TÓM TẮT:

Với tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch, tỉnh Tuyên Quang đang tập trung khai thác và phát triển mạnh các loại hình: du lịch văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; du lịch cộng đồng,… Trong các loại hình du lịch này, du lịch văn hóa đang được tỉnh đầu tư chú trọng phát triển, đặc biệt là du lịch văn hóa lịch sử nổi bật là khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, du lịch lễ hội nổi bật là lễ hội Thành Tuyên. Tuy có nhiều tiềm năng trong việc phát triển du lịch văn hóa nhưng trong những năm qua, sự phát triển du lịch văn hóa của Tuyên Quang vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và đang đứng trước những thách thức mới. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp phát triển du lịch văn hóa tỉnh Tuyên Quang trong thời gian tới.

Từ khóa: du lịch văn hóa, tài nguyên, sản phẩm du lịch, tỉnh Tuyên Quang.

1. Khái quát về du lịch văn hóa

Theo Khoản 17 Điều 3 Luật Du lịch 2017: “Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại”. Như vậy, du lịch văn hóa là lĩnh vực du lịch khai thác tài nguyên du lịch văn hóa, các dịch vụ thích hợp nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách. Du lịch văn hóa lấy văn hóa làm tài nguyên du lịch.

2. Thực trạng phát triển du lịch văn hóa tỉnh Tuyên Quang

2.1. Thực trạng về thị trường khách du lịch văn hóa tỉnh Tuyên Quang

Trong những năm gần đây, công tác quảng bá hình ảnh du lịch Tuyên Quang đã có bước tiến mới, đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Bảng 1 là tổng hợp lượt khách du lịch và doanh thu từ du lịch toàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn từ năm 2017 đến hết 8 tháng đầu năm 2022.

Bảng 1. Lượt khách du lịch và tổng doanh thu từ du lịch Tuyên Quang giai đoạn 2017 đến 8 tháng đầu năm 2022

Các tiêu chí

2017

2018

2019

2020

2021

8T đầu năm 2022

Tổng số khách du lịch (lượt)

1.590.900

1.760.600

1.945.650

1.708.000

1.605.000

1.699.000

Khách du lịch nội địa (lượt)

1.585.350

1.754.570

1.939.025

1.704.330

1.602.981

1.693.050

Khách du lịch quốc tế (lượt)

5.550

6.030

6.625

3.670

2.019

5.950

Doanh thu từ du lịch (tỷ đồng)

1.380

1.556

1.750

1.500

1.488

1.580

                               Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tuyên Quang

Theo kết quả phỏng vấn từ đại diện 5 doanh nghiệp du lịch đưa khách đến Tuyên Quang. Hầu hết đều cho rằng lượng khách du lịch văn hóa đến Tuyên Quang và doanh thu du lịch văn hóa chiếm khoảng 60% tổng lượng khách du lịch của tỉnh qua các năm. Chủ yếu khách đến Tuyên Quang trải nghiệm các sản phẩm văn hóa: du lịch lễ hội, du lịch lịch sử văn hóa, du lịch văn hóa di sản, du lịch tâm linh.

Trong đó hầu hết là khách nội địa chiếm 99,6 tổng lượng khách. Khách tới Tuyên Quang chủ yếu là từ các tỉnh miền Bắc và các tỉnh lân cận vì mục đích tham quan, nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội.

2.2. Thực trạng về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch văn hóa của tỉnh Tuyên Quang

Cơ sở lưu trú: Số lượng cơ sở lưu trú tăng lên qua các năm. Hiện toàn tỉnh có 389 cơ sở lưu trú, tăng 104 cơ sở so với năm 2017, trong đó chủ yếu tập trung ở thành phố với 147 cơ sở. Trong đó chỉ có 38 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 4 sao: khách sạn Mường Thanh (4 sao), khách sạn Royal,…

Cơ sở ăn uống: Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 250 cơ sở ăn uống, trong đó có 150 cơ sở tập trung ở thành phố Tuyên Quang.

Cơ sở lưu trú, ăn uống đã bước đầu được đầu tư xây dựng nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Tuy nhiên, vẫn còn chưa làm hài lòng nhu cầu của khách du lịch cao cấp và chưa cung cấp đủ cho khách du lịch vào dịp lễ hội.

Cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện vận chuyển khách du lịch: tỉnh đã triển khai các dự án hạ tầng giao thông. Các dự án đã triển khai: Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh; hoàn thành nâng cấp tỉnh lộ ĐT 187, ĐT 189 kết nối với các tỉnh miền núi phía Bắc; cải tạo, nâng cấp một số đoạn Quốc lộ 37,… Hệ thống phương tiện vận chuyển chủ yếu là đường bộ và đường thủy.

