Tóm tắt :

Bài viết tập trung phân tích thực trạng, tiềm năng, và định hướng phát triển ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh) trong giai đoạn 2010-2020. Thực trạng phát triển ngành Du lịch thành phố được tóm tắt bằng cách so sánh chuỗi dữ liệu theo thời gian về tổng số lượt khách du lịch nội địa và quốc tế, tổng số cơ sở và buồng lưu trú, tổng doanh thu từ khách du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và cả nước.

Tiềm năng phát triển ngành Du lịch Thành phố được phân tích một cách tổng thể bao gồm vị trí địa lý, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực du lịch. Cuối cùng, định hướng phát triển ngành Du lịch Thành phố được khái quát một cách hệ thống từ Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia, qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng, đến Chiến lược phát triển du lịch Thành phố.

Từ khóa: Du lịch, thực trạng, tiềm năng, chiến lược, quy hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2010-2020.

1. Thực trạng phát triển ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh

1.1. Tổng số lượt khách du lịch nội địa

Tổng số lượt khách du lịch nội địa của Việt Nam tăng liên tục trong giai đoạn 2010-2017; tăng từ 28,000,000 lượt vào năm 2010 lên 73,200,000 lượt vào năm 2017; tính trong cả giai đoạn 2010-2017, tổng số lượt khách du lịch nội địa của Việt Nam đã tăng hơn 2.6 lần. Ngược lại, tổng lượt du lịch nội địa đến thành phố Hồ Chí Minh tăng giảm không liên tục trong giai đoạn 2010-2017; đầu tiên, tăng gấp 2 lần từ 3,592,000 lượt vào năm 2010 lên 7,237,000 lượt vào năm 2011; tiếp theo, giảm liên tục trong 2 năm xuống 5,748,000 lượt vào năm 2013; cuối cùng, tăng liên tục trong 4 năm lên 12,577,000 lượt vào năm 2017. Tính trong cả giai đoạn 2010-2017, tổng số lượt khách du lịch nội địa đến thành phố Hồ Chí Minh đã tăng 3.5 lần.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội địa của Việt Nam tăng không đều trong giai đoạn 2010-2017; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2015 với tốc độ 48.05%, tăng trưởng yếu nhất vào năm 2011 với tốc độ 7.14%; nhìn chung, tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội địa của Việt Nam tuy có sự thay đổi qua các năm nhưng luôn tăng trưởng dương. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội địa đến thành phố Hồ Chí Minh không những tăng giảm không liên tục, mà còn có năm bị âm; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2011 với tốc độ 101.48%, nhưng tăng trưởng âm vào năm 2013 với tốc độ -13.17% (Biểu đồ 1).

bieu do 1

bieu do 1a

1.2. Tổng số lượt khách du lịch quốc tế

Tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng liên tục trong giai đoạn 2010-2017; tăng từ 5,049,855 lượt vào năm 2010 lên 12,922,151 lượt vào năm 2017; tính trong cả giai đoạn 2010-2017, tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng gần 2.6 lần, tương đương với mức tăng của tổng lượt khách du lịch nội địa của Việt Nam.

Ngược lại, tổng lượt du lịch quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh tăng giảm không liên tục trong giai đoạn 2010-2017; đầu tiên, tăng từ 2,406,000 lượt vào năm 2010 lên 2,621,000 lượt vào năm 2011; tiếp theo, giảm xuống 2,271,000 lượt vào năm 2012; sau đó, tăng lên 2,683,000 lượt vào năm 2013; kế tiếp, giảm xuống 2,652,000 lượt vào năm 2014; cuối cùng, tăng liên tục trong 3 năm lên 3,451,000 lượt vào năm 2017; tính trong cả giai đoạn 2010-2017, tổng số lượt khách du lịch quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng hơn 1.4 lần, thấp hơn nhiều mức tăng 3.5 lần của tổng lượt khách du lịch nội địa đến thành phố Hồ Chí Minh.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng không đều trong giai đoạn 2010-2017; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2017 với tốc độ 29.06%, tăng trưởng yếu nhất vào năm 2015 với tốc độ 0.88%; điều này rất đáng lưu ý vì đây lại là năm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nội địa mạnh nhất với tốc độ 48.05%; nói cách khác, chính khách du lịch nội địa đã góp phần giảm bớt khó khăn cho ngành Du lịch Việt Nam trong năm 2015.

