Thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm cá lên men vùng đồng bằng sông Cửu Long

TS. ĐỖ THỊ TUYẾT NHUNG (Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) - PGS.TS. HUỲNH THANH NHÃ (Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu đánh giá môi trường bên trong, môi trường bên ngoài tình hình sản xuất kinh doanh sản phẩm cá lên men “mắm” của vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở tham vấn ý kiến của 48 chuyên gia, kết hợp với phương pháp thống kê, mô tả và sử dụng ma trận SWOT để phân tích, đề xuất 7 nhóm giải pháp chiến lược phát triển sản phẩm, gồm: tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường; đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; sử dụng kênh phân phối trung gian để thâm nhập thị trường; cải thiện quy trình sản xuất; đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại; đầu tư xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực quản lý, điều hành đối với chủ cơ sở sản xuất kinh doanh.

Từ khóa: Cá lên men, mắm, đồng bằng sông Cửu Long.

1. Đặt vấn đề

Sản phẩm lên men từ cá, thịt, rau, quả, ngũ cốc là một trong các món ăn truyền thống của các dân tộc trên thế giới, trong đó cá lên men là một trong những sản phẩm lâu đời và rất đặc trưng ở các quốc gia Đông Nam Á và châu Phi. Cá lên men có vai trò quan trọng trong bữa ăn của người dân nhất là người dân nghèo do có giá thành rẻ lại cung cấp thêm acid amin được thủy phân từ protein cá và có hương vị độc đáo (Hall, 2011).

Ở nước ta sản phẩm cá lên men được gọi là “mắm”, trong đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều sản phẩm nổi tiếng từ lâu như nước mắm Phú Quốc, mắm Thái, mắm cá lóc, mắm cá linh, mắm cá sặc của Châu Đốc,... Tuy nhiên, hiện nay, việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm này còn gặp nhiều khó khăn do quy trình sản xuất mang tính “cha truyền con nối”; trang thiết bị, công nghệ còn lạc hậu; chủ yếu là tiêu thụ trong nước do khác biệt về văn hóa và nền ẩm thực,...

Vì vậy, việc phân tích, đánh giá thực trạng về tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và đề ra giải pháp phát triển sản phẩm cá lên men của vùng ĐBSCL sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm truyền thống, tạo ra sản phẩm đặc trưng riêng đáp ứng nhu cầu chiến lược phát triển kinh doanh “Du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long” theo Quyết định số 194/QĐ-BVHTTDL ngày 23/01/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Mục tiêu, đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu đưa ra các giải pháp phát triển sản phẩm cá lên men truyền thống của vùng ĐBSCL trên cơ sở đánh giá môi trường bên trong, môi trường bên ngoài từ quá trình sản xuất, phân phối, bảo quản sản phẩm; quy mô sản xuất (tự cung tự cấp hay sản xuất ở quy mô hộ gia đình, cơ sở sản xuất, nhà máy chế biến); các thông tin về đặc tính vật lý và cảm quan, hóa học, dinh dưỡng,… được công bố trên sản phẩm, trên cơ sở tham vấn ý kiến của 48 chuyên gia bao gồm các nhà khoa học, quản lý, sản xuất, kinh doanh,… bằng bảng hỏi phỏng vấn mở, kết hợp phương pháp thống kê, mô tả và sử dụng ma trận SWOT để đánh giá được những thuận lợi, khó khăn và mức độ phát triển sản xuất, từ đó đề xuất giải pháp phát triển sản phẩm các lên men vùng ĐBSCL.

3. Đánh giá thực trạng sản xuất kinh doanh sản phẩm cá lên men

Căn cứ vào kết quả nghiên cứu thực tế và khảo sát ý kiến của chuyên gia, có thể rút ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, nguy cơ chủ yếu đối với sản phẩm cá lên men được phân tích trong những nội dung dưới đây.

3.1. Điểm mạnh (Strenghts)

- (S1) Nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành thấp: với điều kiện sông ngòi rộng lớn, dày đặc, ĐBSCL được thiên nhiên ưu đãi nên nguồn lợi thủy sản rất phong phú, trong đó một số loài như cá lóc, cá trèn, cá sặc,… được xem là đặc trưng của vùng. Các loại cá này có giá thành không cao như các loài khác nhưng sau khi chế biến thành phẩm như khô, mắm thì giá trị giá tăng lại rất cao.

