Thương mại điện tử 'làm mới' bán lẻ truyền thống

Không chỉ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa bằng thương mại điện tử (TMĐT), thời gian tới cửa hàng tạp hóa cũng được kênh bán hàng hiện đại này hỗ trợ để phát triển phân phối hàng hóa, mở rộng kinh doanh, nâng cao dịch vụ chăm sóc khách hàng...

Bán hàng trực tuyến hỗ trợ bán lẻ truyền thống

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số nhận định, TMĐT đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 25% năm. Theo Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, TMĐT là xu hướng tất yếu giúp cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ. TMĐT rút ngắn được khoảng cách, tiết kiệm được chi phí lưu kho bãi, chi phí về mặt quản lý để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Ông Võ Tân Thành – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM cho hay: “Thời gian qua thị trường bán lẻ Việt Nam liên tục phát triển nhanh và luôn tăng trưởng ở hai con số. Năm 2018, doanh thu của TMĐT Việt Nam ở mức 143 tỷ USD, dự kiến đến năm 2020 con số trên đạt 160 tỷ USD”.

Ghi nhận thực tế cho thấy, cộng đồng DN đang lên “dây cót”  ứng dụng TMĐT để phát triển thị trường xuất khẩu. Người bán buôn, bán lẻ cũng tận dụng kênh bán hàng hiện đại này nhằm “lên đời” cho bán lẻ truyền thống với mục tiêu bắt kịp thời đại, tăng khả năng cạnh tranh. Vì vậy, phương thức ứng dụng kênh bán lẻ hiện đại này đang trở thành xu hướng mới hiện nay. Bà Hoàng Thảo Lan – chủ của hàng thời trang trên đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức, TPHCM cho hay: “Thấy họ kinh doanh ầm ầm trên mạng, tôi dũng phải “ăn theo” bằng cách bán cả online, thay vì chỉ đơn thuần bán hàng trực tiếp. Doanh thu từ bán hàng online của cửa hàng đang tăng gấp đôi bán hàng trực tiếp. Tôi muốn áp dụng nhiều kênh bán hàng để tận dụng những lợi thế khác nhau”. 

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ của thị trường Việt Nam năm 2018 là 143 tỷ USD, trong đó kênh bán lẻ truyền thống chiếm 75%, tương ứng 107 tỷ USD. Từ kết quả trên cho thấy, kênh bán lẻ truyền thống thật sự là một kênh phân phối sản phẩm dịch vụ lớn và đầy tiềm năng. Mặc dù đánh giá rất cao tiềm năng thị trường bán lẻ truyền thống, nhưng theo nhận định của chuyên gia kinh tế, bán lẻ truyền thống đã và đang thể hiện nhiều bất cập. Cụ thể, hệ thống cồng kềnh chưa đồng bộ, khó quản lý, rủi ro cao, khó mở rộng, chăm sóc khách hàng chưa tốt.

Đổi mới bán lẻ truyền thống

Một số DN tiên phong trong hoạt động “làm mới” bán lẻ truyền thống cho rằng, 9.000 chợ truyền thống, 1,5 triệu cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ, chứng tỏ bán lẻ nội địa rất lớn, thế nhưng phân khúc này còn nhiều tồn tại chưa giải quyết được. Nhằm tiện lợi cho nhà phân phối và đơn vị bán lẻ truyền thống, một số đơn vị đã xây dựng một nền tảng phân phối hàng hóa hoàn chỉnh đến các điểm bán hàng. Để làm được điều trên, đơn vị trung gian đã áp dụng giải pháp công nghệ cao trong quản trị và vận hành DN có thể phân phối hàng hóa đến toàn thị trường trong vòng 1 – 2 tuần, hoàn toàn kiểm soát được lượng hàng tồn, lưu lượng phân bổ, doanh thu dự kiến,...Ngoài ra, không ít đơn vị cung cấp một nền tảng phân phối hàng hóa, dịch vụ tổng thể.

Với nền tảng này, DN có thể tiếp cận kênh phân phối truyền thống dễ dàng, nhanh chóng với chi phí và hiệu suất kinh doanh tối ưu. Các DN có thể cung cấp hàng hóa đến kênh phân phối truyền thống, hỗ trợ điểm bán trở thành kênh bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Nói về việc “lên đời” cho các cửa hàng tập hóa thông qua TMĐT, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam khẳng định: “10 năm trước, tôi không chắc chắn về việc kết nối các điểm bán hàng, cửa hàng tạp hóa với TMĐT. Nhưng giờ họ đang kết nối với nhau rất nhanh. Đây là thời điểm tốt khi có nhiều nền tảng hỗ trợ để nâng cấp mô hình bán lẻ truyền thống”.

Theo ông Dũng, nếu chỉ bán hàng xén mà không tham gia thì cửa hàng sẽ không hiện đại, ít khách, khó tồn tại được.  “Xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ là một ví dụ. Trước đây xe ôm truyền thống không đồng tình với xe ôm công nghệ nhưng đến một ngày nào đó xe ôm truyền thống cũng phải tham gia. Bán lẻ truyền thống cũng thế, khi đã hệ thống hóa rồi sẽ giảm được nhiều chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm của mình, kinh doanh sẽ tốt hơn” – ông Dũng dẫn chứng cụ thể.

Đặt nhiều kỳ vọng vào TMĐT, đại diện Hiệp hội TMĐT cho hay, bên cạnh việc xuất khẩu hàng hóa sang các nước thông qua kênh bán hàng này, rồi “lên đời” bán lẻ truyền thống, Hiệp hội đang có kế hoạch đưa các sản phẩm đặc sản của các vùng miền lên bán hàng trực tuyến. Theo kế hoạch, sẽ đưa sản phẩm dừa Bến Tre, thổ cẩm Hà Giang, sen Đồng Tháp, tre - luồng của Thanh Hóa và Nghệ An… lên TMĐT.