Thực trạng vai trò của phụ nữ trước và sau khi tham gia dự án Heifer Việt Nam

Quan Minh Nhựt (Khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ)

TÓM TẮT:

Nghiên cứu tập trung phân tích thực trạng vai trò của phụ nữ trước và sau khi tham gia dự án Heifer Việt Nam. Năm tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long thuộc dự án được lựa chọn trong nghiên cứu. Nghiên cứu sử dụng 310 quan sát từ các hộ gia đình tham gia dự án. Trong đó, 42 quan sát được thu thập ở Vĩnh Long, 88 quan sát ở Trà Vinh, 60 quan sát ở Bến Tre, 62 quan sát ở Sóc Trăng và 58 quan sát ở tỉnh Kiên Giang. Kết quả phân tích chỉ ra rằng sau khi tham gia dự án vai trò và năng lực của phụ nữ tham gia dự án được nâng lên rõ rệt.

Từ khóa: Vai trò phụ nữ, dự án Heifer Việt Nam.

1. Phần mở đầu

Tổ chức Heifer International được thành lập năm 1944, hiện có văn phòng đại diện tại Châu Á, Châu Phi, Đông Âu và Châu Mỹ. Heifer hoạt động với sứ mệnh “Hoạt động cùng cộng đồng nhằm xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường”. Heifer Việt Nam hoạt động từ năm 1987. Thời gian đầu, Heifer Việt Nam chỉ hợp tác với Trường Đại học Cần Thơ để xây dựng năng lực cho nhân viên và thực hiện các dự án nhỏ cung cấp gia súc cho nông hộ nghèo ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Từ năm 2003, Heifer chính thức thành lập văn phòng dự án và thực hiện nhiều dự án tại các tỉnh miền Bắc, Trung, Đông và ĐBSCL. Heifer hoạt động theo nguyên tắc “Chuyển giao tặng phẩm”. Năm 2007, Heifer Việt Nam bắt đầu áp dụng Mô hình phát triển cộng đồng toàn diện dựa trên các giá trị (VBHCD). Mô hình này tác động đến mọi mặt từ kinh tế, xã hội, đến tinh thần và hệ sinh thái. Triết lý của Heifer là, nông dân là người hiểu rõ nhất vấn đề của họ và tự họ tìm ra được cách giải quyết vấn đề phù hợp nhất. Với mô hình VBHCD, Heifer Việt Nam đã giúp nâng cao năng lực cho cộng đồng thông qua việc thành lập các nhóm tương trợ (SHG), củng cố 12 Điều cơ bản, cung cấp các nguồn lực vật chất và thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện.

Có nhiều mẩu chuyện về bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ nhưng thiếu những nghiên cứu chứng minh vấn đề đó. Nghiên cứu này sẽ đánh giá vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ tham gia dự án của Heifer Việt Nam tại các giai đoạn phát triển khác nhau. Kết quả của nghiên cứu sẽ được sử dụng để góp phần củng cố các ghi nhận về lồng ghép giới và rút ra các bài học kinh nghiệm. Ngoài ra, các đề xuất từ phân tích giới sẽ được sử dụng trong quá trình lên kế hoạch nâng cao tác động của dự án và xây dựng cộng đồng phát triển bền vững và hài hòa.

2. Dữ liệu sử dụng nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện tại năm tỉnh nơi có dự án Heifer đang thực hiện tại vùng đồng bằng sông Cửu Long bao gồm Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, và Kiên Giang. Dữ liệu được thu thập thông qua khảo sát các hộ tham gia dự án Heifer từ năm huyện. Tại tỉnh Vĩnh Long chọn huyện Mang Thít, tỉnh Trà Vinh chọn Càng Long, tỉnh Bến Tre chọn huyện Thạnh Phú, tỉnh Sóc Trăng chọn huyện Châu Thành và tỉnh Kiên Giang chọn huyện Gò Quao và Châu Thành. Số hộ nông dân được lựa chọn và tổng số hộ của dự án tại mỗi huyện được mô tả tại Bảng 1.

3. Vai trò của phụ nữ trước và sau khi tham gia dự án Heifer

3.1. Những hoạt động tạo thu nhập từ phụ nữ

Kết quả khảo sát ở Bảng 2 đã cho thấy một bức tranh khá đầy đủ về sự thay đổi tích cực trong thu nhập bình quân của các hộ gia đình sau khi tham gia dự án. Cụ thể trong Bảng 2, thu nhập bình quân đã tăng 38% từ 3.362 nghìn đồng/tháng lên 4.627 nghìn đồng/tháng. Số lượng phụ nữ tham gia vào hoạt động tạo thu nhập tuy không tăng nhưng đóng góp của họ vào thu nhập của gia đình đã tăng đáng kể sau khi tham gia vào dự án (từ 1.182 nghìn đồng/tháng lên 1.768 nghìn đồng/tháng, mức tăng lên đến 50%). Có thể thấy, ý thức phải lao động, phải đóng góp vào thu nhập gia đình của nữ giới đã tăng kể sau khi tham gia vào dự án, từ đó tiếng nói của người phụ nữ đã có giá trị hơn trong gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình bình đẳng giới.

