Thực trạng và giải pháp huy động nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ khởi nghiệp

NGUYỄN ĐỨC TRỌNG (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết đưa ra một số lý thuyết về nguồn vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, nêu thực trạng tiếp cận vốn của doanh nghiệp khoa học công nghệ trong thời gian qua. Từ đó, đề xuất một số giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần thúc đẩy việc tiếp cận nguồn vốn tới các doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm hỗ trợ tối đa trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Từ khóa: doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ, tiếp cận vốn, Chính phủ.

1. Khái quát về nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ khởi nghiệp

Đối với tất cả các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khoa học công nghệ nói riêng, nguồn vốn đóng vai trò hết sức quan trọng. Ở các giai đoạn phát triển khác nhau của doanh nghiệp, với khả năng tài chính, tiềm năng phát triển cũng như thực lực khác nhau, một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (DNKNST) sẽ cần lượng vốn và loại hình vốn khác nhau. Thông thường, các nguồn vốn có thể huy động được của DNKNST được chia thành 2 nhóm: Nguồn vốn bên trong (vốn tự có, vốn từ gia đình bạn bè); Các nguồn vốn bên ngoài mà DNKNST có thể tiếp cận gồm có các khoản tài trợ (phần lớn đến từ Chính phủ), vốn vay, vay bảo lãnh, vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và nhà đầu tư (NĐT) thiên thần, từ doanh thu và một số hình thức tài chính mới hiện nay như cho vay ngang hàng, gọi vốn cộng đồng hay ICO,...

2. Thực trạng thị trường vốn hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2020

Theo Báo cáo “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020” do Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và Quỹ Đầu tư mạo hiểm do Ventures phát hành ngày 31/5/2021, tổng vốn đầu tư vào các startup tăng liên tục qua các năm và đỉnh cao là năm 2019 với 126 thương vụ và 874 triệu USD. Mặc dù năm 2020, tổng vốn đầu tư sụt giảm 48% xuống còn 451 triệu USD, nhưng số thương vụ chỉ giảm có 17%. Tỷ lệ thương vụ thành công của các startup Việt Nam chiếm 14% tổng số thương vụ của khu vực Đông Nam Á và đứng thứ 3 trong khu vực (cùng vị trí năm 2019), sau Indonesia (27%) và Singapore (37%). Tuy vậy, tỷ lệ vốn đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ của Việt Nam chỉ đứng thứ 4, xếp sau Indonesia (70%), Singapore (14%), Malaysia và Thái Lan (5%). Việc thiếu vắng những thương vụ quy mô lớn là nguyên nhân chính khiến thứ hạng Việt Nam trong khu vực giảm bậc. Điều này cho thấy sự hấp dẫn của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. (Hình 1)

Cụ thể, lĩnh vực đầu tư vào các ngành khởi nghiệp theo báo cáo như Hình 2.

Có thể thấy, lĩnh vực nhận được vốn đầu tư đối với thanh toán, bán lẻ, giáo dục vẫn giữ vị trí đứng đầu, Song lại có sự thu hẹp về mức đầu tư khi ngành thanh toán phần vốn đầu tư giảm từ 300 triệu USD, xuống còn 101 triệu USD trong năm 2020 (tỷ lệ giảm 66%);, lĩnh vực bán lẻ giảm từ 196 triệu USD xuống còn mức đầu tư là 85 triệu USD (tỷ lệ giảm 58%); giáo dục là ngành có sự sụt giảm lớn nhất từ 32 triệu USD vốn đầu tư xuống còn 8 triệu USD (tỷ lệ giảm 75%). Nhìn chung, do khó khăn bởi dịch bệnh trong năm 2020, hầu hết vốn đầu tư vào các ngành sụt giảm, chỉ có bất động sản hạ tầng và việc làm là tăng lên, đặc biệt là phần đầu tư vào các startup nhằm tìm kiếm việc làm.

Những phân tích trên cho thấy, năm 2020 là một năm thử thách nhưng ẩn chứa nhiều cơ hội đối với bối cảnh đầu tư đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu và thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ. Tổng số vốn đầu tư vào các startup công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, chủ yếu do sự vắng bóng của các vòng gọi vốn có giá trị đáng kể đã được các công ty lớn khép lại trong năm trước. Tuy nhiên, số lượng các khoản đầu tư giảm không đáng kể ở mức 17%, trong đó, ghi nhận 60 thương vụ vào nửa cuối năm - con số tương đương với cùng kỳ năm trước. Điều này đồng nghĩa việc quỹ nội địa bắt đầu phát huy vai trò quan trọng trong giai đoạn này. Do Ventures ghi nhận hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào startup công nghệ Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa. Đây là chỉ dấu cho thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư nội địa trong việc hỗ trợ startup giai đoạn đầu tiếp tục tiến xa hơn vào chặng đường nhiều thử thách như hiện nay.

3. Một số giải pháp đề xuất

Thứ nhất, cần rà soát hệ thống luật pháp để hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo sự đồng bộ,  đảm bảo tính thực thi, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ hình thành và phát triển. Sớm ban hành văn bản liên quan  đến các quy định về kinh phí, hồ sơ để xác nhận các kết quả khoa học công nghệ do doanh nghiệp tự đầu tư cho hoạt động R&D. Đây là một trong những điều kiện cần thiết để công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Thứ hai, trong bối cảnh dịch bệnh, startup khoa học công nghệ cần tăng cường tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ từ các chương trình, dự án ưu đãi của các tổ chức trong và ngoài nước để tài trợ cho các lĩnh vực kinh doanh đặc thù được Chính phủ, Nhà nước chú trọng phát triển.

