Thương mại trong nước: Nhiều điểm nóng được giải quyết rõ nét

Năm 2018, cùng với tăng trưởng GDP chung cả nước, thương mại trong nước tiếp tục giữ vững được đà tăng trưởng ở mức 2 con số; qua đó cùng với xuất khẩu và đầu tư là những trụ đỡ quan trọng đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Ổn định cung cầu

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt khoảng 4.395,7 nghìn tỷ đồng tăng 11,7% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra năm 2018 là tăng 10-10,5% so với năm 2017. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm nay ước tính đạt 3.306,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,21% tổng mức và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Công tác kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội được triển khai tích cực, thông qua việc thực hiện các Chương trình bình ổn thị trường đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, nơi phát luồng hàng hóa và thường có biến động giá, ảnh hưởng lớn đến CPI chung của cả nước; Phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, quản lý giá sữa để hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào CPI chung khi các hàng hóa dịch vụ khác như giáo dục, y tế đang được điều chỉnh theo lộ trình giá thị trường trong thời gian vừa qua; Bộ Công Thương đã theo dõi sát diễn biến thị trường, tổ chức tốt hoạt động của Tổ Điều hành thị trường trong nước, phối hợp với các thành viên Tổ Điều hành thị trường trong nước xử lý nhanh các biến động của thị trường..., góp phần ổn định thị trường, giá hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ tốt cho sản xuất và đời sống của người dân, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao (CPI dưới 4%). Kết quả nổi bật là:

- Thương mại nội địa giữ vững được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số, vượt kế hoạch đề ra, qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

- Nguồn cung hàng hóa dồi dào, giá cả cơ bản ổn định, các chương trình bình ổn thị trường được triển khai tích cực, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố lớn, (nơi phát luồng hàng hóa và thường có biến động giá, ảnh hưởng lớn đến CPI)  đã góp phần ổn định thị trường chung của cả nước.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, quản lý giá sữa để hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào CPI chung khi các hàng hóa dịch vụ khác như giáo dục, y tế đang được điều chỉnh theo lộ trình giá thị trường trong thời gian vừa qua, bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội giao (CPI dưới 4%).

Giải quyết các điểm nóng

Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được đẩy mạnh nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong năm 2018, Bộ Công Thương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt công tác quản lý thị trường như kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực như: sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản và chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm; quản lý phân bón vô cơ; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm; kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu; kinh doanh vật tư nông nghiệp; thuốc lá điếu, mặt hàng đường...

Ngành đã triển khai nhiều đoàn công tác để chỉ đạo, đôn đốc xử lý một số vụ việc vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm, bước đầu tạo được kết quả được người dân ghi nhận, góp phần ngăn chặn giảm thiểu các đối tượng công khai sản xuất, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điển hình như vụ việc sản phẩm VINACA giả thuốc chữa bệnh, khăn lụa Khaisilk, mỹ phẩm TS: đã chuyển cơ quan công an để điều tra hình sự; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hệ thống cửa hàng MUMUSO; kiểm tra một số doanh nghiệp kinh doanh đường nhập lậu, giả mạo xuất xứ hàng hoá tại Kiên Giang, Long An, TP.Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mỹ phẩm - thực phẩm chức năng Thanh Mộc Hương...Kết quả chung cả năm 2018, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý gần 92.000 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách trên 490 tỷ đồng, ước trị giá hàng tịch thu chưa bán trên 92 tỷ đồng.

Công tác quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quản lý hoạt động bán hàng đa cấp... được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và đổi mới phương thức quản lý, góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh.

Nhiều lĩnh vực nóng trước đây đã được giải quyết đạt kết quả rõ nét:

- Kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và chất cấm sử dụng trong chăn nuôi, chế biến thực phẩm.

- Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong kinh doanh xăng dầu; kinh doanh vật tư nông nghiệp; thuốc lá điếu; mặt hàng đường...

- Đôn đốc xử lý một số vụ vi phạm về hàng giả; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi cộm.

- Xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; quản lý hoạt động bán hàng đa cấp;áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hoàng Trung