Nnhìn chung, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tuy có sự thay đổi qua các năm nhưng luôn dương. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đến thành phố Hồ Chí Minh không những tăng giảm không liên tục mà còn có năm bị âm; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2013 với tốc độ 18.14%, nhưng tăng trưởng âm vào năm 2012 với tốc độ -13.35% (Biểu đồ 2).

bieu do 2

bieu do 2a

1.3. Số lượng cơ sở lưu trú

Số lượng cơ sở lưu trú tại Việt Nam tăng liên tục trong giai đoạn 2010-2017; tăng từ 12,352 cơ sở lưu trú vào năm 2010 lên 25,600 cơ sở lưu trú vào năm 2017; tính trong cả giai đoạn 2010-2017, số lượng cơ sở lưu trú tại Việt Nam đã tăng hơn 2 lần. Ngược lại, số lượng cơ sở lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh tăng giảm không liên tục trong giai đoạn 2010-2017; đầu tiên, tăng từ 2,682 cơ sở lưu trú vào năm 2010 lên 2,967 cơ sở lưu trú vào năm 2012; tiếp theo, giảm liên tục trong 2 năm xuống 2,694 cơ sở lưu trú vào năm 2014; cuối cùng, tăng liên tục trong 3 năm lên 4,489 cơ sở lưu trú vào năm 2017; tính trong cả giai đoạn 2010-2017, số lượng cơ sở lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng gần 1.7 lần. Tốc độ tăng trưởng cơ sở lưu trú tại Việt Nam tăng không đều trong giai đoạn 2010-2017; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2017 với tốc độ 21.90%, tăng trưởng yếu nhất vào năm 2013 với tốc độ 1.75%; nhìn chung, tốc độ tăng trưởng cơ sở lưu trú tại Việt Nam tuy có sự thay đổi qua các năm nhưng luôn dương. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng cơ sở lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh không những tăng giảm không liên tục mà còn có năm bị âm; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2015 với tốc độ 33.33%, nhưng tăng trưởng âm vào năm 2013 với tốc độ -4.72%. [1, 4]

1.4. Số lượng buồng

Số lượng buồng tại Việt Nam tăng liên tục trong giai đoạn 2010-2017; tăng từ 237,111 buồng vào năm 2010 lên 508,000 buồng vào năm 2017; tính trong cả giai đoạn 2010-2017, số lượng cơ sở lưu trú tại Việt Nam đã tăng hơn 2.1 lần.

Ngược lại, số lượng buồng tại thành phố Hồ Chí Minh tăng giảm không liên tục trong giai đoạn 2010-2017; đầu tiên, tăng từ 43,014 buồng vào năm 2010 lên 54,107 buồng vào năm 2011; tiếp theo, giảm xuống 52,922 buồng vào năm 2012; sau đó, tăng lên 55,611 buồng vào năm 2013; kế tiếp, giảm xuống 53,364 buồng vào năm 2014; kế đến, tăng liên tục trong 2 năm lên 85,194 buồng vào năm 2016; cuối cùng, giảm xuống 83,032 buồng vào năm 2017; tính trong cả giai đoạn 2010-2017, số lượng buồng tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng hơn 1.9 lần.

Tốc độ tăng trưởng buồng tại Việt Nam tăng không đều trong giai đoạn 2010-2017; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2017 với tốc độ 20.95%, tăng trưởng yếu nhất vào năm 2013 với tốc độ 1.75%; nhìn chung, tốc độ tăng trưởng buồng tại Việt Nam tuy có sự thay đổi qua các năm nhưng luôn dương. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng buồng tại thành phố Hồ Chí Minh không những tăng giảm không liên tục mà còn có năm bị âm; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2015 với tốc độ 32.98%, nhưng tăng trưởng âm vào năm 2014 với tốc độ -4.04%. [1, 4]

