Thực trạng và xu hướng xây dựng lại chợ truyền thống trong các đô thị hiện nay: Vấn đề và giải pháp

Mở đầu Thế kỷ 21 là thế kỷ bùng nổ các đô thị. Đây là thế kỷ đô thị đầu tiên mà đến cuối thế kỷ này phần lớn dân cư sẽ sống trong các khu đô thị (KĐT). Đô thị hóa là xu thế khách quan và là một tron

Trong quy hoạch hệ thống các công trình dịch vụ đô thị, chợ là một trong 5 loại công trình dịch vụ cơ bản trong đô thị (4 loại khác là: giáo dục, y tế, thể dục thể thao, và văn hóa). Các loại hình chợ trong đô thị thì có thể kể: Chợ tổng hợp, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, chợ truyền thống…Theo điều tra của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, hiện nay trên cả nước có gần 9000 chợ truyền thống, 80% hàng hóa chuyển qua kênh phân phối này. Qua đây ta thấy mức độ quan trọng của chợ truyền thống trong phân phối bán lẻ. 

Chợ truyền thống là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân, nơi thể hiện bộ mặt và trình độ phát triển của cả vùng miền. Khách phương xa đến thường ghé chợ tham quan, mua sắm và ít nhiều biết được nơi đó phát triển ra sao. Bên cạnh việc trao đổi, mua bán thông thường, chợ còn là nơi giao lưu tình cảm anh em, bạn bè, thông tin về tình hình gia đình, chòm xóm…Vậy nên chợ là một nét văn hóa, “văn hóa kẻ chợ”, mang trong mình biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc, vừa cũ xưa, dung dị, hồn hậu lại vừa mới mẻ, tươi tắn bởi sự sôi động, ồn ào. 

Tại các nước phát triển, chợ truyền thống vẫn tồn tại, cho dù có chợ hình thức có thể biến đổi đôi chút. Tại Pháp, các khu chợ trời (Marché aux puces) ở các vùng Strasbourg, Provence, Lorraine… là những địa chỉ không xa lạ gì đối với du khách; tại Đức, có các chợ trời (Flohmarkt) rất nổi tiếng như chợ đồ cổ Berlin, chợ Giáng sinh Weihnachtmarkt…; tại Mỹ, chợ trời (Swap Meet hay Garage Sale) tại Golden West (Orange County), Viland Swapee (California), Fiesta (Los Angeles) là các khu buôn bán tự do sầm uất, luôn thu hút cư dân địa phương và du khách. Những chợ này chỉ nhóm họp định kỳ vào các dịp Noel, lễ, Tết hoặc cuối tuần để mua bán, trao đổi những món hàng “đặc chủng”, quý hiếm... 

Khi đến một đô thị nào đó thì ngoài việc đến vô vàn các điểm hấp dẫn khách du lịch thường ưa thích khám phá và tiêu tốn nhiều thời gian nhất là đến chợ truyền thống địa phương. Nơi đây nhiều người trong số họ tìm thấy được quá khứ, hiện tại vùng miền thông qua những hàng hóa, nông sản, thực phẩm, đồ mỹ nghệ, thủ công và cả đồ cũ, đồ cổ nữa. 

Đi chợ truyền thống còn là một thú chơi tao nhã, là nơi tham quan, giải trí, thư giãn… “Nhiều người đến chỉ để ngắm nhìn và hòa mình vào không khí nhộn nhịp của những ngày cuối năm, và nhất là sà vào các hàng quán ăn uống, hoa quả… 

Chợ truyền thống, chợ dân sinh vốn được coi là một nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống thuận tiện với giá cả phải chăng cho người dân thành phố, đồng thời trở thành môi trường giao tiếp xã hội bền chặt và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng từ vài năm gần đây, ở nước ta chợ đang bị thay thế nhanh chóng bởi các siêu thị lớn nhỏ, khu trung tâm thương mại (TTTM) kết hợp văn phòng cho thuê. Mỗi chợ dân sinh như vậy đều đang phát huy hiệu quả phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, từ những người dân nghèo nhất. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị, các siêu thị, TTTM xuất hiện ngày càng nhiều, từng bước chiếm lĩnh những vị trí quan trọng trong đô thị, nên đã làm cho không ít các chuyên gia cũng như người dân trăn trở, băn khoăn, lo ngại. 

Thực trạng, thách thức của đô thị hóa 

Đô thị Việt Nam có chung các đặc trưng cơ bản của thành phố châu Á. Nước ta mới thoát khỏi chiến tranh và chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, đất nước vẫn còn là một nền kinh tế đang phát triển với một khu vực nông thôn rộng lớn. Cấu trúc đô thị Việt Nam thường theo kiểu một thành phố hạt nhân luôn quá tải, bao quanh là nông thôn bao la mang nặng cơ cấu truyền thống với mặt bằng dân trí thấp. Trong cơn sốt phát triển theo kinh tế thị trường, đô thị Việt Nam như một công trường xây dựng lớn, khá hỗn độn. Thiên nhiên bị phá hủy, đất nông nghiệp bị lấn chiếm để xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, nhà ở ven đô, nhà ở ngoại ô, resort, sân golf ... Rồi bùng nổ đầu cơ nhà đất đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực, một yếu tố gây rối loạn nền kinh tế trong nước. 