- (S2) Quy trình, thiết bị sản xuất đơn giản, tính năng động cao: hiện nay, các loại mắm cá được chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ theo phương pháp truyền thống, hộ gia đình; quy trình sản xuất, công nghệ đơn giản nên tính năng động cao, dễ dàng thay đổi công nghệ để đáp ứng nhanh sự thay đổi nhu cầu của khách hàng, phù hợp với thị hiếu thị trường.

- (S3) Chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh thấp: chi phí nguyên liệu thấp; trang thiết bị, quy trình sản xuất đơn giản; nguồn lực lao động dễ thuê mướn do không cần phải sử dụng lao động trình độ cao.

3.2. Điểm yếu (Weaknesses)

- (W1) Năng lực quản lý của chủ cơ sở sản xuất còn yếu: theo kết quả khảo sát, đa số chủ cơ sở sản xuất hầu như chưa được kinh qua đào tạo kỹ năng quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh nên các vấn đề như lập kế hoạch, chiến lược kinh doanh và khả năng điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh còn yếu.

- (W2) Chưa đầu tư trang thiết bị hiện đại: chủ cơ sở sản xuất chưa chú trọng đến việc nâng cấp trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chủ yếu sử dụng những công cụ, dụng cụ sản xuất truyền thống theo kiểu “có sao làm vậy”, nên hiệu quả sản xuất chưa cao.

- (W3) Chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường: hầu hết các cơ sở sản xuất đều chưa có đội ngũ marketing, bán hàng chuyên nghiệp và chưa xây dựng được thương hiệu uy tín trên thị trường.

3.3. Cơ hội (Opportunities)

- (O1) Nhiều chính sách thu hút du lịch vùng ĐBSCL: thời gian qua, vấn đề liên kết vùng ngày càng được nhiều tỉnh, thành ở ĐBSCL quan tâm. Ngoài ra, trong những năm gần đây, sản phẩm du lịch “Sông nước - Miệt vườn” đang phát triển rất tốt, lượng khách đến du lịch các tỉnh trong vùng ngày càng tăng, đây là một cơ hội rất lớn trong việc quảng bá các sản phẩm truyền thống, đặc sản vùng miền đến với khách du lịch.

- (O2) Hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL liên tục phát triển: trong nhiều năm qua, mạng lưới giao thông đã có bước phát triển vượt bậc, nhiều công trình giao thông hiện đại đạt chuẩn khu vực và quốc tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng ĐBSCL. Mạng lưới giao thông đường bộ hình thành theo trục dọc, trục ngang; hệ thống đường vành đai liên kết với nhau đã đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

- (O3) Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp: thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, bao gồm: trợ giúp tài chính; mặt bằng sản xuất; đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ, trình độ kỹ thuật; xúc tiến mở rộng thị trường; thông tin và tư vấn; trợ giúp phát triển nguồn nhân lực; vườn ươm doanh nghiệp, quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau nhiều năm triển khai thực hiện, các chương trình, chính sách trợ giúp của Chính phủ đã đạt được một số kết quả nhất định, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chịu nhiều tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế (Chu Thanh Hải, 2019).

- (O4) Việt Nam đang có uy tín tốt và ngày càng hội nhập sâu vào thị trường kinh tế thế giới: trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam ngày càng năng động tiếp thu khoa học và công nghệ, kỹ năng quản lý, từng bước đưa hoạt động của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vào môi trường cạnh tranh quốc tế, tạo tư duy làm ăn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

- (O5) Sản phẩm mắm là một món ăn “truyền thống” của người dân vùng ĐBSCL: từ xưa, người dân ở ĐBSCL đã biết đem cá làm mắm để lưu trữ ăn dần và cũng từ đó món mắm cá đã đi vào cuộc sống của người dân Nam Bộ một cách bình dân, mộc mạc. Qua những bàn tay khéo léo của đầu bếp đã sáng tạo ra rất nhiều món ăn từ mắm cá, như: lẩu mắm, mắm chưng hoặc có thể ăn sống cùng với những sản phẩm ruộng đồng như rau sống, chuối chát, trái bần ổi và thật không khó để tìm thấy món ăn dân dã này xuất hiện trong những bữa tiệc ở những nhà hàng sang trọng. Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu thiếu món “mắm” trong những buổi tiệc đãi thực khách cũng như khách du lịch phương xa đến tham quan, du lịch ĐBSCL.

3.4. Nguy cơ (Threats)

- (T1) Thị trường tiêu thụ không ổn định: sản phẩm mắm là sản phẩm mang tính đặc trưng của vùng miền, vì vậy thị trường rất hẹp. Đây là một thách thức, rào cản ảnh hưởng lớn đến sự đầu tư và phát triển sản phẩm.

