Thương mại số sẽ thay thế phương thức xúc tiến xuất khẩu truyền thống

Sự lên ngôi của thương mại số sẽ thay thế phương thức xúc tiến thương mại xuất khẩu truyền thống. Đây chính là phương thức xuất khẩu tại chỗ, đồng thời là cách giúp doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam những năm gần đây liên tục duy trì ở mức hai con số, song để hướng tới yếu tố bền vững thì doanh nghiệp cần phải đầu tư bài bản, hướng tới giá trị gia tăng nhiều hơn.

Chia sẻ về vấn đề này trong Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu diễn ra mới đây, ông Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, xuất khẩu không còn đơn thuần là thị trường, mà điều cơ bản nhất vẫn là đối tác, tạo ra mạng lưới, tạo ra chuỗi giá trị và đầu vào.

Kinh tế thương mại ngày nay không chỉ lấy doanh nghiệp là trung tâm, mà thay vào đó là công chúng, đám đông, là người tiêu dùng. Đây là những đặc trưng thay đổi căn bản trong sản xuất và thương mại - ông Thành nói.

thương mại số sẽ thay thế cách thức xuất khẩu truyền thống
Thương mại số sẽ thay thế phương thức xúc tiến thương mại xuất khẩu truyền thống. Đây là phương thức xuất khẩu tại chỗ, giúp doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Ông Võ Trí Thành cũng nêu rõ, sự lên ngôi của thương mại số sẽ thay thế phương thức xúc tiến thương mại xuất khẩu truyền thống. Xuất khẩu hiện không còn bó hẹp ở việc doanh nghiệp đưa hàng hoá ra thị trường nước ngoài mà còn là cung ứng sản phẩm cho các nhà sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

"Đây chính là phương thức xuất khẩu tại chỗ, cũng đồng thời là cách giúp doanh nghiệp Việt chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu", Tiến sĩ Võ Trí Thành nêu.

Từ thực tế 10 năm lặn lội đưa sản phẩm chè hữu cơ chinh phục thị trường châu Âu, ông Phạm Minh Đức - chủ một doanh nghiệp sản xuất chè hữu cơ đúc kết, muốn thành công doanh nghiệp phải kiên trì, hiểu thị trường và nỗ lực tiếp cận, chứ không đơn thuần chỉ có niềm tin.

Năm đầu tiên chúng tôi gửi mẫu sản phẩm, các doanh nghiệp châu Âu không thèm tiếp. Năm thứ hai doanh nghiệp vẫn gửi mẫu sản phẩm nhưng bị từ chối thẳng thừng. Phải đến năm thứ ba tiếp cận, sản phẩm chè mới được các doanh nghiệp châu Âu xem xét và chấp nhận. Từ thực tế này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải hết sức nỗ lực mới có thể tiếp cận và hiểu thị trường xuất khẩu, ông Đức chia sẻ.

Đồng quan điểm trên, ông Hà Hữu Thông, Giám đốc Công ty XNK Thủ công mỹ nghệ Nam Đông, Hà Nam cho biết, từ năm 2008 doanh nghiệp đã tận dụng thương mại điện tử để xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường.

Năm 2006, doanh nghiệp đã tiếp cận thị trường Mỹ và nhận thấy dòng sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tại thị trường này rất khiêm tốn. Tuy nhiên, đến năm 2011, khi doanh nghiệp quay lại thị trường Mỹ đã thấy sản phẩm Việt xuất hiện tại đây rất nhiều. Tìm hiểu được biết, trước đây thị trường Mỹ phần lớn mua sản phẩm của Trung Quốc nhưng sau đó đã thay thế nhiều bằng sản phẩm của Việt Nam.

“Thông điệp và kinh nghiệm của doanh nghiệp rút ra khi tiếp cận thị trường khó tính là muốn bán được hàng thì phải tìm hiểu thị trường và khách hàng, bởi vì yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu và Mỹ rất khắt khe, vừa muốn mua hàng rẻ nhưng phải bảo vệ danh tiếng”, ông Thông cho biết.

Lý giải những vướng mắc mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đang gặp phải, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, xuất khẩu là hoạt động mà nhiều doanh nghiệp tham gia.

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã chủ động và mỗi doanh nghiệp đều có một cách đi, cách tiếp cận đến từng thị trường. Có những doanh nghiệp dù quy mô rất nhỏ nhưng đã len lỏi, tìm cách bán nông sản vào thị trường châu Âu, châu Phi. Sự chủ động này là yếu tố then chốt để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá ra thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, để tăng trưởng tốt và hướng đến tăng trưởng bền vững, các doanh nghiệp phải dựa trên giá trị cốt lõi. Các Hiệp hội sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng, dẫn dắt để các doanh nghiệp làm theo. Từ góc độ nhà nước, vai trò thiết lập môi trường, cơ chế chính sách xuất khẩu cho doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết”, ông Hải nói.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), dù doanh nghiệp đã rất chủ động, tuy nhiên xuất phát từ đặc điểm của nền kinh tế, đa số quy mô của doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, phải tự bươn chải, luồn lách vào các phân khúc thị trường ngách nên đây là việc quá sức đối với họ.

Vì vậy, trong thời gian tới, Cục sẽ phải đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế cũng như các đối tác thương mại, đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu.

Thu Thủy