Các mặt yếu kém của đô thị xuất hiện ngày càng nhiều: ô nhiễm, nhà ổ chuột, úng ngập, ách tắc giao thông. Không ít trung tâm lịch sử, di tích và tiện ích công cộng bị phá hủy như khu phố cổ Hà Nội, khu phố Pháp, phố Tàu cũ ở TP.HCM và cả một số chợ lâu đời ở Hà Nội, TP HCM nữa… 

Do tác động của quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, nhiều nước đã hình thành các thành phố toàn cầu, từ đó trên toàn thế giới hình thành mạng lưới đô thị toàn cầu. Điểm chung của các thành phố này là cái lõi kinh doanh, dịch vụ trung tâm, các nút giao thông lập thể, xa lộ, đường cao tốc băng ngang thành phố. Chúng là các công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh kinh tế, đáp ứng đòi hỏi của thị trường và lợi ích tài chính tư nhân. Tuy nhiên, lối quy hoạch đó đã từng làm hại môi trường lẫn chất lượng cuộc sống đô thị, lấy đi các tiêu chí của một thành phố sống tốt, phá vỡ sự phát triển bền vững, là mầm mống của nhiều bất ổn xã hội. 

Các đô thị ở Việt Nam lại đang có xu hướng phát triển theo chiều rộng thay vì theo chiều sâu. Chẳng hạn Hà Nội đã trở thành một trong những thành phố rộng nhất thế giới. So với thủ đô Seoul của Hàn Quốc chẳng hạn, dân số ở Hà Nội (hơn 6,5 triệu người) đang sống trên diện tích lớn gấp bốn lần dân Seoul (hơn 10,5 triệu người). Khi mở rộng như vậy, chính quyền sẽ phải đầu tư rất nhiều vào các đô thị vệ tinh trong khi nhu cầu chính lại nằm ở Hà Nội. 

Một đô thị được lên loại sẽ được rót nhiều nguồn lực hơn nhưng hiện có nhiều đô thị mới mọc lên rất xa thành phố, nơi không tập trung nhiều nhu cầu thật sự của người dân đô thị. Mối nguy hiểm của những đô thị mới này là chúng ngốn nhiều tiền của để xây dựng và kết nối với các đô thị có sẵn thay vì tập trung cải thiện các trung tâm đô thị sẵn có trước khi mở rộng đô thị, nâng cấp và cải tạo CTDVĐT trong đó có hệ thống chợ truyền thống, chợ dân sinh. Trong khi đó tính năm 2010, cả nước có gần 9.000 chợ (trong đó có 8.578 chợ theo quy hoạch). Chợ trong đô thị chiếm 21%. 

Thực trạng chung về chợ truyền thống

Về chợ TT phải nói có một thời gian dài bộc lộ nhiều yếu điểm. Ngoài công tác quản lý lỏng lẻo, hầu hết các chợ xây từ trước năm 1975, nay xuống cấp, hư hỏng trầm trọng, ô nhiễm, thiếu an toàn khiến khách hàng bất tiện khi mua sắm. Tình trạng bán không đúng giá niêm yết; hàng nhái, hàng giả, hàng không có nguồn gốc rõ ràng, thói quen tiêu dùng thay đổi cũng ảnh hưởng mạnh đến sự tồn tại của chợ truyền thống. Rồi vệ sinh an toàn thực phẩm, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện ở một số địa phương, dịch cúm gia cầm ở nhiều tỉnh bùng phát và lan rộng, thông tin về chất tạo nạc cho heo xuất hiện dồn dập trong những ngày qua khiến người tiêu dùng hoang mang, lo sợ có dạo người tiêu dùng không còn chuộng thịt “nóng”, chuyển sang sử dụng gia súc, gia cầm giết mổ công nghiệp, được bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phù hợp, kiểm soát chất lượng theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, sức hút từ các cửa hàng tiện lợi và siêu thị đã khiến người tiêu dùng gần như bỏ chợ. Công nhân viên chức, người có thu nhập khá đi siêu thị thường xuyên hơn đi chợ; người thu nhập thấp cũng chuyển sang mua sắm ở cửa hàng tiện lợi, siêu thị để “săn” hàng khuyến mãi. 

Cũng có không ít chuyên gia cho rằng, chợ truyền thống, chợ cóc... là nguyên nhân làm mất vẻ mỹ quan đô thị và mất an toàn thực phẩm, cho dù thực tế có nhiều nguyên nhân từ phía quản lý, kiểm tra giám sát của chính quyền chưa hiệu quả. Theo suy nghĩ này, vấn đề của các chợ truyền thống là không gian chật hẹp, vệ sinh môi trường không phù hợp với thành phố hiện đại. Vì vậy, việc nâng cấp, đóng cửa một số chợ, xóa chợ cóc, chợ tạm là cần thiết để bảo vệ mỹ quan đô thị... Tuy nhiên, điều này lại làm xuất hiện các chợ tạm đường cái, những tuyến đường với người bán hàng rong, vì các chợ như thế đáp ứng ngay đòi hỏi thiết yếu của cộng đồng. Người dân sống tại các khu đô thị, khu tái định cư thì lại gặp một khó khăn là thiếu các công trình hạ tầng xã hội, trong đó có chợ. Nguyên nhân là do quy hoạch không xác định đất xây chợ, vì với quan niệm đã là khu đô thị phải làm siêu thị mới xứng, mới văn minh. 

Trước áp lực này, việc quy hoạch phát triển siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hành tiện ích (CHTI) cho phù hợp với yêu cầu hội nhập và cạnh tranh được đặt ra một cách cấp bách trong những năm qua. 

