TÓM TẮT:

Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu đến 97 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Năm 2005, Việt Nam gia nhập Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) và khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, ngành Hồ tiêu Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường quốc tế, xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Đức, Pháp…

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng nhưng dưới tác động của các yếu tố môi trường thương mại quốc tế, những hạn chế trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản, xuất khẩu… đã ảnh hưởng lớn đến giá trị xuất khẩu của hồ tiêu tại Việt Nam.

Từ khóa: Hồ tiêu, xuất khẩu, phòng tránh rủi ro.

1. Đặt vấn đề

Cây hồ tiêu có tên khoa học là Piper nigrum, thuộc họ Piperaceae, có nguồn gốc từ Ấn Độ, được người Pháp trồng ở Việt Nam từ thế kỷ XVII. Đến những năm 1970, diện tích hồ tiêu tại Việt Nam khoảng 400 ha, đạt sản lượng khoảng 500 tấn. Hiện nay, Việt Nam có 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu gồm: Bình Phước 12.148 ha, Đắk Nông 11.154 ha, Đắk Lắk 12.082 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 9.074, Đồng Nai 9.010, Gia Lai 11.245.

Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu đến 97 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Đặc biệt, sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ và các nước EU ngày càng tăng. Các nước châu Âu chiếm thị phần 40%, đã chấp nhận công nghệ sản xuất hồ tiêu Việt Nam và các mặt hàng gia vị chế biến từ hồ tiêu Việt Nam. Năm 2005, Việt Nam gia nhập Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) nhất là khi Việt Nam gia nhập WTO, ngành Hồ tiêu Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường quốc tế, đã vào được các nước có hàng rào kỹ thuật rất ngặt nghèo như Nhật Bản, Hà Lan, Mỹ, Đức, Pháp…

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt giá trị lớn, thị trường xuất khẩu được mở rộng nhưng dưới tác động của các yếu tố môi trường thương mại quốc tế và những hạn chế trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu hồ tiêu tại Việt Nam. Vì vậy, sự phát triển xuất khẩu hồ tiêu thiếu ổn định, có thể gặp những rủi ro trong quá trình thực hiện triển khai.

Với quan điểm tiếp cận của quản trị kinh doanh hiện đại và nhằm đạt được mục tiêu nhận dạng, đo lường xác đáng những rủi ro để có thể đưa ra các quyết định điều chỉnh phù hợp. Xử lý các rủi ro có thể đảm bảo quá trình xuất khẩu hồ tiêu ổn định bền vững, tốc độ hóa giá trị gia tăng. Bài biết của tác giả trên cơ sở nghiên cứu khái quát tình hình xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam trong thời gian qua, chỉ ra những tác nhân sinh ra rủi ro; từ đó đề xuất một số giải pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả với xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam giai đoạn đến năm 2020.

2. Khái quát tình hình sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam

2.1. Về diện tích trồng và sản lượng sản xuất hồ tiêu

* Trong những năm từ 2000 - đến nay, có nhiều thay đổi về diện tích trồng hồ tiêu của một số quốc gia sản xuất hồ tiêu truyền thống:

+ Ấn Độ là nước trồng hồ tiêu lớn nhất với diện tích 195.000 ha; Indonesia với 116.000 ha; Việt Nam với 57.000 ha; Brazil với 20.000 ha; Malaysia với 16.300 ha.

+ Theo báo cáo của IPC đến tháng 3/2016: Sản lượng hồ tiêu tăng nhanh với sự đóng góp tích cực của Việt Nam (năm 2000 chiếm 14% sản lượng hồ tiêu đến năm 2015 chiếm 32% sản lượng hồ tiêu thế giới).

* Về sản lượng sản xuất hồ tiêu:

+ Từ năm 2002 đến nay quyền lực sản xuất hồ tiêu Việt Nam đứng thứ nhất (thay cho Ấn Độ và Indonesia). Trong 10 năm, năng suất sản xuất hồ tiêu của Việt Nam tăng 8 lần trở thành nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới.

+ Đến năm 2004, sản lượng hồ tiêu Việt Nam đạt mức 100.00 tấn/năm và có xu thế tăng trưởng khá ổn định giai đoạn từ 2004-2016; trong khi sản lượng Ấn Độ, Brazil, Sri Lanka giảm đến 50% so với bình quân giai đoạn 1996-2005.

