TÓM TẮT:

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) phía Bắc là vùng có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, tuy nhiên, đây cũng là vùng có nhiều điều kiện khó khăn hơn các vùng kinh tế khác. Chính vì vậy, dù đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển công nghiệp, việc tập trung phát triển sản xuất hình thành các khu, cụm công nghiệp trong vùng vẫn còn nhiều hạn chế. Bài viết phân tích thực trạng phát triển các khu, cụm công nghiệp của vùng DTTS&MN phía Bắc, từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp của vùng một cách hiệu quả.

Từ khóa: công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp, phát triển, vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

1. Đặt vấn đề

Vùng DTTS&MN phía Bắc có 14 tỉnh của Vùng Trung du và miền núi phía Bắc bao gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, đa số các xã của các tỉnh đều nằm trong danh sách này, ngoại trừ 3 tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ và Bắc Giang.

Bảng 1: Vùng dân tộc và thiểu số và miền núi phía Bắc

bang 1

Tuy là vùng có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp như có trữ lượng khoáng sản cao bậc nhất cả nước và là vùng có tỷ lệ che phủ rừng cao, có địa hình dốc và trữ lượng nước lớn phù hợp phát triển thủy điện (Bảng 2), nhưng trên thực tế trong thời gian qua, phát triển công nghiệp ở khu vực DTTS&MN còn một số hạn chế như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp, dịch vụ còn chậm; Môi trường đầu tư một số địa phương chưa thuận lợi để hấp dẫn đầu tư trong nước và nước ngoài; Quy mô kinh tế còn nhỏ bé dẫn đến thu nhập bình quân đầu người thấp hơn bình quân cả nước.

Bảng 2. Những lợi thế về điều kiện tự nhiên để phát triển công nghiệp vùng DTTS&MN phía Bắc

bang 2

Bài viết phân tích thực trạng phát triển các khu, cụm công nghiệp của vùng DTTS&MN phía Bắc, từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp của vùng một cách hiệu quả.

2. Thực trạng phát triển các khu cụm công nghiệp (KCN) trong vùng

2.1. Phát triển các KCN

Đến nay, số lượng KCN ở vùng DTTS&MN phía Bắc đã tăng đáng kể, tuy nhiên vẫn còn khá hạn chế so với quy mô diện tích và tiềm năng phát triển công nghiệp của vùng. Tính đến hết năm 2020, vùng có 30 KCN đã được thành lập. Trong số đó, hiện chỉ có 25 KCN đã hoàn thiện đầu tư và đi vào hoạt động, còn 5 KCN đang trong quá trình kêu gọi đầu tư. Tỉ lệ lấp đầy của đa số các khu công nghiệp trong vùng còn thấp. 

Bảng 3. Tình hình phát triển các khu công nghiệp theo vùng

bang 3

Nguồn: Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (http://www.mpi.gov.vn/)

Trong số các KCN đã đi vào hoạt động, một số KCN của các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ đã thu hút được khá nhiều dự án đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Các dự án đầu tư chủ yếu tập trung ở các ngành: Gia công, lắp giáp linh kiện điện tử; cơ khí chế tạo; năng lượng mặt trời, may mặc, chế biến nông sản,… Lũy kế đến hết tháng 10/2020, các KCN tỉnh Thái Nguyên thu hút được 239 dự án đầu tư với tổng số vốn đầu tư là 8,662 tỷ USD và trên 16.000 tỷ đồng (trong đó 121 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI và 118 dự án 100% vốn đầu tư trong nước - DDI).

Đến cuối năm 2020, có 400 dự án đầu tư vào các KCN tỉnh Bắc Giang còn hiệu lực, trong đó có 302 dự án FDI và 98 dự án DDI, với số vốn đầu tư đăng ký là 5,3111  tỷ USD và 9.122,9 tỷ đồng; Vốn đầu tư thực hiện của các dự án FDI ước đạt khoảng 3,5 tỷ USD, bằng 66,4% tổng vốn đầu tư đăng ký; của các dự án DDI ước đạt 6.000 tỷ đồng, bằng 65,8% tổng vốn đầu tư đăng ký; Tính đến hết năm 2020, các KCN tỉnh Lào Cai đã thu hút 162 dự án đăng ký với tổng số vốn đầu tư gần 26.000 tỷ đồng (trong đó có 137 dự án đi vào hoạt động, 2 dự án đang triển khai xây dựng, 3 dự án đang hoàn thiện xây dựng; 20 dự án đang hoàn thiện các thủ tục, chưa triển khai xây dựng, dừng xây dựng do điều chỉnh quy hoạch); Lũy kế đến nay, có 183 dự án thứ cấp còn hiệu lực, trong đó có 86 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 1.006 triệu USD, 97 dự án FDI với tổng vốn đầutư 16.403 tỷ đồng.

