Thực trạng và hướng hoàn thiện pháp luật về thu hồi bảo hiểm xã hội ở nước ta hiện nay

TS. ĐẶNG CÔNG TRÁNG (Trưởng Khoa Luật học - Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) và TRẦN MINH TÂM (Cao học viên Luật kinh tế - Trường Đại học Trà Vinh)

TÓM TẮT:

Vấn đề an sinh xã hội được xem là một trong những nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở mọi quốc gia. Là một trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội thực sự đã trở thành một công cụ đắc lực và hiệu quả giúp cho Nhà nước điều tiết xã hội trong nền kinh tế thị trường, gắn kết giữa phát triển kinh tế với thực hiện công bằng, tiến bộ và phát triển xã hội bền vững. Bài viết nghiên cứu các vấn đề về pháp luật liên quan đến công tác thu bảo hiểm xã hội tại Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp về chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Từ khóa: Bảo hiểm xã hội, pháp luật, an sinh xã hội, chính sách.

1. Đặt vấn đề

Tại Việt Nam, việc thực hiện Bảo hiểm xã hội cho người lao động luôn được quan tâm, thông qua việc mở rộng độ bao phủ và nâng cao hiệu quả của chính sách Bảo hiểm xã hội, nhằm phát huy đầy đủ vai trò trụ cột của Bảo hiểm xã hội, góp phần quan trọng không chỉ cho sự phát triển kinh tế, mà còn nhằm mục tiêu ổn định xã hội và an sinh cho mọi người dân. Những nội dung này đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020. Nghị quyết này nêu rõ: “Hệ thống an sinh xã hội phải đa dạng, toàn diện, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, giữa các nhóm dân cư trong một thế hệ và giữa các thế hệ; bảo đảm bền vững, công bằng và với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia Bảo hiểm xã hội;…”. Tiếp đó, tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020 đã tiếp tục khẳng định và đặt ra mục tiêu “Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

2. Tình hình thu bảo hiểm ở nước ta từ năm 2014 đến nay

Theo báo cáo qua các năm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tình hình thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế từ năm 2014 đến nay được thống kê ở bảng dưới đây:

Bảng thống kê số ngươi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2014 đến năm 2016

ĐVT: Tỷ đồng

Từ bảng số liệu trên ta thấy, năm 2014, số đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thân thể là 64.866.201 người, tăng 4,8% so với năm 2013; số thu đạt 197.727,7 tỷ đồng (chưa bao gồm số tiền thu lãi phạt chậm đóng của các đơn vị: 458,8 tỷ đồng), đạt 102,3% so với kế hoạch được giao, tăng 20,5% so với năm 2013; số nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp năm 2014 là 7.278,8 tỷ đồng, chiếm 4,09% so với tổng số phải thu, trong đó riêng nợ đọng Bảo hiểm xã hội là 5.578 tỷ đồng.

Năm 2015, tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn là 70,2 triệu người, tăng 6,8% so với năm 2014; tổng số thu là 216.576,9 tỷ đồng, đạt 106,2% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 9,5% so với năm 2014. Số nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn được kiểm soát ở mức 7.651,6 tỷ đồng, bằng 3,68% so với tổng số phải thu, giảm 1.021,2 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó riêng nợ đọng Bảo hiểm xã hội là 5.692 tỷ đồng.

Năm 2016, theo tính toán của tác giả, tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn là 70,32 triệu người, tăng 17,06% so với năm 2015; tổng số thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn là 230.005 tỷ đồng, số nợ đọng tổng thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn là 8.050 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng Bảo hiểm xã hội đang có chiều hướng gia tăng. Trong khi 8 tháng cuối năm 2015, riêng nợ đọng Bảo hiểm xã hội ở các doanh nghiệp ở mức hơn 7.000 tỷ đồng thì đến giữa năm 2016, con số này đã tăng lên hơn 14.000 tỷ đồng.

Như vậy, nợ đọng Bảo hiểm xã hội ngày càng gia tăng trầm trọng, chỉ riêng tính đến giữa năm 2016 và chỉ tính đối với các doanh nghiệp đã đưa số nợ Bảo hiểm xã hội lên đến 14.000 tỷ đồng. Đây là vấn đề nổi cộm cần giải quyết vì ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm xã hội.

3. Những tồn tại và nguyên nhân khó khăn trong thu bảo hiểm xã hội ở nước ta hiện nay

Thứ nhất, chưa có biện pháp hữu hiệu để quản lý toàn bộ số lao động tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật. Đặc biệt là đối với các lao động thuộc khu vực ngoài quốc doanh, khu vực tư nhân và các khu vực khác.

