tác động xấu đến vành đai san hô, thảm cỏ ven biển.

4.2. Đánh giá chung về mức độ tham gia của cộng đồng địa phương vào du lịch

Mức độ tham gia của cộng đồng vào du lịch đạt hiệu quả cao chỉ khi người dân địa phương được tiếp cận và hưởng lợi trực tiếp từ du lịch. Thông qua kết quả thực địa và phỏng vấn ở địa bàn với các bên liên quan khác nhau, nghiên cứu này chỉ ra một số vấn đề khiến cho cộng đồng chưa tham gia vào du lịch để phát triển sinh kế của mình.

Thứ nhất, thái độ đối với phát triển du lịch: nhóm cộng đồng tham gia trực tiếp và gián tiếp vào hoạt động du lịch thường là những hộ có điều kiện tiếp xúc nhiều với khách du lịch và là cư dân gần các khu, điểm du lịch, gần biển, đảo, các làng chài, bãi tắm thuộc thôn Điệp Sơn, Sơn Đừng, Đầm Môn, Đại Lãnh,… Bên cạnh đó du lịch cũng ít nhiều cải thiện được nguồn kinh tế của người dân địa phương mặc dù lợi nhuận kinh tế đó chưa cao, nhưng hầu hết người dân thuộc nhóm này có thái độ tích cực mong muốn du lịch phát triển hơn và sẵn sàng đầu tư mọi mặt để hoạt động chuyên nghiệp hơn. 

Nhóm cộng đồng không tham gia vào hoạt động du lịch chưa nhận thấy được những lợi ích về mặt kinh tế mà hoạt động du lịch mang lại bởi nhiều lý do: đa phần là nhóm người ở xa các vùng phát triển du lịch, không có điều kiện tiếp xúc với du lịch, hoặc do suy nghĩ còn bảo thủ, không muốn thay đổi hoạt động sinh kế nên việc nhìn nhận tích cực về nó còn hạn chế. Họ còn cảm thấy lo lắng rằng du lịch sẽ tác động đến nguồn sinh kế hiện tại, hoặc lượng du khách tăng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, giá cả hàng hóa tăng và môi trường bị ô nhiễm ảnh hưởng đến nuôi trồng của họ.

Thứ hai, sự hiểu biết và nhận thức của cộng đồng đối với du lịch địa phương: sự hiểu biết của người dân chỉ đang dừng lại ở mức tổng quát bên ngoài sự việc, cách hiểu mang tính hiện tượng chưa mang tính hiểu biết chuyên sâu, đôi lúc chỉ làm theo phong trào và chưa thật sự hiểu về các hoạt động phát triển du lịch. Sở dĩ nhận thức về du lịch đối với người dân chỉ đơn thuần là một hoạt động sinh kế mới để cải thiện thu nhập cho gia đình, những vấn đề còn lại như gìn giữ tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường, phát triển như nào cho bền vững thì nhận thức còn khá mơ hồ. Nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, bảo thủ trong sinh kế, chậm đổi mới hoặc ý thức kém. 

Thứ ba, năng lực phục vụ du lịch: trong khi ngành Du lịch đòi hỏi người làm du lịch phải có kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, thì cộng đồng địa phương lại không được đào tạo bài bản, không có kiến thức và kỹ năng ứng phó trong mọi tình huống khiến họ thiếu tự tin trong giao tiếp, đó cũng là lý do hình thành rào cản giữa khách du lịch và người dân địa phương. Qua tìm hiểu, nhóm người phục vụ ăn uống ở nhà hàng thuộc cơ sở kinh doanh của Công ty cổ phần Sơn Nam phục vụ chuyên nghiệp hơn, giao tiếp tốt, ứng phó nhanh và kịp thời. Điều đó cho thấy nhóm người tham gia hoạt động du lịch trong các doanh nghiệp có nghiệp vụ chuyên môn cao hơn nhóm người tham gia tự phát. Bởi lẽ nhóm người đó đã được đào tạo trước khi tham gia vào phục vụ khách, cũng như tần suất được tham gia vào hoạt động du lịch nhiều hơn nên kinh nghiệp, khả năng phục vụ sẽ chuyên nghiệp hơn.

Thứ tư, chính sách địa phương chưa rõ ràng và hợp lý: chính quyền địa phương là bệ đỡ giúp cộng đồng có thể tham gia vào hoạt động du lịch bằng những chính sách hợp lý, đúng thời điểm và phù hợp với thực tế nhu cầu của người dân. Phải cho họ nhận thấy được sự quan tâm từ chính quyền, có như vậy cư dân địa phương mới an tâm tham gia vào hoạt động du lịch. 

Thứ năm, lợi ích kinh tế: là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc tham gia của các hộ gia đình vào phát triển du lịch. Theo tìm hiểu tác giả nhận thấy, những hộ gia đình tham gia hoạt động du lịch có doanh thu ổn định, họ thường duy trì hoạt động sinh kế này lâu dài và ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ.