+ Trung Quốc, Cambodia gia nhập vào ngành sản xuất hồ tiêu nhưng với sản lượng hồ tiêu thấp chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước.

* Năng suất hồ tiêu:

Năng suất hồ tiêu thấp của những nước trồng hồ tiêu truyền thống là trở ngại lớn nhất, trừ Việt Nam. Năng suất trung bình của Việt Nam ở con số >2.0 tấn/ha, trong khi Brazil và Malaysia đạt xấp xỉ 1,5 tấn/ha. Ấn Độ và Indonesia có năng suất khá thấp có thể do tính chất tự nhiên của vùng sản xuất manh mún, xen lẫn với các hệ thống canh tác khác và ít đầu tư. Gần đây, Sri Lanka cho thấy năng suất hồ tiêu có tăng lên nhờ kết quả tập trung cải tiến năng suất ở những vùng chuyên canh hồ tiêu. Tuổi của vườn trồng hồ tiêu quá già, sâu bệnh hại nặng (rệp sáp và bệnh Phytopthora), đầu tư thấp và cây trụ che bóng mát cực trọng là nguyên nhân chủ yếu làm cho năng suất hồ tiêu thấp.

2.2. Khái quát tình hình xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới và của Việt Nam

Qua nghiên cứu tình hình xuất khẩu hồ tiêu trên thế giới và của Việt Nam, tác giả rút ra những nhận định sau:

+ So sánh con số hồ tiêu xuất khẩu trên thị trường thế giới năm 2001, sản lượng năm 2015 đã tăng khoảng 100.000 tấn. Indonesia đã là nước xuất khẩu hồ tiêu hàng đầu cho đến những năm cuối thế kỷ 20, nhưng sang thế kỷ 21, Việt Nam đã qua mặt và giữ vị trí số một trong suốt 15 năm qua với con số cải tiến mỗi năm liên tục tăng. Việt Nam đã tăng khả năng xuất khẩu từ 56.509 tấn năm 2001 lên 156.396 tấn năm 2014. Brazil đã và đang duy trì lượng hồ tiêu xuất khẩu một cách chậm rãi vì thị trường của họ hầu như đã bão hòa và ổn định. Cho dù sản xuất hồ tiêu gặp nhiều khó khăn, Ấn Độ vẫn duy trì được vai trò nhà cung cấp hồ tiêu cho thế giới. Mã Lai cũng có xu hướng suy giảm sản lượng hồ tiêu. Sri Lanka cải tiến được con số xuất khẩu với số lượng cao nhất trong năm 2013 nhưng giảm xuống trở lại trong năm 2014.

Hình 1: Sản lượng hồ tiêu thế giới giai đoạn 1990 - 2015
Nguồn: Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC)

+ Việt Nam duy trì vị trí số một trong xuất khẩu tiêu đen và tiêu trắng trên thị trường thế giới. Cho đến năm 2009, Indonesia đã duy trì vị trí tốp đầu trong những nước sản xuất tiêu trắng và xuất khẩu tiêu trắng nhiều nhất thế giới. Nhưng kể từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu số một. Brazil duy trì vị trí nước xuất khẩu hồ tiêu thứ ba với rất ít thay đổi trong nhiều năm qua. Sản lượng và số lượng hồ tiêu xuất khẩu tại Indonesia, Ấn Độ và Sri Lanka biến thiên đáng kể trong nhiều năm, nhưng Mã Lai có rất ít thay đổi.

Hình 2: Sản lượng hồ tiêu của các thành viên IPC
Nguồn: Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC)

