TÓM TẮT:

Qua nghiên cứu các điều kiện tự nhiên xã hội hiện tại, thấy rằng, tiềm năng của tỉnh Tiền Giang còn rất lớn, hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới mà không “ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Ngoài  ra, việc nghiên cứu những thành công của các địa phương kết nối trực tiếp với TP. Hồ Chí Minh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An giúp tìm hướng đi cho Tiền Giang và rút ra những kinh nghiệm cho con đường phát triển sắp tới. Bài viết cũng góp phần giúp chính quyền Tiền Giang có cơ sở nghiên cứu rõ ràng, có cái nhìn tổng quát trong chiến lược phát triển của tỉnh theo tiêu chí phát triển bền vững. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhanh và mạnh tại Tiền Giang, nắm bắt tốt thời cơ để phát triển. Bài viết cũng có thể trở thành điển hình nghiên cứu cho các chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long.

Từ khóa: phát triển bền vững, cơ cấu kinh tế, Logictics, sàn thương mại điện tử tỉnh Tiền Giang.

1. Đặt vấn đề

Tiền Giang có vị trí địa lý thuận lợi, phía Nam giáp các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phía Bắc cách TP. Hồ Chí Minh 100 km. Năm 2021, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn tất, mở ra cơ hội kết nối trực tiếp với TP. Hồ Chí Minh. Có thể xem Tiền Giang có vị trí địa lý thuận lợi kết nối các tỉnh ĐBSCL với đầu tàu là TP. Hồ Chí Minh. Với thuận lợi này, Tiền Giang cần nắm bắt để phát triển kinh tế mạnh mẽ và bền vững.

Trong 10 năm qua, cơ cấu kinh tế Tiền Giang có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, đến 2020 ngành Nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng rất cao là 39%, công nghiệp và xây dựng (29%), dịch vụ, du lịch 28%, thuế 6%. Ngành Nông nghiệp tuy chiếm tỷ trọng lớn nhưng có GRDP thấp, do bản thân thu nhập ngành thấp, đồng thời, tình trạng biến đổi khí hậu càng đẩy ngành này vào khó khăn. Vì vậy, cần có những giải pháp để giúp người dân cải tiến dần mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hơn, qua đó giúp tăng chất lượng và giá bán sản phẩm, nâng cao thu nhập người dân. Bên cạnh đó, cần tìm hướng đi để chuyển đổi lao động ngành này sang ngành khác, nhưng không khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, hạn chế ảnh hưởng môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.

2. Cơ sở lý luận

Đầu tiên, cần xác định như thế nào là phát triển bền vững và áp dụng những tiêu chí đó trong việc phát triển Tiền Giang như thế nào? Có rất nhiều khái niệm về phát triển bền vững, bài viết căn cứ vào định nghĩa của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED (nay là Ủy ban Brundtland): Phát triển bền vững là "sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai,...".. Nói cách khác, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ, gìn giữ. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế - xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội,... phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích dung hòa 3 lĩnh vực chính: kinh tế - xã hội - môi trường.

Áp dụng các tiêu chí trên để phát triển bền vững Tiền Giang như thế nào?

Kinh tế: Định hướng phát triển ngành công nghiệp nhẹ là nền tảng, phát triển ngành dịch vụ trong đó logictics là yếu tố đột phá, chuyển dịch dần lao động nông nghiệp sang lĩnh vực khác. Ưu tiên phát triển ngành dịch vụ và công nghiệp nhẹ, tránh sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên.

Xã hội: Tiền Giang có thể nâng cao dần chỉ số HDI qua việc nâng cao thu nhập của người dân, đầu tư thêm cho giáo dục và y tế nhằm cải thiện mức sống người dân, tăng trình độ giáo dục, nâng cao tuổi thọ của người dân.

Môi trường: Với tiêu chí phát triển kinh tế như trên, Tiền Giang sẽ đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường do không sử dụng nhiều tài nguyên, phát triển ngành ít chất thải và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng điện mặt trời, năng lượng gió.