Thứ ba, rà soát tổ chức lại hệ thống đơn vị quản lý nhà nước về doanh nghiệp khoa học công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ, phân định chức năng nhiệm vụ cho rõ ràng và phù hợp. Đồng thời, thiết lập tổ chức đầu mối ở trung ương và địa phương với các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, đảm bảo đủ điều kiện và năng lực giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tổ chức đầu mối cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học công nghệ công lập sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hoặc chuyển sang thành lập các doanh nghiệp khoa học công nghệ theo quy định  của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài  ra, tổ chức đầu mối này còn giữ vai trò tích cực trong việc tạo ra các kết nối giữa doanh nghiệp, viện nghiên cứu/trường đại học để hỗ trợ cho quá trình  đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp.

Mặt khác, tổ chức các diễn đàn/hội thảo để kết nối doanh nghiệp khoa học công nghệ và các quỹ đầu tư nội địa và quốc tế nhằm cung cấp thông tin cho 2 bên, tăng cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp trở thành đối tượng đầu tư của các đối tác lớn này, đồng thời, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tài trợ từ các quỹ  hơn.

Thứ tư, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin liên kết với các doanh nghiệp khoa học công nghệ, triển khai và cung cấp các giải pháp quản lý dòng tiền (như quản lý khoản phải thu, khoản phải trả, sao kê, báo cáo dòng tiền,...), để cho phép các doanh nghiệp có thể tự giao dịch với chi phí thấp, giúp các doanh nghiệp khoa học công nghệ nâng cao năng lực quản lý tài chính, đáp ứng các điều kiện khi tham gia các chuỗi cung ứng của các đối tác lớn trong và ngoài nước.

Thứ năm, Các Bộ, ngành có liên quan theo từng ngành nghề kinh doanh, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cần có sự phối hợp để tổ chức các chương trình đào tạo chung, cũng như các chương trình đào tạo riêng mang tính đặc thù cho từng ngành nghề, để nâng cao năng lực chuyên môn, cung cấp thông tin thị trường vĩ mô cũng như các thông tin liên quan đến định hướng của Chính phủ, thông tin về các chương trình vay vốn, yêu cầu và cách thức để xây dựng hồ sơ tiếp cận vốn thông qua các kênh khác nhau. Bên cạnh đó, cần xây dựng Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ khởi nghiệp, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận thông tin liên quan đến các chương trình hỗ trợ.

Thứ sáu, sớm hình thành Quỹ Đầu tư mạo hiểm theo Luật CNC, khuyến khích, thu hút các Quỹ Đầu tư mạo hiểm nước ngoài hoạt động tại Việt Nam nhằm hỗ trợ kịp thời cho quá trình đổi mới. Triển khai nghiên cứu thí điểm về loại hình cổ phiếu công nghệ, sớm đưa loại hình cổ phiếu này trở thành hàng hóa giao dịch trên thị trường, giúp hình thành nguồn vốn mới, tạo động lực cho sự phát triển.

Thứ bảy, nghiên cứu, xây dựng mô hình ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ phù hợp với điều kiện của địa phương. Một trong những mô hình cần được xem xét là thiết lập vườn ươm doanh nghiệp khoa học công nghệ trong từng vùng để hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư phát  triển công nghệ mới trong vùng. 

Thứ tám, tăng cường thực hiện việc tuyên truyền các cơ chế, chính sách về doanh nghiệp khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ bằng nhiều hình thức và biện pháp, như thông qua các hội nghị tập huấn của các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ thông qua sách báo, các phương tiện truyền thông, kiểm tra giám sát chặt chẽ và xử phạt nghiêm minh các trường hợp vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, từ đó tạo niềm tin cho các tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư vào hoạt  động khoa học công nghệ.

Thứ chín, sớm sửa đổi và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về doanh nghiệp khoa học công nghệ, theo hướng đơn giản thủ tục, đảm bảo tính khả thi và kế thừa được các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới về doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Thứ mười, nghiên cứu xây dựng chuyên ngành kinh tế và quản lý về khoa học công nghệ trong các trường đại học, đặc biệt là tại các trường đại học kỹ thuật, công nghệ nhằm hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia chuyên ngành phù hợp liên quan đến ươm tạo công nghệ, đánh giá, định giá công nghệ, xúc tiến chuyển giao công nghệ, tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ,... Đảm bảo trang bị cho đội ngũ chuyên gia này các kiến thức và kỹ năng cần thiết về kỹ thuật - công nghệ, pháp luật (đặc biệt về sở hữu trí tuệ) và kinh tế để thực hiện hoạch định các chính sách khoa học công nghệ, tham gia điều hành, quản lý, tổ chức triển khai thực  hiện các nhiệm vụ tại các tổ chức khoa học công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ... phù  hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. NIC và Do Ventures (2020), “Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020”,  Báo cáo.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019). Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, Nxb Thống kê, Hà Nội.
  3. Chung Thủy (2018). 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, truy cập từ https://vov.vn/Print.aspx?id=797249
  4. Nghiêm Xuân Thanh (2019). Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tạp chí Ngân hàng, số chuyên đề đặc biệt năm 2019.

Current situation and solutions to help science and technology startups access capital

Nguyen Duc Trong

Hanoi University of Science and Technology

 ABSTRACT:

This paper presents some theories about capital sources for startups. This paper also points out the current situation of science and technology enterprises when they access to capital sources. Based on the paper’s finding, some feasible solutions are proposed to help starups access to capital sources and support them to get maximum support for their production and business activities.

Keywords: startup, science and technology enterprises, capital access, the Government.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18, tháng 7 năm 2021]