KCN thanh binh
Khu công nghiệp Thanh Bình

Tuy nhiên, trong vùng cũng còn nhiều KCN gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, như: KCN Thanh Bình (Chợ Mới, Bắc Kạn) sau 14 năm đi vào hoạt động, hiện chỉ có 7 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó thực tế chỉ có 2 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 260 lao động, tỉ lệ diện tích đất trống bị bỏ hoang lớn; KCN Bình Vàng (Hà Giang) sau 14 năm thành lập hiện chỉ có 19 dự án đăng ký đầu tư, trong đó chỉ có 9 doanh nghiệp đi vào hoạt động (3 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, 2 doanh nghiệp dừng sản xuất), đến nay, cơ sở hạ tầng của KCN có nhiều khu vực bị hư hại nghiêm trọng, nhiều diện tích đất bị bỏ hoang; KCN Đồng Bành (Lạng Sơn) được thành lập từ năm 2014, nhưng đến nay mới thu hút được 4 doanh nghiệp đầu tư, trong đó mới có 1 doanh nghiệp đang hoạt động, 1 doanh nghiệp đang hoàn thiện đầu tư. 

Bảng 4. Các khu công nghiệp trong vùng

bang 4
Nguồn: Thống kê từ các trang thông tin của các tỉnh

2.2. Phát triển các cụm công nghiệp (CCN)

Do khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng như vốn đầu tư, số CCN được quy hoạch và thành lập vùng DTTS&MN phía Bắc hiện nay cũng hạn chế hơn các vùng khác, các CCN tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc Giang (30), Hòa Bình (17), Phú Thọ (16), Thái Nguyên (12), đây là các tỉnh có cơ sở hạ tầng phát triển hơn, đặc biệt là hệ thống giao thông thuận lợi hơn so với các tỉnh khác trong khu vực.

Thực tế, số CCN đã đi vào hoạt động ở khu vực này còn ít hơn số thống kê bởi nhiều CCN được thành lập nhưng hoạt động không hiệu quả hoặc đang không có doanh nghiệp/ dự án thực tế triển khai. Ví  dụ: Thái Nguyên tỉ lệ lấp đầy các CCN chỉ có 50%, toàn tỉnh có 4 CCN đạt tỷ lệ lấp đầy trên 90%: CCN số 2, TP.Thái Nguyên, CCN Kha Sơn, huyện Phú Bình; CCN Nam Tiến 2, TX.Phổ Yên; còn đến 6 CCN tỉ lệ lấp đầy dưới 30%; Bắc Kạn mới thành lập được duy nhất 1 CCN Cẩm Giàng nhưng chưa có nhà đầu tư cơ sở hạ tầng và mới có 3 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, thực tế chỉ có 1 doanh nghiệp đang hoạt động. 

Bảng 5. Các cụm công nghiệp trong vùng

bang 5
Nguồn: Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương (http://arit.gov.vn)

(1) CCN theo Quy hoạch bao gồm các CCN theo quy hoạch của địa phương giai đoạn đến năm 2010, 2015 hoặc 2020.

(2) CCN đã thành lập bao gồm các CCN của các địa phương đã có chủ trương thành lập/ đã và đang kêu gọi đầu tư/ đang xây dựng cơ sở hạ tầng/ hoặc đã có các doanh nghiệp đang hoạt động trong cụm.

2.3. Những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại

2.3.1. Những kết quả đạt được

Trong vùng đã hình thành các điểm cực thu hút đầu tư tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Phú Thọ nhờ các lợi thế về cơ sở hạ tầng, giao thông, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương.

