Thực trạng sự gia nhập và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp vận tải và kho bãi Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020

ĐỖ THỊ BÍCH NGỌC (Khoa Quản trị - Tài chính, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) và HOÀNG VIỆT KHÁNH (Viện Khoa học Giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)

TÓM TẮT:

Bài báo này tập trung phân tích về thực trạng sự gia nhập và rút khỏi thị trường của các doanh nghiệp (DN) vận tải và kho bãi Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020. Thị trường vận tải và kho bãi Việt Nam là một thị trường chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù dịch Covid tác động làm doanh thu và lợi nhuận của thị trường vận tải và kho bãi sụt giảm mạnh, thị trường vẫn có sự gia tăng đáng kể về số lượng các DN gia nhập ngành. Số lượng các DN rút lui khỏi ngành cũng gia tăng sau đại dịch Covid, tuy nhiên chủ yếu là sự rút lui tạm thời. Các rào cản gia nhập và rút lui khỏi ngành cũng được phân tích thông qua kết quả phỏng vấn sâu.

Từ khóa: gia nhập, rút khỏi, doanh nghiệp vận tải, kho bãi, dịch Covid-19, thị  trường vận tải.

1. Đặt vấn đề

Đại dịch Covid 19 đã gây ra những tác động đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và đến thị trường vận tải và kho bãi nói riêng. Tại thời điểm đầu năm 2020, do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, đầu tư vào hoạt động vận tải kho bãi giảm mạnh, thậm chí giá trị đăng ký đầu tư mới lĩnh vực này trong quý 3/2020 chỉ đạt 10 triệu USD - xấp xỉ giá trị đăng ký đầu tư mới trong quý 1/2018. Nhưng giá trị đầu tư lĩnh vực vận tải kho bãi tăng mạnh đột ngột tại thời điểm quý 4/2020 với tốc độ tăng đạt 237% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, hoạt động vận tải kho bãi nói chung đang ngày càng được quan tâm, đầu tư phát triển trong thời gian tới. Hiện nay, trên thị trường vận tải và kho bãi, có 41.252 DN Việt Nam đang hoạt động. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian tới, thị trường vận tải và kho bãi Việt Nam còn nhiều dư địa và cơ hội để tăng trưởng, tuy nhiên do áp lực cạnh tranh ngày càng lớn và tác động của dịch Covid-19, các DN cần phải có sự thay đổi để tồn tại trong thị trường này. Theo lý thuyết, các rào cản gia nhập thị trường bao gồm các yếu tố như: vốn đầu tư, hiệu quả kinh tế nhờ quy mô, chiến lược cạnh tranh linh hoạt,…; còn các rào cản rút lui khỏi ngành bao gồm các vấn đề như nghĩa vụ pháp lý, khả năng thu hồi tài sản,… Ngoài ra, các yếu tố trong môi trường kinh doanh như bối cảnh kinh tế cũng tác động mạnh mẽ đến sự gia nhập và rút khỏi thị trường của các DN. Đứng trước thực tiễn và cơ sở lý thuyết trên, vấn đề: “Thực trạng sự gia nhập và rút khỏi thị trường vận tải và kho bãi của DN Việt Nam trong giai đoạn 2015 - 2020” nhận được sự quan tâm đáng kể của các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách Việt Nam.

2. Cơ sở lý thuyết

Một DN gia nhập thị trường là khi DN bắt đầu hoạt động trong một thị trường mới. Việc DN gia nhập thị trường có thể bao gồm 2 hình thức là DN mới tham gia vào thị trường lần đầu và DN quay trở lại hoạt động sau một thời gian dừng hoạt động. DN rút lui khỏi ngành là khi DN rút khỏi một thị trường mà nó đang hoạt động. Việc DN rút lui khỏi ngành có thể bao gồm 2 hình thức là tạm dừng hoạt động hoặc rút lui hoàn toàn khỏi ngành.

