Thực trạng và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất qua thực tiễn tại tỉnh Bắc Ninh

Nguyễn Thanh Tùng (Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Bắc Ninh )

TÓM TẮT:
Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trên cơ sở đó tìm ra nguyên nhân những bất cập còn tồn tại và đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả của cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên thực tế.
Từ khóa: Pháp luật, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu, tài sản, tỉnh Bắc Ninh.

1. Đặt vấn đề
Tỉnh Bắc Ninh có diện tích 822,7 km2, với dân số xấp xỉ 1.183.600 người (số liệu tính đến năm 2017). Trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 59,3%, đất phi nông nghiệp chiếm 40,4%; 0,3% diện tích đất chưa sử dụng (theo số liệu năm 2017). (Bảng 1) Nhìn chung, trong giai đoạn từ năm 2012 đến cuối năm 2017 (5 năm), tỉnh Bắc Ninh có nhiều sự biến động về đất đai. Dưới sự tác động của việc tăng trưởng, phát triển nền kinh tế, tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa cao của toàn tỉnh, số lượng đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp bị giảm đi, chuyển sang mục đích phi nông nghiệp và những khu đất chưa được sử dụng nay đã được tận dụng tối đa.
2. Thực trạng về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất qua thực tiễn tại Bắc Ninh
Trong thời gian qua, công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các loại đất trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng đất phát huy quyền và lợi ích hợp pháp của mình, góp phần ngăn chặn được các giao dịch không đăng ký tại cơ quan nhà nước. Công tác đo đạc bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành.
Đối với đối tượng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu mà đất có nguồn gốc ông cha để lại, sử dụng ổn định, hợp pháp từ trước năm 1980, kết quả đất 88,6%. (Bảng 2) Công tác lập sổ địa chính
100% số đơn vị cấp xã lập sổ địa chính cho các thửa đất đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và sử dụng, cập nhật, chỉnh lý thường xuyên các biến động đất đai, thông tin thửa đất vào sổ địa chính dạng giấy.
Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính
Tỉnh Bắc Ninh đã hoàn thành việc đo đạc và lập bản đồ địa chính toàn tỉnh với 126/126 đơn vị hành chính cấp xã, diện tích đo đạc 82.271,1 ha, đạt 100% so với diện tích tự nhiên (bao gồm: bản đồ tỷ lệ 1/500, diện tích 3.871,6 ha; bản đồ tỷ lệ 1/1000, diện tích 32.046,9 ha; bản đồ 1/2000, diện tích 46.442,7 ha); số thửa đất đã đo đạc lập bản đồ địa chính 1.042.680 thửa.
Quản lý hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai
Đến nay, đã hoàn thành dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai cho 21 xã, phường, thị trấn, trong đó hoàn thành dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai thị xã Từ Sơn 12/12 xã, phường. Hiện nay, dữ liệu địa chính của 21 xã, phường, thị trấn được tích hợp vào cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh.
Đang thực hiện cơ bản xong 14 xã, thị trấn của huyện Lương Tài; đang triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai huyện Gia Bình. (Bảng 3, 4) Ban hành các văn bản pháp luật
Từ ngày 01/7/2014 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành, gồm:
Quyết định số 322/2014/QĐ-UBND ngày 16/7/2014 về việc ban hành đơn giá đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Quyết định số 333/QĐ-UBND ngày 31/7/2014 về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2014 để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức và tính tiền thuê đất. Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 27/12/2016 về việc ban hành giá dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất mới hoặc cho phép thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất ở những nơi chưa có bản đồ địa chính có tọa độ.
Việc ban hành các văn bản pháp luật đã tạo ra hành lang pháp lý phù hợp với các yếu tố và điều kiện của địa phương, kịp thời và đầy đủ tạo điều kiện cho việc quản lý và sử dụng tốt tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong việc tranh chấp quyền sử dụng đất
Số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo hàng năm về lĩnh vực đất đai chiếm trên 60%, vì vậy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai được lãnh đạo địa phương đặc biệt quan tâm. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh giải quyết các đơn thư, phát hiện kịp thời và xử lý các vi phạm không để tồn tại những bức xúc cho người dân, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất.
Về cải cách thủ tục hành chính
Theo Quyết định số 634/QĐ-BTNMT ngày 29/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 29/6/2016 công bố danh mục và nội dung 74 thủ tục hành chính được chuẩn hóa áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Để thuận lợi cho cho cá nhân, tổ chức được hưởng quyền lợi hợp pháp của mình, sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh đã chủ động nghiên cứu, rà soát, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất xuống còn 12 ngày (so với 15 ngày hiện hành).
Ngày 17/05/2017, trung tâm hành chính công được đưa vào hoạt động theo Quyết định số 99/2017/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, thể hiện quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh nhằm tạo chuyển biến, đột phá trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cách thức làm việc công khai, minh bạch, thân thiện với người dân.
Công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai
Để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, UBND tỉnh đã ban hành 13 văn bản pháp luật:
- Quyết định ban hành đơn giá đo đạc địa chính, đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
- Quy định hạn mức giao đất ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở; hạn mức công nhận đất ở; hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng trên địa bàn tỉnh.
- Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và thực hiện trình tự thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh.
- Quy định cơ chế phối hợp và thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.
- Quy định thu, quản lý và sử dụng các loại phí, lệ phí tài nguyên và môi trường thực hiện trên địa bàn tỉnh.
- Quy định trình tự, thủ tục xác định giá đất cụ thể trên địa bàn tỉnh.
- Quy định về đơn giá thuê đất trên địa bàn tỉnh.
- Quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá áp dụng trên địa bàn tỉnh.
- Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.
- Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trên địa bàn tỉnh.
- Quy chế thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai.
- Quy chế phối hợp giữa Trung tâm phát triển quỹ đất với UBND các huyện, thị xã, thành phố, phòng Tài nguyên và Môi trường, cơ quan tài chính và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.
Việc ban hành các văn bản pháp luật nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương về đất đai theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã kịp thời và đầy đủ tạo điều kiện cho việc quản lý và sử dụng tốt tài nguyên đất đai trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm vừa qua, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều thành tựu đáng kể, tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở chiếm tỷ lệ cao (năm 2017 đạt tỷ lệ là 94,03%), đưa vào quy hoạch nhiều khu vực chưa sử dụng đất góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách cho Tỉnh (lệ phí). Để đạt được kết quả như vậy là những nỗ lực lớn của các cấp chính quyền địa phương của tỉnh, người dân cũng góp phần để người thi hành pháp luật thực hiện công việc dễ dàng hơn, và nhất là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Lập quy hoạch sử dụng đất
Tỉnh Bắc Ninh đã lập quy hoạch kế hoạch sử dụng đất vào năm 2013, nhưng do sự phát triển kinh tế xã hội trong tỉnh, đòi hỏi phải có tầm nhìn xa hơn trong việc quy hoạch đất đai, phấn đấu hướng tới mục tiêu năm 2022 tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Vì vậy Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương tổ chức nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh việc sử dụng đất của tỉnh.
3. Những thuận lợi, khó khăn còn tồn tại trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh
3.1. Thuận lợi
Để đạt được kết quả như vậy, chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã quan tâm đến công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách toàn diện, từ việc lập kế hoạch, giao chỉ tiêu, đến việc tổ chức thực hiện, theo sát tiến độ hàng năm của các huyện, đồng thời không ngừng bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn và đầu tư một lượng ngân sách lớn cho các trang thiết bị cần thiết để phục vụ công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách tốt nhất, như: xây dựng bản đồ được số hóa tỷ lệ 1/1000, xây dựng hệ thống phần mềm quản lý đất đai, thuận tiện cho việc tra cứu và quản lý thông tin. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết, cụ thể giúp cho công tác quản lý đất đai nói chung và công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng ngày càng có hiệu quả thay vì chỉ đơn thuần ra sức tuyên truyền, vận động qua thông tin đại chúng.
Việc quy định các loại giấy tờ khác được lập trước ngày 15/10/1993 (cụ thể hóa điểm g khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 trong Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ) giúp người thi hành pháp luật áp dụng dễ dàng, thống nhất, tránh tình trạng nơi công nhận loại giấy tờ này, nơi thì không, đảm bảo được quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất.
Mở rộng đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 nhưng đã sử dụng ổn định trước ngày 01/7/2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Về thời hạn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được giảm so với quy định trước đây, theo quy định hiện hành tại Điều 61 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, thời gian cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu không quá 30 ngày, thay vì quy định là 50 ngày như trước đây, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Điều 29 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ, có ngoại lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường hợp có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu (<30m2) là những thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của UBND cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành thì chủ sử dụng đất sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 22/12/2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ra Quyết định số 529/2014/QĐ-UB để người dân và cán bộ của cơ quan quản lý nhà nước không bị lúng túng trong việc thực hiện quy định của pháp luật trên địa bàn.
3.2. Khó khăn tồn tại
Bên cạnh đó, công tác Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân tại tỉnh Bắc Ninh còn một số khó khăn, vướng mắc.
Từ phía người sử dụng đất:
Tại Điều 7 Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/06/2011 của Chính phủ, quy định mức thu lệ phí trước bạ là 0,5% trên giá trị đất, lệ phí trước bạ là khoản tiền mà các tổ chức, cá nhân phải nộp khi đăng ký quyền sở hữu, sử dụng với Cơ quan có thẩm quyền. Nhiều người dân không đủ khả năng nộp tiền nên không thiết tha với việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Tại Khoản 3, Điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 quy định chi tiết “Trường hợp đất giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/07/2004 không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…”. Tuy nhiên, trường hợp người sử dụng đất không có giấy tờ hợp lệ do mua bán viết tay sau ngày 01/7/2004 hiện đang sử dụng ổn định, phù hợp quy hoạch và không có tranh chấp, khiếu nại thì chưa được đề cập.
Từ phía pháp luật hiện hành:
Các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay như: Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ - CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Nghị định số 44/2014/NĐ - CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất, Nghị định số 104/2014/NĐ/NĐ - CP ngày 14/11/2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về việc “Sửa đổi bổ sung một số Nghị định, Quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai”, Thông tư số 23/2014/TT - BTNMT ngày 19/05/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/09/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường “Quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP”… Ngoài ra, còn rất nhiều các văn bản của Ủy ban nhân dân Tỉnh quy định về quy hoạch sử dụng đất, diện tích đất tối thiểu để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về giá đất, giá dịch vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính, giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức…
Hệ thống pháp luật về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhiều văn bản (Nghị định, Quyết định, thông tư) và thường xuyên thay đổi và liên tục có những sửa đổi, bổ sung, được nhiều cơ quan ban hành nên việc cập nhật, vận dụng của các đơn vị hành chính, cán bộ địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong việc cập nhật, áp dụng.
Từ phía người thi hành pháp luật:
Việc thực hiện quy trình xét giao đất chưa thật sự công khai, minh bạch; hoạt động của hội đồng tư vấn xét cấp đất, xác định nguồn gốc đất tại một số nơi còn bất cập. Giữa quản lý, sử dụng đất của người dân trên thực tế với hồ sơ quản lý của cơ quan nhà nước chưa thống nhất làm phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh về hành vi hành chính trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chỉ tính từ năm 2012 đến nay, tòa án 2 cấp đã xét xử 60 vụ án hành chính, tranh chấp dân sự và đã chấp nhận hủy 34 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chiếm 57%).
Về chủ quan, cán bộ còn bất cập về trình độ, năng lực chuyên môn, thiếu kinh nghiệm và am hiểu về lịch sử, nguồn gốc, quá trình sử dụng đất. Việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi sai phạm chưa nghiêm. Hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn thấp.