Tuy nhiên, điều cần nói là theo rất nhiều dự án, nhiều công trình nghiên cứu của Bộ Xây dựng và Viện Khoa học Xã hội về chợ đô thị, thì hầu hết các TTTM và siêu thị đã, đang và sẽ được xây lên trên… đầu các ngôi chợ truyền thống với ý định thay thế. Vấn đề đặt ra là liệu siêu thị và TTTM có thể thay thế được chợ hay không và các ngôi chợ truyền thống sẽ ra sao trong 1 - 2 thế hệ nữa? Điều này liệu có chứng tỏ hệ thống phân phối truyền thống sẽ bị thu hẹp dần rồi hoàn toàn biến mất? Hệ thống phân phối nhu yếu phẩm chủ đạo phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân ở nước ta trước kia là chợ TT, chợ dân sinh và các tiệm tạp hóa rải rác khắp các địa phương. Nay, theo đà kinh tế, xã hội phát triển, các siêu thị, TTTM và cửa hàng tiện ích ồ ạt phát triển, làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Phân phối hàng hóa không còn là mảnh đất đặc quyền của tiểu thương, chợ bị chia cắt thị phần, hai kênh phân phối truyền thống và hiện đại vì thế cạnh tranh một cách khốc liệt. 

Chợ truyền thống trong đô thị cũ 

Một thực trạng là do nguyên nhân khan hiếm mặt bằng tại khu vực trung tâm thành phố nên một số chợ TT bị thay thế bằng chợ TT kết hợp với siêu thị, văn phòng cho thuê. Đó là do “sự sáng kiến” cho rằng sẽ là sự kết hợp giữa chợ truyền thống, TTTM và văn phòng để giải quyết được vấn đề này. Theo mô hình đưa ra là: trong cao ốc hợp khối, chợ truyền thống thường được bố trí ở tầng hầm còn tầng 1, tầng 2 là TTTM, các tầng trên là văn phòng cho thuê. Và hy vọng rằng: “Sự tái sinh của chợ truyền thống theo kiểu cấy ghép này sẽ tạo ra một mô hình bán lẻ hiện đại và tiện lợi”. 

Theo đó, người ta lý giải rằng: việc cải tạo các chợ truyền thống theo mô hình trên sẽ khai thác được rất nhiều lợi thế như: nằm ngay tại khu trung tâm, là vị trí đắc địa cho bán lẻ; và vì là khu vực mua sắm truyền thống nên đã có sẵn khách hàng quen; mặt khác khu vực tập trung dân cư đông nên đối tượng khách hàng và các nhóm thu nhập đa dạng…Mô hình khu bán lẻ với một phần là chợ truyền thống, một phần là TTTM hiện đại sẽ không làm mất những khách hàng quen thuộc của chợ truyền thống; đồng thời thu hút thêm lượng khách trẻ, thu nhập cao thích thú với mô thức bán lẻ hiện đại. Ngoài ra, với mô hình này, khách hàng của chợ truyền thống cũng có thể đến khu TTTM mua sắm, đóng vai trò khách hàng lớn của khu bán lẻ hiện đại; khách hàng của TTTM cũng có thể đến chợ truyền thống mua sắm, thu hút nhiều khách hàng có thu nhập cao cho chợ TT. 

Tuy nhiên, để lý giải thành công với mô hình mới lạ này thì là như vậy, nhưng thách thức tiềm ẩn của nó còn là: vốn đầu tư phân bổ cho hộ tiểu thương lớn, dây chuyền giao thông cho người mua-bán khá phức tạp, quản lý đòi hỏi trình độ cao, công tác quản lý của chợ truyền thống và TTTM phải được kiểm soát chặt chẽ, chú ý kỹ đến chất lượng hàng hoá, thương hiệu, đội ngũ nhân viên, phân bổ hợp lý vị trí các ngành hàng…và ngoài ra là vấn đề khi chất tải lưu lượng lớn các chức năng trên một diện tích hữu hạn sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề bức bách như: chỗ đỗ xe, phân luồng giao thông, an toàn cháy nổ, thoát người, vệ sinh môi trường, rác thải, nước thải, sự tiện lợi (của cả người bán và người mua) theo thói quen sinh hoạt vốn đã rất đơn giản của người “kẻ chợ” 

Đầu tư kinh phí lớn là thế mà thực trạng cho một kết cục như con tàu “TITANIC” ngay chuyến ra khơi đầu tiên đã va phải tảng băng chìm, “các chợ TT trong siêu thị-TTTM diễn ra cảnh mua bán heo hắt đìu hiu, nhiều gian hàng, hộ KD đã xin nghỉ vì quá vắng khách, quầy hàng thực phẩm, rau xanh trong chợ cũng không mấy người qua lại, vào đúng giờ các bà nội trợ đi mua sắm mà nhiều chủ hàng ngồi bó gối ngáp ngắn ngáp dài, lác đác vài người khách đi lại hỏi giá, các hộ KD còn rao cho thuê lại quầy hàng. Những mâu thuẫn nảy sinh như: kinh doanh rau xanh, thực phẩm tươi sống dưới tầng hầm siêu thị, TTTM thì giá phải cao hơn do cõng thêm chi phí điện, nước, vệ sinh, thuê quầy, bảo vệ... dẫn đến tình trạng ế ẩm”. 

Trái ngược với cảnh mua bán heo hắt trong các chợ TT ở TTTM, chợ tạm, chợ cóc bủa vây xung quanh có tới hàng trăm quầy hàng thực phẩm, rau quả tươi sống mà vẫn nườm nượp người mua chen chúc, ồn ã từ sáng tới chiều tối, khiến việc kinh doanh nhiều mặt hàng phục vụ dân sinh trong chợ TTTM như thực phẩm, rau quả lại càng bị tê liệt; các chợ bên đường thì càng cấm càng đông, hình thành nên một cuộc rượt đuổi của các đội quản lý và người bán rong trên đường phố đô thị. Đó cũng là do thói quen mua bán của người dân (đặc biệt là dân nghèo) chưa thay đổi, hầu hết vẫn muốn mua bán gần nhà, dừng xe máy, xe đạp là có thể mua được thực phẩm, đồ ăn, trong khi vào siêu thị thì phải gửi xe, mất tiền và thời gian. Mà, sau thời gian đi vào hoạt động, mô hình hợp khối chợ TT, siêu thị, TTTM đã bộc lộ những bất hợp lý, câu nệ, dây chuyền chưa thực sự phù hợp, không đáp ứng được… 

Một Kiến trúc sư có tiếng đã nói: “… tôi đã từng vẽ ra và tham gia tân trang những cái chợ dột nát giữa trung tâm Hà Nội. Nhưng chỉ là cố gắng thay thế chợ cũ bằng cái chợ tươm tất hơn. Nhưng cách làm chợ mới như chợ Hàng Da, Cửa Nam, Chợ Mơ ... có là hình mẫu để thay thế cho các chợ khác tại Hà Nội thì có lẽ cần cân nhắc”. 