Theo Günalp và Cilasun (2006), DN sẽ dựa trên các điều kiện thực tế của thị trường để có quyết định gia nhập thị trường hay không. Rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy các hấp lực gia nhập thị trường hàng đầu bao gồm tốc độ tăng trưởng của thị trường và mức lợi nhuận mong đợi (Acs và Audretsch, 1989; Holzl, 2002). Một vấn đề khác ảnh hưởng đến sự gia nhập thị trường là các hàng rào gia nhập thị trường. Các rào cản gia nhập thị trường có thể bao gồm vốn đầu tư lớn, sự cạnh tranh về giá sản phẩm dịch vụ với các DN đang hoạt động (Cookson, 2017), lợi thế kinh tế nhờ quy mô và chiến lược cạnh tranh linh hoạt (Claussen và cộng sự, 2018).

Theo Guntuka và cộng sự (2019), các nguyên nhân dẫn đến việc các DN rút lui khỏi thị trường bao gồm chi phí cao, tác động của các yếu tố từ môi trường kinh tế và năng lực cạnh tranh của DN (Trần Thị Hồng Minh, 2018). Tuy nhiên, các DN có thể không rút lui khỏi thị trường ngay, mà tạm ngừng hoạt động trong ngắn hạn, do các rào cản rút khỏi thị trường như các vấn đề về nghĩa vụ pháp lý và khả năng thu hồi tài sản.

3. Phương pháp nghiên cứu

Bài báo sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp phân tích xu hướng với số liệu về sự gia nhập và rút khỏi thị trường của các DN vận tải và kho bãi Việt Nam được lấy từ sách trắng DN Việt Nam các năm 2019, 2020 và 2021. Nhóm tác giả thực hiện phỏng vấn sâu bán cấu trúc với 10 giám đốc điều hành DN vận tải và kho bãi tại Hải Phòng, trong đó có 5 DN gia nhập thị trường và 5 DN rút khỏi thị trường về các yếu tố tác động đến sự gia nhập và rút khỏi thị trường của các DN này. Thời lượng trung bình của một cuộc phỏng vấn là 50 phút. Các cuộc phỏng vấn đều được ghi âm, quá trình gỡ băng được tiến hành ngay trong vòng 24h sau khi phỏng vấn. Tác giả sử dụng phần mềm Nvivo 11 để lưu trữ, mã hóa và phân tích dữ liệu.

3. Thực trạng sự gia nhập và rút khỏi thị trường của các DN vận tải và kho bãi Việt Nam

Theo số liệu từ sách trắng DN Việt Nam, sự gia nhập thị trường của các DN vận tải và kho bãi Việt Nam được thể hiện trong Bảng 1.

Bảng 1. Sự gia nhập thị trường của các DN vận tải và kho bãi Việt Nam

giai đoạn 2015 - 2020

su-gia-nhap-thi-truong-cua-cac-dn-van-tai-va-kho-bai-viet-nam-giai-oan-2015---2020 Nguồn: Sách trắng DN Việt Nam năm 2019, 2020, 2021

Số liệu ở Bảng 1 cho thấy, tổng số DN hoạt động trong ngành Vận tải và Kho bãi Việt Nam luôn có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015 - 2020. Tổng số DN hoạt động trong thị trường năm 2020 là 41.252 DN, gấp 1,63 lần so với năm 2015. Năm 2020, thị trường vận tải và kho bãi chứng kiến số lượng DN gia nhập ngành cao nhất với 8.021 DN. Về số DN thành lập mới, năm 2016 thị trường có số DN thành lập mới cao nhất đạt 6.269 DN. Sau đó, số DN thành lập mới đều giảm vào 2 năm liên tiếp là năm 2017, 2018, rồi gia tăng mạnh trở lại vào năm 2019 (với tốc độ tăng đáng kể đạt 32,23%), nhưng lại giảm 3,36% vào năm 2020. Tuy nhiên, các DN quay trở lại ngành luôn giữ xu hướng tăng trong suốt thời gian qua và đạt mức cao nhất vào năm 2020 với 2.455 DN, làm cho số lượng DN gia nhập ngành đạt cao nhất vào năm 2020.

Thực trạng về sự rút khỏi thị trường của các DN vận tải và kho bãi được thể hiện trong Bảng 2.