3. Thực trạng phát triển kinh tế Tiền Giang

3.1. Thực trạng

Để dễ hình dung về tình hình kinh tế của Tiền Giang, có thể xem qua so sánh GRDP của Tiền Giang với các tỉnh được kết nối trực tiếp với TP. Hồ Chí Minh. Qua so sánh có thể thấy Tiền Giang với tỷ trọng nông nghiệp còn cao, GRDP thấp, cần đột phá chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang lĩnh vực khác mới có thể nâng cao GRDP đầu người, tạo tiền đề cho phát triển sau này. (Bảng 1)

Bảng 1. GRDP của Tiền Giang so với các tỉnh lân cận

Nội dung

Tiền Giang

Long An

Đồng Nai

Bình Dương

 GRDP (tỷ đồng)

      101.728

  132.061

      210.500

         385.457

 GRDP bình quân đầu người (triệu đồng)

               57

             77,0

          124,0

             150,1

 Tỷ trọng nông, lâm, thủy sản/GRDP (%)

39,3

             15,3

              5,5

                 3,2

 Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng/GRDP (%)

26

             52,1

            56,0

               66,0

  Tỷ trọng dịch vụ/GRDP (%)

34,7

             32,5

            40,5

               30,8

 Nguồn: Tác giả tổng hợp

3.2. Nguồn lực để phát triển còn rất lớn

- Vận hội mới, cờ đến tay phải phất: Khi hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Tiền Giang (không phải Long An) mới thực sự là tỉnh lân cận của TP. Hồ Chí Minh, cần tận dụng lợi thế này để phát triển Tiền Giang trở thành Bình Dương, Đồng Nai thứ 2; đồng thời rút kinh nghiệm từ hai địa phương trên để giảm bớt hạn chế khi phát triển nóng. Như vậy, vừa có thể tận dụng lợi thế địa lý để phát triển, vừa có thể rút kinh nghiệm từ các địa phương đi trước, đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững.

- Vị trí địa lý: Tất cả các tỉnh Tây Nam bộ đều đi qua Tiền Giang. Đây là một lợi thế rất lớn mà xưa nay bỏ ngỏ, cần phát huy lợi thế rất lớn này.

+ Có thể làm đầu mối thu mua nông sản rồi xuất đi các tỉnh, xuất ra thế giới.

+ Trở thành trung tâm logistics của Tây Nam bộ.

+ Thu hút lao động từ các tỉnh Miền Tây: Trước đây công nhân phải đi xa đến TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Miền Đông để làm việc. Hiện tại, nếu Tiền Giang có nguồn việc tốt, sẽ dễ thu hút lao động do “gần nhà” hơn, mức chi tiêu rẻ hơn, từ đó tích lũy được nhiều hơn. Việc tìm lao động dễ dàng là một lợi thế thu hút nhà đầu tư đến Tiền Giang, tạo nền tảng phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp nhẹ của ĐBSCL.

- Nguồn tài nguyên đất đai:

+ Lợi thế: Tiền Giang là một vùng đất trù phú, quỹ đất chủ yếu để trồng trọt chưa khai thác nhiều. Nếu cần đất cho công nghiệp và dịch vụ, Tiền Giang vẫn có quỹ đất rất lớn để phát triển. Chỉ cần quy hoạch phù hợp, Tiền Giang vừa có thể giữ vững truyền thống về nông nghiệp và phát triển ngành này lên một tầm mới, vừa có thể phát triển công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ logistics.

+ Cần quy hoạch lại những khu vực trọng yếu đảm bảo hệ sinh thái, an ninh lương thực, dự phòng rủi ro khi có biến động kinh tế - gọi là Khu vực Xanh. Ngoài Khu vực Xanh, nên cho phép các quy hoạch để phát triển công nghiệp, dịch vụ để phát triển kinh tế tỉnh. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đến Tiền Giang, nhưng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp đã khai thác gần 90% quỹ đất. Vì thế, cần quy hoạch lại Vùng Xanh - để bảo tồn và Vùng Khác - để cho phép chuyển đổi và phát triển.

- Nguồn tài nguyên biển: Bên cạnh ngành đánh bắt truyền thống, còn có thể phát triển về cảng biển với những lợi thế rất lớn.

+ Vùng giáp biển: Với chiều dài dọc bờ biển là 32 km, Tiền Giang hoàn toàn có lợi thế để phát huy ngành Logictics và du lịch biển.