+ Lượng hạt tiêu xuất khẩu năm 2016 đạt 178 nghìn tấn với kim ngạch 1,43 tỷ USD, tăng 35,3% về lượng và 13,5% về giá trị. Giá xuất khẩu năm 2016 có sụt giảm so với năm 2015 và thấp hơn giá các nước khác do: (i) Hạt tiêu Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là tiêu đen trong khi các nước khác xuất khẩu nhiều tiêu trắng (giá tiêu trắng cao hơn), bên cạnh đó giá tiêu Việt Nam (được khử trùng bằng hơi nước) thường thấp hơn 200-300 USD/ tấn so với giá tiêu các nước khác (được khử trùng theo tiêu chuẩn ASTA); (ii) một số thông tin chưa chính thống về việc tiêu Việt Nam có chứa chất bảo vệ thực vật vượt quá quy định tại nước nhập khẩu đã tác động nhất định làm giảm giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam. Các thị trường xuất khẩu chính tăng trưởng dương như Hoa Kỳ đạt 342,4 triệu USD, tăng 30,5%; Ấn Độ đạt 84,2 triệu USD, tăng 12,2%; Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống Nhất đạt 92,6 triệu USD, giảm 4,8%... Thị trường xuất khẩu lớn là Singapore sụt giảm do một số nhà đầu cơ tại Singapore bị phá sản sau khi các doanh nghiệp nhập khẩu tại Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống Nhất bị thắt chặt tín dụng, tuy nhiên việc sụt giảm xuất khẩu qua thị trường trung chuyển này lại mở rộng cơ hội xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam tới các đối tác khác.

Bảng 1. Xuất khẩu một số hàng hóa của Việt Nam năm 2016Đơn vị: Số lượng: 1.000 tấn, Kim ngạch: Triệu USD
Nguồn: Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2016

+ Về thị trường xuất khẩu hồ tiêu, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục chiếm ưu thế. Tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt 853 triệu USD/năm trong giai đoạn 2010- 2014, trung bình tăng trưởng 28,1%/năm. Năm thị trường lớn nhất của Việt Nam ở nhóm ngành này trong giai đoạn 2010-2014 lần lượt là Hoa Kỳ, Đức, Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Hà Lan và Singapore. Thị trường Hoa Kỳ có kim ngạch lớn nhất (152 triệu USD, gần gấp 3 lần thị trường thứ 2 là Đức) và duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu cao (42,2%/năm giai đoạn 2010-2014). Đây cũng là thị trường có độ mở rộng thị phần cao nhất trong số các thị trường dẫn đầu về nhập khẩu hồ tiêu từ Việt Nam (năm 2015, Hoa Kỳ đã chiếm tới 21% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam). Thị trường Singapore với mức tăng hàng năm 52,5% - cao nhất trong số các thị trường dẫn đầu. Tuy nhiên cả Hoa Kỳ và Singapore đều giảm tốc đáng kể trong năm 2015 và rơi vào vùng thị trường thu hẹp (đặc biệt thị trường Singapore còn giảm tới 20% so với cùng kỳ năm trước). Thị trường lớn ở châu Âu là Đức, sau khi mất thị phần vào giai đoạn 2010-2014, đã tăng trưởng với tốc độ cao vào năm 2015. Các thị trường lớn khác có tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015 bao gồm Phillipines (59%), Thái Lan (44%), Nhật Bản (41%), Hàn Quốc (38%), Tây Ban Nha (34%) và Nga (30%).

Hình 3: Tăng trưởng xuất khẩu nhóm hàng hồ tiêu của Việt Nam 2010 - 2015Trung bình giai đoạn 2010 - 2014                                               Năm 2015
Chú thích: Kích thước bóng thể hiện giá trị xuất khẩu của nhóm hàng hóa
Nguồn: Tổng hợp từ UNComtrade, ITC, Tổng cục Hải quan

Theo số liệu 2016 của Tổng cục Hải quan, tốc độ tăng trưởng mặt hàng hồ tiêu đã cải thiện đáng kể đạt 13,5% so với 2015 (đạt khoảng 1,4 tỷ USD). Thị trường Hoa Kỳ tăng trưởng cao trở lại (30,5% so với 2015) và tăng thị phần từ 21% lên 24%. Thị trường Đức chỉ tăng 5% trong năm 2016, trong khi Hà Lan giảm 29,1%, Tiểu vương quốc Arập thống nhất giảm 4,8% còn Singapore giảm tới 88,3%. Thị trường Ấn Độ với mức tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm liên tục (năm 2016 đạt 12,2%) đã vươn lên là thị trường lớn thứ 3 sau Hoa Kỳ và Tiểu vương quốc Arập thống nhất với trị giá 84,2 triệu USD.