Bảng 2. Sự rút khỏi thị trường của các DN vận tải và kho bãi Việt Nam

giai đoạn 2015 - 2020

su-rut-khoi-thi-truong-cua-cac-dn-van-tai-va-kho-bai-viet-nam-giai-oan-2015---2020 Nguồn: Sách trắng DN Việt Nam năm 2019, 2020, 2021

          Qua số liệu ở Bảng 2 ta có thể thấy rằng số DN rút khỏi ngành cũng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2015 - 2020 và mức tăng cao nhất đạt 27,35% vào năm 2020. Tuy nhiên, trong số các DN rút khỏi ngành, các DN tạm ngừng hoạt động (rút khỏi ngành trong ngắn hạn) chiếm đa số, còn số các DN giải thể (rút khỏi ngành dài hạn) chiếm phần ít hơn và có xu hướng giảm vào năm 2019, 2020. Điều này cho thấy rằng các DN đang phải đối mặt với các khó khăn trong năm 2019, 2020 nhưng vẫn còn chưa chính thức rút khỏi ngành dài hạn, có thể do các rào cản rút khỏi thị trường.

Theo Holzl (2002), các hấp lực thu hút các DN gia nhập thị trường hàng đầu bao gồm tốc độ tăng trưởng của thị trường và mức lợi nhuận mong đợi. Bảng 3 thể hiện mức doanh thu và lợi nhuận của các DN vận tải và kho bãi trong giai đoạn 2015 - 2020.

Bảng 3. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế của các DN vận tải và kho bãi Việt Nam giai đoạn 2015 - 2020

doanh-thu-va-loi-nhuan-truoc-thue

 Nguồn: Sách trắng DN Việt Nam 2019, 2020, 2021 và tính toán của tác giả

Doanh thu của các DN vận tải và kho bãi giữ xu hướng tăng với tốc độ 2 con số trong suốt giai đoạn 2015 - 2019 và sụt giảm đáng kể vào năm 2020. Về lợi nhuận trước thuế của cả ngành cũng có xu hướng tăng trong các năm 2015 - 2016, sụt giảm nhẹ vào năm 2017, rồi tăng trở lại vào các năm 2018 - 2019 và lại giảm mạnh vào năm 2020. Tất cả các chỉ tiêu về tỷ suất lợi nhuận ROS, ROA và ROE đều sụt giảm rõ rệt vào năm 2020. Tuy vậy, số DN gia nhập ngành vẫn gia tăng vào năm 2020, với 8.021 DN. Cùng với đó, số DN rút khỏi ngành cũng đạt số lượng cao nhất vào năm 2020. Thực trạng trên cho thấy, ngành Vận tải và Kho bãi vẫn có các hấp lực đáng kể thu hút các DN mới gia nhập ngành. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức tác động làm cho các DN phải quyết định rút lui khỏi ngành, phần lớn là rút lui tạm thời.

5. Các yếu tố tác động đến sự gia nhập và rút khỏi thị trường của các DN vận tải và kho bãi

Các yếu tố tác động đến sự gia nhập và rút khỏi thị trường của các DN vận tải và kho bãi được nghiên cứu thông qua phương pháp phỏng vấn sâu bán cấu trúc. Chi tiết các đối tượng tham gia phỏng vấn sâu như Bảng 4.

Bảng 4. Đặc điểm đối tượng tham gia phỏng vấn sâu

ac-iem-oi-tuong-tham-gia-phong-van-sau Nguồn: Điều tra của nhóm tác giả

Đa số giám đốc điều hành DN vận tải và kho bãi tham gia vào cuộc phỏng vấn sâu là nam, với độ tuổi từ 30 - 45 tuổi, có học vấn ở trình độ đại học và có tới 8/10 người có thâm niên làm việc trong ngành lớn hơn 5 năm, hàm ý rằng họ am hiểu về hoạt động của DN trong ngành. Kết quả phỏng vấn sâu về các yếu tố tác động đến sự gia nhập và rút khỏi thị trường của các DN vận tải và kho bãi được thể hiện trong Bảng 5.

