TÓM TẮT:

Bài viết phân tích thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020. Từ số liệu được tác giả tổng hợp từ các báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài và Tổng cục Thống kê, cho thấy dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực trong giai đoạn 2010 - 2020, đặc biệt là sự gia tăng liên tục của tổng số vốn đầu tư và số dự án đăng ký mới vào Việt Nam từ năm 2015 trở lại đây. Đồng thời, tác giả cũng đề xuất một số hàm ý chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh, thu hút được các dự án FDI lớn, và dòng vốn FDI thế hệ mới hướng tới lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

Từ khóa: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư nước ngoài, FDI.

1. Đặt vấn đề

Sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã không ngừng tăng. Năm 2010, vốn đầu tư thực hiện đạt 11 tỷ USD, tới năm 2015 đã đạt 14,5 tỷ USD, và tới năm 2016 đã đạt 15,8 tỷ USD. Tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã thu hút được trên 25.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng mức đầu tư đăng ký hơn 333 tỷ USD. Đến nay, 129 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam. Các dự án FDI đã hiện diện tại 63/63 địa phương, vốn FDI cũng đã được đầu tư vào 19/21 ngành nghề sản xuất kinh doanh của Việt Nam (Bộ Tài chính, 2018). Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019 vốn FDI vào Việt Nam đạt 38,95 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2018. Trong đó, số dự án đăng ký góp vốn mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 3883 dự án với giá trị 16,75 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã là một động lực chính cho sự phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Giai đoạn gần đây dòng vốn FDI và lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam luôn tăng mạnh theo từng năm. Chính sách mở cửa cho FDI và thương mại của Việt Nam cho tới nay rõ ràng đã giúp đẩy mạnh việc Việt Nam hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực và đa dạng hóa xuất khẩu. Đồng thời, chính sách này đã tạo ra số lượng lớn việc làm cho một lực lượng dân số trẻ và đang gia tăng, từ đó cải thiện được nguồn thu của Nhà nước và cán cân thanh toán quốc gia. Ngoài những lợi ích trực tiếp, thực tế cũng cho thấy vốn FDI đã bắt đầu tạo ra những lợi ích gián tiếp đáng kể nhờ tạo hiệu ứng lan toả sang những lĩnh vực khác của nền kinh tế, như giới thiệu các công nghệ, bí quyết kinh doanh mới, các chuẩn mực quốc về sản xuất và dịch vụ, phát triển kỹ năng cho lực lượng lao động, cũng như tạo việc làm trong các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới, 2018).

2. Khái quát về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một hoạt động nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức và các quốc gia trên thế giới, hiện nay có nhiều khái niệm về hoạt động này:

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF, 1993): “Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là hoạt động đầu tư được thực hiện nhằm thiết lập các mối quan hệ kinh tế lâu dài với một doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ của một nền kinh tế khác nền kinh tế nước chủ đầu tư, mục đích của chủ đầu tư là giành quyền quản lý thực sự doanh nghiệp.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB): FDI là dòng đầu tư ròng (thuần) vào một quốc gia để nhà đầu tư có được quyền quản lý lâu dài (nếu nắm được ít nhất 10% cổ phần thường) trong một doanh nghiệp hoạt động trong một nền kinh tế khác (đối với chủ đầu tư).

Theo Luật Đầu tư Việt Nam: Đầu tư trực tiếp nước ngoài là hình thức đầu tư do nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào vào quốc gia khác để có được quyền sở hữu và quản lý hoặc quyền kiểm soát một thực thể kinh tế tại quốc gia này, với mục tiêu tối đa hóa lợi ích của mình.

3. Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020

Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, nguồn nhân lực dồi dào với chi phí thấp, Việt Nam là một trong những quốc gia hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ các lợi thế đó,  dòng vốn FDI vào Việt Nam những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Giai đoạn từ năm 2010 - 2014 vốn FDI đăng ký có sự dao động liên tục và tăng nhẹ từ 19,89 tỷ USD năm 2010 lên 21,92 tỷ USD vào năm 2014. Từ sau năm 2015 tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam có sự gia tăng mạnh mẽ và liên tục, với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam năm 2015 là 22,7 tỷ USD, thì đến năm 2019 con số này tăng lên 38,95 tỷ USD.

Năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam có sự sụt giảm, chỉ đạt 28,53 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019 (Hình 1).

Không chỉ gia tăng về số vốn đăng ký, mà vốn FDI thực hiện cũng tăng cao hơn trong giai đoạn 2015- 2019, từ 14,5 tỷ USD lên 20,38 tỷ USD; số dự án đầu tư đăng ký mới tăng từ 1.843 dự án năm 2015 lên 3.883 dự án năm 2019.

Đến năm 2020, do chịu ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên các dự án FDI vào Việt Nam có sự sụt giảm cả về vốn đăng ký, và các dự án đăng ký mới, nhưng vốn thực hiện chỉ sụt giảm nhẹ, đạt 98% so với năm 2019 (Bảng 1).

Về lĩnh vực đầu tư:

Trong giai đoạn 2010 - 2020 vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo luôn là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm luôn dao động trong khoảng 13 - 24 tỷ USD, chiếm tỷ lệ phần trăm cao trong tổng số vốn đầu tư đăng ký (40 - 70%). Ngoài ra, các lĩnh vực như kinh doanh bất động sản, bán buôn, bán lẻ hay sản xuất phân phối điện cũng khá nổi bật trong các ngành nhận được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tính đến hết năm 2019, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, chiếm tỉ trọng cao nhất với tổng vốn đăng ký là 214,6 tỷ USD, ứng với 59% tổng số vốn đăng ký. Số dự án đầu tư của lĩnh vực này cao nhất với 14.463 dự án, ứng 46,7% tổng số dự án. Lĩnh vực bất động sản đứng thứ 2 với tổng số vốn đăng ký là 58,4 tỷ USD (chiếm 16% tổng số vốn đăng ký). Đáng chú ý, đã có sự gia tăng tỷ trọng vốn đầu tư vào các hoạt động kinh doanh bất động sản với sự có mặt của các tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng như: CapitaLand, Sunwal Group, Mapletree, Kusto Home,… Bên cạnh đó, lĩnh vực sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm 6,5% tổng số vốn đăng ký.

Năm 2020, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất của nhà đầu tư nước ngoài với 800 dự án cấp mới, 680 dự án điều chỉnh vốn đầu tư và 1268 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng số vốn là 13,601 tỷ USD, chiếm 47,67% tổng vốn đầu tư. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí đốt và hơi nước đứng thứ 2 đạt 5,1426 tỷ USD chiếm 18,03% tổng vốn đầu tư. Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 4,18495 tỷ USD chiếm 14,67% tổng vốn đầu tư. Nhìn chung, các ngành công nghệ chế biến, kinh doanh bất động sản, sản xuất và phân phối điện, dịch vụ lưu trú ăn uống,… là những ngành thu hút vốn đầu tư FDI vào nhiều nhất.

Về đối tác đầu tư:

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê,  tính đến hết năm 2020 Việt Nam đã thu hút được tổng số vốn đăng ký trên 377 tỷ USD với tổng số 33.148 dự án từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Có 10 quốc gia cam kết với số vốn trên 10 tỷ USD. Trong đó đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký 69,3 tỷ USD và 9.149 dự án đầu tư (chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư); Nhật Bản đứng thứ hai với 60,1 tỷ USD và 4.674 dự án đầu tư (chiếm gần 15,9% tổng vốn đầu tư), tiếp theo lần lượt là Singapore và Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc chiếm 14,8%, 8,9%, 6,6% và 4,7% (Hình 2).