2.3. Những rủi ro có thể trong sản xuất - xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam

Từ phân tích khái quát tình hình sản xuất - xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam kết hợp với dự báo sự tác động các yếu tố môi trường đặc biệt là từ yêu cầu của người mua (nhà nhập khẩu & người tiêu dùng), mức độ cạnh tranh thị trường quốc tế cho phép tác giả nêu ra một số rủi ro có thể đối với quá trình sản xuất - xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam:

(1) Biến đổi khí hậu có khả năng giảm sản lượng sản xuất hồ tiêu và chất lượng hồ tiêu xuất khẩu nhất là với hồ tiêu đen - sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao trong xuất khẩu.

(2) Mức cạnh tranh cao trên thị trường hồ tiêu quốc tế và sự xuất hiện các mặt hàng gia vị thay thế hồ tiêu là yếu tố tăng rủi ro cao.

(3) Những yêu cầu cao về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng, chế biến, bảo quản hồ tiêu xuất khẩu có thể gây ra rủi ro lớn trong xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam.

(4) Hệ thống trang thiết bị và công nghệ sơ chế, chế biến bảo quản hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chậm đổi mới, còn lạc hậu, cản trở quá trình tạo lập mặt hàng xuất khẩu phù hợp với điều kiện thương mại quốc tế và nâng cao chất lượng mặt hàng là một trong những rủi ro cần được quan tâm.

(5) Những yêu cầu của chính sách thương mại các quốc gia nhập khẩu, nhà nhập khẩu, người tiêu dùng và thông tin thị trường và thương mại nhóm hàng, mặt hàng hồ tiêu không được cập nhật thông tin đến người sản xuất, doanh nghiệp thương mại sẽ tạo nên những rủi ro.

(6) Quá trình thực hiện hợp đồng và quy trình xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu phải được triển khai nhưng nếu không phù hợp với điều kiện thương mại quốc tế trong điều kiện hội nhập, không phù hợp với động thái nhu cầu của thị trường nhập khẩu sẽ tạo ra rủi ro quá trình xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu.

3. Định hướng phát triển và một số giải pháp phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam

3.1. Định hướng phát triển hồ tiêu

Phát triển ngành sản xuất hồ tiêu đảm bảo chất lượng và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu và các nước trong khu vực. Triển vọng của nhóm hàng hồ tiêu là khá lơn khi nhiều dự báo đều chỉ ra rằng: “Cầu trên nhiều thị trường thế giới sẽ tiếp diễn xu hướng tăng, đặc biệt tại châu Âu và các quốc gia phát triển, với tốc độ khoảng 2-3%; Giá tiêu thế giới có thể tiếp tục tăng khi nguồn cung hạn chế”. Trong khi đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia giàu tiềm năng về xuất khẩu hồ tiêu khi sản lượng xuất khẩu chiếm trên 50% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, khó khăn chính của hồ tiêu ở Việt Nam là vấn đề đảm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều thị trường lớn ở châu Âu và thị trường Hoa Kỳ đã đưa cảnh báo về việc sử dụng quá liều thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất - xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Sự tăng trưởng nóng của các nông trại hồ tiêu trong nước trong thời gian qua (diện tích trồng hồ tiêu tăng khoảng 10-30%/năm) có thể đã đi kèm với sự lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu trong sản xuất. Hiện tượng này cần được ngành Nông nghiệp đưa ra giải pháp và quyết liệt xử lý, loại bỏ hành vi nhập hồ tiêu chất lượng cao để xuất sang các thị trường khó tính trong một vài năm qua.

Trong định hướng phát triển bền vững ngành hàng hồ tiêu Việt Nam, cần có sự liên kết hiệu quả giữa 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Theo đó, Nhà nước cần ưu tiên cho các nghiên cứu mang tính giải pháp khoa học kỹ thuật tổng hợp để quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào trong sản xuất, ưu tiên cho các nghiên cứu phát triển giống, chăm sóc và bảo vệ cây trồng, xây dựng quy trình sản xuất theo hướng VietGAP ở các vùng trồng chính... Người trồng hồ tiêu cần đầu tư thâm canh bền vững, sử dụng phân bón cân đối, tăng sử dụng nguồn phân bón hữu cơ dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách để tránh được rủi ro do dịch bệnh, duy trì sức khỏe, tuổi thọ của vườn cây và bảo vệ năng suất, chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ cao, nâng cao giá trị sản phẩm. Các bộ ngành cần chung tay để hồ tiêu Việt Nam giữ vững thị trường truyền thống và phát triển thị trường mới.