Bảng 5. Kết quả phỏng vấn sâu bán cấu trúc

ket-qua-phong-van-sau-ban-cau-truc Nguồn: Điều tra của nhóm tác giả

Ngành Vận tải và Kho bãi là một ngành đòi hỏi vốn đầu tư lớn và có tới 7/10 giám đốc điều hành tham gia phỏng vấn sâu cho rằng đây là rào cản đối với các DN muốn gia nhập ngành, đặc biệt với các DN thành lập mới. Tương tự, có 7/10 người trả lời cho rằng đây là ngành có yếu tố lợi thế kinh tế nhờ qui mô, nghĩa là DN phải đạt được một mức sản lượng lớn nhất định để có thể đạt được mức chi phí bình quân tối thiểu để có thể có mức giá cạnh tranh với các DN trong ngành, điều này là một rào cản khá lớn đối với DN muốn gia nhập ngành. Mặc dù có 5/10 người thừa nhận rằng ngành Vận tải và Kho bãi có sự cạnh tranh về giá, nhưng chỉ có 2/10 người cho rằng các DN muốn gia nhập phải đối mặt với các rào cản từ các DN đang hoạt động trong ngành. Nghĩa là chỉ có 2/10 người cho rằng, các DN trong ngành có sự “cấu kết” nhằm ngăn cản các DN mới gia nhập ngành. Điều đặc biệt là có tới 8 ý kiến cho rằng rào cản chính của việc gia nhập ngành lại là “chiến lược cạnh tranh linh hoạt”, nghĩa là DN cần phải có sự đa dạng hóa về các sản phẩm, dịch vụ để có thể đáp ứng với những thay đổi trong thị trường. Người trả lời số “6” nói: “Quan trọng là DN phải có khả năng chuyển đổi được sản phẩm dịch vụ cung ứng khi cần thiết”

          Về nguyên nhân dẫn đến việc các DN rút khỏi thị trường, đa số các ý kiến trả lời đều đồng tình rằng đại dịch Covid-19 là một nguyên nhân rõ nét ảnh hưởng đến quyết định rút lui khỏi thị trường, đặc biệt đối với quyết định rút lui trong ngắn hạn (DN tạm ngừng hoạt động). Nhiều ý kiến còn cho rằng “chi phí cao là nguyên nhân dẫn đến DN tạm ngừng hoạt động, nhưng chính dịch Covid là nguyên nhân dẫn đến các chi phí sản xuất kinh doanh trong ngành tăng cao” (đối tượng “1” và đối tượng “9”). Có 6/10 ý kiến cho rằng: “Năng lực cạnh tranh” kém cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc DN rút lui khỏi ngành. Cá biệt có ý kiến nhấn mạnh rằng đây là một nguyên nhân dẫn đến việc DN rút lui hẳn khỏi ngành chứ không phải nguyên nhân của việc rút lui trong ngắn hạn (đối tượng “3” và đối tượng “10”).

          Các giám đốc điều hành tham gia vào phỏng vấn đa số đều nhận định rằng rào cản lớn nhất của việc rút lui khỏi ngành là “khả năng thu hồi tài sản”. Đối với thị trường vận tải và kho bãi, việc dừng hoạt động rút lui hoàn toàn khỏi ngành, các DN cần phải thu hồi lại vốn là các tài sản đã đầu tư ra như phương tiện vận tải và bến bãi sẽ “khó thu hồi được giá trị ban đầu mà thường bị mất giá nhiều” (đối tượng “2”). Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là có tới 6/10 người được hỏi cho rằng “chiến lược cạnh tranh linh hoạt” cũng là một yếu tố quan trọng cản trở việc rút lui khỏi thị trường vì DN khó có khả năng chuyển đổi các sản phẩm dịch vụ cung ứng sẽ hạn chế rút lui khỏi ngành trong dài hạn do họ khó tìm ra chiến lược kinh doanh tiếp theo. Do vậy, khi các DN gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, họ sẽ chọn phương cách rút lui trong ngắn hạn, tạm dừng hoạt động để chờ đợi các tín hiệu tích cực từ thị trường. Ngược lại, nếu DN có “chiến lược cạnh tranh linh hoạt”, họ sẽ có thể “ứng phó tích cực với các thách thức từ thị trường, kể cả các khó khăn do đại dịch Covid gây ra” (đối tượng “9”), hoặc sẽ có thể chủ động rút lui hoàn toàn khỏi ngành để chuyển hướng kinh doanh.