Chính quyền các tỉnh, đặc biệt là ban quản lý các khu kinh tế, KCN địa phương đã có những chính sách, hoạt động khá tích cực nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp.

kcn thai nguyen

2.3.2. Những tồn tại và hạn chế

Các khu, cụm công nghiệp còn được quy hoạch ồ ạt, các ngành nghề định hướng thu hút đầu tư còn chung chung, chưa có sự liên kết với các tỉnh trong vùng trong việc hình thành các chuỗi ngành Công nghiệp để định hướng đầu tư cho các khu, cụm công nghiệp của các tỉnh.

Thực tế, đa số các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp trong vùng là các dự án khai thác, sản xuất công nghiệp dựa trên các nguồn tài nguyên thiên nhiên: khai khoáng, thủy điện, chế biến nông, lâm sản. Trong khi đó, quản lý lỏng lẻo cũng là nguyên nhân làm cho nguồn tài nguyên tổn thất lớn và suy giảm nhanh.

Công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp của vùng chủ yếu ở nhóm công nghệ lạc hậu và trung bình, còn gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường và đời sống của người dân.

Quy hoạch khu, cụm công nghiệp thường thiếu liên kết với quy hoạch và xây dựng các khu đô thị, khu dân cư mới cho người dân, đặc biệt là nhóm người dân tộc thiểu số tại vùng, gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

2.3.3. Một số nguyên nhân

Vấn đề lớn nhất trong phát triển các khu, cụm công nghiệp ở vùng DTTS&MN liên quan đến cơ sở hạ tầng đầu tư, đặc biệt là những hạn chế về hệ thống giao thông vận tải.

Thiếu vốn đầu tư (do xuất phát điểm thấp nên đòi hỏi nhiều vốn đầu tư cho hạ tầng; nguồn vốn xã hội hóa còn ít do tính khả thi đầu tư kém…);

Thiếu nguồn lao động chất lượng và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phục vụ cho sản xuất công nghiệp (dân cư phân tán, trình độ lao động kém).

KCN tang loong lao cai
Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, Lào Cai

3. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp vùng DTTS&MN phía Bắc

3.1. Nhóm giải pháp về quy hoạch, cơ chế, chính sách:

Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch chi tiết các khu, cụm công nghiệp đảm bảo chất lượng và tầm nhìn dài hạn, căn cứ vào lợi thế so sánh của từng địa phương và mối liên kết trong xây dựng chuỗi cung ứng các ngành công nghiệp của vùng; Triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Rà soát, hệ thống hóa các cơ chế, chính sách trong văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tham mưu, ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư.

3.2. Nhóm giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nhà đầu tư:

Gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư công với đầu tư tư nhân trong xây dựng cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; Tập trung chỉ đạo xây dựng các hạ tầng quan trọng phục vụ thu hút đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, đô thị động lực, hạ tầng công nghệ thông tin; Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để triển khai các dự án đầu tư. Tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân tại địa phương nghiêm chỉnh chấp hành quy định về bồi thường, giải phóng mặt bằng; Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực; thúc đẩy phát triển các nhóm dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp trong khu, cum công nghiệp.

3.3. Nhóm giải pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư:

Nhất quán trong cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để tạo niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện dự án; Tiếp tục hỗ trợ tối đa, giải quyết nhanh các thủ tục liên quan, vướng mắc khó khăn khi nhà đầu tư có quyết định đầu tư; Tăng cường hỗ trợ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư để các dự án triển khai thuận lợi, có hiệu quả; Tập trung, duy trì các kênh đối thoại với các nhà đầu tư để giải quyết kịp thời những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương, Số liệu thống kê về cụm công nghiệp các tỉnh vùng Trung du, miền núi phía Bắc. Truy cập tại: http://arit.gov.vn/tin-tuc/so-lieu-thong-ke-ve-cum-cong-nghiep-cua-cac-tinh-vung-trung-du-mien-nui-phia-bac-855ba7a2_3208/
  2. Thủ tướng Chính phủ (2021), Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.
  3. Vụ Quản lý khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo tình hình thành lập và phát triển KCN, KKT năm 2020. Truy cập tại: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=45726&idcm=207