3.2. Một số giải pháp phòng tránh rủi ro trong xuất khẩu mặt hàng hồ tiêu Việt Nam

Một là, các công ty nhỏ với nguồn vốn hạn chế có thể sẽ phải tìm một giải pháp thay thế như tìm các công ty trong nước cung cấp dịch vụ khử trùng. Khử trùng bằng hơi chỉ có hiệu quả nếu quá trình sấy, bảo quản, chế biến (ví dụ như sàng, trộn, xay/nghiền), đóng gói và vận chuyển được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn. Cần tránh bị nhiễm vi sinh sau khi khử trùng. Độc tố Mycotoxins và các vi sinh khác rất nhạy cảm với khử trùng và phải được kiểm soát trong tất cả khâu trong chuỗi sản xuất. Quá trình thực hiện cần chú ý: (1) Xác định xem khách hàng có muốn tiệt trùng hơi nước không trước khi cân nhắc cung cấp dịch vụ; (2) Cập nhật thông tin về khử trùng bằng hơi nước theo điều kiện và yêu cầu của thương mại quốc tế mặt hàng; (3) Tham khảo tài liệu Cẩm nang marketing và danh bạ website cho sản phẩm hữu cơ, rau thơm và các tinh chất dầu của Tổ chức thương mại quốc tế ITC.

Hai là, Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Âu vẫn hấp dẫn do nhu cầu đối với các sản phẩm cao cấp. Tuy nhiên nên khám phá các cơ hội tại các thị trường mới nhằm phát triển mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu.

Rất khó cạnh tranh với các nhà cung cấp hạt tiêu lớn. Thay vì cạnh tranh về khối lượng ở các phân khúc thị trường lớn, định hướng phân khúc của thị trường tập trung nhiều hơn vào thị trường ngách thích hợp (ví dụ như cạnh tranh về tính bền vững, chất lượng, loại xay/nghiền). Trong phát triển thị trường xuất khẩu mới, vấn đề tiên quyết quan trọng là doanh nghiệp cải thiện mối quan hệ với các nhà cung cấp. Do đó làm việc với các công ty thu mua đáng tin cậy thực hiện kinh doanh bền vững.

Ba là, phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu theo những quy định (những yêu cầu pháp lý cũng như phi pháp lý) đối với các loại gia vị mà các thành viên ESA phải tuân thủ. Đảm bảo doanh nghiệp phải kiểm soát được các sản phẩm của mình thông qua việc phơi và bảo quản hạt tiêu thật tốt.

Đảm bảo các yêu cầu của khách hàng người tiêu dùng theo các quy định trong hệ thống quản lý thực phẩm an toàn dựa trên nguyên tắc HACCP và xem các yêu cầu phi pháp lý được quy định cụ thể.

Quốc gia có tiềm năng nhập khẩu hồ tiêu lớn cho rằng “Sấy, chế biến và bảo quản theo các phương pháp tốt hơn”. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam thảo luận kỹ với các nhà cung cấp về các phương pháp này. Đảm bảo thực hiện đúng tài liệu hướng dẫn về thực hành tốt trong sản xuất hạt tiêu -Good Agricultural Practices (GAP) Pepper (IPC), GAP Spices (IOSTA) và GMP spices (IPC) là những nguồn thông tin có giá trị.

Bốn là, cách kiểm soát tốt nhất các độc tố aflatoxin trước khi thu hoạch là thu hoạch hồ tiêu ở độ ẩm an toàn và sấy khô tới mức an toàn ngay sau khi thu hoạch; trong khi vận chuyển, hạt tiêu hoặc được phơi khô hoặc có đủ độ thoáng.

