TÓM TẮT:

Trong lịch sử, toàn cầu hóa là nền tảng cốt lõi cho sự thành công, phát triển thần kỳ của nhiều nền kinh tế, điển hình như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, hay Trung Quốc. Đối với Việt Nam, toàn cầu hóa cũng tạo ra bối cảnh thuận lợi cho sự phát triển trong hơn 30 năm qua, nhất là từ khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO năm 2007. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây liên quan đến chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 và khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 cho thấy thương mại toàn cầu đang trong một bối cảnh mới. Bối cảnh đó đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Bài viết bàn về thương mại toàn cầu trong bối cảnh mới và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam.

Từ khóa: Thương mại toàn cầu, toàn cầu hóa, Việt Nam.

1. Một số xu hướng của thương mại toàn cầu thời gian gần đây và nguyên nhân

Về bản chất, tự do hóa thương mại là sự nới lỏng can thiệp của nhà nước hay chính phủ vào lĩnh vực trao đổi, buôn bán quốc tế. Tự do hóa thương mại vừa là nhu cầu hai chiều của hầu hết các nền kinh tế thị trường, bao gồm: nhu cầu bán hàng hóa, đầu tư ra nước ngoài và nhu cầu mua hàng hóa, nhận vốn đầu tư của nước ngoài. Hội nhập thương mại đã mang lại thịnh vượng cho thế giới, tuy nhiên mức độ hội nhập thương mại tác động đến tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc vào đặc điểm và các chính sách của mỗi nước.

Mở cửa thương mại tác động ở các mức độ khác nhau ở các nước có cơ cấu kinh tế, nhất là về mức độ chuyên môn hóa xuất khẩu, đa dạng hóa sản xuất, cũng như thể chế của quốc gia. Về lý luận cũng như trên thực tế cho thấy có mối liên hệ giữa độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế, việc làm, thu nhập và đói nghèo. Độ mở thương mại cũng quyết định đến chuỗi cung ứng toàn cầu được mở rộng hay thu hẹp.  

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thương mại toàn cầu đang cho thấy một số dấu hiệu mới rất đáng quan tâm; cụ thể:

Một là, toàn cầu hóa đang có dấu hiệu chậm lại. Sau suy giảm do khủng hoảng tài chính toàn cầu và hồi phục ngắn ngay sau đó, thương mại và sản xuất toàn cầu lại có sự tăng chậm trở lại trong những năm gần đây. Năm 2016 là năm thứ năm liên tiếp thương mại toàn cầu tăng trưởng dưới 3% và lần đầu tiên trong lịch sử thấp hơn tốc độ tăng GDP (3,1%) và có xu hướng sụt giảm mạnh, thấp hơn kỳ vọng trong những năm gần đây, chỉ ở mức khoảng 1-2%/năm[1]; do nhiều nguyên nhân, như: chi phí vận tải không giảm đáng kể, thuế quan tăng lên do xu hướng bảo hộ, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia ngày càng giảm, các nước mới nổi ngày càng chủ động trong công nghệ và sản xuất các yếu tố đầu vào, ít phụ thuộc vào nhập khẩu hơn, sự phát triển chậm lại của các chuỗi giá trị toàn cầu và tự do hóa thương mại.

Nguyên nhân quan trọng khác nữa là dịch vụ ngày càng đóng vai trò lớn trong thương mại toàn cầu, trong khi bản thân nó không phải là đối tượng có thể dễ dàng dịch chuyển xuyên biên giới. Các định chế tài chính ngày càng trở nên cẩn trọng hơn đối với các hoạt động trong khuôn khổ thương mại toàn cầu.

Hai là, xu hướng nổi lên của chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ thương mại. Thế giới đang chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc, bảo hộ thương mại ở Mỹ và một số nước, đối lập với tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.

Tại Mỹ, một trong các hành động lập pháp đầu tiên của Tổng thống Donald Trump là tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đến nay Mỹ đã lần lượt rút khỏi các thể chế thương mại đa phương này, ngừng đàm phán FTA với EU, tiếp đó là áp đặt thuế nhập khẩu khá cao đối với sản phẩm của nhiều nước như nhôm, thép cuốn...