3.2. Tiếp cận giáo dục

Các hộ sản xuất nông nghiệp ở các khu vực khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long ít có cơ hội được tham gia vào các lớp tập huấn, đào tạo về kiến thức trong sản xuất nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi, cũng như cơ hội được tiếp cận và theo đuổi việc học ở các bậc cao hơn và việc này càng khó khăn hơn đối với phụ nữ. Thế nhưng, kết quả khảo sát ở Bảng 3 cho chúng ta thấy việc tham gia các lớp tập huấn của phụ nữ được gia tăng rõ rệt (có đến 83 người cho rằng nữ tham gia các lớp tập huấn cao hơn nam giới, mức độ thường xuyên tham gia tập huấn so với nam giới đã tăng 261% sau khi tham gia dự án), cũng như cơ hội cho việc nâng cao kiến thức ở các bậc học cao hơn được cải thiện tích cực (trở ngại cho việc học cao hơn đối với nữ giảm 34% sau khi tham gia dự án). Dự án Heifer đã góp một phần không nhỏ trong việc tiếp cận tri thức cho nữ giới ở các tỉnh trong dự án.

3.3. Tiếp cận sức khỏe

Sau khi tham gia dự án, nhận thức và kiến thức về sức khỏe và bảo vệ sức khỏe cho bản thân của phụ nữ được nâng lên rõ rệt. Cụ thể, trước khi tham gia dự án chỉ có 229 trong tổng số 310 phụ nữ cho biết có tham gia chương trình kế hoạch hóa gia đình, thế nhưng sau khi tham gia dự án số lượng phụ nữ có kế hoạch hóa gia đình tăng lên mức 275. Không những nhận thức về tầm quan trọng của việc kế hoạch hóa gia đình được cải thiện, mà việc chăm sóc sức khỏe sau khi sinh, việc khám sức khỏe định kỳ và kiến thức về chăm sóc sức khỏe của phụ nữ đều được cải thiện tích cực sau khi tham gia dự án với mức tăng lần lượt là 63%, 74% và 37% (bảng 4).

3.4. Thời gian nghỉ ngơi và lao động

Kết quả khảo sát cho thấy rằng thời gian nghỉ ngơi, giải trí; thời gian tham gia hoạt động xã hội và cơ hội tiếp xúc xã hội của phụ nữ đã được cải thiện rõ rệt sau khi tham gia dự án. Số lượng không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí đã giảm hơn một nửa, từ 11 người xuống còn 5 người. Trong khi đó, số lượng có thời gian thoải mái để nghỉ ngơi, giải trí lên đến 42 người, tăng gấp 8 lần so với lúc chưa tham gia dự án. Đây là bước đột phá trong nhận thức mà dự án Heifer mang lại cho người dân nơi đây, phụ nữ không còn phải làm việc “đầu tắt mặt tối” không có thời gian nghỉ ngơi cho bản thân. Bên cạnh đó, họ còn có cơ hội tiếp xúc với bên ngoài nhiều hơn, được tham gia các hoạt động xã hội một cách thoải mái hơn. Số liệu cụ thể được thể hiện trong Bảng 5.

3.5. Bạo lực gia đình

Vấn đề bạo lực và bạo hành gia đình luôn là vấn đề nóng của xã hội, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, vùng quê nông thôn nghèo với trình độ dân trí thấp. Ở những tỉnh trong dự án, tuy vẫn còn tình trạng bạo lực tinh thần và thể chất đối với phụ nữ và trẻ em, song con số này đã giảm hơn so với lúc trước khi tham gia dự án. Cụ thể, tình trạng bạo lực gồm tinh thần và thể chất đối với trẻ em gái đã giảm 25% và đối với phụ nữ đã giảm 17% theo bảng 6.

3.6. Tiếp cận các hoạt động xã hội cộng đồng

Trước đây, ở các vùng quê nghèo, phụ nữ thường ít có cơ hội tham gia các hoạt động cộng đồng. Tuy nhiên, sau khi tham gia dự án, có khoảng 160 phụ nữ trên địa bàn cho rằng họ gần như bình đẳng với nam giới trong việc tham gia các hội nhóm, CLB (168) các buổi họp (159) và các hoạt động xã hội trong cộng đồng (153). Ở cả 3 tiêu chí, số lượng phụ nữ cho rằng mình hoàn toàn bình đẳng với nam giới luôn cao hơn số “hạn chế” và “rất hạn chế” (Bảng 7). Việc tham dự các hoạt động cộng đồng không chỉ thể hiện quyền lợi, quyền bình đẳng mà còn là cơ hội để phụ nữ tiếp cận với các thông tin, tri thức.