Nhiều nhà nhập khẩu có yêu cầu báo cáo thử nghiệm về mức độ nhiễm vi sinh. Doanh nghiệp có thể sử dụng cơ sở dữ liệu MRL database, trong đó liệt kê tất cả các mức dư lượng thuốc trừ sâu tối đa (MRLs). Doanh nghiệp có thể tìm kiếm về sản phẩm của mình,những loại thuốc trừ sâu được sử dụng hay danh sách các MRL liên quan đến sản phẩm của doanh nghiệp và thuốc trừ sâu.

Khuẩn salmonella có thể bị nhiễm ở tất cả các giai đoạn từ giai đoạn trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, đóng gói đến khi bán hàng. Việc duy trì sản xuất và vệ sinh tốt, cùng với việc áp dụng các nguyên tắc HACCP có tầm quan trọng rất lớn trong quá trình trồng, thu hoạch và chế biến.

Khử trùng bằng hơi là phương pháp được EU ưa chuộng để chống ô nhiễm vi sinh. Dùng phương pháp này có thể tốn kém nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích. Doanh nghiệp có thể lựa chọn việc hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ tin cậy ở nước sở tại.

Năm là, trong trường hợp bạn sử dụng phụ gia, phải đảm bảo chắc chắn rằng các chất đó hợp pháp và đã được khách hàng của doanh nghiệp đồng ý. Lưu ý ghi rõ thông tin về chất phụ gia trong bảng danh sách thành phần. Đọc thêm về phụ gia thực phẩm, các enzyme và các hương liệu trên website sau đây.

Trong một số trường hợp, hạt tiêu bị pha trộn chỉ có thể được phát hiện qua xét nghiệm cụ thể. Do đó, các đơn vị nhập khẩu sẽ chỉ mua hạt tiêu đã chế biến nếu họ tin tưởng doanh nghiệp, vì họ không muốn tốn thêm chi phí. Xây dựng niềm tin sẽ mất thời gian và đòi hỏi bạn phải thể hiện sự chuyên nghiệp và minh bạch.

Chiếu xạ ít gây tổn hại cho hương vị của các loại gia vị và rau thơm hơn tiệt trùng hơi nước. Tuy nhiên, người tiêu dùng trong EU thường thích các sản phẩm không chiếu xạ. Vì vậy, phương pháp này không được sử dụng rộng rãi. Ở các quốc gia khác (ví dụ như Hoa Kỳ) chiếu xạ dễ được chấp nhận hơn.

Sáu là, hệ thống xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu phải thường xuyên cập nhật các thông tin về chính sách thương mại xuất khẩu của các quốc gia, thông lệ thương mại quốc tế; Các thông tin về thị trường và thương mại nhập khẩu mặt hàng hồ tiêu của các quốc gia nhập khẩu… bằng những hình thức, phương pháp phù hợp. Đảm bảo để hệ thống thông tin thị trường và thương mại xuất khẩu hồ tiêu toàn diện, khách quan và cập nhật.

Bảy là, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam triển khai đồng bộ, hiệu lực đạt kết quả cao quá trình phân phối mặt hàng hồ tiêu xuất khẩu.

Tám là, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam nâng cao nguồn lực, tạo năng lực để tham gia vào chuỗi giá trị mặt hàng hồ tiêu quốc tế chú trọng đến khâu sản xuất và khâu marketing - đây là những khâu có giá trị gia tăng cao ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam (2016), Bộ Công Thương.

2. Báo cáo Xúc tiến thương mại (2016), Cục Xúc tiến thương mại.

3. Báo cáo Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (2016) (IPC-International Pepper Community).

4. Báo cáo Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam.

SITUATIONN AND SOLUTIONS TO REDUCE RISK

IN EXPORTING PEPPER OF VIETNAM

● NGUYEN HOANG NAM

Department of Strategic Management - Faculty of Business Administration

Thuong mai University

ABSTRACT:

Currently, Vietnamese pepper is exported to 97 countries and territories in Asia, Europe, America and Africa. In 2005, Vietnam joined the International Pepper Community (IPC) and when Vietnam joined the WTO in 2007, since then Vietnam's pepper industry has been more deeply involved in the international market, exporting to the fastidious markets. Japan, Netherlands, America, Germany, France, etc. Although the value of exports has been increased and export markets have been expanded, factors like international trade environment, restrictions on aquaculture, processing, preservation, export, etc., have had great impact on the export value of pepper in Vietnam.

Keywords: Pepper, export, risk prevention.