Chợ truyền thống tại khu đô thị mới 

Các khu đô thị mới đã và đang xây dựng khang trang, đẹp đẽ với những chung cư cao tầng, biệt thự, nhà liên kế thì lại thiếu các công trình hạ tầng xã hội đặc biệt là chợ TT, chợ dân sinh đã khiến cuộc sống của người dân xung quanh không mấy dễ dàng. Một câu hỏi đặt ra là: Có thể do các nhà quản lý hoạch định chính sách, các nhà kiến trúc đô thị, kiến trúc quy hoạch “quên”, hay các chủ đầu tư không tuân thủ quy hoạch mà nơi đây thiếu chợ ? Trong khi đó hầu hết các hộ dân sinh sống tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp lại vẫn hàng ngày vẫn phải đi chợ dân sinh. 

Thí dụ ở Hà Nội, theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, khá nhiều khu đô thị không quy hoạch đất để xây chợ. Khu Trung Hòa - Nhân Chính là khu đô thị khá lớn, trước đây có chợ Trung Hòa cũ, nay đã phá dỡ để xây dựng trung tâm thương mại. Hiện gần 4 vạn hộ dân sinh sống tại địa bàn nhưng chỉ duy nhất có 1 chợ Trung Kính Hạ. Còn lại, là hàng chục các chợ dân sinh, chợ cóc tự phát rải rác mọc lên các con phố nhỏ trong phường. Khu Dịch Vọng ở quận Cầu Giấy, quy hoạch chưa xác định đất để xây chợ, dù toàn bộ là nhà cao tầng, số lượng dân cư khá đông. Khu đô thị mới Mỹ Đình I và II, không có chợ rau quả - thực phẩm tươi sống, người dân xung quanh đã hình thành nên chợ cóc trên vỉa hè, gây mất mỹ quan cho khu đô thị. 

Hiện nay, nếu đi khảo sát khắp các KĐT mới sẽ thấy một thực trạng là mỗi KĐT chỉ có một vài TTTM, cửa hàng tự chọn với hàng hóa nhu yếu phẩm, đồ đông lạnh và đồ hộp, không cung cấp được thực phẩm và yêu cầu mua bán với giá rẻ. Các chợ dân sinh hay là đã bị loại ra khỏi các bản quy hoạch của các KĐT mới, thay vào đó là các siêu thị và TTTM? Người dân sống tại các khu đô thị, khu tái định cư đã phàn nàn nhiều về việc thiếu các công trình hạ tầng xã hội, trong đó rất cần thiết là chợ thức ăn, nhu yếu phẩm hàng ngày. Người dân nghèo đô thị (những người được cho là có thu nhập thấp-chiếm tới 80%) vẫn phải đi chợ mua nông sản thực phẩm tươi sống hàng ngày cho gia đình với giá cả bình dân, những yêu cầu bức thiết này vẫn chưa mấy được đáp ứng. 

Xây chợ mới theo tư duy cũ 

Nhìn lại thời bao cấp, hàng hoá chính thống được phân phối ở những “kênh” như mậu dịch quốc doanh, bách hoá tổng hợp… Chợ chỉ là nơi buôn bán những thứ hàng hoá lặt vặt, ngoài luồng nên ít được chú trọng. Đến thời kỳ kinh tế thị trường, người ta bắt đầu đầu tư các dự án xây chợ nhưng lại theo một cách duy ý chí. Chợ vẫn được xây theo tư duy của mô hình công trình khép kín: kín cổng cao tường, cửa kính bóng nhoáng, tường mái kín bưng và nằm ở những nơi khuất nẻo. Rốt cuộc, nhiều chợ được xây lên nhưng hoang vắng, lạnh lẽo trong khi các điểm buôn bán quanh đó lại tấp nập hoạt động từ sáng sớm đến đêm khuya. Đáng lo ngại là cho đến bây giờ những nhận thức chưa đúng về việc xây chợ vẫn còn tồn tại. 

Khi đầu tư vào các dự án chợ, người ta đã không để ý đến quy luật (vốn rất khắc nghiệt) trong việc hình thành các không gian chợ, kiến trúc chợ, phố chợ. Không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi những nơi tập trung đông đúc là “thị”: đô thị, phố thị, thành thị. Chợ là một trong những xuất phát điểm của rất nhiều đô thị. 

Yếu tố đầu tiên là phải xác định được kẻ bán, người mua là ai để có những loại hàng hoá, dịch vụ phù hợp, trên cơ sở đó hình thành loại chợ phù hợp. Thành phố thường có rất nhiều chợ, mỗi chợ có một kiểu riêng, rất đặc trưng: chợ trung tâm, chợ sáng tinh mơ, chợ đêm, chợ bán buôn, bán lẻ, chợ rau xanh, chợ hoa, chợ quả, chợ quà bánh, “chợ nhà giàu”, chợ bình dân. Rồi các khu vực xung quanh vẫn còn khá nhiều loại chợ khác, phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau và chính sự khác biệt này tạo nên phong cách riêng của mỗi chợ. 