+ Lưu thông: Đã có đường đi sẵn để thông đến vùng này, khu vực này cách TP. Hồ Chí Minh 20 km, cách cảng Hiệp Phước 15 km đường chim bay, có thể thu hút khách hàng chuyển ngược về Tiền Giang với nguyên lý nước chảy chỗ trũng và dịch vụ tốt.

4. Định hướng, giải pháp để Tiền Giang phát triển bền vững

4.1. Định hướng

Như trên đã phân tích, Tiền Giang phát triển bền vững căn cứ trên sự phát triển kinh tế, giải quyết tốt các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Theo đó, cần thiết phải có giải pháp để dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành Nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng ngành Công nghiệp, Dịch vụ, đồng thời, nâng cao thu nhập của người dân trong cả 3 khu vực kinh tế.

Như vậy, với những lợi thế sẵn có, có thể xây dựng Tiền Giang thành:

+ Trung tâm tập trung và trung chuyển nội địa nông sản Khu vực ĐBSCL;

+ Trung tâm chế biến nông sản của ĐBSCL;

+ Trung tâm công nghiệp nhẹ của ĐBSCL;

+ Trung tâm trung chuyển, logistics, cảng Quốc tế mới nổi của ĐBSCL;

+ Dịch vụ, du lịch: Phát triển du lịch biển và du lịch sông nước, tạo thêm các điểm dừng nghỉ, vui chơi để du khách có thể ở lại, trải nghiệm, không chỉ đi về trong ngày như hiện tại.

Với những định hướng trên, Tiền Giang có thể hoàn toàn trở thành Trung tâm kinh tế mới nổi Khu vực ĐBSCL, tất nhiên phải tận dụng các điều kiện sẵn có và lợi thế kết nối với TP. Hồ Chí Minh.

4.2. Giải pháp cho từng lĩnh vực theo nguyên tắc “Phát triển bền vững”

4.2.1. Ngành Nông nghiệp và Chế biến nông sản

- Xây dựng “Chuỗi giá trị cho nông sản”.

+ Cần quy hoạch lại vùng nông nghiệp, tránh những vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu sắp tới, để khi trồng cây gần thu hoạch thì bỏ hết do nhiễm mặn, vì thế rất cần dự báo từ cơ quan chức năng giúp bà con nông dân lựa chọn loại cây, con giống cho phù hợp.

+ Nâng cao giá trị đầu ra cho nông sản: Thúc đẩy công nghệ trong nông nghiệp nhằm tạo sản phẩm chất lượng.

+ Tạo thương hiệu cho nông sản Tiền Giang, khi có chất lượng và thương hiệu, giá trị nông sản có thể tăng gấp 1,5 lần.

+ Tìm đầu ra cho nông sản: Xây dựng các “Chợ  đầu mối phân phối nông sản”, lập nhà máy chế biến nông sản, lập sàn thương mại điện tử giao dịch nông sản để bán nông sản trực tiếp ra nước ngoài,…

- Phát triển hạ tầng để đáp ứng nhu cầu công nghiệp chế biến nông sản. Với lợi thế nắm trong tay trung tâm luân chuyển và vận hành lúa gạo lớn nhất cả nước, Tiền Giang rất dễ xin các dự án để phát triển khu vực này một cách bài bản, an toàn, nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, đảm bảo nguồn hàng được xuyên suốt.

- Song song với cải tạo phát triển đường đi, cần có quy hoạch Khu vực chế biến nông sản, có thể mở một cụm công nghiệp chuyên chế biến nông sản, trái cây, đây là nhu cầu rất thực có thể làm ngay, giúp bà con tiêu thụ nông sản, bảo quản nông sản và tạo ra những sản phẩm có thể lưu trữ, xuất khẩu theo đúng tiêu chuẩn.

- Giao dịch trên Sàn thương mại điện tử (TMĐT):

Sàn TMĐT có thể khắc phục hạn chế về không gian địa lý, kho bãi, khó khăn khi tìm người mua, người bán. Khi có hàng hóa theo chuẩn, người dân có thể đăng bán - và người mua tìm được hàng dễ dàng thông qua sàn TMĐT.