Các dịch vụ bổ sung: về các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm, đây là phần yếu nhất của tỉnh, trên toàn tỉnh các cơ sở này chưa được rõ nét, có xuất hiện một vài điểm vui chơi giải trí nhưng rất nhỏ bé như Vincom, Điện Máy Xanh,…

2.3. Thực trạng về phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tỉnh Tuyên Quang

Du lịch văn hóa lịch sử: Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử với hơn 650 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 474 di tích lịch sử. Các địa điểm du lịch văn hóa lịch sử thu hút khách thập phương bao gồm: Khu di tích đặc biệt quốc gia Tân Trào, Lán Nà Lừa, Cây Đa Tân Trào, Đình Tân Trào, Đình Hồng Thái (đình Kim Trận),...

Du lịch văn hóa di sản: Tính đến năm 2022, Tuyên Quang đã có 12 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia như: Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng tông của người Tày, Nghi lễ cấp sắc và hát Páo dung của người Dao;…

Du lịch lễ hội: Tuyên Quang là một vùng văn hóa đa hương sắc với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa riêng của mình. Tỉnh đã phục dựng và duy trì rất nhiều các lễ hội đặc sắc để thu hút khách du lịch. Trong đó có những lễ hội nổi bật như: Lễ hội Thành Tuyên; Lễ hội rước Mẫu; Lễ hội Nhảy lửa; Lễ hội Lồng Tông; Lế hội Động Tiên; Lễ hội đình làng Giếng Tanh; Lễ hội cầu may và cầu mùa,...

Du lịch tâm linh: Tuyên Quang đã khẳng định được thương hiệu là “Vùng đất linh thiêng", "Miền đất Mẫu" được nhiều du khách trong cả nước tìm đến chiêm bái như các di tích: Chùa An Vinh; Chùa Trùng Quang; Đền Thượng; Đền Hạ; Đền Cảnh Xanh,…

Có thể kể đến một vài tour du lịch văn hóa như: Tour du lịch Na Hang - Suối khoáng Mỹ Lâm - Đình Hồng Thái - Cây đa Tân Trào - Na Hang (2 ngày); Tour du lịch lễ hội 11 đền chùa tại Tuyên Quang (1 ngày), Tour Trình diễn di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia - Đêm hội Thành Tuyên - Khu du lịch sinh thái Na Hang; Tour Trung thu Tuyên Quang: Lễ hội rước đèn lớn nhất Việt Nam;…

2.4. Thực trạng về nhân lực du lịch văn hóa tỉnh Tuyên Quang

Bảng 2. Nguồn nhân lực Tuyên Quang giai đoạn 2017-2021


Loại hình lao động

Năm

2017

2018

2019

2020

2021

 

Trực tiếp (người)

2.480

2.550

2.700

2.300

2.500

 

Gián tiếp (người)

11.320

11.650

11.900

13.700

15.000

 

Tổng

13.800

14.200

14.600

16.000

17.500

 

 Nguồn: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Tuyên Quang

Lực lượng lao động hoạt động trong ngành Du lịch Tuyên Quang những năm qua có bước tiến mới, năm 2021 ngành Du lịch tạo việc làm cho khoảng 17.500 lao động ngành dịch vụ du lịch tăng 3.700 lao động. Lực lượng lao động gián tiếp qua các năm chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với lao động trực tiếp. Nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng về chuyên ngành du lịch rất ít, chủ yếu là đào tạo từ các chuyên ngành khác.

2.5. Đánh giá thực trạng phát triển du lịch văn hóa tỉnh Tuyên Quang

Thuận lợi:

Tuyên Quang là vùng đất có rất nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch văn hóa. Được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự đồng thuận của nhân dân Tuyên Quang đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Chính quyền địa phương đã chủ động trong việc vận động sự tham gia của cộng đồng địa phương vào hoạt động du lịch văn hóa. Nhân dân tại các khu, điểm du lịch cơ bản có ý thức trong việc bảo vệ văn hóa truyền thống, bảo vệ cảnh quan.

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch văn hóa nói riêng từng bước chuyên nghiệp hóa, đổi mới hình thức và nội dung.

Công tác quy hoạch phát triển du lịch văn hóa được triển khai tương đối đồng bộ.