Dịch vụ quanh chợ, gọi là phố chợ. Xung quanh bất kỳ một chợ truyền thống nào cũng đều có cửa hàng, quán ăn, tiệm bán tạp hoá, thuốc Tây, đồ điện máy, đồ kim khí… Phố chợ này thường không thuộc dự án xây chợ nhưng không có nó thì chợ không thể “đông” được. Phố chợ không hình thành cùng lúc với chợ mà cứ mọc dần, hoàn thiện dần theo quy luật ở đâu có đông người thì ở đó có dịch vụ. Điều này lý giải tại sao ngày xưa và gần đây đã có người đầu tư bất động sản tính đến việc chi tiền ra xin Nhà nước cho đầu tư xây chợ. Lợi nhuận họ kiếm được không phải từ việc thu vé chợ mỗi ngày mà là tiền thu từ việc xây nhà quanh chợ để bán hoặc cho thuê. 

Hai yếu tố quan trọng trên là điều mà khi xây dựng bất kỳ ngôi chợ nào, người làm chợ cũng phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng. Tư duy xây chợ hiện còn theo kiểu lên dự án - giải toả - xây - bán - lấy tiền lời trên mỗi một sạp. Như vậy có quá đơn giản không? Chính tư duy đó mới nảy sinh chuyện có chợ mà không có người mua kẻ bán. Nếu hiểu đúng quy luật của họp chợ, Nhà nước không những không tốn tiền xây chợ mà còn thu được nhiều tiền từ việc làm chợ. 

Ngoài yếu tố trên, việc xây dựng chợ còn bị chi phối bởi yếu tố nào khác? Không thể bỏ qua yếu tố văn hoá , xây chợ cũng là làm văn hoá. Chợ dân sinh truyền thống luôn có sức hút mãnh liệt không chỉ với cư dân trong vùng mà còn với cả khách du lịch phương xa. Chúng ta khi đi du lịch bất cứ đâu cũng thường tranh thủ ghé các chợ địa phương, mua bán thì ít mà thăm thú thì nhiều. Đến bất kỳ chợ dân sinh nào ta cũng dễ dàng gặp đủ các hạng người, nghe đủ thứ những ngôn ngữ địa phương, từ thanh lịch cho đến bình dân… Ra chợ là cách nhanh nhất để cảm nhận một không khí mang đậm bản sắc của vùng, miền. Người Việt mình có thói quen đi đến đâu cũng muốn ra chợ để biết cách ăn mặc, giao tiếp, mặc cả, những phong thái, sản vật địa phương. Tất cả những điều đó là sự cô đọng sâu sắc những nét văn hoá của địa phương. Do vậy, mong các chủ đầu tư hiểu rằng ngoài mục đích kinh doanh, thương mại thì làm một cái chợ còn là làm văn hoá. Một số chủ đầu tư đã không nghiên cứu kỹ nên khi chợ xây xong thì vấp cảnh “đìu hiu” điều đó cũng không có gì khó hiểu. 

Không chỉ thỏa mãn nhu cầu mua sắm, việc đi chợ gần như trở thành niềm vui của rất nhiều chị em. Shopping ở chợ chắc hẳn không có cảm giác thư giãn như tại siêu thị nhưng vẫn được giới nội trợ ưa thích vì giá rẻ. Đặc biệt, nhiều chợ có thế mạnh bán chuyên một số mặt hàng. Bí quyết đi chợ mà hầu như chị em nào cũng biết, là nên tùy theo nhu cầu mà tìm đến đúng chợ. Nhiều chợ có “thương hiệu” bởi “chuyên trị” một số sản phẩm riêng. 

Chẳng hạn, khi đi mua vải vóc, áo quần ở miền Bắc thì nên tìm đến chợ Ninh Hiệp, làng lụa Vạn Phúc, chợ Đồng Xuân; còn ở Sài Gòn thì chịu khó lên chợ vải ở quận 5, Chợ Lớn, Tân Định... Với các loại quần áo cao cấp hơn thì tìm đến chợ Bến Thành, chợ An Đông, Saigon Square. Nhìn chung, tại các chợ truyền thống, giá cả thường rẻ hơn siêu thị và cửa hàng bên ngoài từ 10 đến hơn 30%. Đó là lý do vì sao nhiều chợ TT vẫn được ưa chuộng. Tại Hà Nội có chợ Đồng Xuân, TP.HCM có chợ Bến Thành, chợ An Đông còn được coi như một điểm đến của du khách để mua sắm các mặt hàng đặc trưng với giá rẻ và thưởng thức văn hóa chợ truyền thống. 

Với nhiều người, điều thú vị khi đi chợ còn là thỏa sức trả giá. Luật bất thành văn, đã là chợ vẫn còn chuyện người bán nói thách, buộc người mua phải…tự tìm đúng giá trị của món hàng. Trả giá cũng là một nét văn hóa của chợ. Theo kinh nghiệm của những người sành đi chợ, việc đầu tiên là phải khảo giá. Có thể tham khảo giá trước tại các siêu thị, trang web mua bán, thậm chí có thể khảo giá ngay tại chợ bằng cách đi một lượt các gian hàng, quan sát những người mua khác để nắm giá cả. Đôi khi, chỉ cách mấy sạp hàng, giá cả đã có sự chênh lệch kha khá. Để tránh trường hợp bị hớ hoặc hứng chịu những cáu giận vô lý của người bán trong quá trình ngã giá, tốt nhất bạn nên đi cùng một nhóm bạn, đặc biệt là những người có kinh nghiệm. Nên xem hàng kỹ càng trước khi trả giá để đưa ra mức giá hợp lý nhất và tránh trường hợp mua phải hàng không ưng ý. Trả giá là một kỹ năng xã hội mà nhiều người sẽ cảm thấy trống vắng nếu thiếu nó. Đó là cơ hội để chứng tỏ khả năng nhạy bén với thị trường, kỹ năng mua bán “sành điệu” và cơ hội cho người bán hàng nắm bắt được khẩu vị của người mua hàng. 