Đối với WTO, kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ - quốc gia có ảnh hưởng lớn trong WTO - ngày càng ủng hộ chủ nghĩa đơn phương với trọng tâm chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Tổng thống Donald Trump tỏ ra không tin tưởng các tổ chức đa phương nói chung và WTO nói riêng, cho rằng các thỏa thuận trong khuôn khổ WTO khiến Mỹ phải chấp nhận thương mại không công bằng với các đối tác chỉ vì vị thế là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do đó, ông Donald Trump không ít lần bày tỏ sự thất vọng về WTO và đe dọa sẽ rút Mỹ khỏi tổ chức này. Điều này là hoàn toàn có thể ở nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Như gần đây, ông đã khiến thế giới sửng sốt khi rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bất chấp sự phản đối từ trong và ngoài nước. Đặc biệt, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể là lực lượng quan trọng định hình lại thương mại toàn cầu trong giai đoạn tới, do cuộc chiến này có thể sẽ là dài hạn chứ không phải ngắn hạn và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra trong bối cảnh Mỹ, Trung Quốc đều là những đối tác thương mại hàng đầu của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Trung Quốc, cường quốc kinh tế số hai thế giới vốn được xem là hưởng lợi từ thương mại tự do, cũng đang theo đuổi một chính sách giảm nhập khẩu mạnh mẽ bằng nhiều biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu càng nhiều càng tốt. Để củng cố vị trí của mình, gần đây, Trung Quốc có một tiếp cận kinh tế chính trị với chiến lược Vành đai - Con đường. Chiến lược này xây dựng một hệ thống các hành lang kinh tế - thương mại quốc tế, vừa mang tính đa phương vừa mang tính song phương. Với chiến lược này, Trung Quốc đang xây dựng một “nền tảng” hợp tác quốc tế, trong đó Trung Quốc là người điều phối và đưa ra luật chơi, làm đối trọng với các nền tảng song phương và đa phương đã được thiết lập bởi phương Tây. Thông qua chiến lược này, Trung Quốc có thể trực tiếp hóa và làm sâu sắc các ảnh hưởng của mình đối với các nước liên quan và trên trường quốc tế. Ngoài ra, Trung Quốc đang đầu tư và có những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển khoa học, công nghệ nhằm nỗ lực chuyển đổi mô hình kinh tế của mình theo hướng đổi mới sáng tạo. Một khi Trung Quốc chiếm lĩnh được vị trí hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ, thì có thể khẳng định vị thế hàng đầu của mình trong quan hệ thượng mại toàn cầu.

Tại EU, nước Anh đã rời khỏi EU - một tổ chức hợp tác khu vực lớn nhất thế giới - sau 47 năm làm thành viên, đang tiến hành đàm phán lại toàn bộ những quy chế thương mại với châu Âu. Vì sao người Anh rời bỏ EU, hay ít nhất - chính xác hơn - tại sao quá nửa số người Anh bỏ phiếu chọn phương án này? Trong các câu trả lời có lý do là những khúc mắc về tự do thị trường và vấn đề lợi ích của nước Anh trong EU. (Biểu đồ 1)

Tại các nước theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, do sản phẩm nhập khẩu chịu thuế cao nên giá cả khó cạnh tranh với sản phẩm trong nước, phần lớn người tiêu dùng tìm đến hàng hóa sản xuất nội địa có mức giá thấp hơn. Nhà sản xuất do được bảo hộ nên gia tăng mua nguyên vật liệu trong nước có giá thành thấp hơn, thu được lợi nhuận nhiều hơn.

Theo báo cáo mới công bố cho các chính phủ nhóm G20 gần đây: GDP của kinh tế toàn cầu sẽ mất đến 10 nghìn tỷ USD trong năm 2025[2], trừ khi các chính phủ bãi bỏ hoặc giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan hiện đang cản trở thương mại hàng hóa toàn cầu.

Ba là, cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Sử dụng công nghệ cao và các mô hình kinh doanh mới ngày càng phát triển trong thương mại toàn cầu. Thị trường thương mại điện tử được mở rộng, mô hình thương mại điện tử ngày càng đổi mới, các chuỗi cung ứng truyền thống với sự hỗ trợ của sức mạnh lan tỏa của số hóa và công nghệ thông tin trở thành chuỗi cung ứng thông minh, đem lại hiệu quả cho nền kinh tế số nói chung cũng như thương mại toàn cầu. Những quốc gia đang phát triển nếu kịp thời nắm bắt được những xu hướng mới, đầu tư thích đáng, hiệu quả cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ sẽ có cơ hội bắt kịp các nước phát triển. Ngược lại, những nền kinh tế mới nổi với lao động tay nghề thấp và khả năng linh hoạt kém sẽ phải hứng chịu "cơn gió ngược" từ sự phát triển vũ bão của máy móc, tự động hóa và công nghệ thông minh, cũng như tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bốn là, tác động khó lường của khủng hoảng dịch bệnh Covid-19 năm 2020. Giống như tất cả các cuộc khủng hoảng khác, dịch bệnh Covid-19 có thể làm thay đổi diện mạo của thế giới, tạo ra những quy tắc và trật tự mới trong thương mại toàn cầu. Rất ảm đạm là bức tranh chung được các nhà nghiên cứu phác họa về triển vọng của kinh tế và thương mại thế giới trong thời gian tới. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ ra rằng, COVID-19 là cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây. Mức độ nghiêm trọng đã vượt xa khủng hoảng tài chính năm 2008, thậm chí vượt cả Đại suy thoái ở Mỹ vào những năm 1930[3]. Cũng theo IMF, GDP toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay và kinh tế thế giới sẽ thiệt hại 12 nghìn tỷ USD tính đến hết năm 2021[4], cao hơn quy mô kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản.