Tuy nhiên cùng với yếu tố khách quan, lực lượng cán bộ mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều mảng việc nên hiệu quả hoạt động chưa cao khi tiếp nhận hồ sơ không kiểm tra kỹ, hướng dẫn đầy đủ làm cho người dân phải đi lại nhiều lần; thời gian thực hiện các thủ tục kéo dài, kinh phí phục vụ cho công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, chỉnh lý biến động đất đai phân bổ chậm và chưa đáp ứng theo yêu cầu. Đây là khó khăn lớn không chỉ tồn tại ở riêng tỉnh Bắc Ninh, mà cũng là vấn đề chung của cả nước.
Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tỉnh Bắc Ninh vẫn còn những vướng mắc, khó khăn trên thực tế xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau. Từ đó đánh giá những mặt hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, cần đưa ra một số đề xuất, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới.
4. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất qua thực tiễn tại Bắc Ninh
4.1. Định hướng hoàn thiện pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân
Thứ nhất, cần phải hoàn thiện pháp luật về đất đai nói chung và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng. Đặc biệt trong việc hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Các quy định liên quan về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần được thực hiện đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thứ hai, cần có quy định hướng dẫn cụ thể về việc người được quyền nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong trường hợp người chủ sử dụng đất đã hoàn tất hồ sơ kê khai xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng người chủ sử dụng đất chưa đến nhận thì bị chết. Bên cạnh đó, cũng cần hoàn thiện pháp luật về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp đã lập hợp đồng mua bán, tặng cho nhưng người mua, người nhận chưa kịp làm thủ tục bị chết sau khi hoàn thành việc mua bán, tặng cho mà thủ tục chưa hoàn thành.
Thứ ba, việc một số cán bộ ở xã phường giao bán đất trái thẩm quyền, nhưng đến khi phát hiện thì người dân đã ở ổn định, phù hợp với quy hoạch. Vậy làm sao để quyền và lợi ích hợp pháp của người dân không bị ảnh hưởng, khi bản thân họ không biết được việc giao bán đất đó là trái quy định của pháp luật.
Thứ tư, mức phí thu lệ phí trước bạ là 0,5% giá trị đất còn cao so với điều kiện kinh tế chung, khi quỹ đất có hạn, mức đô thị hóa ngày càng cao, một ví dụ điển hình ở tỉnh Bắc Ninh, điều kiện kinh tế phát triển kéo theo lượng lớn dân nhập cư, họ có nhu cầu định cư cố định tại nơi làm việc. Việc hoàn thiện các thủ tục và yêu cầu về tài chính là gánh nặng lên vai người sử dụng đất khi có nhu cầu đăng ký quyền sử dụng đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất.
4.2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân
4.2.1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về đất đai
Các văn bản pháp luật về đất đai là căn cứ pháp lý duy nhất để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Do vậy, các văn bản cần đơn giản, dễ hiểu nhưng vẫn phải đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý, cần thống nhất các văn bản và nên có văn bản hướng dẫn đi kèm để tránh việc lúng túng khi thực hiện.
Hệ thống văn bản bản pháp luật được ban hành phải đúng thẩm quyền, tránh tình trạng ban hành các văn bản trong một thời gian ngắn khi đưa vào thực hiện lại không phù hợp với thực tiễn, phải hủy bỏ, bổ sung, điều chỉnh, khiến người thi hành và người dân không cập nhật kịp thời và mất thời gian trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
4.2.2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả
a. Về cải cách thủ tục hành chính:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thường xuyên rà soát các thủ tục hành chính lạc hậu, không còn phù hợp để kịp thời loại bỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân khi đến làm việc với cơ quan quản lý hành chính Nhà nước; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức công vụ và ý thức phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức, hạn chế, ngăn chặn tình trạng tham ô, tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân.
Bên cạnh đó, cần thực hiện việc cải cách theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. Có thể nhận thấy cơ chế "một cửa" là giải pháp đổi mới hữu hiệu về phương thức làm việc của cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
b. Tăng cường lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương:
Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; chỉ đạo Sở tài nguyên và môi trường, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Ủy ban nhân dân các phường, xã tập trung cao thực hiện việc lập hồ sơ, xét duyệt, xử lý dứt điểm đối với các trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các phường, xã; kịp thời giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
c. Tổ chức cán bộ:
Cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thi hành pháp luật nói chung và trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói riêng. Bên cạnh đó, tăng cường đào tạo, mở các lớp tập huấn để nâng cao trình độ, hiểu biết, cập nhật kịp thời hệ thống pháp luật, thông tin liên quan đến việc Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cán bộ địa chính, đảm bảo sự ổn định.
Tăng cường thanh tra giám sát việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm phạm luật. Cần thiết lập và công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân.
d. Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
Các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như: Máy tính, máy in màu để in giấy chứng nhận, máy photo, máy đo đạc toàn đạc điện tử, máy chủ và đường truyền số liệu đủ mạnh để truyền số liệu về văn phòng đăng ký đất đai, máy scan để quét, sao lưu giấy chứng nhận và các giấy tờ gốc về đất đai do công dân nộp kể từ ngày 01/01/2016 theo qui định tại Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27/01/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thông tin đất đai để người dân có thể tìm hiểu, nắm bắt thông tin nhanh chóng, thuận lợi, góp phần nâng cao hiệu quả làm việc.
e. Thông tin tuyên truyền:
Người dân cần có nhận thức về pháp luật đất đai một cách đẩy đủ, hiểu rõ hơn về thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Công tác tuyên truyền trong cộng đồng dân cư phải được tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều cách thức, nhiều kênh thông tin khác nhau.
g. Giải pháp khác:
Cần phải công khai minh bạch quỹ đất, khu vực đất quy hoạch, cũng như thông tin về đất cho người dân biết, đó là quyền lợi để người dân tham gia trực tiếp vào việc tìm hiểu thông tin về mảnh đất. Tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị của người dân, trả lời đầy đủ thỏa mãn nhu cầu của người dân, tiếp thu các ý kiến có giá trị xây dựng cho công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
5. Kết luận
Bên cạnh những thành tựu đạt được là hơn 20 năm cố gắng phát triển hoàn thiện của ngành địa chính tỉnh Bắc Ninh. Tuy nhiên, vẫn còn bất cập tồn tại trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền đó là thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của Chính quyền và người dân trong toàn tỉnh.
Nếu các giải pháp trên được phát huy một cách đồng bộ và tối đa, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ được đẩy mạnh cả về tiến độ và chất lượng, tạo thuận lợi vô cùng lớn cho công tác quản lý đất đai, và đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất hợp pháp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Báo cáo đánh giá việc tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh.
2. Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19 - NQ/TW ngày 10/5/2017 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh.
3. Báo cáo tổng kết Kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và phương hướng thực hiện năm 2018 của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bắc Ninh.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh, “Quá trình hình thành và phát triển”, website: http://stnmt.bacninh.gov.vn
5. Báo cáo tổng kết Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bắc Ninh năm 2017.
6. Chính phủ (2017), Nghị định số 01/2017/NĐ - CP ngày 06/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
7. Nguyễn Thị Yến (2017), Pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân từ thực tiễn tỉnh Bắc Ninh, Luận văn Thạc sỹ khoa Luật, Viện Đại học mở Hà Nội.
8. Trương Thanh Thủy (2017), Pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam - Luận văn thạc sĩ khoa Luật, Học viện Khoa học xã hội - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
9. Quốc hội (2013), Luật Đất đai năm 2013, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
10. PGS.TS. Doãn Hồng Nhung (2015), Hành lang pháp lý mới về chế độ quyền sử dụng đất hiện nay. Tạp chí Tài nguyên và Môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số 14, trang 38-40.

SITUATION AND SOME SOLUTIONS TO IMPROVE THE LAW ON THE GRANTING OF LAND USE RIGHT CERTIFICATES, OWNERSHIP OF HOUSES AND OTHER ASSETS ATTACHED TO LAND IN BAC NINH PROVINCE

NGUYEN THANH TUNG

People's Procuracy of Bac Ninh City

ABSTRACT:

The paper focuses on the status of granting land use right certificates, ownership of houses and other assets attached to land in Bac Ninh province. On that basis, the article points out the remaining shortcomings and proposes measures to raise the efficiency of granting certificates of land use right and ownership of houses and other assets attached to land.

Keywords: Law, land use right certificate, ownership, property, Bac Ninh province.