Trong giai đoạn 2016 - 2020, số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng lên, tính đến cuối năm 2020 thì con số này lên tới 139 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó thì Hàn Quốc là quốc gia có nhiều vốn đầu tư tại Việt Nam nhất với tổng vốn đầu tư chiếm từ 17 - 19% tổng số vốn FDI. Đứng thứ hai là Nhật Bản với vốn đầu tư luôn dao động trong khoảng 14 - 17% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Ngoài 2 nước có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn kể trên thì trong giai đoạn 2016 - 2020, Việt Nam cũng nhận được rất nhiều các khoản đầu tư FDI từ các nước và vùng lãnh thổ khác như: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông,…

4. Kết luận

Có thể thấy, giai đoạn 2010 - 2020 Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thu hút vốn FDI vào phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù có được kết quả đầu tư FDI ấn tượng, nhưng Việt Nam vẫn chưa phải là quốc gia hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài nhất khu vực ASEAN. Thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chọn Thái Lan, Malaysia, Indonesia... để đầu tư vì có môi trường đầu tư cạnh tranh nhất ASEAN và có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp FDI. Vì vậy, Việt Nam cần thay đổi chiến lược về chính sách để duy trì khả năng cạnh tranh trong ASEAN, bảo đảm sự bền vững của luồng vốn FDI tiếp nhận được và đẩy mạnh thu hút vốn FDI có giá trị gia tăng cao hơn. Điều này nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện được điều đó, Chính phủ cần chú trọng tới các chính sách sau:

Thứ nhất, cần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư nước ngoài đảm bảo môi trường và điều kiện thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, nhưng vẫn phải phù hợp với pháp luật Việt Nam.

Thứ hai, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, gọn nhẹ cho các dự án đầu tư nước ngoài. Phải thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư để vừa khuyến khích các nhà đầu tư vừa đảm bảo phù hợp với các quy định chung của Nhà nước. Các thủ tục hành chính cần công khai hoá, minh bạch hoá và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo thông tin đến với các nhà đầu tư nước ngoài một cách thuận lợi nhất.

Thứ ba, cần chú trọng và tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ nhu cầu các doanh nghiệp FDI. Việt Nam cần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao, cung cấp nhân lực cho các dự án FDI.

Thứ năm, đẩy mạnh thu hút FDI thế hệ mới, hướng tới lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Việt Nam cần chủ động lựa chọn các dự án, nhà đầu tư nước ngoài và công nghệ phù hợp, đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, dành các ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các loại dự án này. Bên cạnh đó, hạn chế cấp phép cho các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

Cuối cùng, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng tập trung vào một số ngành, sản phẩm trọng điểm, để phát huy tối đa tác động lan tỏa của các dự án FDI, giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính, (2018), Chính sách thuế và ưu đãi đầu tư trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Kỷ yếu hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (2018), Chiến lược và định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn 2018 - 2030.
  3. Quốc hội (2005), Luật Đầu tư, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  4. Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - Trung tâm Thông tin tư liệu (2017), Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Một số vấn đề về thực trạng và giải pháp.
  5. Ngô Trần Xuất (2018), Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại vùng kinh tế trọng điểm miền trung trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, Luận án tiến sĩ kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - Học viện Khoa học xã hội.
  6. Vũ Duy Vĩnh, Vũ Hoàng Yến (2017), Việt Nam - 30 năm thu hút và sử dụng FDI, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán số 05 (166)-2017.
  7. IMF (1993). Balance of payments manual (Fifth ed.). IMF.

 The current situation of attracting foreign direct investment

into Vietanm in the period from 2010 to 2020

Ph.D Vu Thi Yen

Thuongmai University

ABSTRACT:

This paper analyzes the current situation of attracting foreign direct investment (FDI) into Vietnam in the period from 2010 to 2020. By analyzing data collected from reports of the Department of Foreign Investment and the General Statistics Office, the paper finds out that the FDI inflow into Vietnam experienced positive changes in the period from 2010 to 2020. Especially, the FDI inflow had seen continuous increases in the total investment capital and the number of newly registered projects in Vietnam since 2015. Based on the paper’s findings, some policy implications are proposed to help Vietnam maintain its national competitiveness to attract more large foreign-invested projects and the new generation FDI inflows into the country’s high-tech industry sector.

Keywords: foreign direct investment, foreign investment, FDI.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5, tháng 3 năm 2021]