- (T2) Các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dung ngày càng khắt khe: với quy trình, thiết bị sản xuất như hiện tại của các cơ sở sản xuất thì việc đảm bảo các quy định về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm do nhà nước quy định là một vấn đề nan giải, khó thực hiện.

- (T3) Khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế: như đã phân tích ở trên, sản phẩm cá lên men là sản phẩm đặc trưng của vùng miền nên rất khó tiếp cận với thị trường quốc tế (Lee J.O. and Kim J.Y., 2012). Tuy nhiên, một số nước trong khu vực Asean cũng có những sản phẩm “mắm” như của Việt Nam nhưng họ có quy trình, công nghệ tiên tiến, hiện đại; trình độ năng lực quản lý kinh tế tốt; tạo được thương hiệu mạnh. Do đó sản phẩm của Việt Nam rất khó cạnh tranh với những sản phẩm này nếu không có những bước phát triển đúng đắn, hợp lý trong tương lai.

- (T4) Nhiều sản phẩm cùng loại, không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm đang được bán tràn lan trên thị trường đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các sản phẩm khác; ảnh hưởng đến hình ảnh “Món ăn truyền thống” của người dân ĐBSCL trong mắt người du lịch, phá vỡ liên kết sản phẩm du lịch sông nước - miệt vườn gắn với đặc sản vùng miền. (Xem Bảng)

Bảng Ma trận SWOT sản phẩm cá lên men

SWOT

Điểm mạnh (Strenghts)

-S1: Nguồn nguyên liệu dồi dào, giá thành thấp.

-S2:  Quy trình, thiết bị sản xuất đơn giản, tính năng động cao.

-S3: Chi phí đầu tư sản xuất kinh doanh thấp.

Điểm yếu (Weaknesses)

-W1: Năng lực quản lý của chủ cơ sở sản xuất kinh doanh còn yếu.

-W2: Chưa đầu tư trang thiết bị hiện đại.

-W3: Chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường.

Cơ hội (Opportunities)

-O1: Có nhiều chính sách thu hút du lịch vùng ĐBSCL.

-O2: Hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL liên trục phát triển

-O3: Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển DN.

-O4: Việt Nam đang có uy tín tốt và ngày càng hội nhập sâu vào thị trường kinh tế thế giới.

-O5: Sản phẩm “mắm” là một món ăn truyền thống của người dân vùng ĐBSCL.

Chiến lược S - O

 

- S1, S2, S3 + O1, O2, O3, O4, O5: => Tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường.

 

- S2, S3 + O3, O4, O5: => Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm

 

Chiến lược W - O

 

- W2 + O3: => Đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại.

 

- W3 + O1, O2, O3, O4, O5:

=> Đầu tư xây dựng thương hiệu

 

 

Nguy cơ (Threats)

-T1: Thị trường tiêu thụ không ổn định.

-T2: Các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng ngày càng khắt khe.

-T3: Khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

-T4: Nhiều sản phẩm cùng loại, không đạt tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm đang được bán tràn lan trên thị trường.

Chiến lược S - T

 

- S1, S2, S3 + T1, T3: => Sử dụng nhà phân phối trung gian để thâm nhập thị trường.

 

- S2 + T2, T4: => Cải tiến quy trình sản xuất.

Chiến lược W - T

 

- W1, W3 + T1, T2, T4: => Nâng cao năng lực quản lý, điều hành đối với chủ cơ sở sản xuất kinh doanh.

 

 

Kết quả do nhóm tác giả phân tích từ khảo sát thực tế

48 ý kiến chuyên gia, 2018

4. Các giải pháp phát triển sản xuất sản phẩm cá lên men

Trên cơ sở đánh giá môi trường bên trong, môi trường bên ngoài và các chiến lược được xây dựng trên cơ sở các yếu tố được phân tích từ ma trận SWOT, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau:

4.1. Giải pháp tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường

Với ưu thế về chi phí, nếu tận dụng tốt các cơ hội, tiềm năng du lịch ngày càng phát triển của vùng ĐBSCL, các nhà sản xuất có thể mở rộng quy mô để đảm bảo đủ số lượng sản phẩm cho các đơn vị phân phối, áp dụng chiến lược “lấp đầy khoảng trống thị trường” đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là khách du lịch.

4.2. Giải pháp triển khai đăng ký nhãn hiệu sản phẩm

Thời gian gần đây, vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề nóng của xã hội, các sản phẩm sản xuất không đảm bảo tiêu chuẩn đã và đang được bán tràn lan trên thị trường, đa số là không có xuất xứ, nguồn gốc sản xuất rõ ràng, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn sử dụng. Chính vì vậy, đối với các sản phẩm “mắm” nói chung, đang mất dần uy tín trong văn hóa ẩm thực của người dân trong vùng. Để xây dựng uy tín trong lòng khách hàng, việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, đảm bảo vệ sinh, có định lượng các yếu tố sản xuất bằng cơ sở khoa học đảm bảo sức khỏe con người là một khâu quan trọng và rất cần thiết trong quá trình phát triển sản phẩm và đưa ra thị trường.

4.3. Giải pháp sử dụng kênh phân phối trung gian để thâm nhập thị trường

Việc thâm nhập thị trường thông qua các kênh phân phối trung gian là một cách làm mà ngày nay hầu hết những nhà sản xuất thường áp dụng do có nhiều lợi thế như tiết kiệm được nguồn lực tài chính; khối lượng sản phẩm bán ra sẽ tăng nhiều hơn do đảm bảo được việc phân phối rộng khắp và đưa đến các thị trường mục tiêu một cách nhanh chóng. Trên quan điểm hệ thống kinh tế, vai trò cơ bản của các kênh phân phối trung gian là “biến” những nguồn cung ứng khác nhau trong thực tế thành những loại sản phẩm mà khách hàng muốn mua thông qua hệ thống các nhà phân phối hay đại lý hoặc các đơn vị phân phối trực tiếp (hệ thống bán lẻ) do công ty mở, hoặc có thể sử dụng kênh phân phối truyền thống như chợ, ki ốt hoặc các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi,…

4.4. Giải pháp cải thiện quy trình sản xuất

Cần phải cải tiến quy trình sản xuất theo kiểu truyền thống để đảm bảo vệ sinh môi trường và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong quá trình hội nhập. Đồng thời, phải có những phương án kiểm soát tốt tất cả các khâu trong quá trình sản xuất sản phẩm với các thông số trong quy trình đều được căn cứ có cơ sở khoa học, điều kiện bảo quản thích hợp để giúp sản phẩm đạt chất lượng tốt và ổn định, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe con người, kéo dài thời gian bảo quản so với các sản phẩm sản xuất truyền thống trước đây.

4.5. Giải pháp đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại

Hầu hết những nhà sản xuất “mắm” đều không quan tâm đến dây chuyền sản xuất, hầu như chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, làm thủ công. Việc này tốn nhiều thời gian, công sức, nhưng sản lượng lại rất thấp, chất lượng sản phẩm không đồng đều, không đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, cần có giải pháp kết hợp giữa kinh nghiệm sản xuất, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trang thiết bị, máy móc hiện đại trong sản xuất để gia tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

4.6. Giải pháp về đầu tư xây dựng thương hiệu

Nhiều quốc gia có sản phẩm tương đồng với sản phẩm “mắm” ở nước ta, đơn cử sản phẩm “Mắm cá thu” của Thái Lan đang tìm mọi cách thông qua các siêu thị lớn của Việt Nam để đến tay người tiêu dùng. Trước sức ép cạnh tranh này, việc xây dựng một thương hiệu mạnh trong tâm trí khách hàng đối với sản phẩm cá lên men là một việc rất quan trọng và cần thiết.

Để thực hiện được việc này, cần phải xây dựng được một đội ngũ marketing chuyên nghiệp, nỗ lực thực hiện tốt các hoạt động marketing, thông qua các hoạt động cụ thể như phân khúc thị trường, xác định khách hàng mục tiêu, từ đó định vị (Positioning) để giúp cho khách hàng nhận dạng thương hiệu, hiểu rõ bản sắc thương hiệu (Brand identity). Sau đó, bằng con đường khác biệt hóa (Differentiation) tạo ra phẩm chất trung thực của thương hiệu (Brand integrity). Cuối cùng nỗ lực xây dựng được hình ảnh của thương hiệu (Brand image) mạnh trong tâm trí khách hàng, xây dựng một thương hiệu hoàn toàn không chỉ là đặt và đăng ký một cái tên mà là tổng hợp các hoạt động để tạo ra cho được một “hình ảnh rõ ràng và khác biệt ” cho sản phẩm.