1.5. Tổng doanh thu từ khách du lịch

Tổng doanh thu từ khách du lịch đến Việt Nam tăng liên tục trong giai đoạn 2010-2017; tăng từ 96,000 nghìn tỉ đồng vào năm 2010 lên 510,900 nghìn tỉ đồng vào năm 2017; tính trong cả giai đoạn 2010-2017, tổng doanh thu từ khách du lịch đến Việt Nam đã tăng hơn 5.3 lần. Tương tự, tổng doanh thu từ khách du lịch đến thành phố Hồ Chí Minh cũng tăng liên tục trong giai đoạn 2010-2017; tăng từ 9,514 nghìn tỉ đồng vào năm 2010 lên 20,162 nghìn tỉ đồng vào năm 2017; tính trong cả giai đoạn 2010-2017, tổng doanh thu từ khách du lịch đến thành phố Hồ Chí Minh đã tăng hơn 2.1 lần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu từ khách du lịch đến Việt Nam tăng không đều trong giai đoạn 2010-2017; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2015 với tốc độ 46.88%, tăng trưởng yếu nhất vào năm 2014 với tốc độ 15%; nhìn chung, tốc độ tăng trưởng doanh thừ từ khách du lịch đến Việt Nam khá ấn tượng vì luôn đạt mức tăng trưởng hai con số. Ngược lại, tốc độ tăng trưởng cơ sở lưu trú tại thành phố Hồ Chí Minh không những tăng giảm không liên tục mà còn có năm bị âm; trong đó, tăng trưởng mạnh nhất vào năm 2017 với tốc độ 22.68%, thậm chí tăng trưởng âm vào năm 2015 với tốc độ -13.43%. [1, 4]

2. Tiềm năng phát triển ngành Du lịch thành phố Hồ Chí Minh

2.1. Vị trí địa lý

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu mối giao thông của cả nước bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Từ thành phố đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc qua quốc lộ 1A, đường sắt Thống Nhất, sân bay Tân Sơn Nhất. Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí thuận lợi trong việc giao lưu với các địa phương trong vùng, cả nước và quốc tế với khoảng cách 1,600 km (90 phút bay), từ thành phố rất dễ dàng nối tuyến với thủ đô của các quốc gia ASEAN.

2.2. Tài nguyên du lịch

Với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn phong phú và đa dạng, thành phố Hồ Chí Minh có thể khai thác được nhiều loại hình du lịch như du lịch MICE, du lịch văn hóa lễ hội, du lịch tìm hiểu lịch sử truyền thống, du lịch sinh thái,…

2.2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên

- Địa hình: Thành phố Hồ Chí Minh nằm cách thủ đô Hà Nội 1,783 km về phía Nam, có chung địa giới hành chính với các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và biển Đông. Địa hình thành phố Hồ Chí Minh phần lớn bằng phẳng, có ít đồi núi ở phía Bắc và Đông Bắc, với độ cao giảm dần theo hướng Đông Nam.

- Khí hậu: Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo. Khí hậu hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình 1,979 mm/năm, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 27.550C. Hoạt động du lịch thuận lợi suốt 12 tháng.

- Thủy văn: Thành phố Hồ Chí Minh có hàng trăm sông ngòi, kênh rạch nhưng sông lớn không nhiều. Sông Sài Gòn là song lớn nhất, có 106 km chảy qua địa bàn thành phố, là nơi có thể tiếp nhận các tàu biển có trọng tải trên 74,000 tấn và các tàu du lịch lớn. Hệ thống sông từ thành phố lên miền Đông và xuống các tỉnh miền Tây, sang Cambodia đều thuận lợi. Thành phố Hồ Chí Minh có đường bờ biển với chiều dài 15 km có khả năng tổ chức loại hình du lịch sinh thái và du lịch thể thao biển.

- Động, thực vật: Chủng loại và số lượng động, thực vật tại thành phố rất hạn chế. Vùng cửa sông Cần Giờ có trên 137 loài cá thuộc 39 họ và 13 bộ, cùng hàng trăm loài thủy sinh không xương sống, đặc biệt là các loài tôm và các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Vàm Sát là khu du lịch sinh thái với sân chim tự nhiên rộng 100 hecta và nhiều loài chim nước quý hiếm. Ngoài ra, thành phố còn có khu Đầm Dơi, nơi tập trung hơn 100 con dơi qụa và khu bảo tồn động vật hoang dã.

2.2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn

- Di tích lịch sử - văn hóa: Địa đạo Củ Chi - Đền Bến Dược, Hội trường Thống Nhất, Tòa nhà Ủy ban Nhân dân Thành phố, Bưu điện thành phố, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Di tích khảo cổ: Lò gốm Hưng Lợi, Di tích mộ Chum Giồng cá vồ, Giồng Phệt ở Cần Giờ.