Khó khăn:

Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm trong nội địa, xa các cửa khẩu, bến cảng, các trung tâm kinh tế lớn của cả nước. Thu nhập còn thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Chưa khai thác hết được tiềm năng vốn có. Có những yếu tố bất lợi của thiên nhiên như hạn hán, lũ lụt.

Việc quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch còn chậm, chưa tạo được môi trường kinh doanh hấp dẫn để thu hút mạnh đầu tư. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật còn yếu kém, thiếu đồng bộ, chưa đủ mạnh để đáp ứng đầy đủ nhu cầu phục vụ du lịch.

Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ cán bộ thiếu về số lượng yếu chuyên môn và du lịch văn hóa.

Công tác xúc tiến, quảng bá chưa được triển khai toàn diện. Các cơ quan chính quyền và công ty du lịch chưa có biện pháp để nâng cao hiểu biết về làm du lịch cho cộng đồng địa phương.

Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thời gian qua còn một số hạn chế, một số di sản văn hóa đã bị mai một. Các cấp chính quyền còn chưa có cái nhìn đúng đắn về bảo tồn văn hóa.

3. Một số giải pháp phát triển du lịch văn hóa tỉnh Tuyên Quang

Duy trì và phát triển những sản phẩm văn hóa đặc thù: Dịch văn hóa lịch sử, Du lịch lễ hội truyền thống, Du lịch tâm linh, Du lịch văn hóa di sản. Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch văn hóa, phát triển thêm nhiều sản phẩm văn hóa khác như du lịch văn hóa ẩm thực; Du lịch văn hóa làng nghề truyền thống, Du lịch thưởng thức nghệ thuật truyền thống, Du lịch về nguồn cách mạng kết hợp lửa trại.

Tuyên Quang cần có biện pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch văn hóa của tỉnh cả về số lượng và trình độ chuyên môn, ngoại ngữ. Dành nguồn tài chính thỏa đáng cho phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Cần kêu gọi doanh nghiệp bên ngoài vào đầu tư, đồng thời chú trọng đến phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch văn hóa như mở rộng mạng lưới giao thông có quy hoạch hợp lý; quan tâm phát triển lưới điện, nguồn nước sạch đặc biệt là chất lượng điện tới các khu du lịch, điểm di tích; nâng cấp, xây mới nhà hàng khách sạn; đầu tư xây dựng cơ bản các khu vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực phục vụ khách du lịch và chính người dân địa phương.

Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng: tạp chí, báo đài, truyền hình,… tuyên truyền quảng bá cho du lịch văn hóa của tỉnh. Chủ động và sáng tạo trong việc tổ chức các sự kiện về tuần lễ du lịch, chuỗi sự kiện ở Tuyên Quang để góp phần thúc đẩy về chất lượng quảng bá du lịch. Tham gia các hội nghị, hội thảo và hội chợ du lịch trong nước và quốc tế. Ứng dụng công nghệ trong việc quảng bá du lịch văn hóa.

Cần quan tâm đến việc củng cố, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về du lịch, tổ chức bộ máy và cơ chế quản lý du lịch.

Có giải pháp để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống, như: xây dựng và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về văn hóa truyền thống, có những hoạt động, cơ chế chính sách nhằm truyền dạy nghề từ nghệ nhận cao tuổi cho các thế hệ sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Thúy Anh (Chủ biên) (2014), Giáo trình du lịch văn hóa, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Đính (2009), Giáo trình kinh tế du lịch, Nxb Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
  3. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang (2022). Báo cáo phát triển Du lịch tỉnh Tuyên Quang các năm 2007 - 2021.
  4. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật Du lịch 2017.
  5. Ủyban nhân dân tỉnh Tuyên Quang (2021), Quyết định số 658/QĐ-UBND, ngày 29tháng 10 năm 2021, phê duyệt đề án tổng thể truyền thông về du lịch tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Tuyên Quang.

Current situation of Tuyen Quang province’s cultural tourism and solutions

Master. Tran Thi Thu Huyen

Faculty of Tourism and Hospitality, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

With the potential and advantages of tourism resources, Tuyen Quang province is exploiting and strongly developing cultural tourism, resort tourism, ecotourism, community tourism, etc. Among these types of tourism, the province has focused on the development of cultural tourism, especially cultural and historical tourism at Tan Trao national relic site and the development of festival tourism with Thanh Tuyen festival. However, Tuyen Quang province’s cultural tourism development has not been commensurate with its potential and the province is facing new challenges. This paper analyzes the current situation and proposes some solutions to help Tuyen Quang province develop its cultural tourism in the coming time.

Keywords: cultural tourism, tourism resources, product, Tuyen Quang province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10  năm 2022]