5. Giải pháp phát triển du lịch gắn với sinh kế địa phương theo hướng bền vững

Để đảm bảo sinh kế cho cộng đồng địa phương với mục tiêu ai cũng có thể làm du lịch và hưởng lợi từ du lịch, cũng như góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, tác giả đề xuất các giải pháp sau:

5.1. Những giải pháp của chính quyền địa phương trong quản lý, cải thiện về trình độ chuyên môn, vốn sản xuất

  • Giải pháp của chính quyền địa phương trong quản lý.
  • Giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ, chuyên môn cho cán bộ và cộng đồng tham gia hoạt động du lịch.
  • Các chính sách hỗ trợ nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi về sinh kế cho cộng đồng trong phát triển du lịch.
  • Chính sách hỗ trợ, khuyến khích các dự án của doanh nghiệp du lịch vào địa phương

5.2. Quy hoạch, xây dựng các mô hình du lịch dựa vào cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững

Mục tiêu xây dựng các mô hình: tạo cơ hội cho những cư dân không muốn thay đổi sinh kế truyền thống vẫn có thể tham gia vào hoạt động du lịch. Ngoài ra, tạo nhiều mô hình sinh kế gắn với du lịch cũng góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch và khả năng hàng hóa được xuất khẩu tại chỗ cao, giải quyết được tính mùa vụ trong du lịch cũng như làm tăng thu nhập cho cộng đồng lại thân thiện với môi trường. Từ đó họ cũng sẽ có ý thức cao hơn trong việc bảo vệ môi trường - nguồn lợi sinh kế của chính họ. Những mô hình này sẽ được phân bổ đồng đều để cân bằng sinh kế gắn với du lịch ở mọi khu vực thuộc huyện Vạn Ninh.

Phương pháp thực hiện: Dự án sẽ hợp tác với các bên liên quan về môi trường, về kỹ thuật nuôi trồng, thực hiện thử nghiệm trên một số hộ gia đình có kinh nghiệm trong lĩnh vực tương ứng với từng mô hình trước khi nhân rộng ra nhiều hộ.

Vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan:

          Chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý về du lịch: tiến hành cho người dân tham quan học hỏi những kinh nghiệm xây dựng mô hình. 

Các doanh nghiệp: sau khi mô hình thành công và đưa vào hoạt động các công ty lữ hành có thể hỗ trợ, hợp tác giới thiệu đến du khách, lồng ghép chương trình tham quan các mô hình này trong thiết kế chương trình tham quan tại địa phương. Đối với doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn hỗ trợ cộng đồng bằng cách tiêu thụ sản phẩm của họ. 

Cộng đồng địa phương: tham gia học hỏi kinh nghiệm và thực hiện, giao quyền tự quản cho cộng đồng và ràng buộc trách nhiệm bảo vệ tài nguyên môi trường.

            Một số mô hình dự kiến:

  • Xây dựng lại mô hình làng nghề lưới đăng.
  • Mở rộng mô hình chế tác mỹ nghệ từ trầm hương ở thị trấn Vạn Giã.
  • Mô hình ruộng nuôi sò, các loại rong biển phục vụ tham quan và trải nghiệm.
  • Mô hình nuôi hải sản lồng, bè trên biển phục vụ tham quan, ăn uống cho du khách.

6. Kết luận

Phát triển du lịch tại huyện Vạn Ninh có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng địa phương thông qua sự biến đổi phương thức sinh kế. Sự tác động này vừa có mặt tích cực và vừa có mặt tiêu cực thể hiện qua phân tích đánh giá về môi trường, tài nguyên du lịch, chính sách, chiến lược của địa phương và nhận thức của người dân trong quá trình tham gia phát triển du lịch. Từ đó, tác giả đã đưa ra những giải pháp tổ chức quản lý của chính quyền địa phương cùng với những hỗ trợ về vốn, về điều kiện phát triển, tăng khả năng liên kết với doanh nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cộng đồng là những giải pháp bước đầu góp phần để hoàn thiện những mô hình du lịch cho cộng đồng. Nghiên cứu này chú trọng đến xây dựng các mô hình sinh kế truyền thông kết hợp với phát triển du lịch, vừa đa dạng các dịch vụ du lịch, vừa làm phong phú các phương thức sinh kế cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, phải tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng thôn xã, từng hộ gia đình để đặt các mô hình ở những vùng có tiềm năng và lợi thế hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả thành công của mô hình. Mục tiêu trong tương lai hoạt động du lịch theo các mô hình này sẽ thu hút được lượng lớn khách du lịch quốc tế, giúp huyện Vạn Ninh tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

       

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chambers R., Conway G. (1992). Sustainable rural livelihoods: practical concepts for the 21st century: Institute of Development Studies (UK).
  2. Karin Mahony, Jurgens Van Zyl. (2002). The impacts of tourism investment on rural communities: Three case studies in South Africa. Development Southern Africa, Taylor and Francis Journal, 19(1), 83-103.
  3. Võ Quế (2006). Du lịch cộng đồng - Lý thuyết và vận dụng. Tập 1, Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
  4. Bùi Đình Toái (2004). Sử dụng PAR trong việc tăng cường khả năng giảm thiểu tác hại của ngập lụt của cộng đồng địa phương. Đại học Huế.

 

THE CURRENT DEVELOPMENT OF TOURISM ACTIVITIES

WHICH ARE ASSOCIATED WITH THE COMMUNITY LIVELIHOOD

TOWARDS SUSTAINABLE DEVELOPMENT IN VAN NINH DISTRICT,

KHANH HOA PROVINCE

Master’s student NGUYEN THI PHUONG LINH

Faculty of Tourism and Vietnamese Studies, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

Van Ninh district plays an important role in the development of tourism in Khanh Hoa province. Van Ninh district is one of the three provincial economic centers and Van Phong Bay in Van Ninh district is also one of the most three beautiful bays in Vietnam. This paper assesses the current development of tourism activities which are associated with the community livelihood in Van Ninh district. The paper also proposes some solutions to improve the management capacity and professional competencies, and some tourism models which are associated with the local community livelihood towards sustainable development. 

Keywords: tourism development, community livelihood, sustainability, tourism, Van Ninh district.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2022]