- Hệ thống bảo tàng: Với hệ thống 13 bảo tàng công lập, thành phố Hồ Chí Minh là nơi có số bảo tàng nhiều nhất so với cả nước. Ngoài các bảo tàng này, thành phố còn có nhiều bảo tàng khác do tư nhân lập ra, thu hút sự quan tâm của cả khách du lịch quốc tế và nội địa.

- Các ngôi chùa cổ: Chùa Giác Lâm, Chùa Giác Viên, Chùa Vĩnh Nghiêm, Chùa Nam Thiên Nhất Trụ, Chùa Xá Lợi, Chùa Bà Thiên Hậu, Chùa Ngọc Hoàng, Chùa Linh Sơn,…

- Các nhà thờ cổ: Nhà thờ Đức Bà, Nhà thờ Huyện Sỹ, Nhà thờ Chợ Quán, Nhà thờ Cha Tam,…

- Các khu du lịch, vui chơi giải trí: Đầm Sen, Suối Tiên, Bình Quới, Văn Thánh,...

- Lễ hội tín ngưỡng: Lễ hội Nghinh Ông Cân Giờ, Lễ hội Kỳ Yên đình Phú Nhuận, Lễ Kỳ yên đình Bình Đông, Lễ hội miếu Ông Địa, Lễ Vu Lan,…

- Lễ hội dân tộc ít người: Lễ hội truyền thống của người Hoa, Lễ hội truyền thống của người Chăm, Lễ hội truyền thống của người Khmer.

Lễ hội liên quan đến nghề nghiệp: Lễ giỗ Tổ nghề Kim hoàn, Lễ giỗ Tổ cải lương, hát bội, Lễ giỗ Tổ thợ may,…

2.3. Cơ sở hạ tầng

2.3.1. Giao thông vận tải

- Đường bộ: Không chỉ là trung tâm kinh tế - thương mại của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh còn là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, nối đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh miền Trung, miền Bắc bằng quốc lộ 1A, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; quốc lộ 52 đi tỉnh Đồng Nai; quốc lộ 51 đi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; quốc lộ 13 nối đi tỉnh Bình Dương; quốc lộ 22 đi tỉnh Tây Ninh và Cambodia; quốc lộ 14 đi các tỉnh Tây Nguyên.

- Đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc Nam ngày càng được hoàn thiện phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Vì là đầu mối giao thông của cả nước cho nên lưu lượng hàng hóa và hành khách ngày càng lớn. Hiện nay, ngành Đường sắt đã có đầy đủ các trạm, ga ở các tỉnh trong lộ trình từ thành phố Hồ Chí Minh đến biên giới Trung Quốc.

- Đường thủy: Du khách có thể tham quan thành phố bằng thuyền đi dọc theo sông Sài Gòn. Tại bến Bạch Đằng có tuyến đường sông từ thành phố Hồ Chí Minh đi Vũng Tàu, Cần Giờ bằng tàu cao tốc. Ngoài ra, tuyến xe bus đường sông cũng đã được triển khai dọc theo sông Sài Gòn để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch.

- Đường hàng không: Khách du lịch quốc tế đến với thành phố Hồ Chí Minh chủ yếu là bằng đường hàng không. Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là nơi có tần suất bay cao nhất cả nước. Hiện tại, dự án xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành đang được gấp rút triển khai, dù không tọa lạc tại thành phố nhưng việc xây dựng và đưa vào hoạt động sân bay này được kỳ vọng sẽ làm gia tăng lượt khách du lịch quốc tế đến thành phố.

2.3.2. Thông tin liên lạc

Bưu chính viễn thông ngày càng được hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của du khách. Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung xây dựng và phát triển công nghệ thông tin thành một ngành kinh tế chủ lực, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 35%/năm - 40%/năm. Hiện nay, thành phố có các mạng điện thoại như Vinaphone, Mobiphone, Viettel,… Bên cạnh đó, các dịch vụ bưu chính không ngừng được mở rộng như điện hoa, chuyển tiền nhanh, chuyển phát nhanh bưu kiện, bưu phẩm trong nước và quốc tế.

2.3.3. Cung cấp năng lượng

Nguồn điện của thành phố Hồ Chí Minh được cung cấp từ Nhà máy Điện Thủ Đức, Chợ Quán, đường dây siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam,… Với lưới điện thành phố như hiện nay, nhiều công trình chống quá tải tại các trạm biến áp trung gian Hỏa Xa, Xa lộ, Sài Gòn, Thủ Đức Bắc và Hóc Môn.