Giữa tháng 3/2011, hội thảo "Chợ dân sinh trong thành phố của các tập đoàn" đã diễn ra tại Hà Nội đặt vấn đề lo ngại các tập đoàn lớn sẽ gây áp lực với sự xuất hiện ngày càng nhiều, chiếm lĩnh các vị trí quan trọng của các siêu thị, chuỗi siêu thị, các trung tâm thương mại với những thương hiệu lớn, thuộc sở hữu nước ngoài hoặc sao chép của nước ngoài… chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ thuộc về người dân , từ những người dân nghèo nhất, những ngôi chợ gắn liền với lịch sử, văn hóa sẽ biến mất hoặc bị thu hẹp. Hội thảo khẳng định chợ dân sinh là vô cùng quan trọng đối với các thành phố có điều kiện sống tốt, nhiều thành phố ở các nước phát triển đang phải tốn kém nhiều tiền của để khôi phục chợ dân sinh, chúng ta sẽ không lặp lại sai lầm khi xóa bỏ những ngôi chợ đậm chất văn hóa. Việc duy trì mạng lưới chợ dân sinh vừa mang giá trị rất lớn về kinh tế và cả văn hoá xã hội. Một thành phố có điều kiện sống tốt phải có đường dành cho người đi bộ (phố, vỉa hè, ngõ) không bị chiếm giữ do đỗ xe, các cửa hàng kinh doanh, biển quảng cáo hay các công trình công cộng. Những khu vực được thiết kế cho nhiều mục đích như đường giao lộ, quảng trường, chợ búa, các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh nhỏ phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày, điểm đỗ xe buýt, sân chơi, trường học và công viên. Đường phố với những hàng cây hay thảm cỏ và có các khu không gian giải trí cho mọi lứa tuổi. Các di tích kiến trúc lịch sử phải được bảo vệ, khu vui chơi công cộng với chất lượng cao. Ngoài ra, các khu phố, khu dân cư với vỉa hè có sự đa dạng các cửa hiệu buôn bán gắn với chợ dân sinh, chợ truyền thống mua và bán hàng ngày những sản phẩm của địa phương. 

Những quy định cần lưu ý 

Cách đây 5 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 27 ngày 15/02/2007 phê duyệt Đề án Phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, theo đó một Quyết định đúng đắn của Bộ Công thương đó là Quyết định số 012/2007/QĐ-BCT ngày 26 tháng 12 năm 2007, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã nêu rõ: “Chợ dân sinh ở thành thị: hạn chế xây mới; cải tạo các chợ nhỏ không đủ tiêu chuẩn sang các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi; nâng cấp thành các chợ bán lẻ nông sản, thực phẩm ở các khu vực dân cư”. 

Căn cứ theo QCXDVN 01: 2008/BXD- Quy chuẩn xây dựng Việt Nam- Quy hoạch xây dựng, quy hoạch hệ thống các công trình dịch vụ đô thị, chợ là một trong 5 loại công trình dịch vụ cơ bản trong đô thị (4 loại khác là: giáo dục, y tế, thể dục thể thao, và văn hóa). Yêu cầu đối với QH hệ thống các CTDVĐT trong QH chung và QH chi tiết 1/2.000 đã nêu rõ: cứ 1 đơn vị ở cần có tối thiểu 1 chợ (hạng 3-dưới 200 ĐKD) với diện tích tối thiểu 0,2 ha bán kính phục vụ (BKPV) tối đa là 500m( đối với KĐT cũ cho phép tăng tối đa 100% tức là 1.000m) cho tối đa 20.000 dân. Chỉ tiêu sử dụng đất tối thiểu đối với chợ đô thị là 0,8ha cho 1 chợ. Chợ hạng 2 (200-400 ĐKD) có BKPV tối đa 3.000m cho tối đa 12.000 dân. 

Tham khảo thêm TCVN 361: 2011- Chợ – Tiêu chuẩn thiết kế 

Trả lại tên cho chợ 

Một câu hỏi nhắc nhở chúng ta: Tại sao khi xây dựng xong và đưa vào sử dụng rồi mà nhiều siêu thị, TTTM vẫn phải nấp dưới cái tên chợ truyền thống cũ: Chợ Hàng Da, Chợ Cửa Nam, Chợ Mơ, Chợ Bưởi…Có phải người ta vẫn còn lưu luyến, hàm ơn tên đất tên người xưa không? Hay là vì người ta phải “tâm phục khẩu phục” văn hóa giao lưu, văn hóa kinh doanh và cả văn hóa di sản Việt mà cha ông để lại. Thực tế thì người mua đi chợ phiên, chợ ngày không mảy may để ý tới tên chợ, ấy thế mà người mua nhớ người bán và ngược lại, tạo thành dấu ấn giao lưu trao đổi cả hàng hóa và tâm hồn. Sự vắng bóng vài ba bữa khiến người ta cảm thấy thiếu thiếu nhau, thiếu lời mời chào đon đả, thiếu nụ cười thân thiện, thiếu ánh mắt hiền hòa, thiếu cả những lời phàn nàn chê trách…Sự liên tưởng ẩn dấu trong tâm pha trộn tên đất tên người, pha trộn, lưu trong ký ức hình ảnh lẫn cả âm thanh chỗ thì ồn ào náo nhiệt, chỗ thì chen chúc, ồn ã quyện cả mùi cá tôm, rau quả. Cái tên chợ bản thân nó đã nói lên truyền thống lịch sử của đất và người rồi. 