4.7. Giải pháp nâng cao năng lực quản lý, điều hành đối với chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh

Các chủ cơ sở sản xuất sản phẩm cá lên men nên tích cực tham gia vào các hiệp hội như Hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã để học tập, trao đổi thêm kinh nghiệm và nâng cao năng lực quản lý; kinh doanh có phương pháp và có định hướng, chiến lược phát triển sản phẩm rõ ràng, khoa học. Đồng thời, tạo dựng thêm các mối quan hệ với các nhà khoa học, với giới doanh nhân để tìm kiếm cơ hội nâng cao chất lượng sản phẩm, hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường.

Nhà sản xuất cần lưu ý đến vấn đề quảng bá nhãn hiệu sản phẩm thông qua internet như Website, Facebook, Zalo, Youtube. Đây là những kênh thông tin dùng để quảng bá nhãn hiệu rất tốt vì tính linh hoạt, sức lan tỏa rất nhanh chóng với chi phí rất thấp so với những hình thức marketing, quảng cáo truyền thống.

Mặt khác, ngoài việc quan tâm đến thay đổi công nghệ, an toàn vệ sinh, còn phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, vì đây là yếu tố “văn hóa” hay “đạo đức” trong kinh doanh. Yếu tố bảo vệ môi trường có tác động tích cực đến tâm lý khách hàng khi lựa chọn sản phẩm. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần tập trung, quan tâm nhiều hơn nữa các vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về thị trường đến tay người sản xuất kịp thời, tạo sự công bằng trong cạnh tranh, giải quyết các vấn đề về hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp một cách công bằng, nhanh chóng.

5. Kết luận

Trên cơ sở phân tích, thống kê ý kiến các chuyên gia về môi trường bên trong và môi trường bên ngoài tình hình sản xuất - kinh doanh sản phẩm cá lên men vùng ĐBSCL, kết hợp phân tích ma trận SWOT cho thấy để duy trì và phát triển sản phẩm cần triển khai đồng bộ các giải pháp như cải tiến quy trình chế biến; tăng quy mô sản xuất, mở rộng thị trường; đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; sử dụng kênh phân phối trung gian để thâm nhập thị trường; cải thiện quy trình sản xuất; đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại; đầu tư xây dựng thương hiệu và nâng cao năng lực quản lý, điều hành đối với chủ cơ sở sản xuất - kinh doanh. Đây là cơ sở quan trọng để bảo tồn sản phẩm truyền thống, gắn du lịch làng nghề với sản phẩm du lịch sông nước miệt vườn vốn là thế mạnh từ trước đến nay của vùng ĐBSCL.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chu Thanh Hải (2019), Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11-2019.
  2. Hall, G.M. (editor) (2011), Fish processing sustainability and new opportunities (pp.312), UK: Wiley-Blackwell.
  3. Hồ Trung Thành (2012), Nghiên cứu tiêu chí và mô hình đánh giá năng lực cạnh tranh động cho các doanh nghiệp ngành Công Thương, Đề tài NCKH cấp Bộ, mã số: 63.11.RD/HĐ-KHCN.
  4. Lee J.O., Kim J.Y. (2012), Cultural Context Indicator of Fermented Food, Communications in Computer and Information Science, vol 353. Springer, Berlin, Heidelberg.
  5. Nguyễn Thị Liên Diệp (2014), Giáo trình Quản trị chiến lược, Đại học Đà Nẵng.
  6. Nguyễn Thị Mai Trang và Nguyễn Đình Thọ (2009), Một số yếu tố tạo thành năng lực động doanh nghiệp và giải pháp nuôi dưỡng, Hội thảo “Năng lực cạnh tranh động của doanh nghiệp” - TP. Hồ Chí Minh, 18/04/2009.
  7. Nguyễn Trường Sơn (2014), Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện nay, NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.

 The actual situation and solutions for fermented fish development in the mekong delta region

 TS. ĐỖ THỊ TUYẾT NHUNG

Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ

PGS.TS. HUỲNH THANH NHÃ

Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ

Cantho University of Technology

ABSTRACT:

The internal and external evaluation of the production and business situation of fermented fish in Mekong delta region based on the consulation of 48 experts, combined with the statistical analysis, applied description and SWOT anlysis methods and then proposed 7 strategic solutions including expanding production capacity and market; applying for a trademark; making use of intermediary distribution channels; improving manufacturing process; investing in modern equipment; investing to build brand name and improving managerial capacityfor business owners.

Keywords: Fermented fish, “mắm”, the mekong delta.