2.3.4. Cung cấp nước sạch

Thành phố có hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai, Vàm Cỏ Đông và các hệ thống kênh rạch như Thị Nghè, Tân Hóa, Lò Gốm, Chợ Đệm, Kênh Đôi, Kênh Ruột Ngựa,... với tổng chiều dài gần 800 km. Nguồn nước của thành phố do 2 Nhà máy nước là Thủ Đức và Củ Chi cung cấp từ nước của sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.

2.4. Cơ sở vật chất kỹ thuật

Về số lượng, tính đến ngày 30/6/2017, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 2,128 cơ sở lưu trú du lịch với 50,261 buồng. Trong đó, có 1,941 cơ sở lưu trú với 48,729 buồng được phân loại, xếp hạng từ 1-5 sao và 185 nhà nghỉ du lịch với 1,166 buồng.

Có thể đánh giá sơ nét đặc trưng của từng nhóm cơ sở lưu trú du lịch như sau:

- Khối khách sạn 3-5 sao, khách sạn 1-2 sao quy mô phòng trên 25 phòng và các loại cơ sở lưu trú du lịch hạng cao cấp khác tập trung ở khu vực các quận trung tâm như quận 1, quận 3, quận 5, quận 10, quận Tân Bình, quận Phú Nhuận.

- Khối khách sạn 1-2 sao và các loại cơ sở lưu trú du lịch đạt chuẩn khác có quy mô nhỏ nằm ở các quận, huyện ngoại thành như quận 2, quận 8, quận 9, quận 12, quận Bình Tân, quận Tân Phú, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ.

Về chất lượng, so với tiêu chuẩn TCVN (Bộ Tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam) đối với từng cấp hạng, nhìn chung hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đáp ứng ở mức khá, cơ sở vật chất được đầu tư tương xứng, được các hãng lữ hành và khách du lịch trong và ngoài nước đánh giá khá cao, thuộc loại hàng đầu so với các tỉnh, thành trong cả nước, có khả năng cạnh tranh với các thành phố khác trong khu vực. Trong những năm qua, hầu hết các khách sạn cao cấp, đặc biệt là các khách sạn 4-5 sao đều quan tâm đầu tư các dịch vụ phục vụ du lịch MICE, góp phần hình thành và phát triển phân khúc thị trường du lịch cao cấp này cho thành phố Hồ Chí Minh cũng như cho cả nước. [2]

2.5. Nguồn nhân lực du lịch

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch lớn nhất cả nước, nguồn nhân lực du lịch của Thành phố hiện chiếm 17% nguồn nhân lực du lịch của cả nước. Trong đó, lực lượng lao động có tay nghề, được đào tạo từ bậc học trung cấp trở lên chiếm tỉ lệ hơn 50% trong tổng số lao động du lịch trực tiếp. [3]

2.5.1. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước (Sở Du lịch)

Nhìn chung, lực lượng cán bộ, công chức đa phần tốt nghiệp ở những chuyên ngành khoa học xã hội hoặc khoa học tự nhiên, bách khoa và một số công chức được chuyển từ các Sở, Ngành hoặc từ quận, huyện, tuy có kinh nghiệm nhưng lại chưa được đào tạo, bồi dưỡng nhiều về chuyên môn, nghiệp vụ; ngược lại, một số ít được đào tạo đúng theo chuyên môn ngành Du lịch nhưng còn thiếu kinh nghiệm. Ngoài ra, đội ngũ quản lý nhà nước về du lịch cũng còn thiếu những chuyên viên tốt nghiệp về chuyên ngành quy hoạch du lịch, phân tích thị trường, phát triển sản phẩm, …

2.5.2. Lực lượng lao động làm việc trong công ty liên doanh, doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn

Lực lượng này được đào tạo, huấn luyện chính quy và tương đối bài bản. Tuy nhiên, phần lớn lực lượng lao động trong ngành, đặc biệt đối với các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa được đào tạo chính quy, cả về nghiệp vụ chuyên môn lẫn nghiệp vụ quản lý, điều hành. Nhìn chung, nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt về số lượng và chất lượng. Về số lượng, các cơ sở đào tạo du lịch chỉ mới đáp ứng 60% - 70% nhu cầu, về chất lượng, nguồn nhân lực được đào tạo hiện nay yếu về ngoại ngữ và những kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử nên ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách du lịch.