Chuyện kể rằng: Kẻ Bưởi xưa là vùng ven Hà Nội, gồm các làng Yên Thái, Hồ Khẩu, Đông Xã, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ân, Trung Nha… Giống như nhiều chợ cổ Hà Nội (cận sông, tiện đường đi), chợ Bưởi nằm bên vị trí hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, thuận lợi về mặt giao thương trên bến dưới thuyền. Các bậc tiền bối kể lại rằng, xưa kia, bưởi vùng mạn ngược theo dòng chảy trôi về rất nhiều, người ta thấy vậy liền vớt lên bán, dần dần theo thói quen gọi vùng này là vùng Bưởi và chợ nằm trong khu vực này cũng gọi là chợ Bưởi. Đặc biệt, chợ Bưởi cùng với chợ Mơ là một trong số ít các chợ còn duy trì hình thức họp chợ phiên ở nội thành Hà Nội và cứ tới các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch, dân các khu vực lân cận lại kéo về chợ Bưởi bán cây, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề... 

Điều này gợi lên cho ta một suy nghĩ, tên chợ bản thân nó đã nói lên đầu mối, chuyên doanh một ngành hàng chính, giúp cho các nhà quản lý phân bổ quy mô diện tích và xây dựng thương hiệu thế mạnh đặc thù địa phương khi đầu tư xây dựng chợ. Cũng từ thương hiệu ngành hàng chính mà sắp xếp “ăn theo” hợp lý những ngành hàng bổ trợ. 

Siêu thị ra đời, chợ lại hồi sinh 

Công bằng mà nói, siêu thị, TTTM ngày càng trở thành nơi mua sắm hiệu quả. Nếu ở chợ, người mua thường mang tâm lý e ngại do lựa chọn hàng hóa không được thoải mái, xem hàng mà không mua có khi còn gặp phiền hà với người bán hàng, thì ở siêu thị, người tiêu dùng lại cảm nhận được sự văn minh và tiện ích. Loại hình bán lẻ hiện đại ra đời với sự góp mặt của hàng loạt cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại của các nhà đầu tư trong, ngoài nước như hệ thống cửa hàng tiện ích của Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Metro Cash & Carry (Đức), Bourbon (Pháp), Parkson (Malaixia), Zen Plaza (Nhật Bản) và Diamond Plaza (Hàn Quốc)... 

Siêu thị có thế mạnh là giá hàng hóa được niêm yết; trưng bày đẹp mắt, phân chia khu vực, như quầy thực phẩm, quầy mỹ phẩm, quầy quần áo. Chất lượng hàng, nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng là điều khiến người tiêu dùng an tâm khi đến mua sắm. Các siêu thị, trung tâm thương mại không chỉ là nơi mua sắm, mà còn phục vụ nhu cầu giải trí. Hầu hết siêu thị, trung tâm mua sắm lớn như Big C, Metro, Vincom, Tràng Tiền Plaza... thường được xây dựng như một tổ hợp gồm nhiều khu như bán hàng, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí... trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng phong phú. Người ta có thể đến mua hàng, cũng có thể uống tách cà phê, xem phim hay chơi game... nên "đi chợ" ở siêu thị thực sự trở thành niềm vui, một cách thư giãn của cuộc sống đô thị, vốn đầy rẫy căng thẳng. 

Văn hóa chợ truyền thống khó có thể bị lãng quên khi người dân vẫn có thói quen đi chợ không chỉ để mua mớ rau, rổ cua, con cá, mớ tôm còn nhảy tanh tách, mà còn để gặp gỡ, trao đổi thông tin về nhiều lĩnh vực. Mua sắm ở chợ được rất nhiều bà nội trợ ưa thích, một phần vì giá rẻ, mặt khác chợ lại có thế mạnh là bán chuyên một số mặt hàng... Tùy theo nhu cầu mà người ta tìm đến đúng chợ, như mua vải thì đến chợ Hôm, chợ Phùng Khắc Khoan, chợ Đồng Xuân, hay chợ Ninh Hiệp, Vạn Phúc; mua quần áo thì đến Hàng Ngang, Hàng Đào; mua vật tư, vật liệu xây dựng có thể đến phố Cát Linh; mua thiết bị điện tử thì đến phố Hai Bà Trưng... Với nhiều người, điều thú vị khi đi chợ là được tha hồ trả giá khi người bán hàng nói thách, đôi lúc chỉ cách mấy sạp hàng, giá cả đã chênh lệch kha khá. 

Ở chợ TT, hàng hóa được bày bán không theo trật tự nào. Thịt, cá bày trên bàn không che đậy trông chẳng mấy vệ sinh, người bán hàng không trang phục gì đặc biệt, tay thớt, tay dao không găng lót... Nhưng các bà nội trợ đều cho rằng, thực phẩm trong siêu thị dù được bảo quản bởi hệ thống làm lạnh, đóng gói sạch sẽ, nhưng không thể nào tươi sống bằng ở chợ. Có người hiểu hơn về bảo quản, hoài nghi với lập luận rằng chợ truyền thống và những người bán hàng ở chợ là những nơi cung cấp thực phẩm không an toàn (so với siêu thị). Bởi theo họ, "siêu thị lại có thể là nơi cung cấp rất nhiều thực phẩm có chứa nhiều loại hóa chất khác nhau hoặc được chế biến qua rất nhiều công đoạn, có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người dân".. Giá tại các chợ cũng rẻ hơn siêu thị, đó là lý do chợ vẫn được các bà nội trợ ưa chuộng. Thói quen, khẩu vị của dân ta từ lâu nay vẫn rất chuộng những thực phẩm tươi sống. Siêu thị với tỷ lệ thực phẩm tươi sống nhiều nhất là 10%, giá cả chẳng thể phù hợp với mọi túi tiền nên dù hàng hóa có đa dạng đến mấy cũng không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hơn nữa, các siêu thị đang hoạt động trong khu đô thị hiện vẫn thiên về hàng công nghiệp chứ không chú trọng đến những hàng hóa phục vụ bữa cơm hàng ngày. 