6. Kết luận

Nghiên cứu này đã phân tích số liệu thống kê về sự gia nhập và rút khỏi thị trường của các DN hoạt động trong thị trường vận tải và kho bãi trong giai đoạn 2015 - 2020. Các phân tích cho thấy sau năm 2019, doanh thu và lợi nhuận của các DN trong ngành có sự sụt giảm mạnh mẽ, nhưng số DN gia nhập thị trường vẫn giữ đà tăng. Điều đó cho thấy thị trường vân tải và kho bãi vẫn mang lại các hấp lực tiềm năng thu hút sự gia nhập của các DN. Tuy nhiên, số DN rút lui khỏi thị trường cũng gia tăng đáng kể, đặc biệt là các DN rút lui trong ngắn hạn. Các kết quả phân tích từ các cuộc phỏng vấn sâu đề xuất các hàm ý rằng các DN muốn gia nhập ngành nên có sự quan tâm đến yếu tố “chiến lược cạnh tranh linh hoạt”, vì yếu tố này được đề cập đến với vai trò rào cản cho sự gia nhập và rút lui khỏi thị trường. “Chiến lược cạnh tranh linh hoạt” sẽ giúp DN có khả năng chuyển đổi được các sản phẩm và dịch vụ cung ứng để đáp ứng được với các thay đổi từ thị trường, kể cả với các thay đổi khách quan do đại dịch Covid-19 gây ra.

 

Lời cảm ơn:“Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong đề tài mã số: DT21-22.88”.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Acs J.J. and D.B. Audretsch. (1989). Small-firm Entry in US Manufacturing. Journal of Economics, 56(222), 255-265.
  2. Claussen J., C. Essling and C. Peukert. (2018). Demand variation, strategic flexibility and market entry: Evidence from the US airline industry. Strategic Management Journal, 39(11).
  3. Cookson J. A. (2017). Anticipated entry and entry deterrence: Evidence from the American casino industry. Management Science, 64, 2325-2344. https://doi.org/10.1287/mnsc.2017.2730.
  4. Günalp B. and S.M. Cilasun. (2006). Determinants of Entry in Turkish Manufacturing Industries. Small Business Economics, 27(2).
  5. Guntuka L., T. M. Corsi, C. M. Grimm and E. C. David. (2019). US Motor-Carrier Exit: Prevalence and Determinants. Transportation Journal, 58(2).
  6. Holzl W. (2002). Exit, Entry and Industry Turbulence in Austrian Manufacturing 1981-1994. Vienna University of Economics and Business Administration Working paper series,
  7. Trần Thị Hồng Minh (2018). Phân tích các nguyên nhân các doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong 10 tháng đầu năm 2018 và một số giải pháp. Cổng thông tin đăng kí quốc gia về doanh nghiệp.
  8. Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, 2020, 2021.

 

THE CURRENT MARKET ENTRY AND EXIT OF TRANSPORT

AND WAREHOUSING COMPANIES IN VIETNAM FROM 2015 TO 2020

DO THI BICH NGOC1

HOANG VIET KHANH2

1 Faculty of Management and Finance, Vietnam Maritime University

2 National Institute for Vocational Education and Training,

Directorate of Vocational Education and Training

ABSTRACT:

This paper focuses on analyzing the current situation of the market entry and exit of transport and warehousing companies in Vietnam from 2015 to 2020. Vietnam's transport and warehousing market has been affected severely by the COVID-19 pandemic. The paper’s results show that although the pandemic has caused a sharp decline in revenue and profit of transport and warehousing companies, the market still has experienced  a significant increase in the number of new businesses. The number of businesses exiting from the transport and warehousing market also increases after the COVID-19 pandemic, but many of them temporarily exit. This paper also analyzes market barriers to entry and exit from the transport and warehousing market via in-depth interviews.

Keywords: market entry, market exit, transport companies, warehousing, COVID-19 pandemic, transportation market.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 6 năm 2022]