2.5.3. Các cơ sở đào tạo du lịch

Chất lượng và hiệu quả đào tạo của hệ thống các trường được đánh giá thông qua số sinh viên tốt nghiệp được sử dụng vào làm trong các doanh nghiệp du lịch. Trong những năm qua, các trường đã cung cấp một lượng lao động có tay nghề chuyên môn cho ngành Du lịch; tuy nhiên, so với số lượng sinh viên ra trường thì tỷ lệ được tuyển dụng vào làm trong các doanh nghiệp du lịch còn khiêm tốn. Một trong những nguyên nhân là do không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và ngoại ngữ của các doanh nghiệp. Đây cũng là thách thức đối với các trường trong việc nghiên cứu cải tiến và cập nhật các kiến thức mới trong chương trình nội dung giảng dạy để phần nào đáp ứng các yêu cầu trên.

3. Định hướng phát triển du lịch Việt Nam, Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh

3.1. Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam

Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược này chia lãnh thổ du lịch Việt Nam thành 7 vùng, bao gồm: (1) Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; (2) Vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc; (3) Vùng Bắc Trung Bộ; (4) Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; (5) Vùng Tây Nguyên; (6) Vùng Đông Nam Bộ; (7) Vùng đồng bằng sông Cửu Long. [5]

Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/12013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch này được thực hiện nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, giải pháp và chương trính hành động đã được đề cập trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, liên quan đến việc tổ chức không gian du lịch, Quy hoạch này đã kế thừa cách phân vùng của Chiến lược trước đó và xây dựng định hướng cụ thể cho việc phát triển 7 vùng du lịch, bao gồm:

(1) Vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ với các sản phẩm đặc trưng như (i) Du lịch về nguồn, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc, hệ sinh thái núi cao, hang động, trung du, (ii) Du lịch nghỉ dưỡng núi, nghỉ cuối tuần, (iii) Du lịch thể thao, khám phá, (iv) Du lịch biên giới gắn với thương mại cửa khẩu;

(2) Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc với các sản phẩm đặc trưng như (i) Du lịch văn hóa gắn với văn minh lúa nước sông Hồng, (ii) Du lịch biển đảo, (iii) Du lịch MICE, (iv) Du lịch sinh thái nông nghiệp nông thôn, (v) Du lịch lễ hội, tâm linh, (vi) Du lịch cuối tuần, vui chơi giải trí cao cấp;

(3) Vùng Bắc Trung Bộ với các sản phẩm đặc trưng như (i) Du lịch tham quan di sản, di tích lịch sử văn hóa, (ii) Du lịch biển, đảo, (iii) Du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái, (iv) Du lịch biên giới gắn với các cửa khẩu;

(4) Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với các sản phẩm đặc trưng như (i) Du lịch biển, đảo, (ii) Du lịch tham quan di tích (hệ thống di sản) kết hợp du lịch nghiên cứu bản sắc văn hóa (văn hóa Chăm, các dân tộc thiểu số ở Đông Trường Sơn), (iii) Du lịch MICE;

(5) Vùng Tây Nguyên với các sản phẩm đặc trưng như (i) Du lịch văn hóa Tây Nguyên, tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, (ii) Du lịch nghỉ dưỡng núi, tham quan nghiên cứu hệ sinh thái cao nguyên gắn với các sản vật hoa, cà phê, voi, (iii) Du lịch biên giới gắn với cửa khẩu và tam giác phát triển;

(6) Vùng Đông Nam Bộ với các sản phẩm đặc trưng như (i) Du lịch MICE; (ii) Du lịch văn hóa, lễ hội, giải trí, (iii) Du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí cuối tuần, du lịch thể thao, du lịch mua sắm, (iv) Du lịch biên giới gắn với cửa khẩu;

(7) Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các sản phẩm đặc trưng như (i) Du lịch sinh thái (miệt vườn, đất ngập nước), (ii) Du lịch biển, đảo, (iii) Du lịch văn hóa, lễ hội. [6]

3.2. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ

Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch này được lập nhằm chi tiết hóa và cụ thể hóa các nội dung đã được phê duyệt trước đó trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 2473/QĐ-TTg năm 2011) và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 201/QĐ-TTg năm 2013).