Đại dịch Covid-19 buộc các nền kinh tế và đối tác từ nay sẽ phải thận trọng hơn trong tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế. Các quốc gia sẽ phải đặc biệt quan tâm đến tốc độ, mức độ, lộ trình và cơ chế để giảm thiểu mức độ rủi ro, khả năng tổn thương và lệ thuộc vào biến động bất ngờ trong tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế. Việc lựa chọn đối tác để hợp tác, lãnh thổ; để đầu tư, thị trường; để trao đổi hàng hóa và dịch vụ sẽ phải được suy tính và thực hiện cẩn trọng hơn để đảm bảo thị trường không bị cách trở về chuỗi cung ứng cũng như tạo giá trị không bị gián đoạn bởi đột biến mới có thể xảy ra. Nói một cách khác, các nền kinh tế và đối tác sẽ phải cấu trúc lại cho riêng mình hoặc cùng nhau cấu trúc lại tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế, từ đó, phân công lao động quốc tế sẽ có những thay đổi rất cơ bản.

2. Tác động đến Việt Nam

Bối cảnh mới của thương mại toàn cầu đang đặt ra những thách thức, cơ hội đan xen cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trước những thách thức là không nhỏ và cũng đưa lại những cơ hội nếu biết nắm bắt, Việt Nam cần có các tiếp cận phù hợp.

Thứ nhất, các thị trường toàn cầu “tự do, rộng mở” được tạo nên bởi các giao thức đa phương sẽ không còn dễ dàng như trước, do vậy Việt Nam cần nhận thức rõ các bất lợi của mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu. Toàn cầu hóa đã mang lại nhiều điều kiện có lợi cho mô hình này (như đã phân tích ở trên), song các điều kiện này đã trở nên thiếu thuận lợi hơn với cách tiếp cận mới chặt chẽ hơn của các nước lớn trong chính sách thương mại toàn cầu. Việt Nam cần có các giải pháp cụ thể đối với vấn đề thuế quan, rào cản thể chế, sự thắt chặt về các chính sách tài chính, tiền tệ trên phạm vi toàn cầu để có thể tiếp tục mô hình xuất khẩu hiệu quả.

Mặt khác, Việt Nam cũng cần quan tâm nhiều hơn đến các khuôn khổ khu vực và song phương. Việt Nam phải nắm rõ các nhu cầu của mình cũng như đối tác để có cách tiếp cận cụ thể và thực tế.

Thứ hai, xu hướng thương mại toàn cầu sẽ tập trung vào dịch vụ và đặc biệt dịch vụ trên nền tảng số; các sản phẩm nói chung cũng sẽ có yêu cầu cao hơn về mặt đổi mới, sáng tạo và hàm lượng công nghệ. Trong khi nền tảng số, đổi mới sáng tạo và tri thức nói chung đang là điểm yếu của Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam cần có một tiếp cận nghiêm túc, quyết tâm cao để bắt kịp và hưởng lợi từ cách thức mới của thương mại toàn cầu.

Bên cạnh với thách thức về nền tảng đổi mới sáng tạo là cơ hội để Việt Nam có thể tham gia vào những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, khi tài sản trí tuệ lại là một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Các nền tảng số làm thế giới phẳng hơn trong giao lưu, trao đổi tri thức, thu hẹp khoảng cách của Việt Nam và các nước phát triển. Ngoài ra, các hoạt động dịch vụ, đặc biệt là du lịch, có thể là lợi thế so sánh tự nhiên của Việt Nam, và trong bối cảnh các hoạt động truyền thống của thương mại toàn cầu bị thu hẹp, các nguồn lực sẵn có về dịch vụ có thể giúp Việt Nam tham gia vào thương mại toàn cầu một cách công bằng hơn.