Thứ hai, chưa có chế tài cụ thể làm hành lang pháp lý cho việc thực hiện Bảo hiểm xã hội và xử phạt doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Thứ ba, chậm có văn bản hướng dẫn về các khoản thu nhập của người lao động làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội, tình trạng đơn vị sử dụng lao động né sang khoản chi trả khác mà không tham gia đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động còn phổ biến ở các doanh nghiệp.

Thứ tư, số tiền nợ Bảo hiểm xã hội ngày càng tăng.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có thể thấy từ hai phía sau đây:

+ Về phía cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hiểm xã hội:

- Ở Trung ương: Cơ chế chính sách, chế tài ban hành chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tế, chậm được tiến hành triển khai nên cũng làm ảnh hưởng đến việc đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống.

- Ở địa phương: Cơ quan Bảo hiểm xã hội một số tỉnh, thành phố mới chỉ tập trung mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội ở khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoặc các đơn vị có nguồn lao động lớn, chưa chú ý mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội ở khu vực ngoài quốc doanh, ngoài công lập. Trong kiểm tra, giám sát chưa đánh giá, phân tích hết những nguyên nhân tồn tại, để tìm biện pháp tháo gỡ, còn đỗ lỗi tại khách quan. Một số địa phương chưa tập trung điều tra, khảo sát, nắm bắt tình hình những thông tin cần thiết phục vụ cho việc mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội.

- Đội ngũ cán bộ công nhân viên chức hoạt động trong công tác Bảo hiểm xã hội nói chung, công tác quản lý thu nói riêng còn thiếu trách nhiệm, chưa chủ động trong quá trình làm việc, tác phong làm việc còn chưa cao, chưa bám sát cơ sở, bám sát người lao động việc giải thích, tuyên truyền, quảng cáo còn chung chung, hiệu quả thấp.

- Thủ tục hành chính còn rườm rà, người lao động còn mất nhiều thời gian để giải quyết các khoản trợ cấp Bảo hiểm xã hội, sẽ tác động ngược trở lại, người lao động và người sử dụng lao động không hào hứng để tham gia đóng Bảo hiểm xã hội; thậm chí tìm nhiều biện pháp né đóng Bảo hiểm xã hội càng nhiều càng tốt.

- Công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về nghĩa vụ đóng Bảo hiểm xã hội còn thiếu và chưa kết hợp chặt chẽ trong hoạt động của các cơ quan quản lý.

+ Về phía người lao động và đơn vị sử dụng lao động:

- Ý thức tự giác đóng Bảo hiểm xã hội của người lao động và đơn vị sử dụng lao động nhất là khu vực ngoài quốc doanh còn hạn chế. Người lao động chưa có nhận thức đúng về Bảo hiểm xã hội.

- Một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không có tiền nộp Bảo hiểm xã hội. Một số doanh nghiệp cố tình không nộp và chậm nộp, thậm chí một số doanh nghiệp khai giảm lao động và quỹ tiền lương, nhất là đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Có nhiều doanh nghiệp đã lách luật bằng cách ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng, doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì khai số lao động dưới 10 người để tránh nhiệm vụ đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động,…

4. Đề xuất một số giải pháp về thực thi pháp luật nhằm hoàn thiện công tác quản lý thu Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới

Pháp luật hiện hành quy định: Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng thực hiện chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội và quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Đây là tổ chức chuyên trách được Chính phủ giao trách nhiệm thực thi pháp luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam được tổ chức theo hệ thống dọc 3 cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, hoạt động theo cơ quản lý tập trung, thống nhất trong toàn ngành. Do vậy, để khắc phục những hạn chế và tồn tại ở trên, nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội; phù hợp với xu thế phát triển Bảo hiểm xã hội trong khu vực và thế giới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tiếp tục kiện toàn cách thức tổ chức trong công tác thu Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Một là: Về thể chế, tiếp tục rà soát hệ thống các văn bản quản lý thu Bảo hiểm xã hội để sửa đổi bổ sung, hoàn thiện các quy định, quy trình, thủ tục thu nộp Bảo hiểm xã hội. Tiếp tục kiện toàn về tổ chức bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ Trung ương xuống địa phương theo hướng thu gọn đầu mối. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng tổ chức, từng cá nhân, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đơn vị, cũng như cơ chế phối hợp với các cơ quan nhà nước khác trong việc thực thi pháp luật. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tạo sự năng động, chủ động thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục phân cấp Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, cấp huyện nhằm tạo sự chủ động cho cơ sở nâng cao ý thức trách nhiệm thực thi nhiệm vụ. Củng cố tổ chức Bảo hiểm xã hội cấp huyện để vươn tới quản lý hoạt động Bảo hiểm xã hội ở cấp cơ sở, xã, phường, thị trấn nhằm thực hiện chủ trương mở rộng đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội trong những năm tới.