Theo Quy hoạch này, vùng du lịch Đông Nam Bộ bao gồm thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh; có diện tích tự nhiên 23,597.9 km2. Vùng có vị trí địa lý như sau Phía Bắc và Tây Bắc giáp với Vương quốc Cămpuchia; Phía Đông và Đông Bắc giáp với tỉnh phía Nam vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và biển Đông; Phía Tây và Tây Nam giáp với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Việc tổ chức không gian phát triển du lịch của vùng được định hướng như sau:

(1) Trung tâm du lịch vùng là Thành phố Hồ Chí Minh với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm (i) Du lịch MICE, (ii) Du lịch sinh thái biển, (iii) Du lịch vui chơi giải trí, thể thao, (iv) Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, (v) Du lịch tàu biển;

(2) Không gian phát triển du lịch biển đảo là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó chú trọng địa bàn đô thị du lịch Vũng Tàu, Xuyên Mộc và khu du lịch quốc gia Côn Đảo với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm (i) Du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển; (ii) Du lịch chữa bệnh, (iii) Du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, (iv) Du lịch MICE, (v) Du lịch tàu biển;

(3) Không gian du lịch đô thị - sinh thái là tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm (i) Du lịch sinh thái (hồ, miệt vườn), (ii) Du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề, (iii) Du lịch lễ hội, tâm linh;

(4) Không gian phát triển du lịch di tích lịch sử văn hóa và du lịch sinh thái là tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh với hướng khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng gồm (i) Du lịch lễ hội, tâm linh; tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, (ii) Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng tại núi, vườn quốc gia, hồ, (iii) Du lịch tham quan làng nghề. [7]

3.3. Chiến lược phát triển du lịch thành phố Hồ Chí Minh

Quyết định số 3364/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về Phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030. Theo Quyết định này, những nội dung quan trọng của Chiến lược cần phải được xác định rõ ràng và cụ thể, bao gồm:

(1) Chiến lược định hướng và phát triển thị trường;

(2) Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch then chốt và quản trị chất lượng điểm đến;

(3) Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và các yếu tố nguồn lực khác;

(4) Chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch;

(5) Chiến lược tiếp thị, truyền thông và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch;

(6) Chiến lược đầu tư và chính sách phát triển du lịch;

(7) Chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào phát triển du lịch gắn với Đề án Phát triển Đô thị thông minh của thành phố Hồ Chí Minh. [8].

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2011-2018). Niên giám thống kê Thành phố Hồ Chí Minh năm 2010-2017, TP. Hồ Chí Minh.
  2. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2017a). Báo cáo Tình hình hoạt động và dự báo tiềm năng, định hướng phát triển của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh.
  3. Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh (2017b). Báo cáo Công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
  4. Tổng Cục Thống kê (2011-2018). Niên giám thống kê Việt Nam năm 2010-2017, Hà Nội.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2011). Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 về Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.
  6. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2013 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.
  7. Thủ tướng Chính phủ (2014). Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24 tháng 12 năm 2014 về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.
  8. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (2018). Quyết định số 3364/QĐ-UBND ngày 13 tháng 08 năm 2018 về Phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ Chiến lược phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, TP. Hồ Chí Minh.

Current situation, potential and orientation for Ho Chi Minh City’s tourism development

Master. Tran Hoang Nam

Vietnamese - German University

Master. Phung Tuan Thanh

University of Economics and Law - Vietnam National University - Ho Chi Minh City

Nguyen Quang Huy

Agency for Southern Affairs of Ministry of Industry and Trade

Tran Minh Cang

Department of Social Evils Prevention - Ho Chi Minh City

Abstract:

This article focuses on analyzing the current situation, potential, and development orientation of Ho Chi Minh City’s tourism industry in the period of 2010-2020. The current situation of the city’s tourism development is summarized by comparing a series of time series data on the total number of domestic and international tourist arrivals, the total number of accommodation facilities, and the total revenue from visitors of the city with that of the whole country.

The potential for the development of the city’s tourism industry is entirely analyzed in terms of geographical location, natural and humanistic tourism resources, infrastructure, technical facilities and human resources for tourism. Finally, the development orientation of the city’s tourism industry is systematically generalized from the National Tourism Development Strategy and Master Plan, the Regional Tourism Development Master Plan, to the Toursim Development Strategy of Ho Chi Minh City.

Keywords: Tourism, current situation, potential, strategy, planning, Ho Chi Minh City, period 2010-2020.