Để nông dân có thể tiếp cận được thị trường nước ngoài, Nhà nước cần  hỗ trợ người dân trong việc xây dựng thương hiệu, tạo gian hàng, tập huấn về quy tắc giao dịch, hỗ trợ chi phí quảng cáo,  xây được thương hiệu “Nông sản Tiền Giang” trên các sàn TMĐT. Với sự hỗ trợ ban đầu của Nhà nước, nông dân sẽ từng bước tiếp cận và giao dịch tốt trên sàn TMĐT quốc tế.

Nhận thấy, giao dịch online là một xu thế tốt cho cả thị trường khó vận chuyển là nông sản. Làm sao để nông sản có thể “lên sàn”, thậm chí là  “sàn quốc tế” là một nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực, sự tuân thủ quy chuẩn từ chính quyền và người dân. Yêu cầu đầu tiên là có những gói hàng theo chuẩn quốc tế, do đó, cần có những quy hoạch để cho ra sản phẩm đồng nhất chất lượng.

4.2.2. Ngành Công nghiệp - Xây dựng

Nguyên lý: Phát triển nhanh công nghiệp nhẹ và gia công, tích lũy tài chính và trí tuệ, chuyển hẳn sang công nghiệp hàm lượng khoa học cao, Tiền Giang không thích hợp để phát triển công nghiệp nặng. Ngành Công nghiệp ở Tiền Giang  hiện tại chủ yếu là gia công và chế biến, đó là con đường hầu hết các địa phương đều phải đi qua trước khi hướng tới những ngành công nghiệp hàm lượng khoa học cao hơn. Điều quan trọng lúc này là nắm bắt cơ hội để phát triển song song những ngành khác, rút kinh nghiệm để giảm tối đa những hạn chế ngành công nghiệp gia công - chế biến mang lại như: lao động nhiều, sử dụng đất đai, hạ tầng nhiều.

Định hướng và giải pháp: Tạm thời làm gia công như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai ở các giai đoạn trước, khi đã tích lũy đủ về lượng, sẽ chuyển đổi về chất, ngành công nghiệp sẽ chuyển dần sang lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao.

4.2.3. Ngành dịch vụ

- Ngành Vận chuyển - Logistics - Cảng Quốc tế: Yếu tố đột phá cho phát triển bền vững.

Như phân tích ở trên, Tiền Giang là điểm kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL, vì thế Tiền Giang hoàn toàn có thể làm trung tâm trung chuyển vận chuyển hàng hóa đi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác. Ngoài ra, bằng việc “Mở cảng quốc tế”, hàng hóa có thể tập kết về Tiền Giang và tỏa đi khắp nơi trong nước và trên thế giới.

Hiện tại, Tiền Giang chưa có cảng biển quốc tế. Theo Bản đồ Quy hoạch tạm thời, cần quy hoạch phần diện tích dọc theo biển Gò Công là có thể phát triển cảng, khu công nghiệp, dịch vụ du lịch tích hợp. Cảng Gò Công cách Cảng Hiệp Phước 20 km đường chim bay và vị trí ra Biển Đông thuận lợi hơn Cảng Hiệp Phước.

- Ngành Du lịch: Quy hoạch một phần diện tích đất dọc biển để phát triển du lịch, có thể là du lịch cao cấp với du thuyền và các hoạt động khác.

5. Kiến nghị

-Một là, căn cứ mục tiêu và định hướng đến năm 2041, tỉnh Tiền Giang cần ban hành các chính sách, hoàn chỉnh khung pháp luật để thực hiện các mục tiêu đề ra. Đồng thời, tìm hiểu các thông lệ giao dịch quốc tế để chuẩn bị sẵn những quy định pháp luật điều chỉnh các hoạt động giao dịch nội tỉnh, trong nước và xuất nhập khẩu sao cho gọn nhẹ và thuận lợi nhất.

Hai là, quy hoạch lại các vùng kinh tế, thay đổi tư duy quy hoạch thành “giữ vùng xanh - cho phép phát triển vùng khác”, trong đó chọn ra những vùng xanh phục vụ cho du lịch, nông nghiệp để gìn giữ, bảo tồn, cho phép các vùng khác thay đổi mục đích sử dụng đất với tiêu chí đảm bảo an ninh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm đất đai. Đề xuất thuê chuyên gia nước ngoài để quy hoạch lại các vùng kinh tế trên tiêu chí củaTỉnh đề ra.