Một yếu tố rất quan trọng khiến chợ "hơn điểm" là sự lưu giữ và thực hành văn hóa địa phương, tạo ra bản sắc của cộng đồng. Chợ là nơi tạo ra và duy trì các mối quan hệ xã hội, để người dân có được sự thoải mái - cân bằng về tinh thần. Là nơi cung cấp nhiều lựa chọn thực phẩm với nhiều mức giá cho những người thu nhập thấp và trung bình. Chợ TT luôn hỗ trợ kinh tế địa phương, cũng như duy trì mối quan hệ giữa thành thị và nông thôn, giữa nội thành và ngoại thành. Bởi những hàng hóa được bán tại các chợ TT, chủ yếu đến từ các vùng xung quanh đô thị và xung quanh mỗi ngôi chợ sẽ hình thành những "phố chợ", nơi các cửa hàng hoạt động rất hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống cho cư dân địa phương. 

Đã đến lúc chúng ta cần đề xuất: 

- Chỉ một vài chợ ở vị trí đắc địa, nơi đất có giá trị cao đặc biệt mới được thay thế bằng siêu thị, văn phòng cho thuê, để đóng góp cho mỹ quan của đô thị. Điều này cần hết sức thận trọng, tính toán kỹ lưỡng và phải được sự đồng thuận cao và thật sự của cộng đồng. Đây cũng là phương pháp tiếp cận quy hoạch từ góc độ xã hội. 

- Nhìn sang các nước phát triển ở Châu Á, châu Âu, châu Mỹ dù cho không tương đồng về kinh tế, văn hóa với chúng ta để có một tầm nhìn xa hơn về lợi ích, thể hiện tính nhân văn, nhanh chóng phải tạo không gian cho chợ TT, phố chợ, những tuyến đường cho người bán hàng rong, dành quỹ đất thích đáng cho chợ TT ngay từ khi quy hoạch sử dụng đất cho các KĐT mới. 

- Tăng cường quản lý, kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm, cải tạo không gian những chợ chật hẹp, bẩn thỉu không phù hợp với thành phố hiện đại, để khẳng định sự chuyển đổi, nâng cấp, cần thiết có thể đóng cửa một số chợ nhưng quan trọng là phải theo lộ trình, phù hợp với quy hoạch... 

- Trong thời đại hội nhập, văn hoá kinh doanh là yếu tố quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Chợ truyền thống cần phải thực hiện một cuộc cải tổ mạnh mẽ về văn hoá kinh doanh, xây dựng văn hoá kinh doanh văn minh, lịch sự, đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. 

- So với chợ, siêu thị là một bước tiến vượt bậc về phương diện văn hoá kinh doanh với nguyên tắc trung thực, sáng tạo, tôn trọng khách hàng, chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu. Nếu kinh doanh hiệu quả, siêu thị góp phần làm tăng sức mua, kích thích sản xuất (dĩ nhiên cũng có thể làm nẩy sinh tâm lí thích mua sắm, mua sắm quá mức nhu cầu, lãng phí). Siêu thị nên chăng có thể xây dựng ở các trung tâm KĐT lớn, mới, khu vực đất rộng đông dân cư, sức mua lớn. Nhà nước cũng cần thỏa thuận với chủ thể kinh doanh siêu thị phải bỏ kinh phí lớn xây dựng (hoặc thuê) mặt bằng, cơ sở hạ tầng, thiết bị bảo quản, công tác kiểm định chất lượng hàng hoá, nhân công…không nên tăng chi phí hàng hoá cao hơn quá so với chợ TT. (Qua khảo sát sơ bộ, thấy nhiều mặt hàng trong siêu thị đắt hơn ở chợ TT từ 10 - 20%, mặc dù nhiều người vẫn lựa chọn siêu thị vì không bị mua hớ, khá yên tâm về chất lượng sản phẩm và hài lòng với cung cách phục vụ). 

- Chợ TT có bề dày lịch sử văn hóa và ít nhiều điển tích đã đi vào sử sách hay đời sống tinh thần của người dân. Làm thế nào để chợ TT sau khi cải tạo, xây dựng lại không bị biến dạng hoàn toàn mà mất đi ý nghĩa vốn có, vẫn có giá trị sử dụng, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Chợ TT dân sinh chủ yếu phục vụ nhu cầu mua bán hàng hóa của nhân dân khu vực và địa bàn phụ cận, quy mô, xây dựng chợ hạng 3 không tốn mấy tiền đầu tư, khó nhất vẫn là đất và người xây chợ cần hiểu cho thấu điều dân mong muốn. 

Thay cho lời kết 

1. Mãi mãi không bao giờ thiếu chợ TT được và không có gì thay thế chợ TT được; 

2. Quy hoạch chợ phải xếp hàng đầu về thuận tiện và rất rất cần tham khảo ý kiến cộng đồng; 

3. Kiến trúc chợ phải an toàn, khoáng đạt và hướng đến tương lai; 

4. Vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ là vấn đề rất cần coi trọng và luôn phải được kiểm soát; 

5. Bản sắc văn hóa địa phương, văn hóa vùng miền mãi mãi phải được đề cao.