Thứ ba, trong bối cảnh thương mại toàn cầu thu hẹp do hiệu quả kinh tế nói chung và hiệu quả của các tập đoàn đa quốc gia nói riêng, thì cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và lớn mạnh. Các doanh nghiệp sẽ phải chú ý hơn tới phục vụ thị trường trong nước (bị bỏ ngỏ do các tập đoàn đa quốc gia thu hẹp hoạt động ở nước ngoài) và sau đó là vươn ra thị trường toàn cầu.

Trong ngắn hạn, Việt Nam cần nắm bắt diễn của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và công nghệ cũng như các hiệu ứng thương mại tác động trực tiếp tới Việt Nam - một nước trong vùng đệm của Trung Quốc - để có các biện pháp phù hợp và tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh của mình. Trong trung hạn và dài hạn, cần nhận thức căng thẳng Mỹ - Trung có tính chiến lược chứ không phải nhất thời, trên cơ sở đó để có đối sách phù hợp.

Thứ tư, qua cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đã phơi bày những rủi ro và hạn chế của thương mại toàn cầu, đòi hỏi cần có một cách tiếp cận mới. Theo đó, một trong những điều chỉnh cơ bản sau đại dịch là thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị, để hạn chế sự lệ thuộc vào một thị trường. Chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị sẽ thay đổi theo hướng vừa đảm bảo đa dạng hơn, tức là dễ dàng và nhanh chóng có thể thay thế được cho nhau hơn, lại vừa tạo thành mạng lưới kết nối nhiều chuỗi với nhau để “bọc lót” lẫn nhau khi cần. Giải pháp trước mắt là sàng lọc tìm kiếm cơ hội từ những cách thức sẵn có. Cơ hội của Việt Nam - một thị trường đáng kể với gần 100 triệu dân - có thể được coi là cửa ngõ cho những ý tưởng tìm kiếm thị trường, nguồn cung ứng cũng như công xưởng của các nước, nền kinh tế lớn (chẳng hạn như EU, trong đó EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020). Do vậy, Việt Nam cần tận dụng các lợi thế và cơ hội từ việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các cơ hội do bối cảnh mới của thương mại toàn cầu mang lại.

Thứ năm, Việt Nam cần tiếp tục và quyết liệt hơn trong tháo gỡ nút thắt thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh. Đây là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất tạo động lực mới cho nền kinh tế tăng trưởng. Chính phủ cần nỗ lực, quyết tâm, đẩy nhanh hơn nữa quá trình thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân. Trong đó, thiết lập môi trường kinh doanh thuận lợi vẫn là ưu tiên hàng đầu. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo chiều sâu, tiếp tục giữ vai trò là động lực cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025, có chính sách riêng biệt cho các ngành có đặc thù riêng, nhất là với phát triển công nghiệp phụ trợ. Đẩy nhanh quá trình thực hiện Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động, tận dụng tối đa các lợi ích từ cách mạng công nghiệp 4.0, với các biện pháp thúc đẩy phát triển khoa học, đổi mới, sáng tạo cụ thể.  

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. BIS (Bank of International Settelements), Báo cáo kinh tế thường niên (Annual Economic Report) [Report] – 2017.
  2. Hoàng Văn Cương (2020), Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam năm 2020.
  3. Hải Đăng (2020), Tác động của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế thế giới như thế nào?, http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-quoc-te
  4. Đậu Hương Nam (2020), Toàn cầu hóa trong giai đoạn mới và một số vấn đề đặt ra cho Việt Nam.
  5. Nguyễn Xuân Thắng (2020), Tình hình thế giới, khu vực: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.
  6. WTO (2015), Báo cáo thương mại thế giới năm 2015 và triển vọng năm 2016.
  7. https://vietnamhoinhap.vn/article

The global trade in the new development context and some arising problems facing Vietnam

Ph.D Phan Anh He

National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

Globalization has played a core factor in the success and miraculous development of many economies, such as South Korea, Singapore, Taiwan and China. For Vietnam, the globalization has also created favorable development conditions for the country’s economic growth over the past 30 years, especially since Vietnam joined the World Trade Organization in 2007. However, due to the rise of economic nationalism, trade protectionism, the adverse impacts of the on-going Covid-19 pandemic, and the rapid development of Industry 4.0, the global trade is in a new development period and developing economies including Vietnam are facing significant challenges. This paper is about the new development of global trade in the current context and some arising problems facing Vietnam.

Keywords: Global trade, globalization, Vietnam.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 26, tháng 11 năm 2020]