Ba là, xây dựng Thương hiệu và Quy chuẩn cho nông sản Tiền Giang, quảng bá thương hiệu này ra quốc tế, khi giao dịch trên sàn thương mại, sẽ dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn. Điều này các địa phương khác đang làm nhưng chưa ai thực sự đầu tư, chỉ cần xây dựng được thương hiệu sản phẩm từ Tiền Giang và quảng bá ra thế giới, sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho kinh tế của tỉnh.

Bốn là, mạnh dạn quy hoạch và xin dự án mở cảng biển quốc tế tại Gò Công, nhằm phục vụ các giao dịch nông sản, sản phẩm công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của cả ĐBSCL. Phát triển Logistics thành ngành mũi nhọn của Tỉnh.

năm là, mở các trường đào tạo nhân sự quản lý, hải quan, nhân công lao động chất lượng cao.

 TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Policy Progress Support - From Millenium Institute [online]. Available at: https://isdgdoc.millennium-institute.org/en/docs/0102-policy-process.html.
  2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư. “Báo cáo kinh tế - xã hội Tiền Giang 2011”, <http://www.mpi.gov.vn/pages/tinbai.aspx?idTin=16988&idcm=516>.
  3. UBND Tiền Giang. (2015). Báo cáo số 219/BC-UBND ngày 15/11/2015 - Báo cáo tình hình kinh tế xã hội Tiền Giang 2015 - Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016.
  4. Tổng cục Thống kê, (2018). “Tình hình kinh tế - xã hội Tiền Giang 2017”, <http://thongketiengiang.gov.vn/Info.aspx?id=2412201795457960>.
  5. UBND Tiền Giang, (2018). Báo cáo số 249/BC-UBND ngày 14/11/2018 - Báo cáo tình hình kinh tế xã hội Tiền Giang 2018 - Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2019.
  6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, (2020). “Tình hình kinh tế - xã hội của Tiền Giang 2019”, <http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=45410&idcm=516&fbclid=IwAR2dkzPQ9kAyakXJSdQ5h-9aFd-7DtFCanOA3pcVWupgulZEPdjGIXSTZrk.
  7. UBND tỉnh Tiền Giang, (2021). “Báo cáo kinh tế - xã hội Tiền Giang 2020”, <http://tiengiang.gov.vn/chi-tiet-tin?/bao-cao-tom-tat-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-tinh-tien-giang-nam-2020/27584406>.
  8. Công Nghĩa, (2021). “Phát triển kinh tế - xã hội Đồng Nai 2020, thành quả từ những nỗ lực vượt khó”, <http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202012/phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2020-thanh-qua-tu-no-luc-vuot-kho-3033299/>.
  9. Hoàng Mẫn, (2021). “Bình Dương - GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 150 triệu đồng”, <https://dangcongsan.vn/kinh-te/binh-duong-grdp-binh-quan-dau-nguoi-nam-2020-dat-tren-150-trieu-dong-570315.html>.
  10. UBND tỉnh Long An, (2021). Báo cáo số 234/BC-UBND ngày 21/01/2021 - Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Long An 2020 - Định hướng phát triển kinh tế - xã hội 2021.

The sustainable development of Tien Giang Province in the context of new opportunities: Ho Chi Minh City - Trung Luong - My Thuan Highway

 Master. Lam My Hanh

CEO, Thanh Hung Construction and Investment Joint Stock Company

ABSTRACT:

By studying current natural and social conditions, it reveals that Tien Giang Province has great economic development potential and it could achieve a high growth rate in the coming time without affecting the needs of future generations. Reviewing the successes of provinces which directly connect to Ho Chi Minh City such as Dong Nai, Binh Duong and Long An helps Tien Giang Province gain development experiences.

This paper is expected to help Tien Giang Province have an overview of the provincial sustainable development strategy. This paper is also serve a reference about the economic restructuring process of provinces in the Mekong Delta.

Keywords: sustainable development, economic structure, logictics, e-commerce platform of Tien Giang Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23, tháng 10 năm 2021]