3.7. Phụ nữ trong vai trò lãnh đạo

Ở Việt Nam, lãnh đạo là nam giới thường chiếm đa số và vấn đề nnguyên nhân một phần bắt nguồn từ định kiến trọng nam khinh nữ từ thời phong kiến. Ngày nay, tuy định kiến dần được xóa bỏ nhưng số lượng nữ giới làm lãnh đạo vẫn chưa cao. Theo số liệu thống kê trong Bảng 8, trước đây khi chưa tham gia dự án, có đến 120 phụ nữ cho rằng họ “rất hạn chế” được làm lãnh đạo, thì hiện nay, “rất hạn chế” đã chuyển thành “hạn chế” (124 trường hợp), thêm vào đó có đến 79 trường hợp cho rằng họ gần như bình đẳng với nam giới về vấn đề này, chứng tỏ đã có sự thay đổi tích cực trong nhận thức của người dân về vấn đề nữ giới làm lãnh đạo, tuy sự thay đổi là chưa rõ rệt.

4. Kết luận

Nghiên cứu tập trung vào việc đánh giá về giới và quyền hạn của phụ nữ trong các dự án của Heifer Việt Nam, so sánh về giới và tình hình của phụ nữ trước và sau khi tham gia dự án cũng như các tác nhân tạo nên hiệu quả của các dự án ở cấp độ của các hộ gia đình. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng:

Về thu nhập: Kết quả nghiên cứu cho thấy hộ sau khi tham gia dự án đều tăng thu nhập thông qua các hoạt động sản xuất (kể cả thu nhập từ hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp). Sau khi tham gia dự án, số nữ tham gia hoạt động tạo thu nhập cũng như mức đóng góp của thành viên nữ vào tổng thu nhập của hộ cũng nâng lên.

Về tiếp cận giáo dục của phụ nữ: Phụ nữ được tham gia thường xuyên hơn các khóa tập huấn, giảm trở ngại cho việc học cao hơn.

Về tiếp cận dịch vụ y tế của phụ nữ: Phụ nữ hiểu rõ hơn về kế hoạch hóa gia đình, nhận thức đúng hơn về chăm sóc sức khỏe khi sinh. Việc khám sức khỏe định kỳ của phụ nữ được cải thiện đáng kể sau khi tham gia dự án.

Sau khi tham gia dự án, thời gian nghỉ ngơi, giải trí, thời gian cho hoạt động xã hội và cơ hội đi ra ngoài của phụ nữ được cải thiện khá tốt, bạo lực tinh thần và thể chất đối với trẻ em gái và phụ nữ được cải thiện.

Hơn thế, sau khi tham gia dự án, cơ hội tham gia các tổ chức xã hội và chính phủ (tham gia hội nhóm, CLB, tham gia các buổi họp hội và các hoạt động xã hội trong cộng đồng) của phụ nữ được cải thiện khá tốt đồng thời cơ hội tham gia vị trí lãnh đạo tại địa phương của phụ nữ được nâng lên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Annual report of Heifer International Vietnam (2014).

2. Essig, L. and J.K. Winter (2009). Item Non-Response to Financial Questions in Household Surveys: An Experimental Study of Interviewer and Mode Effects. Journal compilation © Institute for Fiscal Studies, 30 (3/4), 367–390.

3. Lovell, C.A.K., Harold O. Fried and Shelton S. Schmidt (1993). The Measurement of Productive Efficiency: Techniques and Applications. Oxford University Press, 121-149.

4. Oladeebo, J.O and A.A. Fajuyigbe (2007). Technical efficiency of men and women upland rice farmers in Osun, Nigeria. J. Hum. Ecol., 22(2), 93-100.

5. Oren, M.N. et al. (2006). Determinants of Technical Efficiency of Wheat Farming in Southeastern Anatolia, Turkey: A Non parametric Technical Efficiency Analysis. Journal of Applied Sciences, 6(4), 827-831.

6. Statistical yearbook of Vietnam 2014.

7. Theil Henri (1978). Introduction to Econometrics. Prentice-Hall, Inc, 135-136.

8. Vietnam Business Forum (2016).

Gender equality of women empowerment before and after joining the Heifer Vietnam project

QUAN MINH NHUT

College of Economics, Can Tho University

ABSTRACT:

This study focused on estimating the gender and women's empowerment in Heifer Vietnam's projects, comparing gender and women's situation before and after joining the projects. Five provinces of the MRD , namely, Tra Vinh, Vinh Long, Ben Tre, Soc Trang and Kien Giang were selected to gather the needed data for analysis. The study used 310 observations of farm households in the projects. In which, 42 observations in Vinh Long, 88 observations in Tra Vinh, 60 observations in Ben Tre, 62 observations in Soc Trang and 58 observations in Kien Giang province. The study results showed that after joining the project the gender and women's empowerment have increased.

Keywords: Womens role, Heifer Vietnam project.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 12 tháng 11/2017 tại đây