Hai là: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, công khai hóa các thủ tục hồ sơ, giấy tờ và các bước thực hiện; cải tiến lề lối làm việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia Bảo hiểm xã hội, tránh gây phiền hà, sách nhiễu, chuyển đổi phong cách làm việc từ hành chính sang phong cách phục vụ. Mọi hoạt động thực thi pháp luật phải hướng tới việc lấy phục vụ người lao động, phục vụ con người làm mục tiêu.

Ba là: Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chức danh, thay thế những người có năng lực hạn chế, tín nhiệm thấp hoặc đạo đức sa sút không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, tuyển chọn công chức, viên chức vào ngành chặt chẽ trên cơ sở tiêu chuẩn. Theo đó, cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở quy hoạch cán bộ công chức. Trước hết, chú trọng bồi dưỡng về chính trị và tư tưởng, quan điểm kiên định, vững vàng trước mọi thử thách, đạo đức nghề nghiệp; bồi dưỡng về tri thức: tài chính, ngoại ngữ, tin học; đặc biệt bồi dưỡng thường xuyên các tri thức mới, kiến thức quản lý mới, nhằm đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bốn là: Cần làm tốt công tác quản lý chế độ chính sách, không ngừng cải tiến thủ tục giải quyết chế độ chính sách theo phương châm “nhanh chóng, thuận tiện, đúng, đủ” nhằm tạo lòng tin của đơn vị và người lao động đối với cơ quan Bảo hiểm xã hội; Đồng thời tổ chức tốt công tác tiếp công dân, giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc phạm vi thẩm quyền theo đúng luật định; Làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ, đặc biệt đối với đơn vị đăng ký mới, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các đơn vị làm thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội và giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội để đơn vị không cảm thấy khó khăn, phiền phức khi chủ động tham gia Bảo hiểm xã hội.

Năm là: Cải cách thủ tục hành chính trong công tác giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội, theo hướng:

- Cần tạo điều kiện trong thanh toán, giải quyết chính sách cho đối tượng:

+ Tập trung đầu mối quản lý, cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp sổ Bảo hiểm xã hội cho người lao động chỉ ở một nơi. Chỉ khi nào người lao động chuyển sang đơn vị sử dụng lao động khác mới làm thủ tục di chuyển sổ Bảo hiểm xã hội, tránh tình trạng cứ thay đổi đơn vị làm việc là làm sổ mới.

+ Quy trình giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội cho người lao động nghỉ hưu, tử tuất, có thể rút gọn lại, chỉ cần ở khâu cuối cùng là các giấy tờ liên quan đến việc nghỉ hưu, tử tuất như đơn của người lao động, giấy chứng tử, quyết định cho nghỉ hưu (1 lần hoặc dài hạn) của đơn vị sử dụng lao động, quyết định hưởng của cơ quan Bảo hiểm xã hội (theo phân cấp) và sổ bảo hiểm là đủ; Không cần phải có giấy xác nhận quá trình tham gia Bảo hiểm xã hội, tờ khai hoàn cảnh gia đình như hiện nay.

- Hoàn thiện quy trình giải quyết chế độ Bảo hiểm xã hội bằng sổ Bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại Quyết định số 1443/LĐ - TBXH ngày 09/10/1995 của Bộ Lao động - Thương binh xã hội thì sổ Bảo hiểm xã hội để làm căn cứ giải quyết các chế độ Bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay trong quy định cũng như trong thực tiễn quá trình giải quyết các chế độ Bảo hiểm xã hội cho người lao động, do nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân sổ Bảo hiểm xã hội cấp cho người lao động hiện nay chưa hoàn chỉnh hoặc không chính xác, không đảm bảo độ tin cậy… nên người lao động và đơn vị sử dụng lao động vẫn kèm theo nhiều thứ giấy tờ, hồ sơ khi làm thủ tục hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo sổ Bảo hiểm xã hội mang đầy đủ tính chất và tầm quan trọng vốn có của nó. Ngoài những vấn đề hoàn thiện về quy trình quản lý thu nộp Bảo hiểm xã hội, hoàn thiện cấp, quản lý và sử dụng sổ Bảo hiểm xã hội nêu trên, việc hoàn thiện quy trình giải quyết các chế độ thông qua sổ mới đảm bảo cho việc cải cách thủ tục hành chính đầy đủ và thông suốt.

Sáu là: Tăng cường ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý. Trong những năm qua, việc sử dụng công nghệ thông tin quản lý đối với nước ta còn mới mẻ, song hiệu quả đạt được đã chứng tỏ cho thấy so với phương thức quản lý cũ (mang tính thủ công) việc áp dụng công nghệ tin học đã đẩy công tác quản lý lên một bước, không chỉ đảm bảo trên phương diện thống kê, lưu trữ mà còn phục vụ cho việc tác nghiệp xử lý công việc và thông tin nhanh chóng, chính xác, giảm bớt những thông tin không cần thiết, thời gian cho cán bộ chuyên tâm nghiên cứu nghiệp vụ tham gia Bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là cơ sở để giải quyết mọi chính sách, chế độ cho người lao động có đủ điều kiện và yêu cầu được hưởng các chế độ Bảo hiểm xã hội theo luật định. Vì vậy, công việc quản lý đòi hỏi phải cập nhật, lưu trữ một khối lượng số liệu lớn, thời gian dài, cung cấp đầy đủ lượng thông tin cần thiết về công tác thu, nộp Bảo hiểm xã hội và giải quyết các chế độ chính sách giúp lãnh đạo Bảo hiểm xã hội các cấp kịp thời chỉ đạo các công tác quản lý nhanh, tránh tình trạng chờ đợi cho người lao động cũng như đơn vị sử dụng lao động.

Bảy là: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội là hết sức cần thiết. Tuyên truyền cho người lao động nhận thức được đầy đủ mục tiêu, ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách Bảo hiểm xã hội đối với đời sống của người lao động và yêu cầu an sinh xã hội. Để đạt được mục đích trên, cần tăng thời lượng phát sóng, tổ chức các chuyên trang chuyên đề. Các báo, tạp chí Bảo hiểm xã hội cần tăng số trang, số lượng bài viết hoặc mở riêng chuyên mục về Bảo hiểm xã hội hàng tuần, hàng kỳ. Mặc khác, cần phê bình những doanh nghiệp lợi dụng ke hở trong chính sách, trong cơ chế quản lý Bảo hiểm xã hội để trốn đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động. Đồng thời tích cực biểu dương những doanh nghiệp đóng Bảo hiểm xã hội đầy đủ. Tổ chức thi tìm hiểu chính sách, chế độ Bảo hiểm xã hội bằng nhiều hình thức, với những biện pháp cụ thể và theo một phạm vi hoặc lĩnh vực nhất định.

Tám là: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật. Để khắc phục những bất cập hiện nay trong quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra cũng như tổ chức thực hiện pháp luật Bảo hiểm xã hội trong khi chưa sửa được những văn bản pháp luật của Nhà nước, cần:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành: Thanh tra lao động, thanh tra tài chính, thanh tra y tế và kiểm tra của cơ quan Bảo hiểm xã hội, kiểm tra liên ngành sẽ tránh được hiện tượng chồng chéo, trùng lặp thường xảy ra trong thanh tra, kiểm tra. Mặt khác sẽ tập trung được việc thanh tra, kiểm tra vào những đơn vị trọng điểm có dấu hiệu vi phạm pháp luật Bảo hiểm xã hội.

- Việc kết luận của thanh tra, kiểm tra có hiệu lực thực hiện ngay sau thanh tra, kiểm tra, không cần chờ ý kiến của cơ quan Nhà nước có thểm quyền mới thực hiện, vì ở đây cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trực tiếp tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra. Nếu phát hiện vi phạm pháp luật Bảo hiểm xã hội thì kiên quyết phải xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Khi có tranh chấp trong quan hệ Bảo hiểm xã hội cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng cần giải quyết theo đúng pháp luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2013.

2. Nghị định số 115/2015 NĐ-TTg CP hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm xã hội.

3. Quyết định số 1443/LĐ - TBXH ngày 09/10/1995 của Bộ Lao động - Thương binh xã hội.

4. Nghị định134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội tự nguyện.

5. Quyết định số 15/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về mức chi phí quản lý Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2016 - 2018.

THE CURRENT SITUATION AND ORIENTATION

OF ENHANCING LAWS ON COLLECTING SOCIAL

INSURANCE FEES IN VIETNAM


Ph.D. DANG CONG TRANG

Head of Faculty of Law, Industrial University of Ho Chi Minh City

TRAN MINH TAM

Master in Economic Laws Program, Tra Vinh University

ABSTRACT:

Social security is considered one of the cornerstones of economic development and social stability in most countries. As a pillar in the social security policy system, the social insurance has become a powerful and effective tool to help Vietnam’s government regulate society under a market economy and develope Vietnam’s economy with equitable, progressive and sustainable social development. This study analyses issues related to the collection of social insurance fees in Vietnam and proposes solutions related to social insurance policies in the coming time.

Keywords: Social insurance, law, social security, policy.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây